Góp ý của ĐBQH Hồ Thị Cẩm Đào – Sóc Trăng đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:08 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua sơ kết 5 năm triển khai thực hiện nhiều quy định của Luật phòng, chống tham nhũng cũng đã bộc lộ những hạn chế bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Do đó, tôi tán thành với quan điểm xây dựng dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là các giải pháp đề ra trong nghị quyết hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, kết luận hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI và tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Qua gợi ý của Đoàn thư ký và chủ tọa kỳ họp, tôi xin tham gia một số vấn đề như sau. Về những vấn đề chung.

Một, về phạm vi điều chỉnh, tôi đề nghị dự thảo luật lần này nên sửa đổi một số điều thật sự cần thiết, có tính chất căn cơ để phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay, như ý kiến phân tích của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, tỉnh Quảng Bình.

Hai, về phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai minh bạch tài sản ở Điều 48. Tôi đồng ý đối tượng kê khai tài sản thu nhập bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo như dự thảo luật, đồng thời bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là cán bộ công chức, viên chức là đảng viên và cả cán bộ công chức không phải là đảng viên. Bởi vì ngoài việc phòng, ngừa tham nhũng thì còn để thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ công chức. Tôi đề nghị trong dự án luật cần quy định các biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nhằm minh bạch tài sản của đối tượng điều chỉnh, tránh thực hiện mang tính hình thức như hiện nay.

Ba, về công khai bản kê khai tài sản thu nhập ở Điều 52. Việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập là cần thiết. Đối tượng kê khai là những cán bộ có chức, có quyền giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước nên cần phải công khai. Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế điều luật để tránh tình trạng có những bất cập trong việc công khai. Trước mắt, tôi thống nhất nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức đơn vị, nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện công khai tại nơi cư trú để tránh lạm dụng vào mục đích tiêu cực hoặc gây bất lợi cho người kê khai với cộng đồng dân cư xung quanh hoặc do bị kẻ xấu lợi dụng để bôi nhọ hoặc đả kích. Riêng đối với hình thức công khai bản kê khai tại nơi cư trú, theo tôi áp dụng trong một số trường hợp như ứng cử, đề cử đại biểu Quốc hội, đề cử Hội đồng nhân dân.

Thứ tư, về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng theo dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) không còn quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên hiện nay Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng vẫn đang còn hoạt động. Tôi tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm trưởng ban chỉ đạo đúng theo tinh thần và nội dung nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI nhằm đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Còn về tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong Văn kiện của Đảng là hợp lý. Theo tôi, trong luật này cũng nên có một điều luật mang tính nguyên tắc thể hiện rõ sự chuyển đổi để làm cơ sở cho hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sau này. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) không quy định về tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên theo tôi cần có điều luật quy định tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương thực hiện theo quy định của Đảng.

Về một số vấn đề cụ thể, ở phần giải thích từ ngữ, tôi đề nghị bổ sung một khoản vào điều này để giải thích cụm từ là: "ít vật chất, tinh thần", nhằm minh bạch từ ngữ trong điều khoản của luật, tránh hiểu sai hoặc vận dụng không chính xác trong thực tiễn.

Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Điều 8 và trách nhiệm của cơ quan báo chí ở Điều 9. Tôi đề nghị thiết kế Điều 8 và Điều 98. Điều 9 và Điều 99 của dự thảo luật thành một điều mới để nhất quán điều chỉnh về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng như vai trò và trách nhiệm của báo chí.

Thứ ba, về công khai minh bạch trong việc thực hiện chính sách xã hội ở Điều 29 và công khai minh bạch trong thực hiện chính sách dân tộc ở Điều 30. Tôi đề nghị bổ sung cụm từ "chính sách" vào trước cụm từ "việc thực hiện chính sách" quy định tại Khoản  2, Điều 29 và Khoản 2, Điều 30 của dự thảo luật nhằm công khai về chính sách pháp luật cho đối tượng thụ hưởng để biết và giám sát.

Thứ tư, về trách nhiệm giải trình ở Điều 37 quy định cơ quan, Nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp để tác động bởi quyết định hành vi đó khi có yêu cầu, nhưng trong quy định cụ thể thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lại yêu cầu người được giao nhiệm vụ là cấp dưới của mình phải giải trình, chứ không phải là thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải giải trình, vấn đề này tôi thấy chưa thể hiện rõ trách nhiệm, do đó cần phải bổ sung cho đầy đủ hơn. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan