Góp ý của ĐBQH Chu Sơn Hà – TP Hà Nội đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:03 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Sau gần 7 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, chúng ta đã có những kết quả bước đầu. Tuy từ năm 2005 đến tháng 3-2012, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Trung ương đã ban hành 45 loại văn bản khác nhau có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Nhưng kết quả công tác này hiệu quả hạn chế, nhiều điều luật trong Luật Phòng, chống tham nhũng cần phải được sửa đổi.

Trước hết tôi đồng tình cơ bản với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi của thực tế và mong muốn của nhân dân trước tình hình tội phạm tham nhũng ngày càng tăng về số lượng, quy mô ngày càng lớn, hành vi ngày càng tinh vi. Tham nhũng, biển thủ cả tiền công đức ở những nơi thờ tự, tôn nghiêm, tiền trùng tu di tích. Tham nhũng len lỏi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Kính thưa Quốc hội.

Căn cứ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại một kỳ họp theo chương trình rút gọn. Do vậy, căn cứ vào quỹ thời gian cho phép, tôi cho rằng, trước mắt không cầu toàn để sửa đổi một cách toàn diện mà chỉ nên sửa đổi những điều cơ bản nhất để đảm bảo kịp thời khắc phục những tồn tại của pháp luật hiện hành và phù hợp với định hướng đã ghi trong nghị quyết Trung ương 5.

Tôi đề nghị lần này sửa đổi chỉ nên tập trung vào các vấn đề: đối tượng, nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, vấn đề công khai tài sản, thu nhập, vấn đề xác mình và đặc biệt là bộ máy phòng, chống tham nhũng chuyên trách, người đứng đầu và trách nhiệm của người đứng đầu như trong tờ trình của Chính phủ. Nếu có điều kiện chúng ta sẽ quản lý toàn bộ tài sản thu nhập của mọi công dân theo mã số công dân trên toàn quốc thì điều đó thật tuyệt vời nhưng trong điều kiện hiện nay chúng ta chưa làm được việc đó.

Về tham gia một số điều cụ thể tôi xin nêu như sau: theo Tờ trình của Chính phủ loại bỏ Điều 73 cũ của luật hiện hành thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm trưởng ban. Tôi đồng tình cao với chủ trương của Đảng  đã khẳng định trách nhiệm chính trị của Tổng Bí thư trước một việc hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên tôi cho rằng cần phải có một cơ quan trực tiếp chống tham nhũng, cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý trước Quốc hội, trước nhân dân.

Theo tôi nên hình thành theo mô hình 2 trong 1 như mô hình Ban tổ chức của các cấp ủy đó là Giám đốc Sở Nội vụ đồng thời là Phó ban, Phó trưởng ban tổ chức của các cấp ủy. Ở đây ý muốn nói Tổng bí thư, Bí thư cấp ủy sẽ là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Phó trưởng ban Thường trực là Trưởng ban Nội chính của các cấp ủy và các phó ban trực tiếp đó là các phó của cơ quan thanh tra nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân, công an, tòa án nhân dân phụ trách các bộ phận phòng, chống tham nhũng của mỗi cơ quan. Cơ quan này được hình thành theo quyết định xác định để xác minh từng vụ việc cụ thể của người có thẩm quyền theo quy định tại dự thảo Điều 55, Điều 56 như vậy sẽ không phát sinh theo một cơ quan hay phát sinh theo bộ máy.

Kính thưa Quốc hội, một trong nhiều yếu tố để cán bộ chuyên trách chống tham nhũng thực hiện có hiệu quả công việc tôi đề nghị Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện, tạo phương tiện làm việc, thu nhập đời sống và bảo đảm an toàn sinh mệnh cho bản thân và gia đình họ, việc này cũng cần phải luật hóa trong dự án luật này. Tôi đề nghị rà soát lại toàn bộ dự án luật để đồng bộ với các luật hiện hành, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ví dụ như Điều 49 theo tôi nên dẫn chiếu Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 về xác định thu nhập. Về việc liệt kê tài sản nên dẫn chiếu Điều 13 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản về chế định tài sản. Tôi đề nghị đổi vị trí của Điều 48 cho Điều 49 cho logic.

Đối với Điều 48 trong dự thảo luật về nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập Khoản 1 có quy định những người phải kê khai tài sản thu nhập. Qua nghiên cứu toàn văn bản này tôi cho rằng thiết kế điều luật không đúng với tinh thần chống tham nhũng phải chống từ trên xuống dưới, nhưng ở đây cấp xã, người kê khai tài sản, đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập lại là cán bộ chuyên môn đơn thuần cũng phải kê khai trong khi đó từ cấp huyện trở lên chỉ có cấp phó phòng, trưởng phòng trở lên. Có những người có chức vụ, có quyền hạn thì có điều kiện tham nhũng, ngược lại những người không có chức vụ, nhưng có quyền hạn thì vẫn có điều kiện để tham nhũng. Ví dụ một chuyên viên của cơ quan thi đua, đơn vị cần tổ chức một ngày kỷ niệm để công bố quyết định thi đua của cấp có thẩm quyền đã ký nhưng người ta vẫn dây dưa gây phiền hà thì việc đó cũng có điều kiện tham nhũng. Do đó, tôi đồng tình cao với quan điểm trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là đối tượng kê khai tài sản là toàn bộ cán bộ, công chức và viên chức như vậy đã đầy đủ trong đó có cả Đảng viên và người không phải là Đảng viên.

Mục 1, Chương II quy định công khai minh bạch trong hoạt động giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân từ Điều 11 đến Điều 34, tôi đề nghị cần bổ sung các chế định quy định đối với lĩnh vực dịch vụ công liên quan đến yếu tố nước ngoài như hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, đưa người đi lao động ở nước ngoài v.v… và đồng thời trong cả lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp. Các Khoản 1, 2 Điều 56 về thẩm quyền xác minh tài sản thu nhập, Khoản 1, 2, Điều 75 về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát xét xử có ghi: có liên quan đến cơ quan kiểm tra của Đảng, các cơ quan tổ chức của Đảng và một số điều khác cũng quy định liên quan đến các cơ quan này, các điều khoản trên tôi cho rằng cần phải nghiên cứu thêm vì các cơ quan này không phải là cơ quan nhà nước mà là cơ quan của Đảng với địa vị pháp lý và một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức chính trị xã hội sử dụng con dấu không có quốc huy và việc chống tham nhũng lại là nhiệm vụ trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp. Tôi đề nghị thiết kế sao cho bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Đảng. Thể hiện đầy đủ tinh thần nội dung Nghị quyết Trung ương 5, nhưng phải phù hợp với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tôi đề nghị phân định cho rõ nội dung, phạm vi trách nhiệm cơ quan thẩm tra xác minh đối với người, đồng thời là đối tượng xác minh của nhiều cơ quan cùng một lúc để tránh tình trạng đùn đẩy lẫn nhau, bỏ lọt tội phạm đối tượng phải xác minh.

Trở lại mục đích của dự án luật là lấy phòng làm đầu, sau đó mới đến chống tham nhũng, do đó tôi đề nghị cần thiết phải thiết kế một chế định để chặn đứng tư tưởng "hy sinh đời bố, củng cố đời con" và đưa chế định hồi tố vào luật này để xử lý những trường hợp chưa phát hiện hoặc đã phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, nhưng vì lý do để bảo đảm ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và vì lý do đặc biệt khác mà chưa thể xử lý người đó vì hành vi tham nhũng khi họ còn đang đương chức, quy định vào luật chế định đó sẽ bảo đảm cho cơ sở pháp lý để mọi đối tượng tham nhũng đều bị xử lý một cách nghiêm minh theo đúng pháp luật, như pháp luật của một số nước Banglades, Indonexia, Phillipin và Ukraina. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan