Góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Rinh – Hải Dương đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:09 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Thưa Quốc hội.

Sau gợi ý của Chủ tọa phiên họp, tôi xin tham gia một số ý kiến để bày tỏ quan điểm của mình đối với việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng.

Vấn đề thứ nhất. Tôi thấy tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn và họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham nhũng tiền bạc, đất đai, tài sản của Nhà nước của nhân dân và kết luận rằng việc tham ô này để làm giàu cho chính bản thân họ và gia đình của họ.

Hiện nay, tham nhũng ở đất nước ta đã trở thành quốc nạn ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Với thủ đoạn rất tinh vi, tham nhũng đã làm tha hóa một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang.

Tham nhũng đã có một vỏ bọc tương đối vững chắc. Hành động tham nhũng phải bị trừng trị và để làm trong sạch bộ máy của Đảng, của Nhà nước chúng ta để bảo vệ tài sản của nhân dân, của đất nước chúng ta.

Luật phòng, chống tham nhũng năm 2006 được Quốc hội thông qua đã có tác dụng và làm được một số việc quan trọng nhưng chưa thực hiện được mục tiêu của chúng ta đề ra là chống tham nhũng và đẩy lùi tham nhũng. Đây là khuyết điểm rất lớn mà chúng ta chưa thực khắc phục được.

Để luật này có tính pháp lý cao hơn, mạnh hơn và có chế định cụ thể hơn thì tôi tán thành với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Lần này Quốc hội chỉ tham gia một số điều cấp bách còn giao lại cho Ban Soạn thảo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để sửa chữa một cách tốt hơn. Qua nghiên cứu tôi thấy rằng trên dưới 40 điều mới và sửa đổi, vậy đại biểu Quốc hội chúng ta chưa có đủ thời gian đế nghiên cứu vấn đề này.

Thứ hai, còn nhiều điều có vấn đề để Chính phủ quy định tôi cho những chế tài này Luật phòng, chống tham nhũng phải cụ thể trong luật của mình còn để cơ quan hành pháp quy định vấn đề này tôi cho rằng nếu  như không cần thận nó lại trở lại vết xe cũ của chúng ta.

Tôi tán thành với nhiều ý kiến của các đại biểu về phạm vi đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản về thu nhập Điều 48. Theo dự thảo mới thì rất rộng nhưng cũng chưa đủ và theo điều cũ tôi nghĩ rằng còn thiếu và cần phải bổ sung thêm nên tôi đề nghị và thống nhất với các đại biểu là trong luật nghiên cứu quy định những người, những đối tượng cũng phải kê khai minh bạch tài sản. Nhưng chỉ tập trung vào những người giữ những địa vị quan trọng trong xã hội ở các cấp của chính quyền và những người có chức có quyền giữ tiền của nhà nước. Những đối tượng này tôi tán thành phải kê khai tài sản của bản thân mình, kê khai tài sản của gia đình mình và của vợ, con mình, đó là một điều bắt buộc phải làm.

Thứ hai là phải kê khai trước khi được Quốc hội phê chuẩn việc này.

Thứ ba là khi chấm dứt thời hạn mà Quốc hội bổ nhiệm phê chuẩn, phải công khai việc này. Bởi vì tôi theo dõi đối với các nước thì người có chức, có quyền khi hết hạn hoặc khi nghỉ hưu vẫn phải có trách nhiệm với việc mình làm đối với đất nước, cho nên họ vẫn bị pháp luật trừng trị, pháp luật không tha cho những đối tượng này. Cho nên, tôi nghĩ việc minh bạch này phải rất rõ.

Vấn đề thứ ba, trong luật chưa quy định và tôi tán thành là phải thực hiện những quyết định của Nghị quyết Trung ương 5. Nói như vậy, nhưng trong pháp luật của Nhà nước không thể bỏ qua điều này, bởi vì phòng, chống tham nhũng thì trong Hiến pháp đã trao quyền cho cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và công dân. Nếu chúng ta không quy định trong luật này thì tôi nghĩ không đúng và nhân dân sẽ hỏi chúng ta như thế nào. Tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến là cơ quan này là một cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước của chúng ta để phòng, chống tham nhũng, còn giải quyết việc tham nhũng là do pháp luật quy định. Đề nghị phải có cơ quan này bằng hình thức quy định như thế nào đó.

Tôi cũng suy nghĩ là đến bây giờ Quốc hội đã thành lập Ủy ban đặc biệt để chống tham nhũng chưa cũng còn phải suy nghĩ thêm và cũng mong các đại biểu Quốc hội suy nghĩ thêm bởi vì nếu như ủy ban đặc biệt thì có một trách nhiệm rất lớn đối với quốc gia của chúng ta, cho nên vấn đề này tôi đề nghị Quốc hội cho phát biểu thêm. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan