Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thái Học – Phú Yên đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:47 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật khoa học, công nghệ hiện hành và các nội dung sửa đổi được thể hiện trong luật do Chính phủ trình Quốc hội. Tôi xin phát biểu góp ý vào các nội dung cụ thể như sau:

Một, về giải thích từ ngữ, Luật khoa học, công nghệ dành Điều 3 để giải thích từ ngữ nhưng trong các điều luật khác vẫn còn nội dung mang tính chất giải thích từ ngữ như tại Khoản 1, Điều 10 giải thích tổ chức khoa học và công nghệ là gì. Khoản 1, Điều 24 giải thích về nhiệm vụ khoa học, công nghệ là gì. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để chuyển các nội dung này về Điều 3 điều giải thích từ ngữ của luật.

Hai, về nguyên tắc hoạt động khoa học, công nghệ. Nguyên tắc hoạt động khoa học, công nghệ được quy định tại Điều 4, nhưng tại Điều 72 của Chương IV quy định về hội nhập quốc tế, về khoa học, công nghệ và có quy định về nguyên tắc hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ. Tôi đề nghị đưa nội dung này vào thành một khoản của Điều 4 quy định chung về nguyên tắc hoạt động khoa học, công nghệ vì hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ cũng là một nội dung của hoạt động khoa học, công nghệ, do vậy nguyên tắc hoạt động của nó cũng phải tuân thủ nguyên tắc chung được quy định tại Điều 4 của luật.

Ba, về thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ. Tại Điều 77 luật quy định trách nhiệm của các bộ và cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ trong đó Khoản 1 quy định trách nhiệm của Bộ kế hoạch và đầu tư, Khoản 2 quy định trách nhiệm của Bộ tài chính, Khoản 3 quy định trách nhiệm của Bộ nội vụ, Khoản 4 quy định các bộ và cơ quan ngang bộ khác. Tôi cho rằng quy định như vậy là không cần thiết và nó mang tính chất phân biệt giữa các bộ. Vì sao nhiệm vụ của các bộ khác lại không được quy định trong luật còn các Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính, Bộ nội vụ lại được quy định trong luật.

Tôi đề nghị cần phải xem xét lại các quy định này tại điều luật.

Bốn là, về kỹ thuật lập pháp. Qua tìm hiểu, xem xét các điều, khoản được quy định trong luật tôi nhận thấy nhiều điều luật mang tính chất như là quy định nghị quyết của Đảng hoặc quy định của Chính phủ hoặc hướng dẫn của bộ, ngành chứ không mang tính chất pháp lý của một điều luật do Quốc hội ban hành.

Tôi xin nêu dẫn chứng để khẳng định nhận định này.

Tại Điều 53 quy định đầu tư ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ. Khoản 1 Điều 53 quy định đầu tư cho khoa học và công nghệ là đầu tư phát triển. Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu trong việc bố trí ngân sách cho khoa học và công nghệ, bảo đảm tỷ lệ ngân sách Nhà nước chi cho khoa học và công nghệ tối thiểu là 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Khoản 2 Điều 53 quy định Bộ khoa học và công nghệ có trách nhiệm xây dựng cơ cấu tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước dành cho khoa học và công nghệ hàng năm và đề xuất Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính tổng hợp, xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển, dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ. Căn cứ dự toán ngân sách hàng năm được giao, Bộ khoa học và công nghệ phê duyệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể theo tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Tôi cho rằng, luật không thể quy định như vậy. Tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại nhiều điều luật khác được quy định tại Chương III, chương quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Chương IV, chương quy định về các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ để có sự điều chỉnh cần thiết.

Quan trọng hơn, dự luật có 80 điều, trong đó có trên 20 điều giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa trên 10 điều, giao cho Bộ khoa học và công nghệ và Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ hướng dẫn thi hành.

Kính thưa Quốc hội.

Lâu nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu không đồng tình với cách giao việc như thế trong luật vẫn không được chấn chỉnh, khắc phục. Không những thế, tại Điều 80 của dự án luật này có nêu "Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong luật và những nội dung cần thiết khác theo yêu cầu quản lý". Tôi cho rằng quy định như vậy không còn gì ý nghĩa là một văn bản luật do Quốc hội xem xét thông qua. Vì theo Điều 80 này về chủ thể không chỉ có Chính phủ mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác đều được quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.

Về phạm vi không chỉ được giao trong các điều, khoản trong luật mà còn bao gồm các nội dung cần thiết khác theo yêu cầu quản lý. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại Điều 80 của luật, tôi cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chấn chỉnh khắc phục thực trạng này khi xây dựng luật. Xin trân trọng cám ơn Quốc hội. 

Các văn bản liên quan