Góp ý của ĐBQH Lê Đắc Lâm – Bình Thuận đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:27 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Đối với Dự thảo sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng tôi xin tham gia ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi sửa đổi luật. Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành đã có những giải pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, xây dựng và thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, minh bạch tài sản, thu nhập v.v... Tuy nhiên công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt mục tiêu yêu cầu đặt ra là từng bước đẩy lùi tham nhũng, ngược lại tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi tiếp tục tăng cường hơn nữa phòng, chống tệ nạn này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém nói trên liên quan đến thực thi Luật phòng, chống tham nhũng, đó là:

Quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản dưới luật khi triển khai trong thực tiễn đã bộc lộ nhiều hạn chế, như việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu còn vướng mắc, chuyển đổi vị trí công tác thiếu tính khả thi, công khai minh bạch chưa thực chất, còn đối phó, công tác kiểm tra, kiểm sát, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa thực sự thường xuyên. Từ đó tôi nhất trí với thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về sự cần thiết kỳ họp này phải ban hành Luật phòng, chống tham nhũng.

Về phạm vi sửa đổi, với tinh thần triển khai đồng bộ, bổ sung, sửa đổi những nội dung, những điều còn hạn chế, vướng mắc như tôi đã đề cập ở phần trên.

Thứ hai, về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và quy định về công khai bảng kê khai tài sản, thu nhập. Để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, một trong những giải pháp rất quan trọng là quy định trách nhiệm kê khai trung thực tài sản, thu nhập, trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Hiện nay pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập còn những quy định chưa hợp lý như: Việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm minh bạch tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, nhưng pháp luật chưa quy định về xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và chưa quy định về kiểm tra nguồn gốc tài sản đó. Riêng về đối tượng phải kê khai tài sản quy định như hiện hành không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều phải kê khai tài sản và như vậy chư bảo đảm sự bình đẳng giữa cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, tôi đề nghị phải mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản nên bao gồm tất cả cán bộ, công chức không phân biệt những cán bộ, công chức, viên chức là Đảng viên, không giới hạn việc kê khai đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý và những người cán bộ công chức thực thi công việc có nhiều cơ hội tham nhũng như luật hiện hành.

Trên thực tế cho thấy các cán bộ, công chức ít nhiều tùy thuộc vào vị trí công tác khi thực thi quyền lực Nhà nước đều có cơ hội tham nhũng với họ không đấu tranh tư tưởng để giữ sự liêm chính. Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới việc minh bạch tài sản thu nhập không chỉ là nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân để tránh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lừa đảo. Vì vậy trong sửa đổi luật lần này phải quy định giải trình nguồn gốc tài sản thu nhập của cán bộ, công chức. Việc quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản là nhằm làm rõ tài sản đó hợp pháp hay bất hợp pháp, bởi vì chỉ kê khai tài sản nộp lại để đó thì việc kê khai tài sản gần như không có ý nghĩa gì, theo đó cần phải có quy định việc xử lý tài sản thu nhập đối với việc công khai bảng kê khai tài sản thu nhập. Tôi đề nghị chỉ công khai tại nơi thường xuyên làm việc, cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên nhằm mục đích để cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp, chi bộ, giám sát tính trung thực trong việc kê khai tài sản là phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Thứ ba là sửa đổi quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tôi tán thành không quy định tức là bỏ trong luật hiện hành về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, việc thành lập tổ chức nhiệm vụ về quy chế hoạt động của Ban Trung ương về phòng, chống tham nhung do Đảng quy định, ở đây có việc thành lập Ban nội chính Trung ương sẽ là cơ quan thường trực trực thuộc Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban này phải làm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với vị trí, yêu cầu mới đặt ra để  đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Về nhân sự thâm niên, phải chọn những cán bộ vừa có trí tuệ, đủ phẩm chất, trong sạch, dũng khí đấu tranh chống tham nhũng là việc ở cơ quan này.

Thứ tư là về khen thưởng người tố cáo, tôi thống nhất có điều luật, vì tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc bảo vệ người tố cáo, tham nhũng không được quy định trong luật này mà dẫn chiếu thực hiện ở việc luật tố cáo và các quy định của Chính phủ. Hiện nay pháp luật cũng đã có nhiều quy định bảo vệ nhằm ngăn chặn các hành vi trả thù người tố cáo, nhưng cho đến nay chưa có những văn bản cụ thể đối với các biện pháp bảo vệ người tố cáo, nên họ dễ bị trả thù, trù dập. Nhìn chung cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng tiêu cực còn nhiều bất cập chưa phát huy hiệu quả. Do vậy tôi chưa thấy thỏa đáng mà cần đưa vào luật này để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, đồng thời có quy chế của Chính phủ bảo vệ người tố cáo tham nhũng sau khi Luật tố cáo có hiệu lực từ ngày 01/07/2012.

Thứ năm, về sửa đổi quy định công khai minh bạch tài sản hoạt động, Luật tham nhũng hiện hành có nêu nhiều quy định về công tác công khai minh bạch liên quan đến hoạt động của các cơ quan tổ chức trong các lĩnh vực như mua sắm đầu tư xây dựng, thu chi tài chính, sử dụng nhà đất, cung cấp dịch vụ công, thực hiện các chế độ định mức tiêu chuẩn. Tuy nhiên về công khai minh bạch thực hiện chưa thường xuyên, một số quy định về minh bạch thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử chưa được triển khai đầy đủ, có lúc có nơi còn hình thức, vì vậy tôi thống nhất dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này đưa vào 23 điều, các điều này quy định khá rõ việc công khai minh bạch từ nguyên tắc, nội dung, hình thức công khai trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên tôi đề nghị cần công khai minh bạch về chính sách công cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua việc đấu thầu thực sự công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính là cần thiết nhằm bảo đảm sự cam kết của nhà nước, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức về thời hạn giải quyết các yêu cầu của nhân dân, có như vậy mới hạn chế được điều kiện phát sinh tham nhũng. Cuối cùng, tôi hy vọng kỳ họp này Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tham nhũng đầy đủ nhưng quan trọng hơn là đừng vi phạm luật, đừng tách luật để nuôi dưỡng tham nhũng, tạo điều kiện tham nhũng phát triển. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan