Ý kiến của Bà Ngô Thị Hà tại Tọa đàm góp ý định hướng sửa đổi Luật doanh nghiệp 2005 -VCCI ngày 09.12.2013

Thứ Hai 18:39 09-12-2013

Một số ý kiến tham gia buổi “Tọa đàm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia về các vấn đề cần sửa đổi của Luật doanh nghiệp 2005”

VCCI, 09/12/2013                

 

  Ngô Thị Hà

                                                                         Luật sư, Chuyên viên pháp chế

                                                                   Phòng Pháp chế - Ngân hàng PG Bank

1.       Kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện (tỷ lệ) họp hợp lệ và thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ)

-           Theo Điều 102 Luật doanh nghiệp năm 2005, cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định thì được triệu tập họp lần thứ hai. Cuộc họp của ĐHĐCĐ triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.  

Theo đó, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định điều kiện để tiến hành họp ĐHĐCĐ với tỷ lệ rất cao (lần thứ nhất là ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và lần thứ hai là ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết).

-           Với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, đối với các công ty cổ phần có ít cổ đông thì việc triệu tập ĐHĐCĐ có thể là đơn giản, tuy nhiên, đối với các công ty đại chúng có vài hàng trăm, thậm chí là vài nghìn cổ đông thì việc triệu tập cổ đông đạt tỷ lệ theo luật định thì quả là việc không hề đơn giản. Trên thực tế, đã có nhiều công ty cổ phần đại chúng đã không thể tiến hành họp ĐHĐCĐ vì không đạt được tỷ lệ theo quy định.

-           Những quy định này gây quan ngại cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, gây khó khăn cho các Công ty cổ phần đại chúng, đặc biệt là các công ty niêm yết, trong việc tổ chức họp ĐHĐCĐ.

-           Vì vậy, liên quan đến vấn đề này, kiến nghị sửa đổi Luật doanh nghiệp năm 2005 theo tinh thần cam kết gia nhập WTO của Việt Nam tức là chấp thuận tỷ lệ được tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ theo hướng lần thứ nhất chỉ cần tối thiểu 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, và tỷ lệ giảm dần trong các lần tổ chức họp kế tiếp.

2.       Kiến nghị sửa đổi quy định về thành lập Ban Kiểm soát trong công ty cổ phần

-           Tại điều 95 Luật doanh nghiệp có quy định, Công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.

-           Như vậy, việc quy định như tại Điều 95 Luật doanh nghiệp năm 2005 có thể dẫn đến cách hiểu là, công ty cổ phần chỉ phải thành lập BKS trong hai trường hợp (i) khi CTCP có trên 11 cổ đông là cá nhân, mà không cần quan tâm đến có bao nhiêu cổ đông là tổ chức và tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ; và (ii) khi có cổ đông là tổ chức chiếm trên 50% tổng số cổ phần của công ty. Với quy định này, rõ ràng là chưa hợp lý và chưa phù hợp với thực tế hoạt động của Công ty cổ phần khi mà công ty có nhiều cổ đông là tổ chức (có thể tỷ lệ chưa đến 50%) nhưng việc thành lập Ban kiểm soát cũng rất cần thiết.

-           Vì vậy, kiến nghị sửa đổi quy định về thành lập Ban kiểm soát trong công ty cổ phần theo hướng: Công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.

3.       Kiến nghị bổ sung quy định về uỷ quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT

-           Luật doanh nghiệp năm 2005 chưa có quy định về những vấn đề mà ĐHĐCĐ không được ủy quyền cho HĐQT để hạn chế các trường hợp ĐHĐCĐ ủy quyền “tràn lan” cho HĐQT quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Thực chất, đây là để “lách” quy định về điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ và điều kiện về tỷ lệ thông qua quyết định của ĐHĐCĐ.

-           Trên thực tế, trong các công ty cổ phần thường có một vài cổ đông lớn nắm giữ số cổ phiếu biểu quyết áp đảo và các cổ đông này có quyền đề cử, ứng cử vào làm thành viên HĐQT với con số “áp đảo” các cổ đông bé.

-           Và vì, theo quy định của Luật doanh nghiệp thì HĐQT chỉ biểu quyết theo nguyên tắc đa số, thậm chí nếu số phiếu của hai bên ngang nhau thì quyết định sẽ thuộc về phía của Chủ tịch HĐQT. Vì thế, trong các công ty cổ phần này thường có tình trạng ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ trong khoảng thời gian giữa 02 kỳ đại hội thường niên, mà hầu như là ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định hầu hết các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ như quyết định về dự án đầu tư, các giao dịch, hợp đồng lớn, …. để từ đó các cổ đông lớn có những hành động thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho công ty và cổ đông khác. Các cổ đông thiểu số hầu như không thể chống lại quyết định uỷ quyền này của ĐHĐCĐ cho HĐQT do số phiếu biểu quyết của họ không đáng kể

-           Vì vậy, kiến nghị Luật doanh nghiệp bổ sung quy định rõ về giới hạn hoặc hạn chế việc ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

4.       Kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về quản trị và vận hành hộ kinh doanh

-           Về Hộ kinh doanh Luật doanh nghiệp năm 2005 hầu như “bỏ ngỏ”, Hộ kinh doanh hiện được quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

-           Nghị định 43/2010/NĐ-CP cũng chỉ mới dừng lại ở việc quy định thành lập, đăng ký hộ kinh doanh, còn vấn đề quản trị và vận hành hộ kinh doanh thì chưa có quy định cụ thể nào. Chính vì điều này, nên vấn đề quản trị và vận hành hộ kinh doanh đang đặt ra dấu hỏi lớn cho các chuyên gia pháp lý. Đặc biệt, trong trường hợp hộ kinh doanh một nhóm người cùng nhau góp vốn kinh doanh luôn luôn đòi hỏi một chế độ quản  trị hợp lý, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân góp vốn, về vấn  đề  trách  nhiệm của từng người đối với các khoản nợ của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP hiện chỉ quan  tâm tới người đại diện  cho  nhóm  và  không cần  biết tới từng người, và thỏa thuận giữa họ với nhau. 

-           Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung quy định làm rõ các vấn đề về chế độ quản trị điều hành, vận hành hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân cùng góp vốn thành lập. Pháp luật phải đưa ra cơ chế pháp lý rõ ràng, cụ thể để bản thân những người cùng góp vốn thành lập hộ kinh doanh có cơ sở pháp lý thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quản trị, điều hành hộ kinh doanh, trách nhiệm đối với các khoản nợ của hộ kinh doanh với bên thứ ba. Để bản thân Hộ kinh doanh có địa vị pháp lý rõ ràng trong mối quan hệ, trong việc ký kết các hợp đồng, giao dịch với khách hàng, đối tác.

Các văn bản liên quan