Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thanh Thảo – Đồng Tháp đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:10 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu hồ sơ Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Trước khi đi vào nội dung cụ thể của dự án luật tôi xin nêu một số suy nghĩ của mình về nguyên nhân tham nhũng vì có xác định được đầy đủ nguyên nhân mới có thể tìm cách chữa khỏi bệnh. Tôi nhớ mình đã đọc ở đâu đó một tác giả nghiên cứu tâm lý con người nhận định, có 3 nguyên nhân để con người làm tốt công việc của mình: một là vì tình yêu; Hai là vì tiền; Ba là được khen. Hai nguyên nhân đầu đã rõ tôi xin phân tích một chút về nguyên nhân thứ ba. Bản tính của con người luôn thích được khen, lời khen có hai mặt của nó, nếu là lời khen chân thành, đúng lúc đúng việc nó sẽ nâng con người lên một tầm cao hơn, lời khen chỉ để xã giao, phỉnh nịnh, tâng bốc, vuốt ve sẽ làm con người càng ngày càng chìm đắm vào mê muội, tội lỗi. Một người từ trước đến nay chưa từng ham của ai một thứ gì, đang giữ một nhiệm vụ bình thường, làm tốt công việc của mình, được mọi người tin yêu tín nhiệm, sau đó người đó được lên chức mọi thứ sẽ thay đổi dù người đó muốn hay không. Lời thật ít nghe hơn, lời phỉnh nịnh sẽ nghe nhiều hơn, mối quan hệ nhiều hơn, người ta quan tâm nhiều hơn đến những vật chất xung quanh mình. Nhưng tiền không tăng mãi như ta mong muốn, muốn giữ được những lời khen êm tai và không mất sĩ diện người đó sẽ nghĩ cách kiếm tiền không lương thiện trong đó có tham nhũng.

Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ luôn giữ nếp sống giản dị và khuyên mọi người nên giản dị, cũng không phải vô duyên vô cớ mà Hà Nội có văn bản không cho phép cán bộ công chức tổ chức tiệc cưới quá to, quá lâu, quá hoành tráng, mong rằng văn bản không chỉ là văn bản. Mỗi chúng ta ai cũng có thể trở thành kẻ tham nhũng khi ở trong môi trường đầy cám dỗ nếu không thường xuyên rèn luyện đạo đức. Mỗi chúng ta ai có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm người khác tham nhũng nếu ta quá ưa chuộng cuộc sống xa hoa, nếu ta hay ưa những lời khen tùy tiện. Chúng ta lên án những kẻ tham nhũng rất dễ nhưng giữ mình mới khó. Tư tưởng hưởng thụ, văn hóa tiêu xài đang ngày càng chiếm lĩnh trong xã hội chúng ta. Hàng ngày Tivi phát những quảng cáo nghe thật êm tai như thật là sành điệu, nhưng đằng sau sành điệu đó thì cần phải có tiền, lương không bao nhiêu, việc làm thêm lương thiện không có, sẽ làm gì để có tiền và để được khen là sành điệu.

Tôi nghe nhiều người nói, chống tham nhũng gần đây mới chỉ bắt được những con mèo ăn vụng, chưa bắt được con hổ. Theo tôi, đó không phải là những con mèo. Đó chính là những con hổ. Tham nhũng vặt, theo tôi nguy hiểm hơn nhiều vì đó là những người trực tiếp tiếp xúc với người dân, chính họ là những người làm suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền trước nhất và nhiều nhất. Thật đau lòng khi đọc những bài viết phản ánh những bác sĩ, y tá, chiến sĩ công an gây khó dễ cho những người mà lẽ ra họ phải phục vụ tận tình để trục lợi.

