Ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng

Thứ Tư 15:43 20-03-2013

GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

        Đất là nguồn lực, tài sản, hàng hóa đặc biệt, là loại tài nguyên có giá trị nhạy cảm tác động theo quy luật điều tiết lợi ích kinh tế, ảnh hưởng đến chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh…, quyết định sự tồn vong, phát triển một cộng đồng dân cư, một Nhà nước.

Luật đất đai hiện hành cần được bổ sung sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hợp hiến về quản lý nhà nước về đất với các bộ luật khác, phản ánh được tính khoa học, bình đẳng, công minh trong phân bổ, sử dụng nguồn lực tài nguyên quý hiếm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đảm bảo chủ quyền quốc gia. Điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả hài hòa việc áp dụng, thực thi của bộ luật từ các chủ thể quản lý đến chủ thể thực hiện hành vi giao dịch phổ quát và đặc thù (vùng miền, luật tục…)

Hiệp hội SMEs Lâm Đồng, phản ánh, kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung dưới đây với dự thảo Luật:

-                    Điều 68: Thực hiện nguyên tắc đền bù QSD đất vì mục đích công: đảm bảo giá trị, lợi ích kinh tế bằng hoặc cao hơn với người chiếm hữu, sử dụng đất hợp pháp. Thực hiện việc định giá, đấu giá công khai khi sử dụng đất vào mục đích kinh doanh. Chỉ thu hồi đất vi phạm luật đất đai theo bản án trưng mua khi sử dụng đất vào mục đích công – phi lợi nhuận.

-                    Điều 78: Điều tiết hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện chế tài không thanh toán tài sản gắn liền với đất sẽ tạo ra hậu quả bất công xã hội, tham nhũng, vi hiến, đi ngược lại các nguyên tắc đảm bảo tại các bộ luật dân sự, doanh nghiệp, đầu tư…, không đảm bảo quyền cơ bản của công dân. Đề nghị bỏ quy định này bằng nghiệp vụ đấu giá có điều tiết theo mức độ tuân thủ, thực thi pháp luật với chủ thể vi phạm theo mức độ lỗi cố ý, vô ý (Điều 51). Thực hiện tố tụng qua tòa án kinh tế.

-                    Điều 90: Thống nhất giao thẩm quyền riêng với Chủ tịch UBND tỉnh, huyện cấp QSD đất, QSH công trình và tài sản trên đất để xóa bỏ tình trạng bị ngâm hồ sơ tại các cơ quan Tài nguyên Môi trường, xây dựng: tranh giành, đổ trách nhiệm, chờ xử lý quá lâu… để được thụ hưởng quyền lợi theo luật định. Cần có chế tài thời gian, thủ tục hành chính và công chức trục lợi do thực trạng chồng chéo từ Luật đất đai hoặc sự thay đổi từ văn bản dưới luật. Cần có Cục hoặc công ty quản lý tài sản quốc gia/ công sản.

-                    Quy định rõ các trường hợp không được thế chấp QSD đất để điều chỉnh sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật, cản trở quyền chủ thể được cấp QSD đất. Sửa đổi sự bất công, chiếm dụng vốn trong định chế thế chấp QSD đất, tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng hiện nay.

-                    Điều 55, 158: Cần quy định rõ việc chuyển mục đích sử dụng đất khi góp vốn vào doanh nghiệp, xóa bỏ rào cản phải chuyển mục đích sử dụng đất trước khi góp vốn QSD đất vào doanh nghiệp. Cần quy định: Chủ tịch UBND không được công bố thu hút đầu tư vào những vùng đất chưa được công bố công khai quy hoạch để chấm dứt việc vướng mắc, ngâm hồ sơ doanh nghiệp ở Bộ TNMT khi chuyển mục đích đất rừng để thực hiện dự án đầu tư.

-                    Điều 166, 175: Cần có quy định rõ thẩm quyền cơ quan xây dựng, TNMT để tháo gỡ sự chồng chéo trong việc thẩm tra hồ sơ cấp QSH công trình, QSD tài sản trên đất, QSD đất; hệ quả pháp lý của sự chồng chéo, bất cập này gây ra rào cản trong giao dịch dân sự, tùy tiện trong quản lý hành chính, gây phiền hà, trục lợi, hối mại quyền thế.

-                    Điều 179 – 187:

o                  Cần quy định rõ thẩm quyền thanh tra, toà kinh tế xử lý vi phạm về Luật đất đai.

o        Tòa án hành chính thụ lý các quyết định hành chính, hành vi hành chính để hạn chế đơn thư khiếu nại lòng vòng, kéo dài. Các trường hợp nào đơn tố cáo giải quyết theo Luật tố tụng hành chính, Luật khiếu nại, tố cáo tại UBND các cấp, trường hợp nào giao tòa hành chính giải quyết.

o        Cần tăng cường điều luật chế tài công chức trong các trường hợp:

§     Trục lợi từ sự thay đổi luật, chính sách.

§     Tạo ra rào cản để hối mại quyền thế.

§     Tạo ra nhóm lợi ích, độc quyền chiếm dụng tài nguyên đất, gây bất công xã hội, vô hiệu hóa thủ tục hành chính.

o        Cần tăng cường vai trò thể chế hóa pháp luật ở các bộ, UBND.

o        Định kỳ hàng năm, Vụ pháp chế các Bộ, UBND cần có hình thức, nội dung cụ thể: đánh giá, sửa đổi, bổ sung ý kiến phản biện… về tác dụng của bộ luật có hiệu lực áp dụng với một số chủ thể hành chính, kinh tế, quốc phòng, hội nghề nghiệp…

Sức sống của bộ luật không chỉ phản ánh một chiều ý chí của chủ thể quản lý mà còn phụ thuộc vào một thời gian nhất định để các diêu luật xác lập, củng cố, phát triển hoặc hạn chế, bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể hưởng dụng, thực thi… Bộ luật mới phải dại diện cho quyền đương nhiên về các chuẩn mực đạo đức, tinh hoa của dân tộc Việt, của công lý, triệt tiêu được bất công, vô lý phát sinh nhằm đảm bào các quyền cơ bản của con người cùng lợi ích tồn tại, phát triển họp hiến, thích nghi với quyền hội nhập cộng đồng nhân loại.

Hiệp hội SMEs Lâm Đồng.

Các văn bản liên quan