Góp ý của Ông Đặng Hùng Võ đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) HT VCCI 09/10/2012

Thứ Tư 16:15 17-10-2012

THAM LUẬN GÓP Ý MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Ông Đặng Hùng Võ.

Kính thưa các đại biểu!

Hôm nay có rất nhiều ý kiến và vấn đề nên tôi sẽ cố gắng phát biểu giấy 1 chút, nhiều ý kiến đã được các hội thảo khác có dịp phát biểu rồi.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, chúng ta thấy cơ chế chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang là vấn đề nóng nhất hiện nay. Nó là nguồn gốc hay nó chứa đựng nguy cơ tham nhũng, khiếu kiện của dân. Tôi cho rằng đây là hai hệ quả nóng hiện nay. Vấn đề đặt ra là chúng ta chọn cơ chế nào? Tôi không nhất trí với cách tiếp cận của dự thảo, tất nhiên trong đó cũng có ý chống tham nhũng như không áp dụng cơ chế thu hồi đất theo dự án ( tức là thu hồi đề giao trực tiếp cho một nhà đầu tư) mà chủ yếu là thu hồi đất theo quy hoạch để đưa ra đấu giá cho các hình thức sản xuất kinh doanh, còn thu hồi đất theo mục đích quốc phòng an ninh thì tất nhiên vẫn theo cơ chế dự án, bời vì dự án đó đã được định hướng và định hình rồi. Dự thảo có cho phép cơ chế thỏa thuận nhưng không có cải tiến gì thêm đối với cơ chế này đặc biệt là dự án nhỏ. Đối với vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa đi trúng cái mà chúng ta cần trong việc đổi mới cơ chế chuyển dịch đất đai ( tức là làm gì để có đất cho đầu tư phát triển các dự án phi nông nghiệp từ đất hiện trạng doanh nghiệp đang sử dụng)

Nhắc lại giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2003, đây là giai đoạn mà các doanh nghiệp mong muốn được nhận giao đất trực tiếp từ hộ gia đình để thực hiện các dự án đầu tư và người sử dụng đất cũng rất mong muốn được áp dụng cơ chế này. Trong thời điểm đó, nếu bị thu hồi đất thì người bị thu hồi đất nhận được đền bù rất thấp còn doanh nghiệp khi vào của cơ quan hành chính cũng rất phức tạp. Do đó, doanh nghiệp muốn thoát khỏi cơ chế này và thỏa thuận trực tiếp với người sử dụng đất thì sẽ dễ chịu hơn. Nhiều doanh nghiệp khi đó đã phải nhận chuyển nhượng chui sau đó đến cơ quan nhà nước xin thuê đất vì thế đã phải mất chi phí 2 lần. Tuy nhiên đến giai đoạn Luật 2003 được đưa vào thực tế, cơ chế này đã được quy định nhưng bị tắc. Tắc ở chỗ một số người sử dụng đất quá tham, đòi giá chuyển nhượng quá cao. Khoảng 70% đã thỏa thuận được, 30% còn lại không làm được tiếp nữa. Chúng ta gọi 30% này là 30% không đạt được sự đồng thuận. Chúng ta không giải quyết được 30% gây ách tắc đó chính vì vậy cơ chế bị tê liệt. Mà chính cơ chế này lại tạo ra sự đồng thuận rất văn mình và rất phù hợp nếu chúng ta có cách giải quyết 30% trên.

Tôi chỉ lấy một kinh nghiệm của Hàn Quốc, Hàn quốc người ta cho rằng sự đồng thuận của cộng đồng được quyết định dựa trên cơ sở 2/3 ý kiến đồng thuận. Tôi cho rằng chúng ta nên đưa nguyên tắc này vào, đưa xong cái này thì tôi đảm bảo cơ chế tự thỏa thuận sẽ rất trôi chảy trên thực tế. Chúng ta đừng nghĩ rằng đồng thuận là phải 100% bởi vì không bao giờ có thể đạt được con số trên. Người ta gọi đồng thuận yếu là 50% còn đồng thuận mạnh là 75%, theo tôi nghĩ chúng ta nên sử dụng tỉ lệ đồng thuận cỡ khoảng 2/3.

Thứ 2 tôi cho rằng về phần giá đất chưa ổn, giá đất cũng là cái có liên quan đến tham nhũng và khiếu kiện. Giá đất thấp mà bồi thường cho dân là gây khiếu kiện, giá đất thấp mà tính giao đất cho doanh nghiệp là tồn tại nguy cơ tham nhũng. Ở đây lấy ý kiến về giá đất thì có khung giá của chính phủ. Tôi cho rằng việc này là không cần lấy ý kiến, chúng ta cứ tranh luận về cái này tôi cho rằng chẳng để làm gì cả. Có khung giá của Chính phủ hay không đều không quan trọng. Có nhưng phải phù hợp với thi trường tôi cho rằng đấy mới là nội dung quan trọng. Vấn đề quan trọng là giá đất của nhà nước được áp dụng vào đâu thì đấy chính là điều quan trọng nhất? Và hiện nay thì Chính phủ vẫn quy định về giá đất chỉ áp dụng để tính thuế, tính phí, lệ phí, xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường cho Nhà nước khi làm thất thoát cho quỹ đất của Nhà nước. Giá đất đang dùng hiện hành, đây là cách hướng dẫn của chính phủ, rất khôn khéo để quản lý giá đất phù hợp với thực tế. Nhưng luật 2003 vẫn quy định giá đất của Nhà nước sử dụng cho tất cả các trường hợp. Tôi cho rằng đây là một khiếm khuyết rất lớn của luật 2003 về quản lý giá đất. Nhưng mà trên thực tế tất cả các trường hợp thuế, phí, lệ phí, xử phạt hành chính và bồi thường khi làm thất thoát đất của Nhà nước là được tính theo bảng giá của Nhà nước. Còn lại là tất cả các trường hợp khác mà cụ thể là bốn trường hợp: giao đất có thu tiền, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, cho thuê đất và cổ phần hóa doanh nghiệp ( nói cách khác là tính giá trị quyền sử dụng đất mà có liên quan tới quyền lợi của Nhà nước) thì phải định giá cụ thể cho phù hợp thị trường và cơ quan Nhà nước ( VD Ủy ban nhân dân) quyết định giá trong từng trường hợp. Chúng ta thấy đấy là một kinh nghiệm rất lớn mà cần phải đưa vào luật sửa đổi sắp tới. Chúng ta hay khoanh lại phạm vi áp dụng bảng giá, bao giờ bảng giá của Nhà nước cũng phải thấp hơn thị trường kể cả ở những nước phát triển. Bởi vì không ai có thể làm được bảng giá phù hợp với thị trường trong tất cả mọi nơi mọi chỗ.

Ngay tại Đài Loan là một nước mà rất quan tâm tới giá đất, giá đẩt của họ được gọi là tốt hơn cả trên thế giới thì giá đất của họ cũng chỉ đạt được từ 70 đến 80%. Như vậy giá đất của Nhà nước không thể được áp dụng vào những trường hợp mà gây thiệt hại tới quyền lợi của người sử dụng đất. Tôi cho rằng đây là nguyên tắc mà chúng ta cần phải xác định rõ, nếu không chúng ta áp dụng một bảng giá thấp hơn giá thị trường vào tất cả các trường hợp thì đấy cũng là nguyên nhân gây tham nhũng, khiếu kiện. Đấy là những điểm mà tôi cho rằng rất cần thiết.

Đối với doanh nghiệp thì tôi chỉ còn một ý cuối cùng, doanh nghiệp là người nói rõ hơn ai hết cái cơ chế chuyển dịch đất đai như thế nào cho phù hợp. Chúng ta phải đến gặp cơ quan hành chính để xin xỏ hơn hay là chúng ta chủ động trên thị trường hơn? Và để chủ động trên thị trường chúng ta cần những điều kiện gì để khắc phục tình trạng này. Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Chính phủ phải xử lý trường hợp này ngay từ năm 2005. Thành phố HCM đã đề nghị là chúng tôi vướng 30% còn lại, như vậy Chính phủ phải có cách gì để giải quyết 30% bị vướng đó. Còn doanh nghiệp thì rất là hăng hái đi thảo luận trên thị trường để làm sao có thể thuê hoặc nhận góp vốn. Đây là cơ chế rất dễ chịu trên thị trường, nhưng cái 30% theo quy định của TP HCM khó thảo luận là bời vì người dân nổi lòng tham. Như vậy đó là cái chốt mà pháp luật chúng ta phải giải quyết. Chúng ta phải chấp nhận một kinh nghiệm đồng thuận của Hàn Quốc. Cái này không có gì khó cả, sự đồng thuận dựa trên sự đồng thuận của 2/3 ý kiến thì tôi cho rằng đó là nguyên tắc mà chúng ta đảm bảo sự đồng thuận, và đây là sự đồng thuận có nguyên tắc. Như vậy mọi chuyện sẽ trở nên rất dễ chịu.

Tuy nhiên có một điểm cuối cùng đó là rất nhiều ý kiến hiện nay nói rằng nên cần áp dụng  cơ chế thu hồi đất chung cho tất cả các trường hợp để đảm bảo sự công bằng. Ai bị thu hồi đất đều nhận được bồi thường như vậy thôi. Không nên để thỏa thuận vì thỏa thuận thì sẽ có người được nhiều hơn, có người ít hơn. Tôi cho rằng đây cũng là một ý kiến nhưng chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng có sự công bằng đối với những người sử dụng đất. Dự án có những hoàn cảnh khác nhau, vì mục đích công cộng hoặc mục đích quốc phòng an ninh khác nhau. Chúng ta lưu ý rằng đại đa số người dân khiếu nại về đất đai hoặc những nơi khiếu nại đông người về đất đai đều vì một lý do đó là nhà đầu tư khi thu hồi đất thì đền bù rất thấp nhưng bán lại với giá rất cao. Còn thu hồi đất để làm bệnh viện, trường học, đường đi hoặc những cái vì mục đích lớn thì người dân thường không có ý kiến gì. Có thể thấy là chúng ta phải giải quyết cái chuyện phân chia lợi ích, phân chia địa đô ở đây sao cho thỏa đáng chứ đừng nói đến chuyện là chúng ta đòi hỏi sự công bằng giữa tất cả những người bị thu hồi đất. Điều đó là không tưởng. Mà tôi nghĩ rằng đó chỉ là lý do để chúng ta bảo vệ một cơ chế mà nó không công bằng, không dân chủ, không văn minh. Đấy là cơ chế Nhà nước thu hồi đất tất cả các trường hợp. 

Các văn bản liên quan