Góp ý của ĐBQH Ngô Đức Mạnh – Bình Thuận đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 15:02 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, chúng tôi ủng hộ rất cao việc sửa đổi Luật khoa học và công nghệ của chúng ta. Tuy rằng trên thực tế chúng ta đã có 12 năm thực hiện luật này, nhưng nhiều chính sách, cơ chế đối với khoa học, công nghệ thì như các đại biểu đã phát biểu là bất cập, nhất là trong bão giá như hiện nay. Đồng thời nhiều vấn đề về tính tự chủ và chủ động trong sáng tạo khoa học thì không được đề cao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy tuy đã rất cố gắng và có nhiều nghị quyết, nhưng tiềm lực và năng lực khoa học của chúng ta không chỉ so với thế giới mà với khu vực thì còn rất hạn chế. Ví dụ từ năm 2000 - 2007 thì Việt Nam chúng ta chỉ có 19 bằng sáng chế, trong khi đó ở Thái Lan là 310 bằng sáng chế.

Năm 2011, Việt Nam chúng ta không có một bằng sáng chế nào được đăng ký ở Mỹ, trong khi đấy số dân chưa đầy 5 triệu người thì Singapo đã có 647 bằng sáng chế. Nói như thế thì chúng ta nhìn thẳng vào sự thật và thấy rằng còn rất nhiều điểm nghẽn trong phát triển khoa học, công nghệ của chúng ta.

Vấn đề mà chúng tôi quan tâm và tôi nhận thấy đó là cốt lõi và xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động khoa học, công nghệ của chúng ta mà đã được đề cập trong dự thảo lần này. Đấy là vấn đề trước hết là vấn đề tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ.

Báo cáo các đại biểu Quốc hội, tại dự thảo này Điều 9 cũng đã có nêu về những hành vi nghiêm cấm trong hoạt động khoa học. Chúng tôi cho rằng, nghiên cứu kinh nghiệm so sánh của Trung Quốc, chúng tôi thấy những hành vi như vậy, liệt kê vẫn chưa được đầy đủ, nhất là Trung Quốc người ta rất chống việc gian lận và báo cáo sai những số liệu nghiên cứu khoa học, thậm chí người ta còn cấm việc tham gia đánh giá các hội đồng tuyển chọn nghiên cứu đề tài mà không đúng với chuyên môn, ngành nghề của mình.

Một thực tế nữa xin được báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội, chúng ta cũng có cách làm việc tuy gọi là khoa học nhưng vẫn còn rất dễ dãi và thậm chí chạy theo phong trào. Tôi đã từng đọc rất nhiều bài báo của chúng ta đăng, thậm chí tạp chí nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực khoa học về nhân văn thì rõ ràng là số lượng chỉ vài 5 - 7 trang và cũng chỉ lẻ tẻ vài trích dẫn và thậm chí nếu có trích dẫn tài liệu của nước ngoài thì ngay cả người viết bài báo ấy cũng chưa chắc gì nắm vững được nguồn tài liệu. Cho nên tôi đề nghị và rõ ràng trong dự thảo lần này cần phải đề cao hơn nữa tính trung thực và cả đạo đức làm công tác nghiên cứu khoa học.

Vấn đề thứ hai, tôi cũng đọc tuy chỉ là đề ra nguyên tắc Điều 4 của dự thảo luật này nhưng tôi cho rất cốt lõi đối với sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ của chúng ta, đấy là tính tự do trong sáng tạo khoa học, công nghệ.

Thưa các đại biểu, ở Điều 22 cũng đã có nói đến điểm này và thậm chí còn nói cần phải bình đẳng trong khoa học và Điều 26 nói về việc cá nhân có thể đăng ký các đề tài nghiên cứu. Nhưng tôi cho rằng vấn đề tự do sáng tạo khoa học không chỉ dừng lại ở điểm như vậy mà cần phải có quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về vấn đề làm sao mà cá nhân có thể tham gia các hoạt động sáng tạo khoa học, nhất là tạo ra môi trường tự do, trao đổi học thuật và phản biện thì chúng ta mới có được sản phẩm khoa học có giá trị và đáp ứng với yêu cầu của cuộc sống. Liên quan đến những vấn đề như đã nêu tôi cho rằng không chỉ là chúng ta cải cách chế độ tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ mà cần có rất nhiều giải pháp nữa nhất là tạo môi trường tranh luận trong học thuật, phản biện đề cao vai trò của các tổ chức xã hội và nhất là các tổ chức nghề nghiệp trong khoa học, các tổ chức hoạt động khoa học chuyên ngành. Các đồng chí ấy phải được tham gia vào việc tuyển chọn, tham gia đánh giá các đề tài và sản phẩm khoa học.

Thứ hai là chúng ta cần phải công khai minh bạch hơn nữa việc phổ biến các sản phẩm khoa học không chỉ dừng lại ở việc lưu chiểu các sản phẩm ấy quy định tại Điều 41 của dự thảo này ở các trung tâm thông tin khoa học mà cần phải phổ biến hơn nữa.

Vấn đề thứ ba, chúng ta cần phải tạo ra môi trường để trao đổi học thuật không chỉ giữa các nhà khoa học trong nước mà với cộng đồng quốc tế, nhất là các nhà khoa học ở khu vực. Trong dự thảo này chúng ta có những quy định ví dụ như tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong nước v.v... Tôi nghĩ rằng không phải chờ đến dự thảo này mà chúng ta đã có rất nhiều văn bản, rất nhiều Nghị quyết đã đề ra, cái chính là chúng ta phải có những giải pháp cụ thể hơn. Tôi đã từng biết một người Việt Nam sau bao nhiêu năm bôn ba nước ngoài và có lương thu nhập đến hàng trăm nghìn đôla một năm, anh ấy đã từ bỏ cuộc sống ở nước ngoài và về làm việc ở Bộ khoa học và công nghệ nhưng với một môi trường khoa học làm việc mà không được đề cao, không được tự do và với khả năng tài chính chỉ như hưởng lương bình thường thì rõ ràng mong muốn để đóng góp cũng bị hạn chế.

Vấn đề cuối cùng tôi xin được tham gia ý kiến vào dự thảo luật này là chúng tôi rất đề nghị Ban soạn thảo xem xét tính đến việc chúng ta áp dụng một luật, sửa nhiều luật đấy là một công cụ, một kỹ thuật lập pháp mà Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta đã có quy định và trên thực tế Quốc hội chúng ta cũng đã áp dụng. Tôi đã đọc và xem lại với việc sửa đổi luật này thì ít nhất 7 - 8 đạo luật khác cần phải được sửa đổi, bổ sung. Cho nên để tạo ra cơ sở pháp lý hoàn thiện và đồng bộ tránh sự khập khiễng trong quy định của pháp luật chúng ta cần phải áp dụng một nguyên tắc một là sửa đổi nhiều luật và rõ ràng cần phải có những quy định rõ ràng hơn trong đạo luật này. Chúng tôi cũng biết đây là đạo luật gốc có thể làm nền tảng cho nhiều đạo luật chuyên ngành khác. Nhưng nếu trong đạo luật gốc này không có quy định, ví dụ tạo điều kiện cho người Việt Nam về nước làm việc, nếu không có quy định tạo điều kiện thuận lợi với những điều kiện bảo đảm thì những đạo luật chuyên ngành khác cũng khó có thể đi vào có tính khả thi được. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.



Các văn bản liên quan