VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp
Kính gửi: Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 5636/BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Hủy bỏ quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp (Điều 14)
Điều 14 Dự thảo quy định cách thức hủy bỏ hiệu lực quyết định công nhận giống cây trồng, theo đó Tổng cục Lâm nghiệp sẽ xem xét hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hủy bỏ quyết định công nhận giống cây trồng; đăng tải trên trang thông tin điện tử và thông báo cho các bên liên quan.
Quy định này được hiểu, việc hủy bỏ quyết định công nhận giống cây trồng sẽ do cơ quan quản lý nhà nước chủ động thực hiện. Tuy nhiên, quy định trên vẫn chưa thực sự đủ rõ ràng, cụ thể để có thể thuận lợi triển khai trên thực tế, ít nhất ở các điểm sau: i) việc cơ quan nhà nước xem xét hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường được thực hiện định kỳ hay là dựa trên thông tin bên ngoài về chất lượng giống cây trồng?; ii) Chủ sở hữu giống cây trồng có được phép hoặc được biết thông tin về quá trình xem xét, kiểm tra này không?
Để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.
Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo.
- Điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp (Điều 22)
Điều 22 Dự thảo quy định các điều kiện mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải đáp ứng:
- (1) Trường hợp tổ chức cá nhân giống cây trồng lâm nghiệp chính phải sử dụng vật liệu giống từ giống, nguồn giống được công nhận (điểm b khoản 1);
- (2) Bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng (khoản 2);
- (3) Có địa điểm giao dịch hợp pháp (khoản 2).
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định trên ở các điểm sau:
- Điều kiện (1), (2) không có tính chất là điều kiện kinh doanh. Đây được xem là các nghĩa vụ mà doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải thực hiện trong quá trình hoạt động kinh doanh. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo chuyển các quy định này ra khỏi Điều 22 Dự thảo;
- Điều kiện (3) là chưa rõ như thế nào được xem là “địa điểm giao dịch hợp pháp”? Là trụ sở chính của tổ chức hay là các địa điểm kinh doanh đã được đăng ký? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về quy định này để đảm bảo cách hiểu thống nhất.
- Sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp (Điều 23)
- Thủ tục thông báo trước khi kinh doanh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Dự thảo thì trước khi kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm các nội dung: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ. Các thông tin này sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thủ tục thông báo trên khá đơn giản, sẽ tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện này. Tuy nhiên, để thủ tục này thực hiện một cách đơn giản, hạn chế các nguy cơ nhũng nhiễu xuất phát từ quy định thiếu rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về các khái niệm sau:
- “Địa chỉ giao dịch” có được hiểu là địa chỉ đăng ký trụ sở chính đối với doanh nghiệp hay là địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh?
- “Người đại diện hợp pháp” có được hiểu là “người đại diện theo pháp luật” của doanh nghiệp?
- Thủ tục thông báo khi thay đổi thông tin chủ thể kinh doanh
Theo quy định tại khoản 8 Điều 23 Dự thảo thì khi các thông tin thay đổi, các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp sẽ phải “gửi văn bản” đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng cơ sở sản xuất có thể lựa chọn các phương thức gửi thông tin tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 23 Dự thảo.
- Nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp (Điều 25)
- Thủ tục thông báo đến Tổng cục Lâm nghiệp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Dự thảo thì đối với giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận tại Việt Nam, không thuộc Phụ lục CITES khi nhập khẩu phải thực hiện theo quy định của kiểm dịch thực vật và phải thông báo đến Tổng cục Lâm nghiệp sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai nhập khẩu. Không rõ mục tiêu quản lý của việc yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thông báo đến Tổng cục Lâm nghiệp là gì, trong khi các chủ thể kinh doanh này đã phải thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật tại một cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khác? Nếu chỉ để tiếp nhận thông tin thì giữa các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ dữ liệu để cùng thực hiện quản lý.
Để giảm thiểu thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai nhập khẩu, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thông báo đến Tổng cục Lâm nghiệp” quy định tại khoản 2 Điều 25 Dự thảo.
- Hồ sơ đề nghị nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp
- Điểm d khoản 4 Điều 25 Dự thảo quy định trong Hồ sơ phải có “văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại chấp thuận phương án và đề nghị cho nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp để làm cây cảnh, cây bóng mát”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về trình tự, thủ tục để có được văn bản chấp thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này có thể gây khó khăn trên thực tế, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục có được văn bản này.
- Điểm h khoản 4 Điều 25 Dự thảo quy định trong Hồ sơ phải có “văn bản phê duyệt hoặc chấp thuận chương trình, dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc dự án được doanh nghiệp phê duyệt theo quy định của pháp luật đối với trường hợp nhập khẩu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư”.
Yêu cầu phải có văn bản phê duyệt hoặc chấp thuận chương trình, dự án đầu tư được doanh nghiệp phê duyệt là không cần thiết, bởi vì đây là hoạt động thuộc nội bộ của doanh nghiệp, Nhà nước không cần thiết phải can thiệp, xem xét vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “hoặc dự án được doanh nghiệp phê duyệt theo quy định của pháp luật”.
Đối với văn bản phê duyệt hoặc chấp thuận chương trình, dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đề nghị Ban soạn thảo xem xét sử dụng thuật ngữ để đảm bảo thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.