Ý kiến của Ông Nguyễn Ngọc Khánh tại Tọa đàm góp ý định hướng sửa đổi Luật doanh nghiệp 2005 -VCCI ngày 09.12.2013

Thứ Hai 18:33 09-12-2013

THAM LUẬN TẠI TỌA ĐÀM VỀ LUẬT DOANH NGHIỆP 2005

VCCI, ngày 09/12/2013

TS. LS Nguyễn Ngọc Khánh

Trưởng phòng Pháp chế Eurowindow Holding 

          Luật Doanh nghiệp 2005 gồm 10 chương, với dung lượng 172 điều, trong đó có nhiều quy định khá đầy đủ và chi tiết về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Có thể nói, Luật Doanh nghiệp 2005 đã phần nào là cuốn cẩm nang về địa vị pháp lý của doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông, về trình tự, thủ tục từ thành lập, tổ chức lại cho đến giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, trải qua hơn 7 năm thực hiện cho thấy, Luật Doanh nghiệp 2005 còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, để thực sự đáp ứng yêu cầu là một công cụ pháp lý hiệu quả điều chỉnh việc thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

           Năm 2011, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiến hành rà soát Luật Doanh nghiệp 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời tổ chức hội thảo về Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp 2005. Có thể nói, Báo cáo rà soát cùng các bài tham luận tại hội thảo hợp thành tài liệu tổng thể mang tính tham khảo cao, đánh giá có hệ thống, toàn diện, sâu sắc về thực trạng pháp luật doanh nghiệp và có nhiều khuyến nghị có căn cứ cả về lý luận và thực tiễn. Nay, do vậy, trong khuôn khổ 1 bài tham luận tọa đàm này và với thời gian nghiên cứu có hạn, chúng tôi xin phép chỉ trình bày về một số vấn đề cùng với kiến nghị, mà hoặc chưa được đề cập tại hội thảo trước, hoặc tuy có được đề cập nhưng chưa rõ vẫn cần trao đổi, tranh luận hoặc vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.     

1.     Về con dấu của doanh nghiệp  

a)    Về ý nghĩa pháp lý của con dấu doanh nghiệp

Tại khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Con dấu là tài sản của doanh nghiệp”. Điều này cũng tương tự nếu như chúng ta có một quy định rằng: “Sỏ đỏ cũng là tài sản của người chủ sở hữu của tài sản ghi trong sổ đỏ đó” vậy. Đành rằng, con dấu của doanh nghiệp là “rất quý giá, rất quan trọng” đối với bản thân doanh nghiệp, cũng như “Sổ đỏ” là “rất quý giá, rất quan trọng” đối với bản thân người chủ sở hữu tài sản ghi trong sổ đỏ đó. Thế nhưng, một điều hiển nhiên, không phải bất cứ thứ gì “rất quý giá, rất quan trọng” cũng có thể coi là tài sản. Có lẽ không cần tranh luận nhiều, trong các quan hệ xã hội nói chung cũng như trong các giao dịch dân sự - kinh tế nói riêng, thì “Sổ đỏ” không thể coi là “tài sản của người chủ sở hữu của tài sản ghi trong sổ đỏ đó”, cũng như “Con dấu” không thể coi là “tài sản của doanh nghiệp” theo đúng nghĩa về “Tài sản” đã được quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2005 và chịu sự chi phối của chế định tài sản đã được quy định trong Bộ luật dân sự 2005 (Tại Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”).

Trên phương diện pháp lý, theo chúng tôi, giá trị con dấu chủ yếu thể hiện ở chỗ: con dấu khi được sử dụng sẽ có ý nghĩa: (i) xác định người đã ký tên, đóng dấu là người có thẩm quyền đại diện cho doanh nghiệp; (ii) xác nhận các giấy tờ giao dịch, hồ sơ, tài liệu và ấn phẩm đã được đóng dấu là của và/hoặc có liên quan đến doanh nghiệp phát hành, và khi đã đóng dấu, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đã được ghi nhận tùy theo hình thức và nội dung của các giấy tờ giao dịch, hồ sơ, tài liệu và ấn phẩm đã được đóng dấu. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 1 Nghị định số 58/2001/NĐ-CP, theo đó “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”. Tất nhiên, dưới góc độ khoa học, giá trị pháp lý của con dấu có thể còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa, nhưng chắc chắn “những ý nghĩa khác nữa” này sẽ không liên quan khái niệm tài sản và chế định tài sản đã được quy định trong Bộ luật dân sự.

Do vậy, kiến nghị bỏ nội dung “Con dấu là tài sản của doanh nghiệp” tại khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005.  

b)    Về hình thức và nội dung con dấu của doanh nghiệp

Tại khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Doanh nghiệp có con dấu riêng… Hình thức và nội dung của con dấu… thực hiện theo quy định của Chính phủ”.    

Để con dấu thực sự “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp” theo đúng tinh thần Điều 1 Nghị định số 58/2001/NĐ-CP nêu trên, để phân biệt rõ giá trị pháp lý của các loại hình con dấu đối với doanh nghiệp (dấu tròn, dấu vuông, dấu ôvan, dấu ngày tháng, dấu tiếp nhận công văn…), đồng thời xuất phát từ quy định của Điều 33 Luật Doanh nghiệp cho phép tên doanh nghiệp được viết bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005 theo hướng sau:

-        Doanh nghiệp có dấu tròn;

-        Nội dung dấu tròn của doanh nghiệp phải ghi tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt và có thể được ghi tên doanh nghiệp bằng cả tiếng nước ngoài (theo tên đăng ký trong Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Quyết định thành lập…)[1].   

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, ví dụ như Luật Công ty TNHH và Luật Công ty CP của Liên bang Nga đều có quy định cho phép con dấu tròn của doanh nghiệp được viết bằng cả tiếng Nga và tiếng nước ngoài (hoặc tiếng các dân tộc Liên bang Nga).              

    

2.     Về vấn đề công khai, minh bạch điều lệ của doanh nghiệp

Điều lệ không chỉ là “văn bản quy phạm nội bộ” của doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành bắt buộc đối với mọi thành viên, cổ đông và với chính doanh nghiệp đó, mà còn là “văn bản pháp lý nhằm cá thể hóa doanh nghiệp với tư cách là một pháp nhân độc lập (hoặc một chủ thể độc lập) và cụ thể trong quan hệ xã hội”; ngoài ra, trong nhiều trường hợp, với mức độ và phạm vi nhất định, điều lệ doanh nghiệp còn ràng buộc cả những người có liên quan, những đối tác của doanh nghiệp; do đó mọi thành viên, cổ đông và những người có liên quan hoàn toàn có quyền được nhận đầy đủ và chính xác các thông tin về doanh nghiệp thể hiện trong điều lệ.

Vì vậy, Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi) cần bổ sung quy định, theo đó, khi có yêu cầu của các thành viên, cổ đông và những người có liên quan, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ, trong thời hạn hợp lý, cung cấp điều lệ, bao gồm cả sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho những người yêu cầu (với mức phí hợp lý). Trong trường hợp điều lệ doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung, thì điều lệ được sửa đổi, bổ sung đó chỉ có hiệu lực đối với người thứ ba sau khi doanh nghiệp đã thông báo hoặc thực hiện đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.     

3.     Về vốn điều lệ và góp vốn điều lệ   

Về vốn điều lệ và thời hạn góp vốn điều lệ đối với Công ty TNHH, Công ty CP, thì Luật Doanh nghiệp 2005 (tại khoản 6 Điều 4, khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 65, khoản 1 Điều 80, khoản 1 và khoản 4 Điều 84) quy định theo hướng “mở” hơn, trong khi đó, Nghị định 102/2010/NĐ-CP (từ khoản 1 – 4 của Điều 6) lại quy định theo hướng “đóng, thắt chặt” hơn. Vấn đề là nên theo hướng “mở” hơn của Luật Doanh nghiệp 2005 hay theo hướng “đóng, thắt chặt” hơn của Nghị định 102/2010/NĐ-CP? 

Như chúng ta đều biết, thực tế thời gian qua tại Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp sử dụng “vốn điều lệ ảo” trong các giao dịch, làm gia tăng các xung đột, tranh chấp liên quan đến vốn điều lệ ảo và vốn điều lệ thực góp. Trên phương diện pháp lý, vốn điều lệ chính là phạm vi trách nhiệm tài sản tối thiểu của doanh nghiệp mà đã được các thành viên, cổ đông cam kết. Thêm nữa, nghĩa vụ chính (hoặc một trong những nghĩa vụ chính) của bất cứ thành viên, cổ đông nào là phải góp đủ vốn, thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn nhất định (trong thời hạn cam kết hoặc trong thời hạn luật định). Do đó, pháp luật một số nước đều ấn định một thời hạn tối đa cho việc góp vốn điều lệ doanh nghiệp. Ví dụ như theo quy định của Liên bang Nga, đối với Công ty TNHH thì: việc góp vốn điều lệ được thực hiện trong thời hạn các thành viên cam kết, nhưng tối đa không vượt quá 1 năm, và ngay tại thời điểm đăng ký, vốn điều lệ của Công ty phải được các thành viên thực góp ít nhất 50%; đối với Công ty CP thì: công ty không được tiến hành các giao dịch (ngoại trừ các giao dịch liên quan việc thành lập doanh nghiệp) nếu vốn điều lệ chưa được thanh toán 50%.    

Với những lý do trên, việc Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định về vốn điều lệ và thời hạn góp vốn điều lệ theo hướng “đóng, thắt chặt” hơn Luật Doanh nghiệp 2005 là hợp lý. Tuy nhiên, nếu vẫn để thời hạn tối đa góp đủ vốn điều lệ đối với Công ty TNHH là 36 tháng như quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định 102/2010/NĐ-CP thì hơi dài. Do đặc thù của Công ty TNHH (mối quan hệ tin cậy, gắn bó giữa các thành viên) có khác với Công ty CP, thời hạn này không nhất thiết phải là 90 ngày (như đang áp dụng đối với Công ty CP) mà có thể cân nhắc là 180 ngày (6 tháng) hoặc tối đa là 1 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên.                        

Kiến nghị:

-        Trên cơ sở kế thừa nội dung quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP về vốn điều lệ Công ty TNHH và Công ty CP, đề nghị tách khoản 6 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thành 2 điều khoản riêng biệt, trong đó, một điều khoản quy định về vốn điều lệ của Công ty TNHH, một điều khoản quy định về vốn điều lệ của Công ty CP (vì vốn điều lệ của Công ty TNHH và vốn điều lệ của Công ty CP là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau).

-        Đối với Công ty CP, sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005 trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP về thời hạn tối đa mà số cổ phần thuộc vốn điều lệ phải được thanh toán đủ là 90 ngày.

-        Đối với Công ty TNHH, sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005 theo hướng ấn định thời hạn tối đa mà các thành viên phải góp đủ vốn điều lệ là 6 tháng hoặc 1 năm.    

        

4.     Về quyền khởi kiện của thành viên, cổ đông

a)    Về quyền khởi kiện của thành viên, cổ đông đối với người quản lý doanh nghiệp (Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐQT, Giám đốc/Tổng Giám đốc)  

Nhất trí với một số ý kiến là trong Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi) cần bổ sung quy định về quyền khởi kiện của thành viên, cổ đông đối với người quản lý doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP (Điều 19, Điều 25). Tuy nhiên, các trường hợp (hay các căn cứ) mà thành viên, cổ đông có quyền khởi kiện như đã được quy định tại Điều 19 và Điều 25 của Nghị định là quá rộng, dễ gây khiếu kiện tràn lan. 

Theo chúng tôi, chỉ những vi phạm của người quản lý doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại vật chất (tức là chỉ những vi phạm cấu thành vật chất) cho doanh nghiệp thì thành viên, cổ đông mới có quyền khởi kiện. Còn đối với các vi phạm của người quản lý doanh nghiệp mà không gây thiệt hại về vật chất thì chỉ xử lý bằng các biện pháp hành chính trong doanh nghiệp, như xử lý vi phạm kỷ luật, miễn nhiệm, cách chức…

Kiến nghị:

Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi) cần bổ sung quy định về quyền khởi kiện của thành viên, cổ đông đối với người quản lý doanh nghiệp theo hướng: thành viên, cổ đông có quyền khởi kiện yêu cầu người quản lý doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp do hành vi vi phạm của người quản lý doanh nghiệp đó.          

b)    Về quyền khởi kiện của thành viên, cổ đông đối với giao dịch giao kết, thực hiện vi phạm quy định của khoản 1 Điều 75, khoản 2, khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2005    

Luật Doanh nghiệp 2005 thiếu quy định về quyền của thành viên, cổ đông được khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu do giao kết, thực hiện vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 75, khoản 2, khoản 3 Điều 120 của luật.

Kiến nghị:  

Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi) cần bổ sung quy định về quyền của thành viên, cổ đông được khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu do giao kết, thực hiện vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 75, khoản 2, khoản 3 Điều 120 của luật. Tuy nhiên, cũng tương tự như trên, để tránh tình trạng khiếu kiện tràn lan hoặc khiếu kiện không cần thiết, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, đồng thời để đảm bảo nguyên tắc “tiết kiệm” trong hoạt động tố tụng, trong Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi) cần bổ sung quy định theo hướng: đối với các giao dịch nêu trên, Tòa án có quyền từ chối giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu nếu có căn cứ cho rằng, các giao dịch đó không gây thiệt hại về vật chất hoặc không gây các hậu quả bất lợi khác cho doanh nghiệp.  

5.     Kiến nghị một số vấn đề khác cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Doanh nghiệp 2005  

-        Liên quan vấn đề phát hành trái phiếu, đề nghị bổ sung quy định về quyền phát hành trái phiếu của Công ty TNHH.

-        Liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện, để làm rõ hơn mối quan hệ giữa chi nhánh, văn phòng đại diện với doanh nghiệp, đề nghị bổ sung quy định theo hướng: Chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động nhân danh doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện.     

-        Liên quan đến thời điểm thành lập doanh nghiệp: tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Luật Doanh nghiệp có nhắc đến “trường hợp doanh nghiệp được thành lập…; trường hợp doanh nghiệp không được thành lập”; trong khi đó, tại khoản 2 Điều 38, khoản 2 Điều 63, khoản 2 Điều 77, khoản 2 Điều 130 của luật lại chỉ quy định: doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD. Do vậy, để quy định giữa các điều khoản này thống nhất và chặt chẽ hơn, đề nghị sửa lại quy định tại khoản 2 Điều 38, khoản 2 Điều 63, khoản 2 Điều 77, khoản 2 Điều 130 của Luật Doanh nghiệp 2005 theo hướng: doanh nghiệp được thành lập và có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD.      

-        Liên quan vấn đề nhóm công ty, đề nghị bổ sung khái niệm doanh nghiệp liên kết: Đề nghị rà soát Thông tư số: 66/2010/TT-BTC “HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG TRONG GIAO DỊCH KINH DOANH GIỮA CÁC BÊN CÓ QUAN HỆ LIÊN KẾT”, qua đó chọn lọc, kế thừa những quy định hợp lý đã được kiểm nghiệm trên thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế về doanh nghiệp liên kết, ví dụ như quy định: Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia; hoặc, Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai; hoặc, Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng; bố, mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột… thì được coi là các “doanh nghiệp liên kết”. 



[1] Theo Điều 8 của Thông tư số: 07/2010/TT-BCA thì: “Cơ quan, tổ chức có nhu cầu làm biểu tượng hoặc chữ nước ngoài hoặc tên viết tắt trong nội dung con dấu, ngoài các thủ tục quy định tại Điều 4 Thông tư này, phải có văn bản đề nghị với cơ quan Công an nơi cấp Giấy phép làm con dấu giải quyết (đối với doanh nghiệp thì đề nghị cơ quan Công an nơi đăng ký mẫu dấu)”. Tuy nhiên, thứ nhất, đối với doanh nghiệp thì nội dung này không rõ; thứ hai, đây cũng chỉ là văn bản dưới luật.

Các văn bản liên quan