VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Kính gửi: Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời Công văn số 6378/BKHĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là các Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Khái niệm chính sách
Điều 3.2 của Dự thảo quy định: “Chính sách được áp dụng để xem xét, thực hiện quy định điều chỉnh chủ trương , điều chỉnh dự án PPP, sửa đổi hợp đồng dự án PPP hoặc áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu quy định tại Luật đầu tư theo phương thức đầu tư và Nghị định này bao gồm nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà không phải là văn bản quy phạm pháp luật.”
Thay đổi chính sách, pháp luật, quy hoạch có thể gây tác động rất lớn đối với các dự án PPP. Nhiều trường hợp, chỉ vì một thay đổi chính sách của các cơ quan nhà nước mà khiến hoạt động, doanh thu của các dự án PPP chịu ảnh hưởng mạnh. Việc giới hạn thay đổi chính sách chỉ bao gồm các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của UBND cấp tỉnh sẽ không phản ánh hết được các trường hợp thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng lớn đến các dự án. Ví dụ, đối với một dự án giao thông thì việc thay đổi hệ thống biển báo, phân luồng giao thông trên các tuyến đường cũng có thể ảnh hưởng lớn đến lưu lượng xe và doanh thu của dự án. Trong khi đó, thẩm quyền đưa ra các chính sách này thuộc về các cơ quan quản lý giao thông như Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ hoặc các Sở giao thông địa phương.
Về vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng, cho phép các bên thoả thuận về phạm vi các chính sách, pháp luật, quy hoạch có liên quan làm căn cứ để điều chỉnh hợp đồng hoặc áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu.
- Trách nhiệm đối với ý kiến thẩm định
Thực tiễn triển khai các dự án PPP thời gian qua cho thấy có vấn đề về việc xác định trách nhiệm đối với các ý kiến của các cơ quan trong quá trình thẩm định dự án. Nhiều nhà đầu tư phản ánh tình trạng, trong giai đoạn thẩm định, các cơ quan đưa ra ý kiến theo một hướng, nhưng sau khi ký hợp đồng và đi vào thực hiện, các cơ quan này lại đưa ý kiến theo hướng khác, khiến nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro. Vấn đề này xuất phát từ việc pháp luật chưa xác định rõ ý kiến của các cơ quan trong giai đoạn thẩm định là ý kiến chính thức của cơ quan đó, hay chỉ là ý kiến của cá nhân đại diện trong hội đồng thẩm định. Các quy định về việc tổ chức, hoạt động và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định trong dự thảo Nghị định đang được thiết kế theo hướng, thành viên của hội đồng là người đại diện cho các cơ quan nhà nước có liên quan, chứ không chỉ tham gia với tư cách cá nhân. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xác định rõ: ý kiến của thành viên hội đồng khi tham gia thẩm định dự án là ý kiến chính thức của cơ quan nhà nước mà người đó đại diện.
- Hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án cho nhà đầu tư đề xuất
Vấn đề hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án cho nhà đầu tư đề xuất chưa được giải quyết kỹ lưỡng tại Dự thảo. Điều 4.1.a của Dự thảo Nghị định lựa chọn nhà đầu tư đưa ra mức ưu đãi 5% đối với nhà đầu tư đề xuất. Tại Điều 44.2 của Dự thảo Nghị định chung, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án đối với nhà đầu tư đề xuất trước khi Luật có hiệu lực. Vấn đề này cần được giải quyết thấu đáo hơn nhằm bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư cũng như nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cơ chế như sau:
- Chi phí chuẩn bị dự án được tính vào tổng chi phí của dự án và được tính lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư đề xuất.
- Nếu nhà đầu tư đề xuất trúng thầu thì chi phí này sẽ được hoàn trả thông qua cơ chế chi trả của dự án
- Nếu nhà đầu tư hác trúng thầu thì nhà đầu tư này phải hoàn trả cho cho nhà đầu tư đã đề xuất, gồm cả chi phí đã bỏ ra và lợi nhuận hợp lý.
- Nếu dự án không được triển khai thì chi phí này sẽ không được hoàn trả
- Nếu dự án được chuyển đổi sang hình thức đầu tư khác thì nhà đầu tư mới phải tiến hành hoàn trả chi phí này cho nhà đầu tư đề xuất, nếu đầu tư công thì Nhà nước hoàn trả chi phí.
Một cơ chế như vậy sẽ công bằng cho các bên, bảo đảm vẫn khuyến khích được nhà đầu tư đề xuất và vẫn yêu cầu được trách nhiệm của nhà đầu tư triển khai đã thụ hưởng thông tin từ giai đoạn chuẩn bị. Cơ chế này cũng giải quyết được cả trường hợp chuyển tiếp tại Điều 44.2 của Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.