Góp ý của Luật sư Bùi Thanh Lam – Ngân hàng Liên Việt

Thứ Ba 14:40 21-08-2012

Một số góp ý liên quan đến vấn đề thanh toán trong Dự thảo Nghị định về thương mại điện tử thay thế Nghị định sô 57/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006

Luật sư Bùi Thanh Lam – Đoàn Luật sư Hà Nội

Điện thoại: 0916583612

Email: luatgialam@gmail.com

Thanh toán điện tử đã và đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến, được nhiều quốc gia khuyến khích sử dụng, nhất là trong các giao dịch thương mại điện tử. Hiện này, mặc dù hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán nói chung và thanh toán điện tử nói riêng tiếp tục được hoàn thiện, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới để hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động thanh toán, giúp cho việc quản lý, vận hành, giám sát hoạt động thanh toán đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Trong thương mại điện tử, các hình thức thanh toán phổ biến qua thẻ, qua POS, internet banking, mobile banking, ví điện tử… ngày càng được ứng dụng. Liên quan đến vấn đề thanh toán trong thương mại điện tử, tôi xin đóng góp một số ý sau đối với Dự thảo 3 Nghị định về thương mại điện tử (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”) như sau:

1) Đề xuất bổ sung định nghĩa “thanh toán điện tử” trong Dự thảo

Dự thảo đề cập đến thương mại điện tử nhưng chưa đưa ra một định nghĩa thế nào là “thanh toán điện tử”, vì đối với các giao dịch điện tử, thanh toán trong giao dịch điện tử là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Cũng như các hình thức giao dịch/hợp đồng trong giao dịch kinh doanh, dân sự thông thường, thanh toán và hình thức thanh toán là nội dung không thể không được đề cập trong mối quan hệ giữa hai bên. Hiện nay, hình thức thanh toán điện tử phổ biến là thẻ, POS, internetbanking, Mobile Banking, Ví điện tử…là các hình thức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, ngoài ra, các tổ chức/cá nhân làm trung gian thanh toán cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định của Ngân hàng Nhà nước và Pháp luật. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm các hình thức thanh toán điện tử và các điều kiện về trung gian thanh toán để đưa ra định nghĩa chính xác, góp phần thúc đẩy các giao dịch thương mại điện tử phát triển, nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho các bên tham gia giao dịch.

2) Đề xuất bổ sung một khoản về “vi phạm trong hoạt động thanh toán” trong Điều 4 Dự thảo về các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử.

Trong thương mại điện tử phổ biến nhiều hành vi vi phạm, một trong những vi phạm phổ biến trong thương mại điện tử đó là vi phạm trong hoạt động thanh toán, tuy nhiên Dự thảo không hề có bất cứ đề cập nào liên quan đến các hành vi vi phạm này. Có thể ban soạn thảo cho rằng mỗi hành vi vi phạm trong thanh toán sẽ được quy định cấm trong luật chuyên ngành như vi phạm trong thanh toán điện tử bằng thẻ, pos, internetbanking, mobile banking, ví điện tử… , tuy nhiên do tiêu đề của Điều 4 Dự thảo “Các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử”, vì vậy cần phải thống kê các hành vi này, theo tôi đề xuất bổ sung thành khoản 4 Điều 4 Dự thảo như sau:

4. Các vi phạm về thanh toán trong thương mại điện tử:

a)  Các vi phạm liên quan đến hoạt động phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng trong thương mại điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

b) Các vi phạm liên quan đến thanh toán qua POS, Internet Banking, Mobile Banking, Ví điện tử… trong thương mại điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật”.

3) Bổ sung phần trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh toán trong thương mại điện tử

Thanh toán điện tử là điểm mấu chốt thành công của thương mại điện tử, do đó đề nghị Ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ở khâu. Vì vậy theo tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung như sau:

7. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức, quản lý và giám sát hoạt động của các hệ thống thanh toán, đảm bảo các hệ thống thanh toán hoạt động an toàn và hiệu quả như:

+ Xây dựng cơ chế quản lý, vận hành hệ thống thanh toán, cấp phép thanh toán điện tử, thống kê, trong thương mại điện tử;

+ Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thanh toán điện tử;

b) Tăng cường các tiện ích thanh toán điện tử phục vụ cho các hoạt động thương mại điện tử;

c) Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam;

4) Đề nghị xem xét lại điều kiện về giá trị pháp lý của chứng từ điện tử (trong đó có chứng từ thanh toán) trong giao dịch thương mại tại Mục 1 (Chương II – Giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử) của Dự thảo.

Theo các Điều 8, Điều 9 Dự thảo thì giá trị pháp lý của “chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại có giá trị pháp lý như văn bản” nếu đáp ứng được các điều kiện tại Điều 9. Tuy nhiên trên thực tế thì các giao dịch điện tử khó quản lý, dễ bị làm giả, lừa đảo… vì vậy tôi đề xuất bổ sung thêm mục c vào khoản 1 Điều 9 dự thảo như sau:

“Điều 9. Giá trị pháp lý như bản gốc

a)……….

b)…………

c. Phải được tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc tổ chức làm trung gian thanh toán xác nhận trong trường hợp là chứng từ thanh toán điện tử bằng hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật (qua xác nhận thông tin, số dư, tin vắn, tin nhắn…..)

Tôi cũng ví dụ luôn là hình thức giao dịch thanh toán qua Ví điện tử thì Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục thuế cũng đã có quan điểm như nhau tại văn bản đính kèm.

5) Đề nghị xem xét phần thông tin về các phương thức thanh toán trong giao dịch của Website thương mại điển tử tại Điều 33 Dự thảo.

5.1. Do thanh toán điện tử có ảnh hưởng lớn đến việc bán hàng qua website, thực tế là nhiều vụ lừa đảo, gian dối trong thanh toán đã xảy ra, vì vậy đề xuất Ban soạn thảo bổ sung trách nhiệm Thương nhân phải đăng ký phương thức thanh toán điện tử với cơ quan quản lý và chỉ được công bố phương thức đã được cơ quan quản lý chấp thuận.

5.2. Việc lưu trữ chứng từ thanh toán điện tử phải được lưu song hành, đồng bộ tại cơ quan quản lý (ví như bộ phận quản lý thương mại điện tử của Sở Công thương) để tránh việc kiện tụng, khiếu kiện mà phần chủ dữ liệu, chứng từ thanh toán điện tử chỉ duy nhất có tại doanh nghiệp. 

Trên đây là một số góp ý của tôi liên quan đến phần thanh toán trong thương mại điện tử, xin trân trọng cảm ơn Quý vị đã theo dõi.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2727/TCT-CS
V/v chứng từ thanh toán thông qua Ví điện tử.

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2012

Kính gửi:

- Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (M_Service).
(Đ/c: 781/C9 Lê Hồng Phong (ND), phường 12, quận 10, TP HCM)
- Công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú.
(Đ/c: Lầu 3 tòa nhà H.3, số 384 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, TP HCM)

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 464/CT-TTHT ngày 16/01/2012 của Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh, công văn số 120/CV-VP ngày 9/01/2012 của Công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú và công văn số đề ngày 9/01/2012 Công ty cổ phần dịch vụ di động Trực tuyến (Công ty M_Service) đề nghị xem xét chấp thuận cho các doanh nghiệp được sử dụng mẫu chứng từ xác nhận giao dịch chuyển/nhận tiền giữa các tài khoản ví điện tử là chứng từ chứng minh thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại Thông tư số 129/2008/TT-BTC. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Ngày 21/5/2012 Ngân hàng Nhà nước có công văn số 2790/NHNN-TT gửi Bộ Tài chính với nội dung như sau:

“…2. Ngân hàng Nhà nước đồng tình với quan điểm nêu tại công văn số 1445/TCT-CS ngày 27/4/2011 của Tổng cục Thuế về điều kiện chứng từ thanh toán từ Ví điện tử này sang Ví điện tử khác, theo đó, việc chuyển tiền từ tài khoản bên mua sang tài khoản bên bán phải được cả công ty cung ứng Ví điện tử và ngân hàng xác nhận mới đủ căn cứ kê khai, khấu trừ thuế GTGT theo quy định.

Các công ty cung ứng Ví điện tử cần bàn thống nhất với ngân hàng cách thức đáp ứng điều kiện nêu trên. Tổng cục Thuế xem xét, hướng dẫn thủ tục về chứng từ chứng minh thanh toán qua ngân hàng để làm cơ sở cho việc khấu trừ thuế GTGT.”

Căn cứ ý kiến của Ngân hàng nhà nước và sau khi báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến M_Service và Công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú làm việc với Ngân hàng Thương mại có liên quan để thống nhất cách thức xác nhận chứng từ thể hiện việc chuyển tiền từ tài khoản bên mua sang tài khoản bên bán tại ví điện tử. Để đảm bảo đủ căn cứ kê khai, khấu trừ thuế GTGT thì việc chuyển tiền từ tài khoản bên mua sang tài khoản bên bán phải được cả Công ty cung ứng Ví điện tử và Ngân hàng xác nhận và gửi mẫu xác nhận cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp để cập nhật, theo dõi quy định.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) và Công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú được biết./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- NHNN (Vụ Thanh toán);
- Vụ PC, CST, TCNH (BTC);
- Vụ PC, KK, TTr (TCT);
- Lưu: VT, CS (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

Các văn bản liên quan