Góp ý của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Năm 14:53 11-04-2013

Góp ý cho Dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi: Thuế suất cơ bản và tăng mức trần chi phí quảng cáo khuyến mại

1.     BTV/MC: Phan Anh Tuấn- Mỹ Hạnh.

2.     Người trả lời:  Ông Trần Đức chính – Phó CT thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam.

Câu hỏi :  Thưa ông Trần Đức Chính, Ông nghĩ gì về vai trò của quảng cáo khuyến mại đối với các DN nói chung và DN dược nói riêng trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Trả lời : Vâng, như chúng ta đều biết để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt các DN dược phải thường xuyên đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại, đào tạo con người bài bản theo những yêu cầu khắt khe về đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn QT được quy định bởi tổ chức y tế thế giới (WHO) nhằm đưa ra thị trường những thuốc có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu điều trị. Hiện Ngành dược đã có 113 nhà máy sản xuất dược phẩm & vác xin đạt tiêu chuẩn GMP của WHO và những nhà máy này đủ năng lực sản xuất các thuốc negeric đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bênh của nhân dân. Nhưng trên thực tế các nhà máy này chỉ vận hành chưa tới 50% công suất vì có quá nhiều sản phẩm nhập khẩu cùng loại canhju tranh trên thị trường.

Chúng ta đều biết, để sản phẩm của ngành dược sản xuất ra tiếp cận được người sử dụng (bác sỹ kê đơn, điều trị; người dược sỹ bán hàng; cho đến người dân) thì con đường hiệu quả nhất là quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

          Thuốc là hàng hóa đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng, cũng chính vì vậy mà thuốc khác các hàng hóa khác ở chỗ là người dùng không thể tự quyết định mình dùng thuốc gì, dùng như thế nào mà phải thông qua thầy thuốc khám bệnh, kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc. Vì vậy,

          Hội thảo giới thiệu thuốc cho cán bộ y tế không chỉ là hoạt động quảng bá thuần túy mà nó mang một nội dung, một ý nghĩa to lớn là cung cấp thông tin về thuốc, giúp cán bộ y tế hiểu rõ và có thêm vũ khí trong việc trị bệnh cứu người, có thêm cơ sở để kê đơn, chỉ định điều trị cho người bệnh.

          Hiểu được sức mạnh của thông tin, giới thiệu, quảng bá thuốc mà các DN nước ngoài đã thường xuyên tổ chức hội thảo giới thiệu thuốc cho cán bộ y tế, trong khi các DN dược VN biết nhưng chưa tổ chức được nhiều các cuộc hội thảo, giới thiệu thuốc như vậy bởi trần khống chế là 10% cho thông tin, quảng cáo, giới thiệu thuốc trong tổng số chi phí hợp lý và hợp pháp vô hình chung đã tạo ra rào cản khiến các doanh nghiệp dược có nguy cơ thua ngay trên sân nhà..

          Đối với các thuốc không phải kê đơn (thuốc OTC) việc quảng cáo trên  các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh, ..…) là con đường ngắn nhất để giới thiệu với công chúng về công dụng, cách dùng của một thuốc …. và bằng cách này các DN tăng được doanh số bán hàng, cải thiện sự hiểu biết của người dân về thuốc, về DN sản xuất ra thuốc đó. Nói cách khác quảng cáo không chỉ mang lại lợi ích cho DN (thúc đẩy bán hàng, tạo dựng thương hiệu) mà còn nâng cao hiểu

Câu hỏi: Có ý kiến cho rằng, với khó khăn của nền kinh tế Việt nam hiện nay cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp đều rất cần các hoạt động quảng cáo, khuyến mại. Trong khi đó, việc giảm thuế, trước mắt làm nguồn thu ngân sách nhà nước bị co hẹp lại. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Trả lời : Không chỉ trong điều kiện khó khăn của các doanh nghiệp như hiện nay (sản xuất đình đốn, tồn kho nhiều…) mà ngay trong những điều kiện bình thường của nền kinh tế thì theo các chuyên gia kinh tế :

          Để thúc đẩy SX, mở rộng thị trường các DN rất cần dỡ bỏ hoặc mở rộng trần khống chế quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm vì các lý do sau đây:

          Bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo … sẽ tạo điều kiện để các DN tự chủ trong kinh doanh:

          Quảng cáo, giới thiệu, thông tin sản phẩm phải coi là một khâu, một mắt xích tất yếu của quá trình SX. Chi phí cho các hoạt động này không phải là chi phí thông thường như nguyên liệu, nhiên liệu, công lao động … mà phải coi đây là chi phí đầu tư phát triển, rất cần được Nhà nước khuyến khích.

          Xét về tác dụng của quảng cáo thì chi phí cho quảng cáo là chi phí cho tương lai của DN, là chi phí đầu tư vào tài sản cố định vô hình của.

          Đã là một khoản đầu tư thì đầu tư thế nào, đầu tư vào đâu, đầu tư bao nhiêu cho có hiệu quả cao nhất là nhiệm vụ của Doanh nhân, doanh nghiệp.

          Bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo … sẽ tạo điều kiện để các DN  VN xây dựng thương hiệu vì:

          Thương hiệu của một sản phẩm, của DN là tài sản vô hình quý giá và để có được thương hiệu tốt các DN phải đầu tư trong thời gian dài với quy mô vốn không nhỏ cho cả trước, trong và sau khi sản phẩm thâm nhập thị trường. Do đó nếu doanh  nghiệp VN bị khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị … sẽ rất khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu và VN khó có thể có những thương hiệu lớn mang tầm cỡ QT.

          Bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo … sẽ tạo điều kiện để các doanh  nghiệp VN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường QT.

          Bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo … sẽ tạo điều kiện để các doanh  nghiệp  tăng khả năng cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của họ trong lựa chọn và sử dụng sản phẩm. Đây chính là cái gốc để khơi dậy lòng yêu nước của người Việt, để chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đi vào cuộc sống.

          Đối với Nhà nước giảm thuế/ bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo …có thể trước mắt làm nguồn thu ngân sách nhà nước bị co hẹp lại. Với ý kiến này, một số chuyên gia cho rằng:

          Việc giảm thuế/ bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo …làm Luật thuế VN giống Luật thuế của các nước khác, tạo sự bình đẳng và tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế vì vậy thu hút thêm được đầu tư nước ngoài và khuyến khích các DN nước ngoài đã đầu tư tại VN mở rộng quy mô đầu tư.

          Khuyến khích đầu tư sản xuất tại VN thay vì nhập khẩu hàng thành phẩm.

          Tăng khả năng sinh lợi nhuận cho DN từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách.

          Phát triển lĩnh vực mới của nền kinh tế đó là quảng cáo do vậy tăng thêm việc làm cho ngành truyền thông, quảng cáo và tăng nguồn thu của nhà nước ở lĩnh vực này.

Câu hỏi : Thưa ông, ông  có bình luận gì trước quan điểm mà chúng tôi nêu ra trong phóng sự vừa rồi: Tăng trần chi phí quảng cáo khuyến mại lên 15% trong Dự thảo Luật thuế TNDN là một bước tiến và nhận được sự đồng thuận của DN?

Trả lời : Theo Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) công bố kết quả điều tra tại 300 DN thuộc 03 trung tâm KT lớn của VN là Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thì (1) Nhu cầu quảng cáo tiếp thị của các DN khác nhau là khác nhau và với cùng một DN trong những giai đoạn khác nhau, với những sản phẩm khác nhau nhu cầu thông tin, quảng cáo cũng khác nhau điều này cũng thể hiện qua phóng sự vừa rồi. Vì vậy, không thể nói tăng trần chi phí quảng cáo khuyến mại lên 15% doanh nghiệp  đồng thuận cao được.

          Có thể có DN trong năm nay không sử dụng hết trần cho phép là 15 % nhưng ở giai đoạn khác, với sản phẩm chiến lược, chủ lực của DN thì trần 15% lại trở thành rào cản, trở thành nỗi bức xúc của doanh nghiệp.

Câu hỏi : Có ý kiến cho rằng, quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại tại Việt Nam là quy định khá khắc nghiệt. Với việc khống chế tỉ lệ chi phí quảng cáo như nêu trên, Việt Nam vẫn “một mình một chợ” trong chính sách thuế, nhất là trong thời kỳ hội nhập và mở cửa thị trường như hiện nay. Ông có nhận xét gì?

Trả lời : Đúng là theo những tài liệu chúng tôi có trong tay thì hiện chỉ có VN và Trung Quốc đang áp dụng mức trần cho quảng cáo, tiếp thị nhưng sự khác biệt giữa VN và Trung Quốc là ở chỗ : Hiện tại mức trần này ở VN là 10% thì ở TQ tỷ lệ 15% đã được áp dụng từ lâu và hiện TQ đã nâng trần tỷ lệ chi phí quảng cáo lên 30% trên tổng chi phí của một số ngành như dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát. Trường hợp chi phí quảng cáo khấu trừ trong năm bị vượt trần thì phần vượt sẽ được tiếp tục khấu trừ vào năm tiếp theo.

Câu hỏi : Thưa Ông Trần Đức Chính, việc nới rộng trần chi phí quảng cáo khuyến mại sẽ giúp cho doanh nghiệp điều gì trước mắt? Và với người tiêu dùng, họ sẽ được lợi gì hay là các chi phí đó vốn đã tính vào giá thành sản phẩm?

 Trả lời : Những lợi ích của việc loại bỏ hoặc nới rộng trần chi phí quảng cáo khuyến mại sẽ giúp cho doanh nghiệp rất nhiều không chỉ trước mắt và về lâu dài. Không chỉ đối với DN mà cho cả nền KT và người tiêu dùng như tôi đã trình bày ở trên.

          Dĩ nhiên chi phí quảng cáo, tiếp thị là chi phí đầu tư cho tương lai của DN vì vậy chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm, nhưng theo tôi trong điều kiện kinh tế thị trường, cạnh tranh ngày càng khốc liệt và người sử dụng ngày càng có nhiều lựa chọn thì việc người dùng mua hàng, sử dụng hàng là người sử dụng đã chấp nhận giá cả của hàng hóa.

Câu hỏi : Việc sửa đổi Luật Thuế TNDN lần này. Trước những quy định mới của Luật Thuế thu nhập DN, cụ thể như khoản 1 điều 10 sửa đổi thuế suất giảm xuống là 23% và bổ sung thuế suất 20% đối với DN vừa và nhỏ, Hiệp hội sẽ làm gì để trợ giúp các thành viên?

Trả lời : Chúng tôi sẽ tích cực tập hợp ý kiến của các DN để phản ánh tới các cơ quan hữu trách. Hiện tại nguyện vọng của các DN là đề nghị Chính phủ giảm thuế xuất xuống mức 20% cho tất cả các DN. Trong trường hợp không được thì đề nghị giảm thuế suất xuống 22% và bổ sung thuế suất 20% đối với DN vừa và nhỏ.

          Việc đưa ra một mức thuế hợp lý sẽ thúc đẩy DN tự giác nộp thuế, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Việc giảm thuế chước bạ của xe ô tô, xe máy đã qua sử dụng từ lần mua thứ 2 trở đi là một ví dụ cụ thể cho nhận xét này.

         

Câu hỏi : Xin đi vào cụ thể một vấn đề thời sự. Trong khi chờ đợi chính sách đi vào cuộc sống, ví dụ như khi việc nới lỏng trần chi phí quảng cáo lên 15% tổng chi phí  đang  chờ được phê duyệt, theo ông Trần Đức Chính, các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần phải làm gì?

Trả lời : Về phía Hiệp hội DN chúng tôi sẽ tích cực tập hợp ý kiến của các DN trong và ngoài HH nhằm phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của DN tới các cơ quan có thẩm quyền và để làm tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với quá trình xây dựng và thực thi các văn bản QPPL.

Câu hỏi : Thực tế là mọi chính sách đều hướng tới sự cân bằng lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông có kiến nghị gì để những sửa đổi trong Luật thuế mới sẽ thực sự mang lại hiệu quả cao?

Trả lời : Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách NN, việc nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của DN và cả công đồng vì vậy, Luật thuế sửa đổi phải đảm bảo được một cách tương đối lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp, của người tiêu dùng và để có được Luật thuế sửa đổi đạt được mục tiêu trên theo tôi cơ quan xây dựng, ban hành Luật cần lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều nhất là của các DN và biện pháp tốt nhất là đối thoại trực tiếp giữa những người làm luật với đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia cả trong và ngoài nước. 

Các văn bản liên quan