Công văn góp ý của VCCI đối với Dự thảo Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra

Thứ Năm 13:42 03-10-2013

Số: 2534 /PTM-PC

V/v: Góp ý dự thảo Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2013

Kính gửi: Tổng cục Thủy sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Trả lời Công văn số 2123/BNN-TCTS ngày 26/6/2013 của Quý Cơ quan về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra (sau đây gọi là Dự thảo), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có ý kiến như sau:

I.               Về sự cần thiết của Nghị định (Bản Thuyết minh)

Sản xuất và xuất khẩu cá tra là một trong những chiến lược mũi nhọn của thủy sản Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù vậy, những biến động về thị trường và sản xuất trong thời gian gần đây của ngành này cho thấy nhiều dấu hiệu phát triển không bền vững, gây thiệt hại cho người nuôi cá tra cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra và xa hơn, có thể tác động xấu tới tương lai của việc xuất khẩu sản phẩm này.

Trong bối cảnh này, một cơ chế quản lý hiệu quả, có định hướng nhằm phát triển ngành này một cách ổn định, hiệu quả và bền vững có thể là cần thiết.

Tuy nhiên, mặc dù cá tra hiện đang đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc ban hành một Nghị định riêng cho sản xuất và xuất khẩu cá tra chỉ hợp lý và không tạo ra tiền lệ xấu trong hệ thống pháp luật (tiền lệ về việc mỗi loại thủy sản, hoặc mỗi loại sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn lại có một cơ chế quản lý riêng, bởi một Nghị định riêng) nếu cơ chế quản lý theo Nghị định thuộc một trong hai trường hợp: hoặc là hình thức “thí điểm” đối với một loại thủy sản xuất khẩu mũi nhọn để sau đó áp dụng trên diện rộng cho tất cả các loại thủy sản xuất khẩu mũi nhọn; hoặc là hình thức quản lý chỉ áp dụng riêng cho cá tra bởi đây là loại đặc thù.

Bản Thuyết minh hiện tại của Dự thảo chưa làm rõ được Nghị định này đang lựa chọn đi theo hướng nào trong 02 hướng nêu trên, và cũng chưa có thông tin, lập luận nào để làm căn cứ cho lựa chọn đó.

(i)             Trường hợp Nghị định là hình thức thí điểm (đối với cá tra) để sau đó áp dụng cho các loại thủy sản xuất khẩu trọng điểm:

Ban soạn thảo cần giải trình rõ về việc thử nghiệm/thí điểm này, bao gồm ít nhất là các thông tin về:

-        Lý do lựa chọn cá tra để thí điểm (tại sao không phải là các mặt hàng thủy sản xuất khẩu mũi nhọn khác);

-        Dự kiến/ kế hoạch áp dụng ở diện rộng hơn như thế nào trong trường hợp thí điểm thành công và ngược lại?

(i)             Trường hợp Nghị định là cơ chế quản lý riêng chỉ áp dụng cho mặt hàng cá tra

Trong trường hợp này, Bản thuyết minh của Ban soạn thảo cần thiết phải trả lời được các câu hỏi sau:

-        Tại sao phải có cơ chế quản lý riêng đối với cá tra?

Mặc dù là loại thủy sản xuất khẩu có kịm ngạch lớn, cá tra không phải loại thủy sản mũi nhọn xuất khẩu duy nhất của thủy sản Việt Nam (ít nhất còn có tôm, với kim ngạch cao hơn cá tra). Cá tra cũng không phải loại sản phẩm duy nhất gặp khó khăn và phát triển thiếu ổn định.

Vì vậy, một Nghị định riêng điều chỉnh việc sản xuất và xuất khẩu cá tra chỉ thực sự cần thiết nếu chứng minh được rằng việc sản xuất và xuất khẩu cá tra có những khác biệt đặc biệt, hoàn toàn khác so việc sản xuất, xuất khẩu bất kỳ loại thủy sản nào, và vì vậy cơ chế quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững và lợi ích xuất khẩu của cá tra không thể áp dụng chung cho bất kỳ loại thủy sản nào.

Bản thuyết minh về Dự thảo này của Quý Cơ quan chưa nêu được bất kỳ lập luận nào về các vấn đề này.

-        Tại sao phải quản lý cá tra bằng các biện pháp như dự kiến trong Nghị định này mà không phải các biện pháp khác?

Quản lý sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nói chung và các sản phẩm xuất khẩu nói riêng là cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều công cụ pháp lý để thực hiện việc quản lý này (ví dụ trong trường hợp cụ thể này, các biện pháp đó có thể là siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất/ sản phẩm, tăng cường các biện pháp kiểm soát… hiện đang có) mà không phải bổ sung các biện pháp quản lý mới với tính chất là những điều kiện kinh doanh mới.

+ Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn, việc cải cách thủ tục hành chính, giảm thiếu phiền hà để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang được Chính phủ đẩy mạnh, việc ban hành một Nghị định với nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính mới chỉ có thể là cần thiết nếu các biện pháp khác không thể mang lại hiệu quả mong muốn;

+ Cần đảm bảo rằng các giải pháp quản lý trong Nghị định này là để giải quyết những khó khăn, bất cập thường trực, lâu dài của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra chứ không phải để giải quyết những vướng mắc nhất thời, trước mắt (ví dụ vấn đề bị kiện chống bán phá giá chỉ là vấn đề nhất thời; trong khi đó vấn đề doanh nghiệp cạnh tranh kiểu “xuống đáy”, chộp giật, ép nông dân nuôi cá bán giá thấp hoặc chiếm dụng vốn của họ là vấn đề lâu dài);

+ Các nguy cơ/ khó khăn đối với sản xuất, xuất khẩu cá tra liệu có thể được khắc phục bằng cơ chế quản lý này? Cần lưu ý là một số nguy cơ/ bất cập mà cơ chế quản lý bằng Nghị định này hướng tới là những nguy cơ chung của tất cả các ngành xuất khẩu Việt Nam mà có sức cạnh tranh tương đối trên thị trường (ví dụ nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp…) và là những nguy cơ hầu như không thể tránh khỏi (ví dụ ở một số thị trường, chống bán phá giá hay chống trợ cấp là công cụ để bảo hộ trá hình cho sản xuất nội địa nước nhập khẩu và họ sẽ sử dụng công cụ đó dù hàng Việt Nam có thực sự phá giá/ được trợ cấp hay không, dù là bán giá cao hay thấp). Và vì vậy, đây là những nguy cơ hầu như không thể tránh khỏi bằng bất kỳ biện pháp hay cơ chế quản lý nào trừ khi Việt Nam thôi không xuất khẩu nữa.

Hiện tại Bản thuyết minh chưa làm rõ được mục tiêu cũng như căn cứ và hiệu quả của từng biện pháp dự kiến trong Dự thảo, vì vậy chưa thuyết phục.

II.            Về các nội dung chi tiết của Dự thảo

Phần dưới đây được thực hiện với giả thuyết rằng việc ban hành Nghị định này là cần thiết (khi Ban Soạn thảo có các bổ sung, điều chỉnh Bản thuyết minh để làm rõ các nội dung nêu tại Phần I nói trên).

Nhìn chung, Dự thảo đã có cách tiếp cận tương đối phù hợp về các công cụ có thể giúp giải quyết vấn đề của ngành cá tra hiện tại, gồm: quy hoạch vùng nuôi (thực chất là hạn chế sản lượng), công cụ tăng điều kiện gia nhập ngành (các loại chứng nhận an toàn thực phẩm), công cụ quỹ xúc tiến thương mại (mở rộng thị trường), cùng với đó là cơ chế minh bạch thông tin hơn (thông qua việc cấp mã số nhận diện vùng nuôi, đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra).

Để các công cụ đó được vận hành trôi chảy, với thủ tục đơn giản, quản trị hiệu quả, đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc một số ý kiến cụ thể dưới đây.

1.    Giải thích từ ngữ (cá tra)

“Cá tra” là đối tượng mà Dự thảo này hướng tới để điều chỉnh theo cơ chế riêng. Nói cách khác, chỉ việc sản xuất/xuất khẩu cá tra mới phải đáp ứng các điều kiện tại Dự thảo này. Trong khi đó, thuật ngữ “cá tra” hiện tại có thể dược sử dụng để chỉ một loài (loài cá tra) nhưng cũng có thể dùng để chỉ một họ (họ cá tra).

Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung Điều 3 giải thích khái niệm “cá tra”.

2.    Quy hoạch vùng nuôi (Điều 4,5 Dự thảo)

Quy hoạch nuôi cá tra là một công cụ giúp kiểm soát sản lượng cá tra trên thị trường, góp phần điều chỉnh “cung”, tránh tình trạng thừa sản lượng và qua đó kỳ vọng có thể giúp làm tăng giá cá, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất. Công cụ này được đánh giá là tương đối hợp lý vì người suy đoán được lợi nhiều nhất là người nông dân nuôi cá.

Tuy nhiên, để công cụ này thực sự phát huy hiệu quả trong việc điều tiết nguồn cung, đảm bảo lợi ích của người nuôi cá như kỳ vọng, đề nghị Ban Soạn thảo đặc biệt cân nhắc thêm một số vấn đề sau:

-      Về năng lực xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá tra:

Với mục tiêu cơ bản là điều tiết nguồn cung (sản lượng cá tra nuôi trong tổng thể và từng khu vực), quy hoạch vùng nuôi cá tra thực chất là việc xác định sản lượng cá tra phù hợp với nhu cầu tiêu thụ (mà chủ yếu là xuất khẩu), xác định khu vực địa lý thích hợp để thả nuôi (phân bố khu vực tự nhiên phù hợp với đặc tính của loại thủy sản này cũng như phân bố khu vực hành chính phù hợp với hiện trạng số lượng nông dân nuôi trồng cá tra). Quy hoạch này, vì vậy, đòi hỏi những nghiên cứu rất chi tiết, cập nhật và có khả năng định hướng về nhu cầu thị trường (để xác định sản lượng) cũng như về cơ sở khoa học (để xác định vùng nuôi). Đây là những đòi hỏi thực tiễn cấp thiết đối với quy hoạch vùng nuôi cả ở cấp trung ương và cấp tỉnh theo Dự thảo (bởi nếu chỉ là quy hoạch có tính định hướng chung chung thì các Chiến lược phát triển ngành thủy sản cũng như các quy hoạch trong sản xuất kinh doanh thường thấy đã có đủ, không cần thiết phải thêm).

Nói cách khác, Quy hoạch vùng nuôi đề cập tại Dự thảo chỉ hợp lý có dự kiến đầy đủ và khả thi về:

+ Quy trình, điều kiện và yêu cầu về chất lượng của các Quy hoạch vùng nuôi;

+ Giải pháp về nguồn nhân lực cho việc thực hiện Quy hoạch này (chú ý là theo Dự thảo thì quy hoạch này không chỉ thực hiện ở cấp trung ương mà còn ở cấp địa phương, điều này có nghĩa là ở địa phương cũng phải có đội ngũ cán bộ đủ tầm để xây dựng quy hoạch thích hợp).

Bản thuyết minh cũng như các nội dung hiện tại của Dự thảo chưa có điểm nào cho thấy các nội dung trên đã được tính tới, và vì vậy, chưa có gì đảm bảo rằng “công cụ quy hoạch” này sẽ phát huy hiệu quả thực tế.

-      Về hiệu lực của các Quy hoạch vùng nuôi:

Từ góc độ triển khai, Dự thảo chưa xác định cụ thể về hiệu lực của các Quy hoạch vùng nuôi và vì vậy nếu thực thi sẽ xảy ra một số bất cập:

+ Khi Nghị định này có hiệu lực mà các Quy hoạch vùng nuôi (cấp trung ương và cấp tỉnh) chưa thông qua (suy đoán là với các yêu cầu cao về nội dung như trên, sẽ rất mất thời gian để thông qua các Quy hoạch một cách chất lượng) thì việc nuôi cá tra sẽ thực hiện như thế nào (đối với cả các hộ đang nuôi cá lẫn các hộ có dự định nuôi)?

+ Trường hợp ở một đơn vị địa lý (ví dụ 1 tỉnh) số hộ nuôi với sản lượng và quy mô hiện tại cao hơn quy hoạch mà tỉnh đó thông qua thì sẽ phải xử lý như thế nào (hộ nào sẽ bị buộc chuyển đổi, hộ nào tiếp tục, việc lựa chọn thực hiện theo tiêu chí nào)?

+ Quy hoạch vùng nuôi căn cứ vào dự báo về tình hình tiêu thụ của thị trường, vì vậy quy hoạch này sẽ không thể cố định/bất biến mà phải được điều chỉnh theo thời gian. Vậy các Quy hoạch này được thực hiện theo định kỳ thời gian như thế nào? Việc điều chỉnh được thực hiện như thế nào?

+ Về quyền đăng ký nuôi cá tra thương phẩmtheo Quy hoạch: Nguyên tắc đăng ký ở đây là thế nào, nguyên tắc “lựa chọn người tốt nhất” (nếu vậy thì tiêu chí nào để xét ai tốt nhất) hay nguyên tắc “ai đăng ký trước thì được trước” (first come first served)? Dự thảo chưa thấy đề cập tới nguyên tắc này (nói chung toàn bộ Dự thảo mới đề cập tới các điều kiện cho người sản xuất, chế biến, xuất khẩu mà chưa thấy đề cập các điều kiện/nguyên tắc làm việc của người quản lý).

Ngoài ra, trường hợp các cơ sở nuôi cá thương phẩm[1] đăng ký với cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương trước khi thả nuôi nhưng sau đó thực hiện việc thả nuôi thấp hơn mức đăng ký (ví dụ sản lượng nuôi ít hơn dự kiến vì thiếu vốn vì bất kỳ lý do nào khác) thì sẽ xử lý như thế nào? Các cơ sở khác đang ở danh sách chờ (waiting list) có được phép đăng ký để sản xuất phần sản lượng chênh lệch này không?

Để các Quy hoạch vùng nuôi thực sự hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu kỳ vọng, Ban Soạn thảo cần thiết phải bổ sung những nội dung nói trên vào Dự thảo (chú ý có lập luận cụ thể trong Bản thuyết minh về những nội dung mới này).

-      Giải quyết quyền lợi của người nông dân nuôi cá ở vùng ngoài quy hoạch

Khu vực có lợi thế nuôi cá tra ở Việt Nam là toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên nếu không có quy hoạch (như hiện nay), việc nuôi cá phát triển tự phát, diện tích và sản lượng nuôi rất lớn dẫn đến thừa cá. Việc quy hoạch vì vậy được hiểu là nhằm giới hạn một số vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long được phép nuôi cá, một số vùng vì vậy sẽ không được phép, và mỗi vùng chỉ được nuôi với diện tích, sản lượng được khống chế.

Về tổng thể, đây là giải pháp cần thiết để việc sản xuất và xuất khẩu cá tra có thể phát triển bền vững và mang lại lợi ích ổn định cho người nông dân nuôi cá. Tuy nhiên, quy hoạch này cũng mang tới hệ quả là sẽ có những người nằm ngoài khu vực được quy hoạch (đặc biệt là nhóm hiện đang nuôi cá tra) sẽ chịu thiệt thòi khi buộc phải chuyển sang là công việc khác, hơn nữa việc chuyển đổi cũng sẽ tốn kém, gây thiệt hại cho họ.

Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo dự kiến đến phương án hỗ trợ cho những trường hợp cơ sở đang nuôi cá hiện nay nhưng sẽ không được nuôi nữa khi có quy hoạch. Ví dụ như giúp họ chuyển đổi ngành nghề bằng nguồn từ Quỹ xúc tiến thương mại cá tra.

3.    Đăng ký cơ sở nuôi cá tra (Điều 5)

Quy định này trong Dự thảo là hợp lý, tuy nhiên, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét quy định cụ thể hơn về thủ tục và mẫu văn bản của việc này, ví dụ các vấn đề sau:

-      Về việc đăng ký và mã số nhận diện:

Về mặt nguyên tắc thì với quy định tại Điều 5.2 tất cả các cơ sở nuôi cá đang tồn tại sẽ phải đăng ký “lại” với cơ quan có thẩm quyền theo Nghị định mới này, và vì vậy việc cấp mã số nên được thực hiện trong quá trình đăng ký này. Đối với cơ sở mới thì việc cấp mã số sẽ thực hiện khi làm thủ tục đăng ký theo Nghị định này.

Nói cách khác, khi có nhu cầu nuôi cá (kể cả trước đây đã nuôi hay chưa nuôi), cơ sở muốn nuôi cá sẽ phải đăng ký với Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương (chú ý làm rõ Cơ quan này là cơ quan cấp nào: Tỉnh? Huyện? Xã). Cơ quan này sẽ căn cứ vào Quy hoạch liên quan để thực hiện việc xem xét đăng ký, kết quả của việc cho phép đăng ký là cấp mã số nhận diện cho từng ao nuôi của cơ sở xin đăng ký. Mã số nhận diện lúc này sẽ có ý nghĩa như “chứng nhận đăng ký nuôi cá” cho cơ sở nuôi cá.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ như trên để tránh việc hiểu nhầm rằng cấp mã số nhận diện và quy trình đăng ký là hai quy trình riêng rẽ.

-      Về việc công khai mã số nhận diện:

Mã số này có được tập hợp về một đầu mối và đăng công khai không? có được chuyển dữ liệu sang Hiệp hội Cá tra để kiểm soát khâu đăng ký hợp đồng xuất khẩu không?

Đề nghị có quy định về việc tập trung quản lý các mã số này tại một đầu mối và công khai dữ liệu về mã số này trên mạng internet để nhằm mục đích(1) giúp Hiệp hội Cá tra xác định tính xác thực của các tài liệu trong thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu, (2) giúp cơ quan có chức năng thuận tiện trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

-      Về hiệu lực theo thời gian của “đăng ký cơ sở nuôi cá tra thương phẩm”:

Hiện Điều 5 Dự thảo chưa có quy định nào về thời gian có hiệu lực của việc đăng ký. Dự thảo Phụ lục về mẫu đăng ký thì có quy định về việc cơ sở nuôi phải đăng ký về thời gian thả nuôi nhưng điều này không có nghĩa là đã có thời hạn (vì thời gian thả chỉ là điểm đầu).

Trong khi, như đã đề cập ở trên, do quy hoạch vùng nuôi là giới hạn về số lượng và khu vực nuôi nên sẽ có trường hợp cơ sở nuôi đăng ký muộn (khi số lượng trong quy hoạch đã được đăng ký hết) và không được đăng ký thả nuôi. Nếu việc đăng ký của các cơ sở đã đăng ký được là mãi mãi thì một là bất lợi cho những cơ sở khác muốn làm, hai là không phù hợp với tính chất của Quy hoạch (quy hoạch phải linh hoạt theo tình hình thị trường thế giới qua từng mùa vụ).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thời hạn có hiệu lực của các mã số nhận diện (tức là của “đăng ký”) và thời hạn này tốt nhất nên tương ứng với thời hạn của Quy hoạch vùng nuôi. Quy hoạch thay đổi cũng đồng thời là thời điểm các cơ sở nuôi phải đăng ký lại và xin cấp mã số nhận diện mới theo Quy hoạch mới.

4.    An toàn thực phẩm (Điều 6,7)

Dự thảo đề cập đến công cụ kiểm soát an toàn thực phẩm. Công cụ này vừa có tác dụng tăng rào cản gia nhập thị trường, vừa đảm bảo tính bền vững của sản xuất kinh doanh cá tra. Công cụ an toàn thực phẩm trong Dự thảo được áp dụng cho:

-      Cơ sở nuôi cá: phải đạt chứng nhận VietGAP hoặc tương đương trước ngày 31/12/2014 (Khoản 2 Điều 5) – đây là điều kiện mới bổ sung cơ bản (các điều kiện khác thì thực tế chủ yếu là đã tồn tại rồi và đã đang thực hiện rồi);

-      Cơ sở chế biến cá: phải được công nhận là cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; và phải mua cá nguyên liệu từ những cơ sở nuôi đạt điều kiện (Điều 6);

-      Xuất khẩu cá: sản phẩm phải đạt yêu cầu an toàn thực phẩm của cả nước nhập khẩu và của Việt Nam (Điều 7).

Các quy định này là hợp lý, tuy nhiên có một số chi tiết cần chú ý thêm sau đây:

-      Về điều kiện VietGAP hoặc tương đương đối với cơ sở nuôi cá:

+ Về thời hạn thời hạn 31/12/2014 để đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương cho các cơ sở nuôi cá: Khoảng thời gian này đã hợp lý cho người nông dân để có thể đạt được chứng nhận này chưa? Ban Soạn thảo đã tính đến tất cả các điều kiện cần thiết cũng như hiện trạng của các cơ sở nuôi cá tra hiện nay chưa?

+ Về việc hỗ trợ các cơ sở nuôi cá đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP: Điều kiện về chất lượng này không phải tất cả các cơ sở nuôi cá có thể dễ dàng đáp ứng bởi, và vì vậy họ cần được hỗ trợ để thực hiện. Tuy nhiên Dự thảo chưa đề cập tới biện pháp nào để giúp họ thực hiện điều này.

Một gợi ý về giải pháp: Có thể giao cho Hiệp hội Cá tra nhiệm vụ phổ biến quy định và hỗ trợ các hộ nuôi cá tra nâng cấp cơ sở nuôi để đạt được các tiêu chuẩn này (bổ sung vào Điều 14 về Hiệp hội Cá tra Việt Nam có nhiệm vụ lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc phổ biến đến tất cả những người nuôi cá, và hỗ trợ những hộ nuôi cá là hội viên của mình trong việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP hay tương đương).

-      Về điều kiện đối với cơ sở chế biến cá tra:

Một số điểm cần làm rõ thêm về mục tiêu và cách thức thực hiện:

+ Điểm a khoản 1 Điều 6 (về điều kiện phải được Bộ công nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm):

Về mặt nguyên tắc, hiện tại cơ sở nuôi cá tra (cũng như bất kỳ các cơ sở sản xuất thực phẩm nào khác) đều phải đảm bảo đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Vậy phần mới của quy định này so với hiện hành chỉ là “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận đủ điều kiện an toàn…”. Ở đây có một số băn khoăn sau:

·     Có gì đảm bảo rằng sự công nhận nói trên của Bộ có hiệu quả hơn so với công nhận của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm?

·     Thủ tục sẽ được thực hiện ở đâu, các cơ sở chế biến cá tra có phải ra Hà Nội để thực hiện thủ tục này? Trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính như hiện nay, việc buộc cơ sở chế biến ở địa phương (mà hầu hết ở phía Nam) phải xin được Bộ đích thân công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm liệu có phù hợp?

·     Bộ sẽ tiến hành thủ tục kiểm tra nào để công nhận hay chỉ dựa trên giấy tờ? Nếu chỉ dựa trên giấy tờ thì việc Bộ hay cơ quan quản lý ở địa phương làm là như nhau. Nếu dựa trên kiểm tra thực tế thì rõ ràng địa phương có lợi thế và hiệu quả hơn Bộ trong việc này.

Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các điểm này, trường hợp không cần thiết thì chuyển trách nhiệm công nhận này cho địa phương và cần dự kiến về quy trình công nhận này (ví dụ trong Thông tư hướng dẫn Nghị định này).

+ Điểm d Khoản 1 Điều 6 (về điều kiện cá tra phải đáp ứng yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu)

Ở đây cần chú ý: quy định về việc phải đáp ứng tiêu chuẩn cá tra xuất khẩu là đương nhiên, Bộ có tiêu chuẩn bắt buộc thì doanh nghiệp đương nhiên phải đáp ứng, dù ở đây có quy định hay không.

Điều kiện này về nguyên tắc là hợp lý (nhằm đảm bảo uy tín chung về chất lượng của cá tra Việt Nam và tránh tình trạng một doanh nghiệp làm kém mà các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng do nước nhập khẩu áp dụng biện pháp kiểm soát chặt hơn, thậm chí là cấm xuất khẩu). Tuy nhiên, điều kiện này không khả thi, ít nhất ở các điểm sau: (1) không có quy trình nào để kiểm soát việc cơ sở chế biến có thực hiện quy định này hay không, (2) sản phẩm chế biến của một cơ sở xuất đi nhiều thị trường khác nhau với các tiêu chuẩn khác nhau thì dù có kiểm tra cũng không thể biết như thế nào.

Vì vậy, nên chăng về vấn đề này áp dụng quy định hồ sơ xuất khẩu (trình hải quan) của cơ sở chế biến phải có chứng nhận về chất lượng lô hàng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu liên quan của lô hàng đó (do cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này hoặc các phòng kiểm nghiệm chất lượng nông lâm thủy sản được chỉ định cấp).

5.    Hợp đồng mua bán nguyên liệu cho cơ sở chế biến (Khoản 1 Điều 6)

Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Dự thảo quy định về việc cơ sở chế biến cá tra phải đáp ứng tối thiểu 75% nguyên liệu cho kế hoạch chế biến trong năm thông qua việc tự nuôi cá hoặc hợp đồng mua cá tra nguyên liệu từ các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm. Quy định này có thể giúp tránh được tình trạng “tranh mua, tranh bán” cá tra như trong thời gian qua. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần xem xét ở quy định này:

-      Tính hợp lý: Một cơ sở chế biến cá tra chưa chắc đã có kế hoạch chế biến trong cả một năm tới, kế hoạch này phụ thuộc rất nhiều vào các hợp đồng xuất khẩu cá tra ký được. Và không phải khi nào ngay từ đầu năm cũng ký được các hợp đồng xuất khẩu cho cả năm;

Hơn nữa, thực tế ở các lĩnh vực nông sản khác cũng thấy, việc đơn thuần chỉ ký hợp đồng mua nguyên liệu trước không giúp ích được cho việc chống “tranh mua, tranh bán” do thói quen thiếu tôn trọng hợp đồng của cả hai bên.

-      Tính khả thi: Dự thảo không có bất kỳ quy định nào về việc đảm bảo cơ sở chế biến đáp ứng được yêu cầu này (không có quy trình kiểm tra hay thủ tục nào liên quan); ngoài ra, về mặt nguyên tắc Dự thảo không quy định (và không thể quy định) về thời điểm mà cơ sở chế biến cá phải hoàn thành điều kiện này, vì vậy nếu có vi phạm điều kiện này ở thời điểm kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước cũng không thể xử lý.

Vì vậy, quy định này là không phù hợp, đề nghị bỏ. Đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc phương án quy định theo hướng:

+ trong thời gian 45 ngày kể từ khi ký hợp đồng xuất khẩu phải có hợp đồng mua cá đảm bảo 100% nguyên liệu cho hợp đồng. Cách này đảm bảo hợp đồng mua nguyên liệu được ký, lại đảm bảo tính khả thi của quy định.

+ về thời gian đăng ký hợp đồng xuất khẩu là 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, như vậy Hiệp hội Cá tra cũng có thể kiểm tra luôn việc có hợp đồng mua nguyên liệu chưa.

6.    Đăng ký hợp đồng xuất khẩu

Quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu (HĐXK) được cho là thủ tục kiểm soát việc thực hiện tất cả các quy định trước đó của người nuôi cá, người chế biến và người xuất khẩu cá, từ đó góp phần đảm bảo việc tuân thủ và hiệu quả của các công cụ quản lý này.

Vì vậy, cơ chế này là hợp lý về chủ trương. Mặc dù vậy, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét hoàn thiện thêm một số nội dung cụ thể để đảm bảo tính hợp lý:

-      Về các nội dung kê khai trong Giấy Đăng ký HĐXK cá tra (phụ lục II)

+ Hình thức hợp đồng xuất khẩu: Nội dung này chưa rõ ràng vì doanh nghiệp không rõ là sẽ có những loại hình thức nào và sẽ phải kê khai nội dung gì. Theo Bộ luật dân sự, hình thức của hợp đồng gồm hợp đồng lập thành văn bản (và các hình thức khác tương đương), bằng lời nói, hoặc bằng hành vi. Ý tưởng của cơ quan quản lý là không phải xem xét một hợp đồng cụ thể là bằng văn bản, bằng lời nói hay hành vi, do đó, đề nghị Ban Soạn thảo giải thích rõ hơn về hình thức hợp đồng.

+ Sản phẩm: Do ở đây toàn bộ sản phẩm xuất khẩu được đăng ký đều là  cá tra cả, vì vậy để cột thông tin này có ý nghĩa đề nghị Ban Soạn thảo nêu rõ hơn về việc khai sản phẩm, khai đến mã HS 4 số, 6 số, hay 8 số.

+ Giá đăng ký xuất khẩu: Giá được coi là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy việc đăng ký giá với Hiệp hội (không phải cơ quan Nhà nước và không có cơ chế đảm bảo tính bảo mật như các thông tin cung cấp cho cơ quan Nhà nước) là không thích hợp. Vì vậy đề nghị bỏ cột thông tin này.

+ Thời gian thực hiện hợp đồng: chỉ nên quy định về thời gian dự kiến giao hàng, vì doanh nghiệp có thể thỏa thuận thay đổi thời gian giao hàng thì phải đi đăng ký lại, vì nếu không đăng ký lại thì sẽ xuất hàng không đúng thời hạn vì bị cơ quan hải quan giữ lại do thiếu hồ sơ.

+ Công khai các thông tin trong việc đăng ký HĐXK cá tra: nội dung này chưa được làm rõ. Sau khi doanh nghiệp đăng ký với Hiệp hội Cá tra Việt Nam thì các thông tin trong đơn đăng ký có công bố rộng rãi không, ai là người được tiếp cận các thông tin này?

Về mặt nguyên tắc thì mặc dù các nội dung trong đăng ký thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp (và vì vậy có thể Hiệp hội chỉ được phép sử dụng để báo cáo các cơ quan quản lý có thẩm quyền và cho các hoạt động thống kê phục vụ điều hành thương mại đối với cá tra) nhưng ít nhất thì thông tin cơ bản về việc đăng ký hợp đồng phải được chuyển cho cơ quan Hải quan (phục vụ cho hoạt động kiểm soát sau đó).

-      Về hồ sơ đăng ký:

+ Điểm c Khoản 2 Điều 8 có quy định về “Giấy xác nhận đảm bảo nguồn cá tra nguyên liệu cho chế biến”. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào về giấy này nên doanh nghiệp sẽ không biết thủ tục. Đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc thay Giấy xác nhận này thành bản sao hợp lệ Hợp đồng mua bán cá nguyên liệu cho chế biến (tức là các hợp đồng ký với các hộ nuôi cá), trong đó có xác định rõ mã số ao nuôi.

+ Bản sao hợp đồng: sao toàn bộ hợp đồng có thể sẽ làm lộ các bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc quản lý theo cơ chế này cũng không nhằm mục tiêu phải biết tất cả nội dung của hợp đồng mà chỉ cần biết về loại sản phẩm, khối lượng, nguồn cung cấp (mua của ai), mã số ao nuôi, thời gian giao hàng. Tất cả các thông tin này đã có trong phần khai theo Mẫu đăng ký. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo bỏ yêu cầu về bản sao hợp đồng xuất khẩu trong hồ sơ.

+ Đề nghị bổ sung thêm cột về nguồn nguyên liệu (mã số ao và số lượng tương ứng): Quy định này cho phép Hiệp hội Cá tra thực hiện rà soát hợp đồng mua cá nguyên liệu với sản lượng mà ao nuôi cung cấp. Nếu phát hiện trường hợp có nhiều hợp đồng mua cá của cùng một ao nuôi, với sản lượng cá cao hơn sản lượng đã đăng ký thì tức là ao nuôi đó có nhiều khả năng đã ký hợp đồng giả để hợp pháp hóa cá không được nuôi ở ao đó. Lúc này, Hiệp hội có thể thông tin cho cơ quan quản lý thủy sản để có biện pháp xử lý thích hợp với cơ sở nuôi liên quan và ngừng việc cấp đăng ký đối với hợp đồng xuất khẩu liên quan cho đến khi cơ sở xuất khẩu đảm bảo được yêu cầu.

