Góp ý của ĐBQH Bùi Nguyên Súy – Sơn La đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:09 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Trong thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và Luật phòng, chống tham nhũng nói riêng dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, chưa tương xứng với những đòi hỏi thực tiễn đặt ra trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tệ nạn này. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt sửa Luật phòng, chống tham nhũng trong tổng thể công tác phòng, chống tham nhũng nói chung. Sửa luật là một việc rất quan trọng trong nhiều việc quan trọng khác mà chúng ta phải làm để phòng, chống tham nhũng.

Muốn vậy phải nhận diện cho rõ và tự đánh giá cho sát về thực trạng tham nhũng nước ta hiện nay, để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp triệt để và đồng bộ. Tôi xin nêu ra một số vấn đề.

Thứ nhất, tham nhũng phát sinh có liên quan chặt chẽ đến cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực Nhà nước. Vì vậy, nếu chỉ tập trung vào sửa Luật phòng, chống tham nhũng mà không gắn kết với các giải pháp tổng thể nhằm kiểm soát hiệu quả việc thực hiện quyền lực Nhà nước thì liệu chúng ta có giải quyết được một cách triệt để tệ nạn này không?

Thứ hai, tham nhũng ngày càng biểu hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, thông qua những thủ đoạn xảo quyệt có tổ chức chặt chẽ thành nhiều tầng, nấc và chủ thể của hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, nên thường dùng mọi cách để che giấu hành vi, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người bên trong và người bên ngoài cơ quan Nhà nước. Vì vậy, liệu chúng ta vẫn sử dụng các biện pháp công cụ như hiện nay thì có phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được không.

Tôi cho rằng để giải quyết được những vấn đề đó cần phải có những thay đổi mang tính căn bản từ quan niệm về hành vi tham nhũng đến các biện pháp phòng ngừa phát hiện xử lý tham nhũng và tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền của các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Để làm được như vậy chúng ta phải có thời gian để nghiên cứu phân tích làm rõ đặc biệt trong việc phân tích thực trạng tham nhũng, qua đó xác định các biện pháp phòng ngừa phát hiện xử lý cho phù hợp. Tuy nhiên trong thời gian ngắn khoảng 4 tháng chúng ta chỉ có thể tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định, những nội dung đã thực sự rõ qua thực tiễn. Vì vậy, tôi đồng tình với việc xác định phạm vi các vấn đề sửa đổi, bổ sung theo Tờ trình của Chính phủ vì đã bám sát những chủ trương giải pháp mang tính cấp bách được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X và kết luận của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI. Về nội dung của dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về các quy định việc công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị Mục 1, Chương II về phòng, chống tham nhũng từ Điều 11 đến Điều 36 dự thảo luật. Cần quy định trực tiếp hình thức công khai bắt buộc tại Khoản 1, Điều 12 dự thảo luật đưa lên trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức đơn vị, bổ sung một điều quy định về xử lý vi phạm liên quan đến thực hiện các biện pháp công khai minh bạch như không thực hiện công khai, không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không đầy đủ khi có yêu cầu nâng cao hiệu quả điều chỉnh của luật trong thực tiễn.

Thứ hai, quy định Điều 47 dự thảo luật về chuyển đổi vị trí công tác. Cần sửa đổi các quy định về điều này theo hướng mở rộng đối với các đối tượng giữ chức vụ quản lý. Thực tế cho thấy đây là vị trí cần thực hiện biện pháp này nhằm phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó cần sửa đổi luật theo hướng gắn việc thực hiện biện pháp chuyển đổi vị trí công tác với thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu. Căn cứ vào tình hình cụ thể của cơ quan, tổ chức đơn vị người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức đơn vị mình. Đồng thời luật cần bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu có hành vi vi phạm khi thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức đơn vị mình trực tiếp quản lý phụ trách.

Thứ ba, quy định tại Điều 37 dự thảo luật về trách nhiệm giải trình, dự thảo luật cần bổ sung thêm các nội dung nhằm làm rõ hơn về trách nhiệm giải trình để đảm bảo hiệu lực thực hiện chế định này trên thực tiễn. Đặc biệt là về hình thức giải trình, nội dung giải trình, chủ thể giải trình xử lý trách nhiệm trong trường hợp không giải trình hoặc giải trình không đầy đủ.

Thứ tư, quy định tại Điều 48 dự thảo luật về người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Đề nghị sắp xếp lại cho gọn và khoa học hơn theo hướng giữ các Điểm a, b, f, g, h, i, l và bổ sung viên chức vào Điểm b, Khoản 1, Điều 48. Qua nghiên cứu cho thấy các quy định trong các điểm còn lại về cơ bản trùng lặp với các điểm ở trên. Bên cạnh đó nếu so sánh với Điều 44 luật hiện hành thì các quy định tại Khoản 1, Điều 48 đã mở rộng hơn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X. Việc mở rộng đến cán bộ, đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chưa phù hợp trong điều kiện kinh tế và xã hội hiện nay.

Thứ năm, quy định tại Điều 52 dự thảo luật về công khai bảng kê khai tài sản tôi cho rằng cần bổ sung thêm các quy định nhằm đảm bảo việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập phải đi vào thực chất khi tổ chức thực hiện theo đó phải làm rõ hình thức, địa điểm công khai. Ai có quyền tiếp cận với các thông tin về tài sản thu nhập trong bản kê khai? Ai có quyền cung cấp thông tin về bản kê khai tài sản thu nhập? Việc quản lý bản kê khai do cơ quan nào chủ trì? Quy định các hình thức xử lý vi phạm về công khai bản kê khai tài sản thu nhập. Trên đây là một số ý kiến của tôi tham gia vào dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan