Góp ý của ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo – TP Hà Nội đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:47 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Khoa học công nghệ là chìa khóa cho sự phát triển của đất nước, Đảng và nhà nước đã tập trung xây dựng phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua cho thấy khoa học, công nghệ là một trong lĩnh vực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trên con đường hội nhập và phát triển bền vững. Đất nước ta có rất nhiều lợi thế, tiềm năng trong mọi lĩnh vực để phát triển. Nông nghiệp có nhiều lợi thế hàng đầu trên thế giới như gạo, cafe, hạt điều, cao su và nhiều giống cây ăn quả có chất lượng cao. Về nuôi trồng thủy sản, du lịch, chúng ta có nhiều lợi thế để phát triển. Về công nghiệp, về tiềm năng chúng ta cũng có rất nhiều lợi thế nhưng chúng ta chưa phát huy được do định hướng phát triển của chúng ta còn nhưng cái chưa hợp lý và hiệu quả còn thấp. Tôi cho rằng ở đây vấn đề của chúng ta là chưa có giải pháp tốt về hiệu quả đối với khoa học, công nghệ trong lĩnh vực trên.

Hàng năm Quốc hội chi ra 2% tổng chi ngân sách của ngân sách cho khoa học. Tôi cho rằng đây là khoản chi lớn cho hoạt động của khoa học, công nghệ. Nhưng để phát huy và đáp ứng được mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, còn rất thấp, nhiều đề tài khoa học thiếu tính thực tiễn hiệu quả thấp và nhiều khi nghiên cứu của chúng ta chỉ mang tính hình thức và để tham khảo. Ở đây tôi cho rằng cách phân bổ vốn còn nặng về hình thức hành chính và không phù hợp với những đặc thù hoạt động sáng tạo của khoa học, công nghệ. Khoa học công nghệ quốc gia của chúng ta chưa xứng tầm với vai trò xứng đáng là động lực then chốt và là nền tảng trong quá trình phát triển của đất nước. Tôi xin được góp ý nội dung cụ thể một số điều về Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Ở đây, tôi xin đề cập những vấn đề lớn, còn về những nội dung cụ thể, tôi xin gửi lại Ban soạn thảo sau.

Thứ nhất là về phát triển nguồn lực thì chúng ta phải xây dựng được chính sách thu hút và trọng đãi những nhà khoa học, những nhân tài và từng bước phát triển kinh tế tri thức đất nước, tạo được hành lang pháp lý để phát huy được quyền sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ, tạo điều kiện để người làm công tác khoa học, công nghệ tiếp cận được với công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khoa học, công nghệ từ trong nước và nước ngoài và một số lĩnh vực. Ví dụ trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, dịch vụ nhằm rút ngắn thời gian chuyển giao công nghệ và sớm đưa vào ứng dụng khoa học trong sản xuất. Chúng ta có rất nhiều thế mạnh, ví dụ thế mạnh về con người, chúng ta đã chứng minh được Việt Nam là một đất nước nắm bắt rất tốt về những tri thức mới và những công nghệ hiện đại, sinh viên của chúng ta thì đạt nhiều kết quả tốt trong các kỳ thi quốc tế, cũng như người Việt Nam của chúng ta trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ở nước ngoài rất đông và giữ nhiều trọng trách, chúng ta có quyền tự hào vì điều đó. Ví dụ, trong thung lũng Silicon, chúng ta có đến hàng nghìn người đang làm công tác nghiên cứu khoa học và chúng ta cũng rất tự hào có nhiều giáo sư, tiến sỹ được ghi danh, ví dụ giáo sư Ngô Bảo Châu.

Vấn đề thứ hai là về tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ, chúng ta phải khuyến khích tổ chức các thành phần tham gia nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học, công nghệ, xây dựng các nguyên tắc chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ và các hệ thống nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tạo cho một không gian phát triển thuận lợi cho sản xuất công nghệ cao, cung ứng dịch vụ, xúc tiến đầu tư, nhất là chất lượng cao, thời gian ngắn nhất và tạo được môi trường tốt nhất cho kinh doanh công nghệ và các chính sách thu hút đầu tư. Gắn hình thành các khu công nghiệp, các khu công nghệ cao với hệ thống của các trường đào tạo nghề, tập trung phát triển ngành công nghiệp thông tin lấy mũi nhọn là ngành nghề trụ cột, bởi vì trong tương lai công nghệ thông tin sẽ là trụ cột trong phát triển.

Hiện tại chúng ta đang có dự án trung tâm vũ trụ quốc gia được xây dựng ở Láng Hòa Lạc khu công nghệ cao. Tôi cho rằng dự án trung tâm vũ trụ cao là một dự án sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế rất cao và mang lại vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như bản đồ khoa học, công nghệ thế giới, đến năm 2020 chúng ta tự chế tạo vệ tinh và đưa lên vũ trụ để phục vụ mục đích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, tôi cho đây là một điều đáng tự hào và chúng ta khích lệ các dự án lớn. Khuyến khích tạo hành lang phát triển cho pháp lý để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ trong và ngoài nước.

Vấn đề cuối cùng, tôi muốn đề cập ở đây là chúng ta phải có cơ chế về tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ.

Thứ nhất, tài chính của chúng ta phải có chính sách khuyến khích để khích lệ các nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ. Áp dụng chế độ khoán chi với nhiều nhiệm vụ khoa học, công nghệ trên cơ sở các đề tài, các dự án phải được kiểm toán công khai minh bạch, giao quyền tự chủ về tài chính và trách nhiệm của người đứng đầu, chủ nhiệm các đề tài, dự án và cuối cùng phải là nghiên cứu sáng tạo và cụ thể là hiệu quả đầu tư phải rõ ràng, lượng hóa và được áp dụng trong thực tiễn. Trên đây là ý kiến của tôi. Xin cám ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan