Ths. Bùi Quang Tín – Công ty Luật CNTT: “Góp ý sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005: Hợp đồng dân sự”

Thứ Năm 08:14 14-03-2013

Bộ luật Dân sự có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống pháp luật của các nước có truyền thống pháp luật thành văn. Đây là sản phẩm của quá trình pháp điển hóa pháp luật dân sự, là một sự tập trung và có hệ thống cao các quy tắc điều chỉnh của pháp luật dân sự. Bộ luật Dân sự thể hiện những quan điểm cơ bản nhất của nhà nước trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật tư, thiết lập các nguyên tắc quan trọng nhất cho các mối quan hệ trong đời sống dân sự, đồng thời xác lập các quy tắc điều chỉnh cho quan hệ dân sự phát sinh (thậm chí cả những trường hợp được dự liệu có thể phát sinh). Các đạo luật điều chỉnh các khía cạnh khác nhau của quan hệ pháp luật tư (như thương mại, đất đai, tín dụng, sở hữu trí tuệ, ….) đều phải căn cứ vào các nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự. Điều này có nghĩa là việc soạn thảo các quy định của Bộ luật Dân sự phải là một quá trình tổng hợp các vấn đề cần điều chỉnh trong đời sống xã hội dân sự và thiết lập các quy tắc điều chỉnh dựa trên sự nghiên cứu thấu đáo các nguyên lý điều chỉnh của pháp luật dân sự cũng như các đặc thù của quan hệ pháp luật dân sự trong xã hội của mỗi quốc gia. Đồng thời, với phạm vi rộng lớn, Bộ luật Dân sự cần thiết phải được xây dựng với kỹ thuật lập pháp cao để hệ thống lại toàn bộ những vấn đề cần điều chỉnh trong đời sống pháp luật tư và có những quy tắc cần thiết dự liệu những vấn đề có thể phát sinh. Việc đảm bảo các yêu cầu này không chỉ phát huy vai trò của Bộ luật Dân sự trong quá trình phát triển xã hội của mỗi quốc gia mà còn đảm bảo cho sức sống của Bộ luật Dân sự trong sự phát triển của lịch sử.

Việc thường xuyên sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự giúp pháp luật cập nhật những vấn đề thực tiễn. Sau đây là các thay đổi trong phần Hợp đồng dân sự:

Điều 389. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự

Trước hết, BLDS 2005 đề cập tới nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng. Chúng tôi nhận thấy so với BLDS 2005, Bộ Nguyên Tắc Châu Âu và Bộ Nguyên Tắc Unidroit quy định nguyên tắc này rõ ràng hơn. Điều 1:102 của Bộ Nguyên Tắc Châu Âu quy định (tạm dịch): “Các bên được tự do giao kết và xác định các nội dung của hợp đồng …”. Điều 1.1 của Bộ Nguyên Tắc Unidroit cũng quy định: “Các bên được tự do giao kết hợp đồng và thỏa thuận nội dung của hợp đồng”.[1]

Như vậy, có thể thấy hai bộ nguyên tắc không chỉ quy định chung về việc tự do giao kết hợp đồng mà còn làm rõ một khía cạnh quan trọng nằm trong và có liên quan trực tiếp tới tự do giao kết hợp đồng đó là các bên được tự do xác định, thỏa thuận các nội dung của hợp đồng.

BLDS 2005 chưa quy định rõ về nguyên tắc các bên được tự do thỏa thuận các nội dung của hợp đồng cũng như chi tiết hóa nguyên tắc này trong những quy định hiện hành về hợp đồng dân sự. Hệ quả là khả năng tiên liệu của BLDS chưa cao; trong nhiều trường hợp, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng dân sự không biết mình có được tự do thỏa thuận một nội dung trong hợp đồng không, hay phải tuân theo quy định tương ứng của BLDS 2005.

Thay vì quy định “quyền tự do cam kết, thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm” như trong BLDS 1995, Điều 4 BLDS 2005 đã quy định: “Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Có thể xem đây là bước tiến lớn của BLDS 2005, thể hiện tinh thần: trong quan hệ dân sự, các bên được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Để tư tưởng này được thể hiện rõ hơn nữa trong các nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự, chúng tôi đề nghị quy định theo hướng tự do giao kết hợp đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội thay cho quy định hiện hành.

Mặc dù đã được đề cập tới phần nào tại Điều 4 BLDS 2005, để nhấn mạnh, theo chúng tôi vẫn cần bổ sung nguyên tắc: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được các cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng” vào phần hợp đồng dân sự.

Cụ thể, Điều 389 BLDS cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1.                  Tự do giao kết và xác định các nội dung của hợp đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội;

2.                  Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng;

3.                  Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được các cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.”

Điều 390. Đề nghị giao kết hợp đồng

Để làm rõ bản chất của đề nghị và để tôn trọng tự do cam kết của bên đề nghị giao kết hợp đồng, Điều 390 nên được sửa đổi như sau:

“1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể. Đề nghị giao kết hợp đồng phải chứa đựng các nội dung cơ bản cho việc hình thành hợp đồng.

2. Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì, trừ trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng quy định khác, bên đề nghị phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng, nếu có thiệt hại phát sinh.”

Điều 397. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng

Khoản 1 Điều 397 nên được sửa đổi như sau:

“Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời trong thời hạn đó. Khi bên đề nghị không ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời trong một khoảng thời gian hợp lý.  Nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời hoặc khi đã hết khoảng thời gian được coi là hợp lý thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.”

Điều 407. Hợp đồng dân sự theo mẫu

Điều 407 BLDS nên được sửa đổi như sau:

“1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.

2. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.

3. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực.”

Điều 412. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự

Thứ nhất, thực hiện đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác thực chất là những nội dung của thực hiện hợp đồng, là biểu hiện của nguyên tắc thực hiện hợp đồng. Những nội dung này nếu cần thiết sẽ được triển khai trong các điều luật cụ thể, không nên đưa lên thành nguyên tắc chung. Hơn nữa, bản thân Khoản 1 Điều 412 cũng chưa chặt chẽ khi buộc các bên phải thực hiện đúng hợp đồng. Trong hợp đồng có quyền và nghĩa vụ, bên có quyền không bắt buộc phải thực hiện đúng quyền của mình, mà có thể từ bỏ, hoặc giới hạn việc thực hiện quyền yêu cầu của mình, trừ trường hợp việc giới hạn hoặc từ bỏ quyền đó xâm phạm tới lợi ích của bên thứ ba, hoặc lợi ích chung. Theo chúng tôi, Khoản 1 Điều 412 chỉ cần quy định đơn giản: “Bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng” là đủ. Quy định như vậy cũng sẽ góp phần làm rõ hơn lựa chọn hiện nay của BLDS 2005 về trách nhiệm dân sự, đó là trách nhiệm buộc thực hiện hợp đồng được xem là trách nhiệm đầu tiên, có thứ tự ưu tiên hơn so với trách nhiệm buộc bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, cũng như giao kết hợp đồng, việc thực hiện hợp đồng cũng phải dựa trên cơ sở thiện chí. Khoản 2 Điều 412, theo chúng tôi, cần sửa lại thành: “Thực hiện một cách thiện chí, trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau”.

Như “Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1. Bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng;

2. Thực hiện một cách thiện chí, trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”

Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng dân sự

Khoản 1 Điều 425 BLDS nên được sửa đổi như sau:

“1. Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của bên đó trong hợp đồng, hoặc vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Điều 426. Đơn phương chấm dứt hợp đồng dân sự

Khoản 1 Điều 426 BLDS nên được sửa đổi như sau:

“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của bên đó trong hợp đồng, hoặc vi phạm hợp đồng là điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 427. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự

Điều 427 BLDS nên được sửa đổi như sau:

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày bên có quyền biết được việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị bên có nghĩa vụ xâm phạm.”

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về những bất cập còn tồn tại trong BLDS 2005 phần Hợp đồng dân sự, đề nghị các cấp thẩm quyền ghi nhận và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự được thuận lợi và đúng pháp luật.



[1] Bộ Nguyên Tắc của Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb Tư Pháp (2005), Điều 1.1.

Các văn bản liên quan