Góp ý của ông Đỗ Trọng Hải-Công ty Luật Bizlink đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Thứ Năm 11:41 11-10-2012

CÔNG TY LUÂT TNHH BIZLINK

HA NOI OFFICE

Unit 1502A, 15 Fl., Charm Vit Tower, 117 Tran Duy Hung,

Hanoi, Vietnam

Tel: 84-4-35148355          Fax: 84-4-35148355

Email: hanoi@bizlink.vn

Website: www.bizlink.vn

HO CHI MINH CITY OFFICE

11th Fl., GB Bldg., 78-80 Cach Mang Thang Tam St. Dist. 3, Ho Chi Minh City, Vietnam

Tel: (84.8) 3930 9980          Fax  (84.8) 3930 6684

Email: hcmc@bizlink.vn

Website: www.bizlink.vn

THAM LUẬN GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

CÔNG TY LUẬT TNHH BIZLINK

(ngày 09/10/2012)

          Theo thư mời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tham gia “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với luật đất đai (sửa đổi)”, Công ty Luật Bizlink xin gửi bài tham luận này để tham khảo cho mục đích hoàn thiện bản dự thảo luật đất đai sửa đổi.

I.       NHỮNG Ý KIẾN CHUNG VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

1.       Quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) của chủ đầu tư cấp 1 trong khu đô thị mới, khu nhà ở

          Điều 105 của Luật đất đai quy định rõ ràng rằng, người sử dụng đất có quyền “được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Đây là quyền căn bản của người sử dụng không phân biệt tư cách của người sử dụng đất (cá nhân, pháp nhân, tổ chức kinh tế trong nước hay tổ chức kinh tế cá nhân nước ngoài). Một cách riêng biệt đối với đất khu đô thị mới, Điều 20, Nghị định 84/2007/NĐ-CP cũng quy định rõ là “trong trường hợp diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn và khu sản xuất, kinh doanh có nhiều phần diện tích đất có mục đích sử dụng khác nhau thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng thửa đất phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được xét duyệt và theo quy định của pháp luật về đất đai”.

          Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định trên đây trong việc cấp sổ đỏ cho các chủ đầu tư cấp 1 ở các tỉnh thành khác nhau còn rất khác nhau. Một số tỉnh thành đã cấp các sổ đỏ khác nhau đối với các lô đất khác nhau trong khu đô thị mới cho chủ đầu tư cấp 1. Trong khi đó, một số tỉnh thành lại không cấp. Có nhiều lý do mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối cho phép chủ đàu tư cấp 1 được thực hiện quyền của mình, điển hình nhất là:

(a)     Nhà nước chỉ cấp sổ đỏ cho người mua nhà trong khu đô thị mới chứ không cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư dự án;

(b)     Việc chủ đầu tư dự án được cấp sổ đỏ dẫn đến tình trạng cầm cố, thế chấp, sang tên, v.v. dẫn đến việc chủ đầu tư không thực hiện dự án; Và khi xin dự án, chủ đầu tư đã phải chứng minh năng lực tài chính là đủ khả năng thực hiện;

(c)      Chưa có quy trình thủ tục cụ thể cho việc cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư trong khu đô thị;

(d)     Nghị quyết 33/2008/NQ-CP quy định, “để giảm bớt thủ tục và khắc phục các bất hợp lý trong việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất, các địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ sở hữu nhà ở và công trình xây dựng gắn liền với đất, không nhất thiết phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn bộ dự án cho chủ đầu tư cấp 1”.

          Dễ dàng nhận thấy rằng tất cả các lý do trên hoặc là không có căn cứ pháp lý, hoặc là phản kinh tế không phù hợp với thực tế. Một cách cụ thể: Không nhà đầu tư nào có đầy đủ vốn chủ sở hữu bằng đầu tư để xây dựng một dự án hoàn chỉnh mà không cần vay vốn từ ngân hàng hay huy động vốn để thực hiện dự án. Không một quy định nào quy định là chỉ cấp sổ đỏ cho người mua nhà trong dự án. Nghị định 88/2010/NĐ-CP về căn bản đã có thủ tục chung về cấp sổ đỏ. Nghị quyết 33 cũng chỉ quy định là không nhất thiết cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư cấp 1 chứ không có nghĩa là không cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư cấp 1.

          Việc không cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư cấp 1 của dự án dẫn đến những hậu quả vô cùng nguy hiểm sau đây:

          Thứ nhất, việc không cấp sổ đỏ vô hiệu hóa quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất một cách hợp pháp của chủ đầu tư cấp 1 cho các nhà đầu tư cấp 2 theo quy định của Nghị định 02/2006/NĐ-CP với những phần đất mà chủ đầu tư cấp 1 đã hoàn thành trả tiền sử dụng đất 1 lần. Lý do: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Theo quy định tại Luật đất đai 2003, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các tổ chức phải được công chứng (nếu giữa các hộ gia đình cá nhân có thể lựa chọn công chứng hoặc chứng thực). Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT – BTP – BTNMT của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất, để được công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bên chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ một số trường hợp đặc biệt áp dụng cho hộ gia đình cá nhân là không cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất);

          Thứ hai, việc không cấp sổ đỏ làm phát sinh các giao dịch chuyển nhượng không theo đúng thủ tục pháp lý (như không được công chứng, đăng ký sang tên chủ đầu tư cấp 2). Từ đó dẫn đến rủi ro giao dịch vô hiệu, gây thiệt hại cho các bên liên quan. Việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà của chủ đầu tư cấp 2 cũng gặp khó khăn;

          Thứ ba, nếu cơ quan nhà nước trên thực tế vẫn cấp sổ đỏ cho người mua nhà của chủ đầu tư cấp 2 và việc cơ quan thuế vẫn thu thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho dù chủ đầu tư cấp 2 chưa hoàn thành thủ tục sang tên từ chủ đầu tư cấp 1 (hợp đồng không công chứng, không thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất) thì đây là sự thừa nhận của các cơ quan nhà nước về thuế đối với một hợp đồng chuyển nhượng bị coi là không hợp pháp theo các quy định khác của pháp luật. Sự thừa nhận của các cơ quan nhà nước về giao dịch không hợp pháp này chứng tỏ pháp luật đã không được thực thi một cách nghiêm chỉnh và dường như có sự thỏa hiệp về sự không tuân thủ này. Đây là mầm mống của những tiêu cực.

          Vì lý do trên, chúng tôi đề nghị luật đất đai phải quy định rõ ràng là tất cả các người sử dụng đất hợp pháp không phân biệt hình thức sử dụng, tư cách của người sử dụng đất, loại đất, v.v. đều được cấp sổ đỏ và cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cấp sổ đỏ. Trong các văn bản hướng dẫn cần có thủ tục rõ ràng cho việc cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư cấp 1.

2.       Quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất từ các doanh nghiệp nhà nước trước ngày 01/07/2004

          Theo quy định tại Điều 107, Nghị định 181/2004/NĐ-CP, “doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất như ngân sách nhà nước cấp cho doanh nghiệp, không phải ghi nhận nợ và không phải hoàn trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai để góp vốn liên doanh với tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì doanh nghiệp liên doanh không phải thuê đất và có quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật Đất đai. Giá trị quyền sử dụng đất là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp liên doanh.”.

          Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2002, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất như ngân sách nhà nước cấp cho doanh nghiệp mà không phải nhận nợ với ngân sách nhà nước và cũng không phải hoàn trả tiền thuê đất hay phí sử dụng vốn ngân sách nhà nước nữa. Ngoài ra, quy định “giá trị quyền sử dụng đất là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp liên doanh” cũng không thật hợp lý vì giữa liên doanh và nhà nước không có quan hệ góp vốn.

          Về hình thức sử dụng đất của các loại doanh nghiệp, Luật đất đai 2003 cũng mới chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức nước ngoài được nhà nước cho thuê đất mà chưa có quy định về quyền của doanh nghiệp liên doanh nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trong khi đây là một hình thức sử dụng đất khá phổ biến trên thực tế trong những năm đầu của quá trình mở cửa quá trình mở cửa và hội nhập của Việt Nam.

          Bởi vậy, thay vì chỉ quy định trong nghị định, chúng tôi đề xuất, luật đất đai sửa đổi nên quy định rõ ràng là “các doanh nghiệp liên doanh hoặc các doanh nghiệp đã từng là liên doanh mà có bên Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh với tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì không phải thuê đất và có quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật Đất đai”.

3.       Mở rộng các hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (quyền được thuê đất của nhà nước, thuê đất và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác để thực hiện dự án)

          Luật đất đai hiện mới chỉ có quy định rõ ràng về việc doanh nghiệp liên doanh được sử dụng đất do nhận góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất (khi thành lập liên doanh). Đối với doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, luật đất đai cũng mới chỉ quy định quyền được sử dụng đất do được nhà nước cho thuê đât. Ngoài ra, Nghị định 84/2007/NĐ-CP cũng mới chỉ quy định thêm về việc doanh nghiệp có vốn đầu tư được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần của nhà nước để thực hiện dự án nhà ở cho thuê.

         

          Ngoài các quy định trên, chưa có quy định rõ ràng nào quy định rõ quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được được nhận chuyển nhượng, thuê đất của những người sử dụng đất hợp pháp khác (là các cá nhâ hay tổ chức có quyền chuyển nhượng hay cho thuê đất theo luật) để thực hiện các dự án đầu tư. Điều này chắc chắn sẽ hạn chế nhiều đến cơ hội có được quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp này để thực hiện các dự án đầu tư mới của mình. Trên thực tế, cho dù chưa có khung pháp lý rõ ràng, cũng đã có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê thêm đất trong khu công nghiệp, hay được nhà nước cho thuê thêm đất để thực hiện dự án mới hay mở rộng dự án.

          Bởi vậy, theo chúng tôi, trừ khi nhà nước quyết định sửa đổi luật đất đai theo hướng thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp (100% trong nước, 100% nước ngoài hay liên doanh) như kiến nghị của chúng tôi ở Mục 4 dưới đây, luật đất đai nên quy định rõ ràng quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được lựa chọn các hình thức sử dụng đất bao gồm cả việc thuê hay nhận chuyển nhượng của ngưới sử dụng đất hợp pháp khác ngoài hình thức thuê hoặc được giao đất trực tiếp từ nhà nước.

4.       Thống nhất khái niệm người sử dụng đất đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp và thống nhất hình thức sử dụng đất của tất cả các doanh nghiệp sử dụng đất

(Vấn đề này hiện được quy định tại Điều 4, Điều 6, Chương XI – Quyền và Nghĩa vụ của người sử dụng đất của dự thảo Luật đất đai sửa đổi)

(a)     Thứ nhất, Luật đất đai nên thống nhất lại khái niệm người sử dụng đất trong Điều 9 theo hướng không phân biệt hai khái niệm “tổ chức nước ngoài” và “tổ chức kinh tế”. Tất cả các doanh nghiệp sử dụng đất để sản xuất kinh doanh (bao gồm cả kinh doanh bất động sản), không phân biệt cơ cấu tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ (của nước ngoài và trong nước), nên được gọi chung là “tổ chức kinh tế”.

                    Quy định này mang nhiều ý nghĩa nhất là trong bối cảnh còn có nhiều tranh luận về cách hiểu thế nào là nhà đầu tư nước ngoài trong luật đầu tư hiện nay. Theo chúng tôi, việc xác định và phân biệt cơ cấu/ tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước trong một doanh nghiệp hiện nay nên chỉ nhằm mục đích xác định điều kiện tiếp cận thị trường và xác định các điều kiện đầu tư với doanh nghiệp đó (tức là xác định doanh nghiệp đó được kinh doanh gì và không được kinh doanh gì ở Việt Nam). Một khi doanh nghiệp này đã được phép kinh doanh ở thị trường Việt Nam, thì quyền sử dụng đất và các hình thức sử dụng đất phải được áp dụng như tất cả các doanh nghiệp khác (sự phân biệt như đã nói ở trên là không có ý nghĩa gì và chỉ đem lại cho các doanh nghiệp sự khó khăn, phiền hà). Nói cách khác, luật đất đai không nên dựa trên cơ cấu sở hữu vốn trong một doanh nghiệp để xác định các hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp đó.

                    Mặt khác trên thực tế việc phân biệt là bất khả thi đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán khi mà tỷ lệ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi liên tục.

(b)     Thứ hai, Cần phải xoá bỏ sự phân biệt giữa giao đất có thu tiền sử dụng đất (áp dụng cho tổ chức kinh tế trong nước) và thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê (áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài) như quy định trong Luật đất đai. Theo đánh giá của chúng tôi, việc phân biệt này hoàn toàn vô nghĩa về mặt lý thuyết và thực tế. Thay vào đó, áp dụng thống nhất hình thức “thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” cho “tổ chức kinh tế”.

          Nói cách khác, dự thảo cần được sửa đổi theo hướng ghi nhận “tổ chức kinh tế” không phân biệt cơ cấu tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ sẽ được nhận quyền sử dụng đất theo các hình thức sau đây:

(i)                Được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời hạn thuê;

(ii)             Được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm;

(iii)           Được nhận quyền sử dụng đất do người sử dụng đất khác góp vốn vào tổ chức kinh tế;

(iv)           Được nhận chuyển nhượng đất hay thuê đất của người sử dụng đất khác;

(v)             Các hình thức khác hiện đang áp dụng cho “tổ chức kinh tế” hiện nay.

         

5.       Mở rộng quyền của người sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm (Điều 156, 164 của dự thảo luật đất đai sửa đổi)

          Theo quy định hiện nay, người sử dụng đất thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không có quyền chuyển nhượng, cho thuê lại, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, thế chấp bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất.

          Tuy nhiên do việc nộp tiền sử dụng đất hàng năm về cơ bản thường không ảnh hưởng nhiều đến quyền phát triển đất trong suốt thời gian thuê đất so với hình thức trả tiền thuê một lần. Nói cách khác, cho dù trả tiền hàng năm, trừ khi có vi phạm trong việc sử dụng đất dẫn đến bị thu hồi đất hoặc do nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp nhất định khác (những trường hợp thu hồi này áp dụng cho cả hình thức trả tiền thuê một lần hoặc giao đất), người thuê đất vẫn có quyền sử dụng đất trong suốt thời hạn thuê. Bởi vậy, trên thực tế, nhu cầu chuyển quyền thuê đất này, dùng quyền thuê để góp vốn hợp tác với đối tác là rất phổ biến và ở khía cạnh nào đó cũng là nhu cầu chính đáng của của người sử dụng đất. Nhu cầu này ngày càng tăng lên phát sinh từ thực tế cơ quan có thẩm quyền của nhà nước có thể không tôn trọng triệt để quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất (giao đất hoặc thuê đất, thuê đất trả tiền một lần hoặc thuê đất trả tiền hàng năm).

          Do không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, trên thực tế, để chuyển giao quyền sử dụng đất này các bên liên quan đã phải tiến hành chuyển nhượng “chui” theo hình thức khác nhau chẳng hạn như hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh. Người sử dụng đất hợp pháp thực chất không còn sử dụng đất nữa mà đã chuyển cho những người tham gia hợp tác kinh doanh với mình. Điều này ít nhiều gây ra sự khó khăn trong hoạt động quản lý sử dụng đất của nhà nước với các đối tượng này. Hơn nữa, nhà nước có thể sẽ có thất thu thuế đối với các thu nhập mà người sử dụng đất này nhận được do chuyển giao quyền sử dụng đất cho các đối tác của họ. 

          Do vậy, nếu cho phép các chủ thể sử dụng đất trả tiền hàng năm được chuyển nhượng sẽ làm tăng khoản thu cho ngân sách nhà nước, tránh được tình trạng trốn thuế của các chủ thể này, tạo ra sự minh bạch và thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước với người sử dụng đất thực.

          Ở khía cạnh pháp lý, quyền sử dụng đất về bản chất nói chung có thể coi là một quyền tài sản - một loại tài sản trong giao dịch dân sự. Vì vậy, không nên dựa vào đặc điểm đất thuê trả tiền hàng năm để phủ nhận bản chất tài sản này. Là một loại tài sản, quyền sử dụng đất thuê cần được phép trao đổi, chuyển giao. 

          Từ các phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng đã đến lúc nhà nước phải nghiên cứu, xem xét kỹ luỡng vấn đề này để mở rộng quyền của người sử dụng đất thuê. Thay vì siết chặt hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, nhà nước cần nghiên cứu minh bạch hóa việc giao đất và cho thuê đất như chúng tôi đã đề cập trên đây.

6.       Tiền sử dụng đất và tiền thuê đất (Chương III – Tài chính về đất đai và giá đất)

          Theo quy định, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất sẽ được xác định sát với giá thị trường.

          Tuy nhiên, hiện nay việc xác định tiền thuê đất và tiền sử dụng đất thường được xác định sau khi đã có giấy chứng nhận đầu tư và dự án đầu tư xây dựng, thậm chí một số trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn có ý kiến cho rằng sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc xây dựng, kinh doanh, quyết toán dự án thì giá đất mới được xác định chính thức dựa vào giá kinh doanh dự án. Ý kiến này là phản kinh tế vì không nhà đầu tư nào kinh doanh khi chưa biết chi phí đầu tư. Trên thực tế, nhiều dự án xây nhà xong, đủ điều kiện để bán nhà nhưng vẫn chưa được nhà nước xác định giá đất gây thiệt hại và khó khăn cho doanh nghiệp trong kinh doanh.

          Bởi vậy, chúng tôi đề xuất, luật đất đai cần xác định nguyên tắc xác định giá đất minh bạch ngay trong giai đoạn đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất hay đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất cho thuê đất. Các mức giá thông qua đấu thầu và đấu giá này là mức giá thị trường. Đối với trường hợp không có người tham gia đấu giá, đấu thầu hoặc các trường hợp chỉ định nhà đầu tư thì cần xác định rõ phương pháp xác định giá đất ngay từ ban đầu để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và người dân.

II.      NHỮNG GÓP Ý VÀO MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

STT

Dự thảo

Ý kiến đóng góp

1

Một số quy định về người sử dụng đất tại Điều 6:

Điều 6.1:Các tổ chức trong nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức sự nghiệp công, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất; tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất

Điều 4.27:Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các tổ chức kinh tế khác có đủ các điều kiện quy định của pháp luật dân sự; trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Điều 6.7:Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê

Điều 6.8:Tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê hoặc do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Trong phần góp ý chung chúng tôi đã đưa ra đề xuất chung. Tại phần này chúng tôi chỉ rõ sự hợp lý của sự phân biệt hiện nay.

1. Theo các quy định nàyc, nhà nước vẫn phân biệt và phân loại những đối tượng sau đây là những người sử dụng đất khác nhau:

(a)  Tổ chức kinh tế: bao gồm doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các tổ chức kinh tế khác có đủ các điều kiện quy định của pháp luật dân sự; trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

(b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam

(c)  Tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài

Đồng thời, hình thức sử dụng đất cho từng loại người sử dụng đất trên đây cũng khác nhau. Tổ chức kinh tế được nhận quyền sử dụng đất (tức là nhận chuyển nhượng QSDĐ, v.v. từ các tổ chức khác). Trong khi đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ có được QSDĐ thông qua hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất. Tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có được QSDĐ thông qua hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất, hoặc do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 

Sự phân biệt này không hợp lý vì:

-            Theo các khái niệm này, việc xác định hình thức sử dụng đất của một số doanh nghiệp niêm yết tùy từng thời điểm sẽ rất khó khăn. Ví dụ, tại một thời điểm nhất định, doanh nghiệp này không có vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy được nhận quyền sử dụng đất từ người khác. Sau đó do việc mua bán cổ phần trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp này có cổ đông nước ngoài, không được coi là tổ chức kinh tế nữa. Lúc đó, luật đất đai sẽ phân loại doanh nghiệp này vào loại nào trong số các loại người sử dụng đất trên đây? Cách thức xử lý đất đã nhận chuyển nhượng như thế nào?

Tổ chức kinh tế loại trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên luật đất đai chưa giải thích rõ ràng thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp có các cổ đông là các công ty liên doanh có được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không? Cách xác định không rõ ràng sẽ gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lấy được QSDĐ.

-            Việc coi tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là một người sử dụng đất là không hợp lý vì tổ chức, cá nhân nước ngoài không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam, không trực tiếp ký hợp đồng thuê đất, đứng tên trên quyết định giao đất. Vì vậy, nên cân nhắc đổi thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

-            Tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài: Cần làm rõ tổ chức liên doanh này có bao gồm doanh nghiệp niêm yết có cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hay không? Có bao gồm các công ty mà các cổ đông là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hay không?

-            Việc hạn chế quyền của “tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam” và “tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài” trong việc nhận chuyển quyền sử dụng đất là rất không hợp lý và gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện dự án. Hạn chế này dẫn đến việc nhận chuyển quyền sử dụng đất phải diễn ra theo “đường vòng”. Thay vì nhận chuyển quyền sử dụng đất, nhà đầu tư nước ngoài/ hay các doanh nghiệp liên doanh sẽ phải lập liên doanh mà bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, sau đó nhận chuyển nhượng vốn góp. Rõ ràng hạn chế trên đây không ngăn cản được việc chuyển quyền sử dụng đất theo cách gián tiếp và cũng không mang ý nghĩa đáng kể nào về quản lý đất đai của nhà nước.

Theo chúng tôi, nên gộp tất cả các người sử dụng đất trên đây thành một nhóm và gọi chung là tổ chức kinh tế. Với những loại đất, loại dự án đặc thù nào nhà nước thực sự cần hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hay có doanh nghiệp có cổ đông/ thành viên là nhà đầu tư nước ngoài, thì trong các quy định cụ thể sẽ có loại trừ.

2

Thu hồi đất do vi phạm của chủ đầu tư Điều 52.1.h):

h) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng (12) liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép

Theo Điều 64 của Luật đầu tư: “Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau mười hai tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư

Theo Điều 68 của Nghị định 108/2006/NĐ-CP: “Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau 12 tháng, nhà đầu tư không triển khai hoặc dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp được tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định tại Điều 67 Nghị định này”.

Ban soạn thảo cần cân nhắc để tránh sự mâu thuẫn chồng chéo giữa các luật.

3

Căn cứ và điều kiện giao đất cho thuê đất:

Điều 59. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

1. Căn cứ để quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm: 

a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được cơ quan tài nguyên và môi trường thẩm định;

c) Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì còn phải văn bản chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 60. Điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế

1. Chủ đầu tư có năng lực tài chính để sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được đánh giá trong báo cáo kiểm toán độc lập.

2. Chủ đầu tư phải ký quỹ thực hiện dự án.

3. Đối với chủ đầu tư xin giao đất, thuê đất mà đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước đó để thực hiện các dự án đầu tư thì các dự án đầu tư đó phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Như vậy, căn cứ đề giao đất cho thuê đất là “Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được cơ quan tài nguyên và môi trường thẩm định;”. Tức là chủ đầu tư phải có dự án đầu tư được cấp phép sau đó mới được giao đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, để được cấp phép cho dự án đầu tư thì chủ đầu tư phải chứng minh địa điểm đầu tư. Vậy, chủ đầu tư cần tiến hành thủ tục gì để được chấp thuận địa điểm đầu tư?. Hiện nay Luật đất đai chưa rõ về vấn đề này.

Ngoài ra, quy định về năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng rất khó thực hiện trên thực tế: “Chủ đầu tư có năng lực tài chính để sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được đánh giá trong báo cáo kiểm toán độc lập.”.

 

4

Đấu giá quyền sử dụng đất:

“Điều 101. Các trường hợp đấu giá và không đấu giá quyền sử dụng đất

1. Đấu giá quyền sử dụng đất được áp dụng khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án hoặc khi thi hành án, thu hồi nợ có liên quan đến quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Không đấu giá quyền sử dụng đất được áp dụng khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc khi thi hành án, thu hồi nợ có liên quan đến quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:

a) Các trường hợp sử dụng đất được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này;

b) Các trường hợp sử dụng đất quy định tại điểm b, điểm e khoản 1 và điểm b khoản 2  Điều 64 của Luật này;

c) Các trường hợp sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, xây dựng nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp thuê hoặc mua, xây dựng nhà ở công vụ;

d) Trường hợp giao đất ở cho cán bộ, công chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.”

Quy định tại Điều 101 này có thể được giải thích là hầu hết các trường hợp giao đất, cho thuê đất đều phải thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Theo chúng tôi, ban soạn thảo cần làm rõ và khẳng định trong Luật:

- Những trường hợp nào bắt buộc phải đấu giá để giao đất. Đấu giá quyền sử dụng đất thì cần phải có quy trình rõ ràng.

- Những trường hợp nào không cần đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ cần xin chấp thuận chủ trương để làm căn cứ xin giao đất sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Thực tế hiện nay, theo chúng tôi được biết, việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất và cho thuê đất là hết sức hạn chế.

Việc giao đất như trong thời gian vừa qua đã tạo ra cơ chế xin cho và cơ hội cho tham nhũng và bất bình đẳng.

5

Quyền và nghĩa vụ của Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam

Điều 164. Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 148 và Điều 150 của Luật này;

b) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 155 của Luật này.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 148 và Điều 150 của Luật này;

b) Thế chấp, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam. Người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước cho thuê đất theo đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn còn lại;

c) Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người mua tài sản được Nhà nước cho thuê đất. Người được thuê đất tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn còn lại;

d) Cho thuê nhà ở trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở.

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 148 và Điều 150 của Luật này;

b) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất;

c) Cho thuê lại quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất;

d) Thế chấp bằng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam trong thời hạn thuê đất; trường hợp thế chấp tại ngân hàng ở nước ngoài do Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

đ) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh trong thời hạn thuê đất.

Điều 165. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế liên doanh

1. Tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật này.

2. Tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 164 của Luật này.

3. Tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất, không phải nộp tiền sử dụng đất, không phải nộp tiền thuê đất và có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 155 của Luật này trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

b) Tổ chức kinh tế liên doanh được thành lập do người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tư cách là tổ chức kinh tế trong nước vào liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Luật đất đai sửa đổi có sự tiến bộ đáng kể so với luật đất đai 2003 là thống nhất về cơ bản các hình thức sử dụng đất của tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam, về cơ bản ngoại trừ:

-         “Tổ chức kinh tế được giao đất làm nghĩa trang, nghĩa địa có mục đích kinh doanh” và

-         “Tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam” thì lại không hoàn toàn giống với quyền và nghĩa vụ của “tổ chức kinh tế” với cùng hình thức sử dụng đất. Cách thức quy định như này rất không logic và rất không hợp lý. Chẳng hạn:

Ví dụ 1: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có quyền “Cho thuê nhà ở trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở.” Trong khi đó, quy định về quyền của Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm tại Điều 156 thì lại không có quyền này.

Ví dụ 2: Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm có quyền “cho thuê lại quyền sử dụng đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao, khu kinh tế”. Trong khi đó quy định về quyền của tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm lại không có quyền này. Điều này sẽ gây khó khăn và nhiều nhầm cho các nhà đàu tư nước ngoài thuê đất để đầu tư hạ tầng khi công nghiệp, v.v.

Ví dụ 3: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án có quyền: Góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh trong thời hạn thuê đất. Mà không có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất được giao và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh trong thời hạn thuê đất. Đây là quy định rất vô lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của nhà đầu tư nước ngoài được giao đât trong các dự án nhà ở.

Ví dụ 4: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án có quyền: “cho thuê lại quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất  “chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất. Như vậy, những quyền này chỉ áp dụng cho đất thuê. Trong khi đó, quy định về quyền của tổ chức kinh tế trong nước Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê quy định rất rõ quyền “Chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng đã được xây dựng gắn liền với đất; Cho thuê quyền sử dụng đất và công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng đã được xây dựng gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất và công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng đã được xây dựng gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”.

Ở khía cạnh này, quy định của Luật đất đai sửa đổi là bước thụt lùi lớn so với luật đất đai 2003.

Chúng tôi đề nghị hình thức sử dụng đất và các quyền ứng với mỗi hình thức sử dụng đất áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh và tổ chức kinh tế trong nước phải giống nhau và quy định trong cùng một điều.

6

Khoản 3, Điều 165: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế liên doanh

3. Tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất, không phải nộp tiền sử dụng đất, không phải nộp tiền thuê đất và có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 155 của Luật này trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

b) Tổ chức kinh tế liên doanh được thành lập do người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tư cách là tổ chức kinh tế trong nước vào liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Để góp vốn liên doanh, bên góp vốn đã phải trả hết tiền thuê đất (nếu là thuê đất) hay tiền sử dụng đất (nếu là giao đất) cho nhà nước. Trước khi góp vốn, bên góp vốn có đầy đủ các quyền ở khoản 2, Điều 155. Vậy sau khi góp vốn, bên nhận góp vốn cũng phải có đầy đủ các quyền ở khoản 2, Điều 155. Bởi vậy, chúng tôi đề xuất xóa bỏ mục (a) và mục (b) ở Khoản 3, Điều 165.

7

Điều 170. Điều kiện được bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm

Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh bán tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước khi có một trong các điều kiện sau:

1. Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;

2. Phải đăng ký bán tài sản gắn liền với đất thuê tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyền thu hồi đất.

Trường hợp Nhà nước thực hiện quyền ưu tiên mua tài sản gắn liền với đất thuê thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất giao nhiệm vụ cho tổ chức phát triển quỹ đất mua tài sản để đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp Nhà nước không mua tài sản thì chủ sở hữu tài sản được bán tài sản cho tổ chức, cá nhân khác; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo giá đất được xác định lại.

Quy định về việc “người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo giá đất được xác định lại có thể sẽ làm cho quá trình bán tài sản trên đất thuê trở lên bế tắc vì cả người bán và người mua đều không biết được giá đất mới sẽ là bao nhiêu.

Quy địnhTrường hợp Nhà nước thực hiện quyền ưu tiên mua tài sản gắn liền với đất thuê thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất giao nhiệm vụ cho tổ chức phát triển quỹ đất mua tài sản để đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là quá chung chung và không rõ ràng, không có quy trình cụ thể để thực hiện quy định này. Ở đây quy định nhà nước thu hồi đất, sau đó bán đấu giá đất và tài sản. Có nghĩa là nhà nước sẽ mua tài sản của doanh nghiệp sau đó thu hồi đất, bán đấu giá đất và tài sản để kiếm lời? Hay nhà nước mua tài sản để đầu tư sử dụng? Phải làm rõ quy định này. Nếu thực sự nhà nước cần quy định được quyền ưu tiên mua thì chỉ cần quy định quyền ưu tiên mua, thủ tục, trình tự thực hiện quyền này mà không cần phải quy định mua để làm gì như quy định hiện nay.

Theo chúng tôi, quy định tại điều 170 này chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp cho việc bán tài sản của người thuê đất. Sẽ có một số lượng tài sản có giá trị lớn của các doanh nghiệp làm ăn khó khăn không thể bán được do quy định này, gây ra sự lãng phí nguồn lực lớn.

Các văn bản liên quan