Góp ý của TS Hồ Thúy Ngọc – Trọng tài viên VIAC

Thứ Ba 14:40 21-08-2012

GÓP Ý DỰ THẢO

Nghị định mới về Thương mại điện tử

Người viết: TS Hồ Thúy Ngọc[1]

Trọng tài viên- VIAC

Trong nửa đầu thế kỷ XX, kỹ thuật số bắt đầu phát triển và được hoàn thiện. Hình ảnh (kể cả chữ viết, con số và các ký hiệu khác) và âm thanh đều được số hóa thành các nhóm bit điện tử để ghi lại, lưu giữ trong môi trường từ, truyền đi và đọc bằng điện tử. Việc áp dụng kỹ thuật số được coi là cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử nhân loại, cuộc “cách mạng số hóa” thúc đẩy sự ra đời của “nền kinh tế số hóa” và “xã hội thông tin” mà thương mại điện tử là một bộ phận hợp thành. Tại Việt Nam, thương mại điện tử có nhiều tiến bộ lớn từ năm 2007 sau khi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định 57/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 57/2006/NĐ-CP cũng dần bộc lộ nhiều nhược điểm và chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam. Do đó, dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 57/2006/NĐ-CP là cần thiết. Để dự thảo có thể đạt khả năng áp dụng thực tiễn cao, người viết có một số góp ý sau:

1.      Góp ý về các quy định liên quan đến trình tự giao kết hợp đồng thương mại điện tử tại Mục 2

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chỉ quy định sơ lược về hợp đồng điện tử ở Chương 5 với 6 điều, từ điều 33 đến điều 38. Ngoài ra, còn có các điều 17, 18, 19, và 20 hướng dẫn việc gửi, nhận thông điệp dữ liệu như một quy trình giao kết hợp đồng điện tử. Những quy định này mới chỉ là những quy định về giao kết hợp đồng điện tử, chưa làm rõ về hợp đồng thương mại điện tử. Các vấn đề còn bỏ ngỏ như thế nào là một đề nghị giao kết hợp đồng điện tử, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng điện tử, sửa đổi bổ sung đề nghị giao kết hợp đồng…Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về thương mại điện tử ngày 9/6/2006 cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này tại các điều 12, 14, 15. Rõ ràng, việc phải bổ sung thêm những quy định cụ thể về vấn đề này trong lĩnh vực thương mại là rất cần thiết.  Dự thảo lần 2 Nghị định về thương mại điện tử đã cụ thể hóa được các vấn đề trong lĩnh vực đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử về Thông báo về đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 15), Đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 16), rà soát và xác nhận nội dung hợp đồng (điều 17) và trả lời đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 18)0, Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 19), Thời điểm giao kết hợp đồng (Điều 20), Cung cấp các điều khoản của hợp đồng (Điều 21) và Thủ tục chấm dứt hợp đồng đối với cung ứng dịch vụ thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến khác (Điều 22). Việc bổ sung những quy định cụ thể như vậy làm cho Nghị định mới mang tính khả thi và thực tiễn. Tuy nhiên, Nghị định mới giới hạn những quy định này trong phạm vi đặt hàng trực tuyến, tức là mới giải quyết được các giao dịch đang thực sự diễn ra ở Việt Nam. Nếu trong thời gian gần, sự phát triển của thương mại điện tử không chỉ dừng ở đặt hàng trực tuyến mà bao gồm cả mua hàng trực tuyến thì Nghị định này lại trở nên lạc hậu. Về bản chất, việc đặt hàng hay mua hàng trực tuyến không khác gì nhau- đều là đề nghị giao kết hợp đồng. Điểm khác biệt chỉ là khách hàng trong đặt hàng trực tuyến là người mua và được người bán cung cấp thông tin về hàng trên website thương mại điện tử của mình. Trong mua hàng trực tuyến thì vai trò hai chủ thể này đổi cho nhau và các quy định về giao kết hợp đồng không có gì thay đổi. Do đó, đề xuất mở rộng phạm vụ mục 2 thành “Giao kết hợp đồng sử dụng chức năng mua bán hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử”.

Đối với quy định về thời điểm nhận một chứng từ điện tử, Dự thảo Nghị định quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử đó tại địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra và khái niệm “có thể truy cập” được hiểu là từ khi chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử của người nhận. Một vấn đề đặt ra là khi trả lời đề nghi giao kết hợp đồng của khách hàng, thương nhân, tổ chức hay cá nhân bán hàng có thể hiện thị việc đồng ý ngay trên website, hoặc gửi trả lời chấp nhận về địa chỉ điện tử của khách hàng. Nếu trả lời đề nghị này lại rơi vào Hộp thư rác (Spam mail) của khách hàng thì sao? Những trường hợp này rất có thể xảy ra do chế độ cài đặt và lọc địa chỉ email của các hòm mail khác nhau là khác nhau. Nếu theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 của Dự thảo nghị định mới thì kể cả khi trả lời đề nghị vào Hộp thư rác thì coi như hợp đồng đã được giao kết. Trong khi đó khoản 2 Điều 19 lại quy định trong vòng 8 giờ làm việc, khách hàng vẫn chưa nhận được trả lời đề nghị giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng được coi như chấm dứt hiệu lực. Thực tế diễn ra tại nhiều website thương mại điện tử thì việc trả lời đề nghị giao kết hợp đồng thường gửi vào địa chỉ điện tử của khách hàng trong vòng một vài phút. Do đó, người viết đề xuất bổ sung vào điều 17 về Rà soát và xác nhận nội dung hợp đồng thêm một mục 3, nêu rõ cho khách hàng biết thời gian gửi trả lời và cách thức khách hàng cần thực hiện nếu không nhận được trả lời sau khoảng thời gian đó.  Hoặc có thể học tập cách quy định tại điều 9 Luật Khung về giao dịch điện tử năm 1999 của Hàn Quốc “Một hợp đồng điện tử được xem là có giá trị pháp lý khi sự thỏa thuận (chấp nhận đề nghi giao kết hợp đồng) được chuyển vào máy tính của bên nhận. Dữ liệu được xem là đã chuyển vào máy tính của bên nhận khi bên này xác nhận rằng họ đã nhận được dữ liệu đó”. Người viết cho rằng đây là quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ.

Về khoảng thời gian 08 (tám) giờ làm việc được quy định tại Điều 19, người viết cho rằng chưa thỏa đáng. Khái niệm “giờ làm việc” sẽ được gây nhiều tranh cãi vì thực tế giờ làm việc chỉ được quy định thống nhất trong các cơ quan nhà nước. Đối với doanh nghiệp sẽ có sự sai lệch, đặc biệt là sai lệch về giờ nghỉ trưa. Chưa kể, quy định về giờ làm việc giữa doanh nghiệp ở nước ngoài và ở Việt Nam cũng khác nhau. Nên chăng bỏ khái niệm “giờ làm việc” và thay bằng khoảng thời gian 12 (mười hai) giờ. Khoảng thời gian này sẽ khắc phục tình trạng chênh lệch múi giờ giữa các quốc gia và đảm bảo đủ thời gian để thương nhân, cá nhân, tổ chức xử lý đề nghị giao kết hợp đồng trên website trong giờ làm việc của họ.

2.      Góp ý về nội dung các điều khoản của hợp đồng tại Điều 21

Điều 21 quy định website thương mại điện tử phải cung cấp cho khách hàng thông tin về các điều khoản hợp đồng như quy định từ Điều 29 đến Điều 33 Nghị định này trước thời điểm khách hàng gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Từ điều 29 đến điều 33 quy định cụ thể các thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, điều kiện giao dịch chung, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán. Các quy định này hoàn toàn hợp lý và phù hợp với việc giao kết hợp đồng được thực hiện giữa các chủ thể ở Việt Nam. Cả Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định 57/2006 cũng như Dự thảo nghị định mới đã bỏ qua việc giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử với các đối tác nước ngoài. Đây là một khiếm khuyết lớn về mặt nội dung. Bản chất của hợp đồng thương mại điện tử là phi biên giới. Việc giao dịch giữa hai chủ thể thuộc hai quốc gia khác nhau là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết là tranh chấp từ hợp đồng thương mại điện tử đó sẽ thuộc sự điều chỉnh của pháp luật nước nào? Do đó, cần bổ sung thêm điều khoản Luật áp dụng vào những thông tin về điều khoản hợp đồng trên website thương mại điện tử. Dự thảo nghị định hoàn toàn có thể quy định cứng luôn về Luật áp dụng cho hợp đồng thương mại điện tử được giao kết là Luật Việt Nam. 

3.      Góp ý về các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 mới chỉ quy định về giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử tại Điều 52. Luật không có quy định nào nói về việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ, hoặc liên quan đến giao dịch hợp đồng thương mại điện tử. Nghị định 57/2006/NĐ-CP cũng không có quy định cụ thể. Vì vậy, chương VI trong Dự thảo nghị định mới là một bước tiến đáng kể về nội dung, cụ thể hóa việc giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, có một số vấn đề về cách quy định tại Điều 75 như sau:

-                     Khoản  1 Điều 75 quy định thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với khách hàng phải công bố cơ chế, quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng liên quan đến hợp đồng giao kết trên website thương mại điện tử của mình. Vậy, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân nói trên không công bố nội dung này trên website thì sao? Khi đó, căn cứ giải quyết khiếu nại là gì?

-                     Khoản 1 chỉ yêu cầu công bố cơ chế giải quyết khiếu nại? vậy cơ chế giải quyết tranh chấp thì sao? Do đó, đề xuất bổ sung cụm từ ‘tranh chấp” bên cạnh cụm từ “khiếu nại” trong khoản này. Có như vậy thì khoản 2 Điều 75 mới có tính áp dụng khi quy định  tranh chấp giữa trong quá trình thực hiện hợp đồng phải được giải quyết trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng công bố tại website vào thời điểm giao kết hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan. Một lưu ý là thương nhân, cá nhân, tổ chức sở hữu website thương mại điện tử thường chỉ nhớ đến cơ chế “tòa án” khi công bố cơ chế giải quyết tranh chấp. Và như vậy, vô hình chung, Dự thảo đã bỏ qua một cơ chế giải quyết tranh chấp rất hiệu quả và nhanh chóng là “trọng tài thương mại”. Do vậy, ngay sau khoản 1 và khoản 2 Điều 75, đề xuất bổ sung nội dung “nếu website thương mại điện tử của thương nhân, cá nhân và tổ chức không quy định cụ thể các vấn đề trên thì thủ tục giải quyết tranh chấp về giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử có thể được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài theo thủ tục hiện hành của tòa án hoặc trọng tài

-                     Để đảm bảo mọi khiếu nại và tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến giao dịch thương mại điện tử được giải quyết, cần quy định cụ thể dẫn chiếu việc giải quyết tranh chấp đến quy định của pháp luật thương mại, chứ không phải là pháp luật chung chung như nội dung trong Dự thảo hiện nay. Với cách quy định “pháp luật có liên quan” tại khoản 2 Điều 75 của Dự thảo sẽ làm nảy sinh câu hỏi: pháp luật nào? Dân sự hay thương mại?

4.      Góp ý về lỗi chính tả

Dự thảo nghị định mới cần rà soát để tránh lỗi chính tả trong nội dung văn bản như tại Khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 78, lỗi viết tắt tại điểm a khoản 2 Điều 5. Dự thảo cũng cần được thống nhất cách viết số có một chữ số có bao gồm số 0 đằng trước hay không. Hiện nay các số có một chữ số trong Dự thảo không bao gồm số 0 đằng trước ngoại trừ tại khoản 2 điều 19./.



[1] Người viết đã tham gia hai đề tài cấp Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về Các vấn đề pháp lý về Giao kết hợp đồng điện tử năm 2006 và Dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử: Kinh nghiệm các nước và giái pháp thực hiện ở Việt Nam năm 2008. Hai đề tài đã được nghiệm thu và đạt loại xuất sắc. Những góp ý của người viết dựa trên việc kiểm chứng những đề xuất sửa đổi luật của hai đề tài nói trên trong Dự thảo Nghị định mới về thương mại điện tử

Các văn bản liên quan