Góp ý của ĐBQH Đỗ Văn Đương – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:08 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí việc sửa và thông qua luật này ngay tại kỳ họp này vì đáp ứng bức xúc, mong đợi của cử tri cả nước.

Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thì rất nhiều cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với tôi rằng tại sao đã chuyển đổi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho Bộ Chính trị và đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư mà nhìn trên tivi vẫn thấy Thủ tướng Chính phủ là trưởng Ban chủ trì họp thì có điều gì đó băn khoăn, nghi ngờ. Tôi có giải thích rằng vì Luật phòng, chống tham nhũng đang còn hiệu lực, cho nên Thủ tướng Chính phủ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều 73, còn tới đây tại kỳ họp thứ tư thì chắc chắn Quốc hội sẽ đưa ra sửa đổi, để đảm bảo sự đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tôi thấy việc sửa ngay thông qua là hết sức cần thiết.

Thứ hai, nghiên cứu kỹ dự thảo thì tôi thấy rằng có rất nhiều quy định tiến bộ hơn so với luật hiện hành, đặc biệt nhất là công khai, minh bạch một số lĩnh vực nhạy cảm mà thường để xảy ra tham nhũng. Ví dụ vấn đề phân bổ ngân sách, vấn đề về quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản. Đây là cơ sở quan trọng để tới đây sửa dự án Luật đất đai, theo tôi phải có một chương là công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng đất đai, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là các quy định và các quyết định hành chính về đất đai để bảo đảm nhân dân giám sát theo dõi thì việc đấy tôi cho là hết sức cần thiết. Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo luật tôi xin góp ý 3 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về các hành vi tham nhũng tại Điều 3, nếu như ta không bổ sung những hành vi tham nhũng ở quy mô lớn thì nó vẫn chỉ thể hiện tham nhũng vặt, cục bộ có tính chất vụ việc. Cho nên tôi đề nghị để tạo điều kiện cho nhân dân phát hiện, tố cáo những hành vi tham nhũng lớn, âm ỉ kéo dài gây tác hại nghiêm trọng, nhất là trong vấn đề liên quan đến chính sách về kinh tế, về xã hội, tôi đề nghị bổ sung 2 hành vi:

Hành vi thứ nhất, lợi dụng chức vụ quyền hạn ra các quy định, quyết định trái pháp luật. Ví dụ như Quyết định thu hồi đất trái pháp luật, cấp giấy phép kinh doanh, cấp các loại dự án trái pháp luật.

Hai là lợi dụng chức vụ quyền hạn để lũng đoạn, chi phối hoạt động kinh tế của các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực quản lý của mình.

Ba là tôi kiến nghị bỏ tất cả các cụm từ “vụ lợi” ở trong 8 hành vi còn lại bởi vì chỉ cần chứng minh hành vi là lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái pháp luật, cố tình làm trái công vụ thì đã có mờ ám, đã có khuất tất rồi, như thế đã được coi là tham nhũng, còn cụ thể chứng minh vụ lợi hay không thì còn cả một quá trình điều tra. Tôi đã có lần kiến nghị trước Quốc hội là chỉ cần khai, chỉ cần nói là anh mua tàu cũ, anh nhập khẩu công nghệ cũ mà anh khai rằng mới thì riêng việc đó đã phải chịu trách nhiệm hình sự chứ chưa cần nói chứng minh gì cả.

Vấn đề thứ hai, về trách nhiệm người đứng đầu theo tôi ở Mục 5 từ Điều 66 đến Điều 67, Điều 68 thì nên quy định cho đúng với chế độ, trách nhiệm công vụ của người đứng đầu. Ở đây, nghiên cứu kỹ thì ta lại nói nặng về trình tự, thủ tục, xử lý, trách nhiệm và chế tài, đặc biệt là đối với người đứng đầu thì không ai lại tự bôi nhọ vào mình, nếu mình tích cực chống tham nhũng thì mình lại bị chê trách và khuyết điểm.

Tôi đề nghị nên quy định chế độ, trách nhiệm công vụ người đứng đầu. Trước hết, anh phải giáo dục, răn đe cán bộ, công chức không được làm trái pháp luật, không được làm trái công vụ và phải thường xuyên, chủ động phát hiện tham nhũng. Nếu như ở đơn vị nào ít tham nhũng, phát hiện được nhiều tham nhũng thì người đứng đầu đó càng được khen thưởng. Phát hiện càng nhiều càng được khen thưởng. Trong lúc này lại phải yêu cầu như thế.

Nhưng khi anh có sai  phạm, anh rõ ràng có hành vi liên quan đến vụ đó thì tùy theo tính chất, mức độ vụ việc tham nhũng đã có rất nhiều quy định của pháp luật xử lý rồi. Ở đây không cần thiết phải quy định cụ thể, nó sẽ gây phản cảm, triệt tiêu động cơ đấu tranh chống tham nhũng của người đứng đầu.

Vấn đề thứ ba, về quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, do thay đổi mô hình là Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, có lẽ cơ quan giúp cho Chính phủ để tham mưu về công tác quản lý Nhà nước phòng, chống tham nhũng thì nên giao cho Bộ Công an. Vì Bộ Công an là lực lượng nòng cốt, đồng thời phát hiện tham nhũng nhiều nhất. Một điểm khác nữa là đồng chí đứng đầu công an là Ủy viên Bộ Chính trị thì rất thuận lợi giữa sự đồng bộ và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tới đây, về lâu dài thì có ba trụ cột chính mà nhiều nước tiên tiến đã dựa vào, đó là Thanh tra Nhà nước, kiểm toán Nhà nước và Ủy ban kiểm tra độc lập hay gọi là cơ quan điều tra độc lập. Đấy là trụ cột chính thì sau này tính mà Thanh tra Nhà nước sẽ là chủ lực sẽ tính sau. Trước mắt, cơ quan quản lý Nhà nước nên giao cho Bộ Công an.

Về phía cơ quan điều tra độc lập theo tôi rất cần thiết nhưng bây giờ quy định ngay trong luật này nó nằm ở đâu và chức năng, nhiệm vụ ra sao thì chắc không thể quy định được, nhưng ngay trong luật này cũng phải thể hiện quyết tâm có một cơ quan điều tra độc lập.

Tới đây, cụ thể thẩm quyền đến đâu thì sẽ do các cơ quan điều tra hình sự tính tiếp. Nhưng trong luật này theo tôi chỉ ghi nhận có cơ quan điều tra độc lập. Ví dụ cơ quan điều tra này chỉ điều tra những đối tượng từ giám đốc sở các ban, ngành, Bí thư, Chủ tịch tỉnh trở lên, trên này là thứ trưởng, Bộ trưởng, tức là những tham nhũng lớn, tham nhũng "cổ cồn trắng", rất nhiều nước chỉ đạo Viện công tố: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, ngoài ra thì những hệ thống tham nhũng vặt thì vẫn cứ để cho các cơ quan điều tra hiện có làm, chứ không thể ôm hết được. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan