Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Luật sư Trần Đức Phượng-Công Ty Luật Hợp Việt – Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 09:51 17-03-2014

Phần I: Vấn đề chung

-           Vấn đề 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp

            Ý kiến 1: Không nên tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh mà nên tập chung vào các dịch vụ đăng ký doanh nghiệp như thông qua doanh nghiệp dịch vụ. Hiện nay việc đăng ký kinh doanh được thực hiện mở rộng đến tận nhà (nhận và trả kết quả qua bưu điện) sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn phát sinh sau này. Một số nước trên thế giới cho phép các công ty dịch vụ được đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước, công ty dịch vụ này sẽ chịu trách nhiệm pháp lý về hồ sơ mình đăng ký kinh doanh.

-           Vấn đề 2: ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh khi đăng ký kinh doanh

      Ý kiến 2: đồng ý Phương án 2: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; người thành lập doanh nghiệp chỉ phải ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nếu họ dự kiến kinh doanh ngành nghề kinh doanh đó.

      Theo phương án này, bên giao dịch với doanh nghiệp mới có thể biết doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định pháp luật nhằm quyết định việc nên hay không nên tham gia giao dịch với doanh nghiệp nhằm tránh rủi ro cho chính mình.

Phần II: Những vấn đề chung của công ty TNHH và công ty cổ phần

-           Vấn đề 3: Khoản 4 Điều 16 quy định về trường hợp vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ...... thì Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty hợp danh cử người khác làm đại diện theo pháp luật của công ty

            Ý kiến 3: cần phải quy định thời hạn cụ thể để cử khác làm đại diện theo pháp luật của công ty. Nếu quá thời hạn mà không có người đại diện theo pháp luật của công ty thì trong trường hợp có tranh chấp thì Tòa án, cơ quan nhà nước cho thể chỉ định một cá nhân quản lý và chi phí quản lý do công ty chịu.

-           Vấn đề 4: Điều 63 quy định thủ tục thông qua quyết định của Hội đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản

            Ý kiến 4: cần quy định có sự tham gia của Ban kiểm soát (nếu có Ban kiểm soát) để Ban kiểm soát thực hiện vai trò, quyền hạn của mình và đảm bảo thủ tục lấy ý kiến bằng văn bản chính xác, hợp pháp.

            (Vấn đề này cần quy định tương tự như trong công ty cổ phần)

-           Vấn đề 5: Điều 66 quy định về thông báo người có liên quan

            Ý kiến 5: Cần quy định việc thông báo người có liên quan bằng văn bản gửi đến Ban kiểm soát (nếu có Ban kiểm soát). Nếu quy định việc xem, trích lục và sao một phần hoặc toàn bộ nội dung thông tin lưu giữ tại Công ty trong giờ làm việc như Khoản 3 Điều 66 thì không đảm bảo công khai thông tin kịp thời, minh bạch và độc lập. Do vậy, cần bổ sung và Khoản 3 Điều 66 về thông báo người có liên quan và Điều 146 về quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát: "phải thông báo bằng văn bản gửi đến Ban kiểm soát (nếu có Ban kiểm soát)"

            (Vấn đề này cần quy định tương tự như trong công ty cổ phần)

-           Vấn đề 6: quy định về quyền khởi kiện

            Điều 67: Thành viên công ty tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác vi phạm nghĩa vụ của người quản lý. Chi phí trong trường hợp khởi kiện nhân danh công ty được tính vào chi phí của công ty.

 Điều 141: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty.

            Ý kiến 6:

            Việc thành viên công ty/cổ đông nhân danh công ty khởi kiện thì được thanh toán là một quy định quan trọng giải quyết được quyền của thanh viên công ty/cổ đông.

            Tuy nhiên, thành viên công ty/cổ đông không thể nhân danh công ty vì không phù hợp với quy định Bộ luật dân sự, quy định của Luật doanh nghiệp về người đại diện của doanh nghiệp. Mặt khác, trên thực tế không thể xác định hoặc thực hiện được khi nộp đơn khởi kiện tại tòa án. Ngoài ra, chi phí khởi kiện chỉ được thanh toán khi có hành vi vi phạm, như vậy nhằm tránh hoặc hạn chế việc khởi kiện không đúng.

            Dự thảo Luật doanh nghiệp cần nghiên cứu và xém xét quy định theo hướng:

            -           Không nên quy định phân biệt việc nhân danh công ty hay với tư cách cá nhân.

            -           Cần quy định thành viên công ty/cổ đông được thanh toán chi phí khởi kiện hợp lý nếu có hành vi vi phạm của người quản lý (Công ty TNHH) và Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc (Công ty cổ phần).

            -           Việc khởi kiện của thành viên công ty/cổ đông đòi hỏi phải có sự hỗ trợ người có chuyên môn cao, đặc biệt là về pháp lý do vậy cần trả cả chi phí hợp lý cho luật sư. 

Phần III: Công ty TNHH 2 thành viên

-           Vấn đề 7: Điều 56 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty quy định " Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định".

            Ý kiến 7: cần quy định một số quyền và nghĩa vụ cơ bản của Ban kiểm soát để nhằm tránh trường hợp cổ đông lớn dùng quyền biểu quyết áp đặt thông qua nội dung Điều lệ công ty, từ đó dẫn đến Ban kiểm soát không thực hiện vai trò, quyền hạn tối thiểu của mình.

-           Vấn đề 8: Khoản 2 Điều 59 quy định về triệu tập họp Hội đồng thành viên

Ý kiến 8: phải quy định bổ sung thêm tài liệu họp phải được gửi cho thành viên công ty trước khi họp: "quyết định bán tài sản có giá trị thuộc thẩm quyền Hội đồng thành viên".

Phần IV: Công ty cổ phần

-           Vấn đề 9: Điều 118 quy định về mời họp Đại hội đồng cổ đông

Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp và các tài liệu kèm theo đến tất cả các cổ đông bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông; kèm theo thông báo mời họp phải có mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp.

            Ý kiến 9: Trên thực tế thì người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông lại đưa những thông tin có tính chất không công bằng qua việc "hướng dẫn" hay ghi những người nhận ủy quyền cụ thể (ghi chính tên người được ủy quyền là người triệu tập Đại hội đồng cổ đông). Do đó, để đảm bảo sự công bằng và khách quan trong quá trình bầu cử, biểu quyết của Đại hội đồng cổ đông thì Luật Doanh nghiệp cần quy định "thông báo mời họp và các tài liệu, mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp không được hướng dẫn hay ghi những người nhận ủy quyền cụ thể".

Các văn bản liên quan