-      Về thủ tục đăng ký:

Việc đăng ký HĐXK này được coi là một điều kiện để được xuất khẩu cá tra, vì vậy đây là một thủ tục hành chính (chỉ khác so với thông thường là thay vì cơ quan Nhà nước thực hiện thì giao cho Hiệp hội thực hiện). Do đó, cần có đầy đủ các quy định liên quan để đảm bảo thủ tục này tiến hành minh bạch, công bằng không gây khó khăn bất hợp lý cho doanh nghiệp (ví dụ phải quy định rõ hồ sơ như thế nào là hợp lệ; điều kiện cấp đăng ký hoặc từ chối đăng ký…).

Ngoài ra, cũng cần có biện pháp xử lý trường hợp cán bộ của Hiệp hội có hành vi sách nhiễu doanh nghiệp (tương tự như xử lý cán bộ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ nhà nước chứ không phải chỉ đơn giản là xử lý nội bộ trong Hiệp hội). Cần phải xác định rõ Hiệp hội đang thực hiện một nhiệm vụ được Nhà nước giao cho, tức là đang thực hiện quyền lực nhà nước, do đó, mọi hành vi của Hiệp hội và cán bộ Hiệp hội trong việc thực hiện công việc này phải bị giám sát như là đối với các cơ quan nhà nước khác. Theo đó, doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm của Hiệp hội, cán bộ Hiệp hội, và nếu đúng như vậy, cần phải bị xử lý như cán bộ nhà nước.

-      Về thủ tục kiểm tra tại Cơ quan Hải quan:

+ Đề nghị bổ sung vào Khoản 3 Điều 12 việc Bộ Tài chính hướng dẫn cơ quan Hải quan kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu.

+ Đề nghị bổ sung quy định về việc Hải quan kiểm tra Hợp đồng để xác định giá xuất khẩu có đảm bảo cao hơn giá sàn hay không (nếu chấp nhận phương án giá sàn).

-      Về thời hạn đăng ký:

Hiện tại Điều 8 chưa có quy định về thời hạn đăng ký, quy định này cần phải được bổ sung để đảm bảo tính hợp lý, vì nếu doanh nghiệp để đến lúc gần xuất khẩu mới đăng ký thì việc đăng ký rất ít ý nghĩa. Đề nghị xem xét đề nghị đã nêu tại mục 5 ở trên.

7.    Quỹ xúc tiến thương mại (Điều 9)

Quỹ xúc tiến thương mại cá tra dựa trên % giá trị hợp đồng xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp có thể là giải pháp hợp lý nhằm tạo ra nguồn lực cho các hoạt động quảng bá, giải quyết khó khăn chung của hoạt động xuất khẩu cá tra một cách công bằng.

Tuy nhiên, để tránh việc hiểu nhầm (rằng Quỹ này của Nhà nước) cần quy định rõ hơn:

-      Khoản 2: Cần nêu rõ Quỹ này được hình thành từ việc doanh nghiệp xuất khẩu nộp (căn cứ vào tỷ lệ phần trăm giá trị mỗi lô hàng xuất khẩu cá tra) và được nộp theo mỗi lần xuất hàng;

-      Khoản 4:

+ Cần quy định rõ hướng dẫn về “tỷ lệ phần trăm phải nộp Quỹ” đề cập tại Khoản 2 Điều này (chứ không nói chung chung là “trích nộp” – từ này hầu như không có nghĩa bởi trong trường hợp này không có khoản sẵn có nào để “trích” cả);

+ Đề nghị Ban Soạn thảo quy định bổ sung về sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Quỹ này. Trong quá trình ban hành quy định về tỷ lệ nộp, thời điểm nộp, chế độ quản lý và sử dụng Quỹ, cần phải được sự tham gia sâu của các doanh nghiệp có xuất khẩu thủy sản bởi Quỹ này do các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nộp tiền vào, và được sử dụng cho lợi ích của doanh nghiệp.

8.    Các quy định xử lý vi phạm (Điều 10, 11)

-      Điều 10 Dự thảo liệt kê một loạt các hành vi được coi là “vi phạm trong sản xuất, xuất khẩu cá tra”. Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, mọi vi phạm quy định đều là vi phạm (chứ không phải chỉ các vi phạm nêu ở Điều này mới là vi phạm, như vậy các vi phạm không nằm trong các hành vi được liệt kê thì có bị coi là vi phạm và bị xử lý không). Liệt kê thường không đầy đủ, vì vậy đề nghị Ban Soạn thảo bỏ Điều 10 (không liệt kê).

-      Điều 11: Việc có các biện pháp xử lý vi phạm riêng đối với một số loại vi phạm đặc biệt trong trường hợp này có thể là thích hợp. Tuy nhiên, cần chú ý rằng về nguyên tắc nếu Nghị định này ra đời thì cũng đồng nghĩa với việc phải bổ sung Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh thủy sản (chứ không phải là quy định luôn trong Nghị định này).

Trường hợp Ban soạn thảo lựa chọn quy định ngay trong Nghị định này thì vì đã bỏ Điều 10 (lý do như trên), Điều 11 cần được thiết kế theo hướng nhắc lại cụ thể hành vi vi phạm Điều nào của Nghị định này tương ứng với biện pháp xử lý liên quan.

Về các biện pháp quy định tại khoản 2 và 3 Điều 11, cần chú ý một số điểm sau đây:

+ Các biện pháp xử lý này là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, vì vậy phải tuân thủ các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (ví dụ biện pháp “không được xem xét cho vay vốn…” tại Khoản 2 Điều 11 không có trong danh mục các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và vì vậy không được phép áp dụng);

+ Khoản 3 Điều 11: đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ hơn việc tạm ngừng xuất khẩu ở đây là do Hiệp hội tạm dừng cho đăng ký Giấy chứng nhận xuất khẩu chứ cơ quan Hải quan không thể xác định biện pháp tạm ngừng xuất khẩu được.

9.    Về giá sàn xuất khẩu (giá tối thiểu xuất khẩu)

Theo Bản thuyết minh thì Ban Soạn thảo quyết định không đưa công cụ “giá sàn xuất khẩu” vào Dự thảo với lý do việc quy định giá sàn sẽ vi phạm Luật giá 2012 và các quy định quốc tế về chống bán phá giá.

Về vấn đề này, đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc một số thông tin sau trước khi quyết định có bỏ hoàn toàn phương án giá sàn xuất khẩu hay không:

-      Về hiệu quả:

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng nông người nuôi cá thiệt thòi như hiện nay là do doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu bằng mọi giá, giá thấp chừng nào cũng ký miễn là có hợp đồng xuất khẩu và sau đó về ép giá với người nuôi cá (người nuôi cá luôn ở thế phải bán với giá thấp mà doanh nghiệp đưa ra nếu không muốn bị thiệt hại nặng hơn).

Nếu có quy định về giá sàn (tính toán dựa trên giá thành sản xuất trung bình (giá để nông dân ít nhất là hòa vốn) theo từng thời kỳ thì có thể đây sẽ là công cụ tốt để giúp giải quyết được vấn đề này.

-      Về khả năng vi phạm pháp luật nước ngoài:

Thông tin cho rằng việc thiết lập giá sàn xuất khẩu có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh của nước ngoài hoặc làm tăng nguy cơ rủi ro về kiện chống bán phá giá/ trợ cấp là không chính xác.

Cụ thể, hiện không có quy định quốc tế nào (WTO hay các hiệp định khác) hạn chế các nước áp dụng giá sàn xuất khẩu. Điều này dựa trên logic tự nhiên là việc áp dụng giá sàn xuất khẩu sẽ hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu chính nước xuất khẩu, và vì vậy nước nhập khẩu không bị thiệt hại gì (thậm chí có lợi). Cũng vì vậy mà pháp luật nội địa các nước nhập khẩu cũng không có hạn chế gì về vấn đề này. Do đó, lập luận rằng giá sàn xuất khẩu có thể vi phạm pháp luật cạnh tranh quốc tế hoặc của nước nhập khẩu là không có cơ sở.

Liên quan tới các rủi ro về kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, theo các chuyên gia của Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại của VCCI thì quy định giá sàn xuất khẩu không tạo ra bất kỳ rủi ro nào về chống bán phá giá/ chống trợ cấp ở nước ngoài. Về pháp lý là không có quy định nào cấm giá sàn xuất khẩu (thậm chí giá sàn xuất khẩu còn là một biện pháp có thể được áp dụng thay vì thuế chống bán phá giá/ chống trợ cấp – thường được biết tới dưới tên undertakings hoặc suspension). Trên thực tế, giá sàn xuất khẩu là biện pháp nhằm ngăn chặn giá bán thấp, như vậy là hướng tới mục tiêu không phá giá chứ không phải là tạo ra nguy cơ phá giá.

-      Về nguy cơ vi phạm Luật giá của Việt Nam

Luật giá có mục tiêu chính là đảm bảo cạnh tranh lành mạnh về giá trong thương mại nội địa, áp dụng cho những vấn đề liên quan đến giá trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 2 Luật giá 2012).

Giá sàn xuất khẩu không phải là giá trong thương mại nội địa, không ảnh hưởng cạnh tranh trong thương mại nội địa, vì vậy không có lý do gì để áp dụng quy định tại Luật giá. Trên thực tế, giá sàn cũng đã được áp dụng đối với xuất khẩu một số mặt hàng (ví dụ gạo) mà không bị coi là vi phạm Luật giá.

Từ góc độ cạnh tranh nói chung, mọi sự can thiệp vào giá đều ảnh hưởng tới cạnh tranh và đều dẫn tới hệ quả là hạn chế cạnh tranh ở các mức độ khác nhau. Vì vậy các biện pháp áp đặt giá sàn hoặc giá trần đều là không tốt từ góc độ lý thuyết. Mặc dù vậy, không có cạnh tranh tuyệt đối và hoàn hảo ở bất kỳ thị trường nào, mỗi nước đều tùy vào nhu cầu và hiện trạng quản lý để xác định các biện pháp hạn chế cạnh tranh cần thiết.

Vì vậy từ cả góc độ lý thuyết và pháp luật, vấn đề không phải là không thể áp dụng giá sàn xuất khẩu mà là nên áp dụng như thế nào cho phù hợp và công bằng (ví dụ trong trường hợp này, giá sàn sẽ phải được xác định như thế nào để người nuôi cá có lãi và doanh nghiệp không “chạy đua cạnh tranh xuống đáy” về giá nhưng cũng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cạnh tranh).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra và Bản Thuyết minh. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.



[1] Chú ý sử dụng thống nhất: Quy hoạch vùng nuôi cá tra đề cập tại Điều 4 không có chữ “thương phẩm” như tại Điều 5: vậy đây là Quy hoạch cho nuôi cá tra thương phẩm hay cho cả cá tra không thương phẩm?

Các văn bản liên quan