Giả sử một bác sĩ mỗi ngày chỉ nhận 10 phong bì trị giá 100.000 thì một tháng là 30 triệu, một năm là 360 triệu, con số không còn nhỏ nữa. Bác Hồ có nói "có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức là người vô dụng". Vậy, nên chăng trong khâu tuyển dụng nhân sự, bên cạnh đòi hỏi về văn bằng, bài thi kiểm tra về thi kiến thức, các cơ quan tổ chức của Nhà nước còn có bài kiểm tra về EQ, chỉ số xúc cảm để đánh giá đạo đức của con người sắp được tuyển dụng và hàng năm bên cạnh những buổi kiểm điểm, phê bình chúng ta còn có những bài trắc nghiệm EQ. Đó cũng là một cơ sở khoa học để kiểm tra đạo đức của con người.

Về nội dung cụ thể trong dự thảo luật, tôi xin tham gia như sau.

Tại Chương II Mục 1 về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài những nội dung dự thảo đã nêu, tôi đề nghị quy định cụ thể thời gian công khai, thời điểm công khai vì công khai trễ hay công khai một vài ngày đã gỡ bỏ cũng như không công khai.

Điều 43, trách nhiệm của người không báo cáo hoặc không xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng, chỉ nêu là chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tôi đề nghị phải quy định rõ phải chịu trách nhiệm như thế nào trong luật này.

Điều 48, nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Khoản 1, liệt kê những đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Tôi thấy nhiều nhưng vẫn còn thiếu. Ví dụ như trong lĩnh vực ngân hàng, kho bạc, kiểm lâm, hải quan, quản lý thị trường, quản lý chợ không thấy nêu trong đây, trong khi những đối tượng này ở môi trường dễ tham nhũng nhất.

Những đối tượng tại Điểm e, nên ghi gọn lại như sau: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên chính của Đại học Quốc gia, đại học vùng. Ngoài ra cần bổ sung người là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng ngân sách nhà nước vì có quy định họ phải công khai bảng kê khai tài sản thu nhập tại khoản 4, Điều 52 và quy định trách nhiệm của họ tại Khoản 4, Điều 67.

Điều 49, về tài sản thu nhập phải kê khai, tôi thống nhất nhưng đề nghị tách Điểm b, Khoản 1 thành hai điểm như sau: b: kim khí quý, đá quý. c: tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác. Khi đó sẽ sửa Khoản 2 lại như sau: Tài sản phải kê khai được quy định tại Điểm c, đ có giá trị 50 lần lương cơ bản trở lên. Vì theo tôi một viên đá quý hoặc một món nữ trang có thể không đủ số tiền như Khoản 2 quy định nhưng nhiều viên, nhiều món sẽ hơn. Tách ra như vậy bắt buộc phải liệt kê hết mới thật sự có hiệu quả trong việc kê khai tài sản và mức gấp 50 lần lương tối thiểu là một tài sản rất lớn, tôi không đồng ý nâng lên 100 triệu mới kê khai.

Điều 50, thủ tục kê khai tài sản thu nhập, cần quy định thêm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải kê khai lại khi có tên trong danh sách ứng cử.

Về người có dấu hiệu tham nhũng cần xác minh điều tra, tôi đề nghị tạm thời đình chỉ công tác, không chuyển sang vị trí công tác khác vì để gây bất lợi trong điều tra.

Về việc công khai bảng kê khai tài sản, thu nhập, tôi đề nghị chỉ cần công khai nơi làm việc và phải ở nơi an toàn, nội bộ nơi làm việc, vì có thể gây nguy hiểm cho người có tài sản, khi các đối tượng xấu nắm được thông tin, luật thì chúng ta muốn làm cho việc phòng, chống tham nhũng dễ dàng, nhưng cũng phải bảo vệ những người có thể không phạm tội tham nhũng.

Cuối cùng, tôi đề nghị cần có quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân trong việc chống tham nhũng, luật có nêu, nhưng theo tôi còn rất đơn giản và sơ sài như vậy sẽ khó cho hoạt động của công an nhân dân ở cơ sở. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan