Góp ý của ĐBQH Lù Thị Lừu – Lào Cai đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:28 19-12-2012


Trước hết, tôi nhất trí với báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tư pháp đã nhận định tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bức xúc trong xã hội và thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước. Vì vậy việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng lần này là hết sức cần thiết để đáp ứng với những yêu cầu thực tiễn hiện nay. Qua gợi ý thảo luận của Đoàn thư ký, tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về các hành vi tham nhũng tại Điều 3 gồm 12 khoản quy định về các hành vi tham nhũng cơ bản đã bao quát hết các hành vi, nhưng tôi thấy chưa đủ vì các hành vi tham nhũng đã được quy định như trên thì hành vi đưa hối lộ có được coi là hành vi tham nhũng hay không. Thực tế phải có hành vi đưa hối lộ thì người tham nhũng mới thực hiện được hành vi nhận hối lộ. Trong đó tại Khoản 3, Điều 44 quy định nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi vì vụ lợi khác. Vậy có đưa quà mới có hành vi nhận quà để thực hiện hành vi hối lộ. Điều này cho thấy sự thống nhất giữa các điều khoản trong luật chưa được chặt chẽ, để thống nhất chặt chẽ hơn tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm hành vi đưa hối lộ vào Điều 3 dự thảo luật.

Hai là về công khai, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục, tại Khoản 3 Điều 22 quy định, khoản này còn nhiều điểm chưa rõ, trùng lặp nhiều nội dung. Cụ thể, phải công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, công khai đảm bảo chất lượng giáo dục v.v... và các khoản hỗ trợ đầu tư cho giáo dục, các khoản thu khác theo quy định của pháp luật. Qua nghiên cứu Luật giáo dục đại học vừa thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ ba vừa rồi tôi thấy trong dự án luật này đã dành riêng Chương VII quy định về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng.

Cụ thể hơn, tại Khoản 5 Điều 51 là "công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang mạng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và các phương tiện thông tin đại chúng khác". Theo tôi, nội dung quy định trong Luật giáo dục đại học cơ bản đã đủ hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục phải công khai bảo đảm chất lượng trên nhiều phương tiện thông tin khác nhau. Để tránh sự trùng lặp tôi đề nghị sửa lại Khoản 3 như sau: "cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân có sử dụng ngân sách bao gồm cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục đại học phải công khai chất lượng giáo dục thực tế, công khai thu chi tài chính, việc thu, sử dụng học phí, lệ phí tuyển sinh, các khoản thu từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, các khoản hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục, các khoản thu khác theo quy định của pháp luật".

Ba, về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tại Điều 48. Vấn đề này được nhiều đại biểu quan tâm và tôi đồng tình cao với ý kiến của đại biểu Châu ở Quảng Trị về nội dung quy định tại Khoản1, tôi cơ bản nhất trí, nhưng riêng điểm k, Khoản 1 quy định cán bộ công chức, viên chức là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có nghĩa vụ phải kê khai tài sản thu nhập. Theo tôi việc tham nhũng chủ yếu xảy ra đối với những viên chức, đảng viên có chức vụ quyền hạn hoặc là những người công tác ở những vị trí nhạy cảm có đủ điều kiện thực hiện hành vi tham nhũng.

Thực tế hiện nay nhiều viên chức là đảng viên, như giáo viên ở những vùng sâu, vùng xa hoặc những cán bộ hưu trí, những thương binh, bệnh binh thì đời sống còn nhiều khó khăn, hàng tháng chỉ trông chờ vào những đồng lương, thậm chí còn ở nhà thuê, nhà trọ, vậy họ kê khai tài sản gì trong bản kê khai. Vấn đề ở đây là biện pháp phát hiện và cách thức thực hiện, quản lý sau kê khai như thế nào để có hiệu quả và có chất lượng, chứ không phải vì số lượng. Vì vậy tôi không đồng tình với quy định tất cả viên chức phải kê khai tài sản thu nhập. Đề đảm bảo khách quan cũng như hiệu quả, chống dàn trải, thuận lợi trong việc thực hiện, tôi đề nghị quy định khuôn lại đối với những đối tượng viên chức là đảng viên có chức vụ và công tác ở những vị trí nhạy cảm.Còn những đảng viên không phải là chức vụ, quyền hạn thì kê khai tài sản theo quy định của Đảng là phù hợp hơn.

Bốn là về trách nhiệm đối với người đứng đầu, tại Điều 67, 68 tôi cơ bản tán thành với nội dung quy định như trong dự thảo. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn tại Khoản 1, Điều 67 quy định người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.

Về quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp, theo tôi là chưa được rõ nghĩa, giả sử người đứng đầu không phải là đồng phạm tham nhũng thì sao, việc xác định hình thức phải chịu trách nhiệm trực tiếp như thế nào, vấn đề này tôi đề nghị Ban soạn thảo có ý kiến giải thích thêm.

Mặt khác sự mâu thuẫn trong luật là nếu người đứng đầu càng phát hiện nhiều hành vi tham nhũng trong cơ quan thì đồng nghĩa với việc mình càng có thêm nhiều tội hơn. Ví dụ người đứng đầu phát hiện nhân viên nhận hối lộ nhưng không phải tham nhũng tài sản trong cơ quan thì việc xác định trách nhiệm của người này như thế nào và ở mức độ ra sao hay xứng đáng được nhận khen thưởng nhiều hơn. Vậy việc xác định trách nhiệm cần được giải quyết theo hai hình thức rõ ràng hơn, theo tôi phải hình thức xử lý và khen thưởng thì mới tạo được sự công bằng trong phòng chống tham nhũng. Trên đây là  ý kiến góp ý của tôi. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan