Góp ý của ĐBQH Trần Đình Long – Đắk Nông đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:07 21-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi xin bày tỏ sự đồng tình cao với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, sự cần thiết phải sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng. Nhưng trong điều kiện về nội dung cũng như thời gian để hoàn thiện dự án này tôi thấy dự án này nên thông qua 2 kỳ họp. Nghĩa là hôm nay kỳ họp này Quốc hội cho ý kiến, kỳ họp sau chúng ta sẽ thông qua. Như thế nó bảo đảm một cách chặt chẽ với nhiều lý do như các đại biểu đã thông qua, lãnh đạo có ý kiến.

Về nội dung tôi xin có ý kiến, trước hết về Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tôi đồng ý không quy định Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương nhưng thay vào đó phải quy định một điều có tính nguyên tắc về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và chịu sự lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của tổ chức Đảng. Có như vậy nó mới gắn với việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương, như thế nó vừa gắn trách nhiệm của Đảng cũng đồng thời là quyền hạn của Đảng đối với việc lãnh đạo chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Vấn đề thứ hai là về kê khai tài sản, tôi nghĩ rằng việc xác định đối tượng kê khai tài sản, phạm vi kê khai tài sản là phải xuất phát từ mục đích, yêu cầu của việc kê khai tài sản để làm gì? Tôi nghĩ rằng việc kê khai tài sản trước hết phải xác định cho rõ mục đích là nhằm để quản lý về việc thu nhập cũng như các hoạt động của cán, bộ công chức. Có ý kiến cho rằng chúng ta nếu bắt cán bộ công chức kê khai, bây giờ người ta còn đi thuê nhà ở thì kê khai cái gì? Nhưng theo tôi thì chúng ta phải kê khai ngay từ đầu cán bộ công chức vào cơ quan nhà nước, năm nay còn là cán bộ mới tuyển dụng, nhưng 5 - 7 năm sau thì chúng ta thấy rằng là một sự phát đạt rất nhanh chóng và cả một cuộc đời chúng ta thấy rằng thu nhập đó nó xứng đáng với tài sản mà của cán bộ công chức đó tạo ra và như thế nó có mục đích quản lý cán bộ từ khi mới vào cơ quan nhà nước cho đến cuối cùng, chứ không phải là việc chỉ giải quyết vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng trước mắt.

Thứ hai, kê khai tài sản là thể hiện sự trung thực của cán bộ công chức và để thực hiện được mục đích đó, chúng tôi đề nghị, trước hết về đối tượng là phải kê khai hết tất cả cán bộ công chức. Chúng ta không loại trừ là cán bộ công chức không giữ chức quyền mà không tham nhũng. Ví dụ người dân người ta đi kê khai làm thủ tục để mà được hưởng chế độ hỗ trợ về xăng, dầu để đánh bắt xa bờ mà chỉ thông qua một anh lái xe thôi thì người ta đã mất 1,5 triệu/15 triệu mà vừa rồi báo đài đăng, thì đấy không phải là có chức quyên nhưng người ta vẫn tham nhũng. Cho nên tôi nghĩ rằng quản lý cán bộ công chức là cần thiết phải kê khai hết về phạm vi.

Thứ hai, chế tài để bảo đảm việc kê khai này, tôi đề nghị kê khai này là cơ sở để đánh giá về trung thực của cán bộ, đồng thời cũng là biện pháp để quản lý thu nhập của cán bộ. Do đó, chúng tôi đề nghị về đối tượng kê khai chỉ là cán bộ công chức nhưng thêm một nội dung kê khai đó là: tài sản tặng, cho. Tài sản tặng, cho có thể là con, bạn bè, anh em tất cả mọi người nhưng người cán bộ công chức có tài sản mà cho là phải kê khai. Còn ngoài ra những đối tượng không thuộc diện kê khai, chẳng hạn là con nhưng không phải cán bộ công chức thì chúng ta không bắt buộc họ phải kê khai, nhưng người có tài sản là cán bộ công chức tặng cho bất cứ ai là phải kê khai. Nếu không kê khai hoặc che giấu kê khai thì chúng tôi phải có biện pháp đánh giá cán bộ công chức, nếu phát hiện ra việc che giấu và man khai về vấn đề kê khai tài sản thì chúng tôi đề nghị phải quy định dứt khoát buộc thôi việc vì thiếu trung thực.

Về quá trình kê khai phải gắn với cán bộ công chức, gắn với tổ chức, tức là cán bộ thuộc phạm vi quản lý của cấp nào, cơ quan nào thì cơ quan đó, cấp đó quản lý hồ sơ kê khai tài sản gắn liền với hồ sơ quản lý cán bộ công chức liên tục trong suốt quá trình tham gia công tác trong bộ máy nhà nước. Về vấn đề xác minh cũng tương tự là phải gắn với tổ chức bộ máy của quản lý cán bộ công chức.

Về trình tự thủ tục như trong báo cáo này chúng tôi thấy chưa đủ, vấn đề trình tự thủ tục xác minh theo quy định của luật này, nhưng thanh tra, điều tra, kiểm toán thì phải theo quy định của pháp luật có liên quan chứ không đóng khuôn lại trình tự thủ tục trong dự án luật này quy định về vấn đề điều tra xác minh tài sản.

Về vấn đề người đứng đầu, chúng tôi đề nghị phải làm rõ người đứng đầu trực tiếp, đồng thời người đứng đầu là chế độ thủ trưởng, người đứng đầu là chế độ tập thể, chúng ta phải làm rõ người đứng đầu ở đây bao gồm cả tập thể nếu như đó là quyết định đa số thì sau này chúng ta mới giải quyết được.

Về vấn đề thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Chúng tôi đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm nếu đơn vị đó, cá nhân đó đã được kiểm tra, đã được thanh tra, được kiểm toán mà sau đó phát hiện ra hiện tượng tham nhũng thì cơ quan đã thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đó phải chịu trách nhiệm về việc mình đã kiểm tra mà bỏ sót lọt tội phạm. Chúng tôi đề nghị phải quy định rõ.

Một số vấn đề cụ thể chúng tôi đề nghị phải rà soát và chuẩn bị kỹ hơn. Cuối cùng chúng tôi đề nghị Quốc hội nên ra một nghị quyết kêu gọi tất cả những người tham nhũng tự thú, tự khai, tự nộp cả tài sản và đây là lòng trung thành của cán bộ Đảng viên, công chức đối với chế độ này, sau đó nếu không tự giác thì sẽ xử lý, nếu được phát hiện. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan