Công văn góp ý của VCCI đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá

Thứ Hai 11:21 11-11-2013

Số:  2898   /PTM-PC

Vv: góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành

một số điều của Luật Giá về thẩm định giá

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2013

Kính gửi: Cục Quản lý giá

                  Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 11226/BTC-QLG của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá (Nghị định 89) nên các quy định phải cụ thể, rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng và phải thống nhất với các quy định tại văn bản được hướng dẫn. Tuy nhiên, một số quy định tại Dự thảo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, hoàn thiện:

1.      Về hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký hành nghề thẩm định giá (Điều 3)

-         Văn bản xác nhận về tỷ lệ vốn góp của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần:

Điểm b khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định chi tiết về loại văn bản này và quy định này là vượt quá (và vì vậy mâu thuẫn) quy định tại Nghị định 89 và Luật Giá, thể hiện ở các điểm:

+ Theo pháp luật chuyên ngành, Luật Giá không áp đặt điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp thẩm định giá mà chỉ quy định về giới hạn tỷ lệ vốn góp của thành viên là tổ chức trong công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần (Điều 39). Nghị định 89 hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cũng quy định tương ứng rằng trong hồ sơ phải có “tài liệu chứng minh về mức vốn góp của thành viên là tổ chức đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần” (Điều 14). Nói cách khác, Luật và Nghị định chỉ quy định về điều kiện (và giấy tờ chứng minh) về tỷ lệ vốn góp của thành viên là tổ chức trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá là Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và Công ty cổ phần.

Trong khi đó, Dự thảo lại quy định doanh nghiệp phải có số tiền vốn ký quỹbị phong tỏa cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (nếu góp bằng tiền) và phải có chứng thư giám định giá (nếu góp bằng tài sản). Đây là các điều kiện hoàn toàn không có trong quy định của Luật Giá và Nghị định 89.

Chú ý là: Nếu chỉ là hướng dẫn quy định của Luật Giá và Nghị định 89 về tỷ lệ vốn góp thì chỉ cần Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là có thể có đầy đủ thông tin này (trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thông tin về cổ đông sáng lập/thành viên góp vốn; số cổ phần/số vốn góp, từ những thông tin này có thể xác định được tỷ lệ số cổ phần/vốn góp của cổ đông/thành viên so với vốn điều lệ của doanh nghiệp).

+ Theo pháp luật doanh nghiệp chung, liên quan tới công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần, việc góp vốn của các cổ đông sáng lập/thành viên góp vốn cho phép có một khoảng thời gian để hoàn thành việc góp vốn theo cam kết. Nói cách khác, các cổ đông/thành viên góp vốn không phải chứng minh về năng lực tài chính của mình tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, cũng không phải nộp ngay phần vốn góp tại thời điểm thành lập doanh nghiệp. Do đó, quy định tại Dự thảo về việc cổ đông sáng lập/thành viên phải có số tiền vốn ký quỹ và bị phong tỏa là không phù hợp với pháp luật doanh nghiệp về việc góp vốn.

Ngoài ra, đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản, theo quy định của Luật Doanh nghiệp (Điều 30) thì tài sản góp vốn có thể được định giá theo sự thỏa thuận của các thành viên góp vốn/cổ đông. Do đó, quy định tại Dự thảo về việc tài sản góp vốn phải có chứng thư thẩm định giá là không phù hợp với pháp luật doanh nghiệp.

+ Góp ý tương tự đối với yêu cầu phải có “văn bản xác nhận của doanh nghiệp kiểm toán độc lập về mức vốn hiện của thuộc sở hữu của doanh nghiệp đó được ghi trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất” (đối với trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động) của Dự thảo.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3.

-         Nghĩa vụ thông báo khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (điểm d khoản 2 Điều 3): Dự thảo quy định “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá doanh nghiệp, doanh nghiệp thẩm định giá phải công bố nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trên một trong các tờ báo viết hoặc báo điện tử trong 03 số liên tiếp”. Luật Giá và Nghị định 89 không thấy có quy định về nghĩa vụ này. (Chú ý: pháp luật doanh nghiệp có quy định về việc đăng báo sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh – Tuy nhiên, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong trường hợp này chỉ là loại Giấy phép chuyên ngành, không phải loại giấy tờ tương đương Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và vì vậy quy định tại Dự thảo cũng không phù hợp với pháp luật chung về doanh nghiệp).

Do đó, Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này..

2.      Hồ sơ thẩm định giá (Điều 5)

-         Về trách nhiệm lập hồ sơ thẩm định giá của Thẩm định viên về giá hành nghề: Theo Khoản 1 Điều 5 thì các quy định về thu thập, lưu hồ sơ thẩm định giá áp dụng cả cho doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá hành nghề.

Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 89 thì thẩm định viên về giá không hành nghề độc lập mà phải trong một doanh nghiệp thẩm định giá nào đó. Như vậy việc cả thẩm định giá và doanh nghiệp cùng phải lưu hồ sơ thẩm định giá có cần thiết không?

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về “thẩm định viên về giá hành nghề”.

3.      Chế độ báo cáo (Điều 6)

-         Về các loại Báo cáo: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Dự thảo thì doanh nghiệp thẩm định giá phải nộp các loại báo cáo sau: Báo cáo 6 tháng, Báo cáo năm, Báo cáo tài chính.

Một số doanh nghiệp cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện báo cáo hai lần trong năm về cùng nội dung có thể gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp trong khi trên thực tế, các công cụ quản lý hiện tại đối với lĩnh vực này đã đủ để cơ quan nhà nước có thể quản lý được (các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp; xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về thẩm định giá, các chương trình tập huấn đào tạo, cập nhật cho các thẩm định viên về giá, ...). Hơn nữa, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp Báo cáo tài chính năm là chưa hợp lý, bởi kinh doanh dịch vụ thẩm định giá không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn và cần phải kiểm soát về vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh có tính chất dịch vụ này.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo 6 tháng và báo cáo tài chính năm (chỉ còn báo cáo hoạt động theo năm).

-         Về nội dung báo cáo: Theo Mẫu tại Phụ lục 4 Dự thảo thì báo cáo bao gồm nhiều nội dung, trong đó có mục 3 về “Hoạt động thẩm định giá trong kỳ báo cáo” có nhiều nội dung chưa rõ, không phù hợp, hoặc đòi hỏi quá nhiều ở doanh nghiệp và không rõ cơ quan nhà nước cần những thông tin này để làm gì, ví dụ:

+ Nội dung báo cáo về “việc chấp hành pháp luật thẩm định giá về điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá” là thế nào? Luật Giá, Nghị định 89 và cả thông tư này đều chỉ quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh? Tại sao không quy định đơn giản là báo cáo về số lượng thẩm định viên, tỷ lệ vốn của tổ chức là thành viên doanh nghiệp trong vốn điều lệ?

+ Nội dung báo cáo về việc chấp hành pháp luật thẩm định giá về ký kết hợp đồng và thanh lý hợp đồng thẩm định giá” có trùng lặp với Bảng báo cáo tại mục 3.3.1 sau đó (trong đó có báo cáo về số lượng hợp đồng thẩm định đối với từng loại tài sản...)? Báo cáo về thanh lý hợp đồng là báo cáo cái gì (số lượng thanh lý hay nội dung thanh lý”

+ Nội dung báo cáo về việc chấp hành pháp luật thẩm định giá về báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá” cần được hiểu là thế nào: Báo cáo về kết quả thẩm định giá chi tiết từng vụ việc hay số lượng vụ việc? Nếu là chi tiết thì nêu rõ nội dung từng kết quả thẩm định giá chăng? Chấp hành pháp luật về “Chứng thư thẩm định giá” là như thế nào – nếu là quy trình và phương pháp thẩm định để cấp thì đã có quy định phải báo cáo rồi?

+ Nội dung báo cáo về “việc chấp hành pháp luật thẩm định giá về chế độ báo cáo” là thế nào? Bản thân báo cáo đã là đang thực hiện “chế độ báo cáo” rồi. Hơn nữa, doanh nghiệp chấp hành chế độ báo cáo không thì Bộ là chủ thể biết rõ, đầy đủ và chính xác nhất (sao lại để doanh nghiệp tự khai)?

+ Nội dung báo cáo về “việc chấp hành pháp luật thẩm định giá về các quy định khác” đồng nghĩa với việc tất thảy các quy định của pháp luật thẩm định giá doanh nghiệp đều phải báo cáo hết. Như vậy doanh nghiệp làm thế nào để báo cáo cho hết?

Vì vây, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định về nội dung phần báo cáo này theo hướng:

+ Chỉ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về những nội dung mà Nhà nước cần quản lý và không trùng lặp với các nội dung khác trong Mẫu báo cáo

+ Đối với mỗi vấn đề yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, nêu rõ thông tin cần báo cáo (ví dụ báo cáo về số lượng chứng thư được cấp, quy trình thẩm định...)

-         Về trách nhiệm giải trình: điểm b khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định trách nhiệm “giải trình bằng văn bản ... về các nội dung chưa rõ trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá do doanh nghiệp thực hiện”.

Quy định này có được hiểu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá của từng khách hàng hay không? Và cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát đến kết quả của thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá của từng vụ việc mà doanh nghiệp giải quyết, yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình nếu thấy rằng những kết quả này là chưa rõ ràng?

Nếu quy định này được hiểu theo cách trên thì đây dường như là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm với các kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá mà mình ban hành và sẽ bị ràng buộc trách nhiệm trong Hợp đồng với khách hàng. Nếu có sai sót, doanh nghiệp thẩm định giá phải bồi thường theo quy định của pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước can thiệp khi có sự khiếu nại, tố cáo của khách hàng bằng các công cụ quản lý đã được quy định khá rõ ràng trong Dự thảo cũng như Nghị định 89. Do vậy, việc quy định cơ quan nhà nước can thiệp vào từng kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá là không cần thiết và là can thiệp sâu vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp mà pháp luật bảo vệ.

Hơn nữa, ngay cả khi thực hiện việc kiểm soát này thì cơ quan quản lý Nhà nước dựa vào tiêu chí nào để xác định kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá là “chưa rõ”? và khi được yêu cầu thì doanh nghiệp “giải trình” như thế nào về các chứng thư đã thực hiện và có hiệu lực rồi? Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không giải trình được hoặc giải trình rồi nhưng cơ quan quản lý vẫn thấy không rõ thì có làm thay đổi gì hiệu lực của các chứng thư liên quan được không?

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

4.      Về Cơ sở dữ liệu về thẩm định giá

-         Về loại cơ sở dữ liệu (khoản 1):

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 thì có thể hiểu là có 03 loại cơ sở dữ liệu (một là của cơ quan Nhà nước ở Trung ương, một là của cơ quan Nhà nước ở địa phương, và một là của riêng từng doanh nghiệp).

Việc hình thành cũng như nguồn thông tin cho các loại cơ sở dữ liệu này là hoàn toàn khác nhau (ít nhất là khác nhau giữa cơ sở dữ liệu của cơ quan Nhà nước và cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp). Do đó, cách quy định chung nội dung cơ sở dữ liệu và nguồn thông tin cho 2 loại khác nhau này là không thích hợp.

Hơn nữa, đối với doanh nghiệp, Điều 5 đã quy định về Hồ sơ thẩm định giá (trong đó có tất cả các thông tin chi tiết liên quan tới hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp). Vì vậy, việc quy định thêm trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu về thẩm định giá tại từng doanh nghiệp có lẽ là không cần thiết.

Đề nghị Ban soạn thảo chỉ quy định về cơ sở dữ liệu thẩm định giá của cơ quan Nhà nước (bỏ khoản 2 Điều 8).

-         Về nguồn thông tin (khoản 4):

+ Tương ứng với đề nghị bỏ quy định về cơ sở dữ liệu thẩm định giá tại doanh nghiệp nên đề nghị bỏ nguồn ”Thông tin về tài sản được thẩm định giá do doanh nghiệp thực hiện thẩm định giá”

+ Nếu cơ sở dữ liệu chỉ áp dụng đối với cơ quan Nhà nước thì một nguồn thông tin quan trọng phục vụ cơ sở dữ liệu là từ các báo cáo định kỳ của doanh nghiệp thẩm định giá gửi Bộ Tài chính. Vì vậy đề nghị bổ sung thêm nguồn này.

-         Về việc sử dụng dữ liệu:

Khoản 5 Điều 8 quy định ”Bộ Tài chính .... cung cấp thông tin về giá... theo yêu cầu của tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật”

Cần làm rõ ”pháp luật” nào quy định về việc tổ chức cá nhân có thể yêu cầu Bộ cung cấp thông tin trừ khi trong cơ sở dữ liệu về thẩm định giá chỉ toàn các dữ liệu thuộc diện tự do công khai/cung cấp.

-         Về nội dung cơ sở dữ liệu

Khoản 3 quy định nội dung của cơ sở dữ liệu là ”thông tin về giá tài sản được thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá”. Thông tin này có nội dung cụ thể, chi tiết tới đâu? Liệu có mâu thuẫn với quy định về bảo mật và chỉ công khai thông tin về thẩm định trong các trường hợp hạn chế tại Điều 5 Dự thảo không? (chú ý về khoản 5 Điều 8 cho phép cả các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các thông tin trong cơ sở dữ liệu).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các chi tiết về loại thông tin này trong Cơ sở dữ liệu.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan