Góp ý của ĐBQH Hoàng Thị Tố Nga – Nam Định đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:46 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và sự cần thiết phải sửa đổi Luật khoa học và công nghệ năm 2000. Tôi cũng đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của Ban soạn thảo và đặc biệt là Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đã thẩm tra dự án rất công phu và thận trọng. Theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi xin có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài khoa học kỹ thuật. Tôi thấy nếu sửa đổi như Điều 51 thì bản chất nội dung không có gì khác so với Điều 35 của Luật khoa học và công nghệ năm 2000, chỉ thêm một nội dung là có chính sách khuyến khích việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ. Tôi cũng đồng ý với một số đại biểu đã phát biểu trước tôi là đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung rõ những quy định cụ thể hơn để thu hút trọng dụng nhân tài khoa học và công nghệ. Không thể cứ quy định chung chung mang tính chất nghị quyết khẩu hiệu như trong dự thảo luật. Mặc dù các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa XI và các văn bản pháp luật luôn đề cao vai trò của nhân tài khoa học.

Nhưng trong quá trình thi hành luật năm 2000, Chính phủ hầu như không có một chính sách cụ thể nào để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trong khi đó ở các nước đều có những chính sách này rất cụ thể. Tôi ví dụ ở Hàn Quốc, từ những thập kỷ 60 của Thế kỷ XX đã quyết tâm thực hiện chính sách mời các nhà khoa học Hàn Quốc đang làm việc ở nước ngoài về làm việc tại các viện nghiên cứu trong nước với chế độ tiền lương cao gấp ba lần các giáo sư trong nước kèm theo đó là các chế độ về nhà ở, đầu tư cơ sở vật chất. Kết quả sau 40 năm Viện KIT đã trở thành một trong 10 viện hàng đầu thế giới và Hàn Quốc trở thành một quốc gia công nghiệp hóa thành công nhất. Hay như ở Trung Quốc cũng có những chính sách tương tự và đã trở thành một cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Ở Việt Nam không những không có chính sách cụ thể mà còn có nhiều rào cản đến sự phát triển nhân tài khoa học và công nghệ, đặc biệt cơ chế tài chính. Nếu theo quy định của luật hiện hành, từ khi đề xuất nhiệm vụ đến khi có kinh phí thực hiện thì phải mất ít nhất từ 9 đến 15 tháng và có khi tới 2 năm như năm 2011 và năm 2012. Như vậy, đã mất tính cấp thiết và hứng thú sáng tạo của các nhà khoa học hoặc khi thực hiện thì dự toán đã lạc hậu so với giá cả hiện hành, buộc các nhà khoa học phải chia nhỏ thành nhiều nội dung để hợp thức hóa chứng từ, điều này thật trái với bản chất của hoạt động nghiên cứu là tính trung thực và nó đã làm nản lòng các nhà khoa học nhưng thực tế hiện tượng này không phải là hiếm.

Bên cạnh đó thủ tục thanh quyết toán rườm rà, phức tạp làm các nhà khoa học phải mất rất nhiều thời gian và công việc thanh quyết toán, có nhiệm vụ do kinh phí chậm chưa kịp triển khai thì đã phải làm quyết toán, cho nên cơ chế tài chính hiện hành là điểm ngẽn, làm cản trở rất lớn đến sự phát triển của khoa học, công nghệ. Còn cơ chế tài chính trong luật sửa đổi thì tôi sẽ trình bày ở phần sau.

Ngoài yếu tố về tài chính thì còn có nhiều yếu tố khác như môi trường, điều kiện làm việc v.v... do đó đã xảy ra tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước sang doanh nghiệp và nước ngoài. Thật là đáng suy nghĩ khi mà một nước có tới 24.000 tiến sỹ, 101.000 thạc sỹ mà lại thiếu các nhà khoa học, các tổng công trình sư có trình độ và năng lực cao để chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng qui mô quốc gia và quốc tế.

Đã có một lãnh đạo của một viện nghiên cứu trong ngành nông nghiệp than thở rằng, ở viện chúng tôi nếu muốn giữ người thì chỉ có tuyển tại chức.

Từ những phân tích như trên, theo tôi nếu dự thảo luật sửa đổi lần này không có những quy định đột phá để thể hiện rõ con người là trung tâm, là chủ thể chính trong phát triển khoa học, công nghệ và để thu hút nhân tài thì chỉ trong một vài năm nữa thôi đất nước ta sẽ thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ. Như vậy, khó có thể thực hiện được chiến lược phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2012, cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề này.

Thứ hai, về tổ chức khoa học và công nghệ. Quy định tại Mục 1 Chương II tại Điều 10 Dự thảo luận đã quy định gồm có hai tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức nghiên cứu phát triển và tổ chức dịch vụ khoa học, công nghệ. Điều này tôi hoàn toàn đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường.

Tôi xin có một ý kiến thêm như sau: đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển thì đề nghị phân loại theo loại hình nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để thuận lợi cho việc phân công thực hiện các nhiệm vụ khoa học trọng tâm của đất nước.

Thứ ba, về cơ chế tài chính. Tôi đồng ý như dự thảo luật sửa đổi là dành ít nhất 2% ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ, thực hiện theo chế độ khoán chi và quản lý áp dụng cơ chế quỹ đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, theo tôi Ban soạn thảo cần có những đánh giá thật chuẩn xác tại sao Nghị định 115 của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu khoa học đến nay vẫn chưa thực hiện thành công. Tại sao tới nay mới có 20 tỉnh thành lập quỹ khoa học và công nghệ và cũng có những tỉnh chưa sử dụng được để là cơ sở xây dựng cơ chế khoán chi đảm bảo là lập phù hợp với thực tế.

Thứ tư, nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8. Theo bản dự thảo giải trình, tiếp thu của Ban soạn thảo thì tôi thấy tại Điều 8 đã được quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, tôi đề nghị sửa Khoản 1 Điều 8 như sau: Nghiên cứu, tiếp thu làm chủ các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của nước ngoài để đổi mới, nâng cao trình độ của các ngành kinh tế, kỹ thuật của đất nước, tập trung ưu tiên các lĩnh cực sau: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy, tự động hóa. Quy định như vậy để chúng ta xác định rõ nhiệm vụ nào là trọng tâm trong nghiên cứu khoa học.

Cuối cùng, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm khái niệm về nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, nhiệm vụ khoa học cấp địa phương và cấp cơ sở.

Trên đây là một số ý kiến của tôi góp ý vào dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Tôi xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan