Góp ý của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Năm 14:52 11-04-2013

Giảm thuế cho doanh nghiệp

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng

Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP

Qua 4 năm thực hiện, do sự biến động nhanh của nền kinh tế, một số quy định trong Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế không theo kịp sự vận động của thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung luật thuế lần này cũng đồng bộ với sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT).

Việc sửa luật để điều chỉnh giảm mức động viên thuế được Chính phủ nhấn mạnh là nhằm “tạo điều kiện tăng tích luỹ, tích tụ cho doanh nghiệp”. Quốc hội cũng cho rằng việc sửa luật phải “bảo đảm khoan sức dân”. Trên tinh thần đó, chúng tôi đề nghị:

1.       Giảm ngay thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20%

Trong 10 năm qua, lộ trình giảm thuế TNDN của nước ta được thực hiện theo kiểu “phú quý giật lùi”, nghĩa là lần sau giảm ít hơn lần trước. Từ 1/1/2004 giảm thuế 4% (từ 32% xuống 28%); từ 1/1/2009 giảm 3% (từ 28% xuống 25%). Theo dự thảo lần này, chỉ giảm có "nhõn" 2% (từ 25% xuống 23%)! Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu "đi giật lùi" này.

Trong bối cảnh các DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV, đang kiệt sức sau một thời gian dài gánh nặng lãi suất ngân hàng, và ngút ngàn thứ thuế, phí, lệ phí, lại đang gặp vô vàn khó khăn về vốn và thị trường, thì 5 năm tới (2014 - 2019), cần "khoan sức dân" và "hà hơi thổi ngạt" cho DN bằng cách đổi mới thu thuế theo chiều "tiến", nghĩa là tăng mức giảm thuế TNDN lên 5%, xuống mức thuế 20% là hợp lý.

Ngoài ra đề nghị thêm 4 điểm:

a)  Riêng đối với DNNVV, hiện nay, tuy thuế TNDN là 25% nhưng do gói "hỗ trợ" theo Nghị quyết của Quốc hội được giảm 30% riêng cho khối DN này, nên thực chất, các DN này chỉ nộp thuế TNDN là 17,5%. Vì vậy, đối với DNVVN, thuế suất nên quy định là 15-17%.

b)  Báo chí là sản phẩm văn hóa, không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Để tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện giúp cơ quan báo in có nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN, quy định thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) của cơ quan báo chí được áp dụng thuế suất 10%.

c)   Cần miễn thuế TNDN đối với ngư dân và DN ở vùng đặc biệt khó khăn.

d)  Thời gian có hiệu lực dự kiến từ 1/1/2014. Nên chăng thực hiện từ 01/7/2013?

2.    Nên giảm thuế GTGT xuống 8%

Về chính sách tài khóa, nên giảm thuế GTGT để kích cầu, vực dậy nền kinh tế. Bởi nếu không thúc đẩy không tiêu dùng thì sản xuất ra bán cho ai? Việc giảm thuế VAT là phù hợp trong giai đoạn hiện nay, góp phần tạo ra một chu kỳ sản xuất mới, tạo một khoản vốn không lãi cho DN để tổ chức sản xuất với giá thành hợp lý hơn, kích cầu tiêu dùng, là cơ sở để đẩy sức mua, tác động tích cực trở lại đến sản xuất, kinh doanh.

3.    Không nên khống chế chi phí quảng cáo

Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới có quy định về mức khống chế đối với chi quảng cáo và khuyến mại. Đây là một điểm hạn chế và gây thiệt hại cho DN vì các DN đều đang chi cho các hoạt động này trên mức khống chế. Hơn nữa, việc khống chế chi phí này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa các DN.

Dự thảo Luật thuế TNDN không nên tiếp tục khống chế chi phí quảng cáo. Mặc dù dự luật đã điều chỉnh mức khống chế chi phí khuyến mại quảng cáo từ 10% lên 15% so với Luật hiện hành, nhưng vẫn chưa hợp lý và nên bãi bỏ mức giới hạn này.

Nếu bỏ giới hạn mức chi hợp lý thì vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của DN, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác mà Nhà nước đã đánh thuế đối với khoản thu này.

Các văn bản liên quan