Góp ý của ông Đỗ Gia Thắng – Chuyên gia

Thứ Ba 11:11 07-08-2012

Một số góp ý dự thảo 1 Luật đấu thầu (sửa đổi)[1]

Thạc sỹ Đỗ Gia Thắng

1.  Về mối quan hệ giữa Luật đấu thầu và Bộ luật dân sự

a) Luật đấu thầu-sự giao thoa giữa pháp luật công và pháp luật tư

Một câu hỏi đặt ra là hoạt động mua sắm được điều chỉnh trong Luật đấu thầu được điều chỉnh bởi luật công (pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước, mang tính mệnh lệnh hành chính mà không có yếu tố tự do ý chí) hay luật tư (pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đề cao yếu tố tự do ý chí và nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm). Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng tôi nghiên cứu bản chất của chuỗi các hành vi trong hoạt động mua sắm công.

Về bản chất, hành vi mua sắm của các chủ thể công là hành vi hành chính bởi vì nó được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức hoặc người đại diện có thẩm quyền có chức năng quản lý nhà nước, sử dụng tiền ngân sách nhà nước. Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định rất chặt chẽ, các chủ thể có liên quan đến quy trình chi tiêu ngân sách không có quyền tự do làm theo ý chí của mình mà bắt buộc phải tuân thủ những quy định của pháp luật về nguyên tắc, trình tự, thủ tục chi ngân sách. Do vậy, hành vi mua sắm của các chủ thể công chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước và pháp luật về cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực pháp luật công. Do đó, pháp luật mua sắm công sẽ có những quy định thuộc về lĩnh vực pháp luật công, là những quy định về trình tự, thủ tục mang tính hành chính bắt buộc thực hiện đối với những cán bộ, công chức nhà nước tham gia thực hiện hành vi mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, pháp luật về mua sắm công cũng có mối liên quan mật thiết và không thể tách rời đối với các quan hệ tài sản mang tính dân sự, trong đó quyền tài sản được pháp luật bảo hộ thuộc về các chủ thể sở hữu và có khả năng cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ thuộc phạm vi đối tượng của hoạt động mua sắm công. Việc chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ từ các chủ thể này qua các chủ thể công chỉ có thể được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu, tự do ý chí và tự định đoạt trên cơ sở pháp luật dân sự. Các chủ thể công khi tham gia vào quan hệ này không có quyền nhân danh nhà nước để áp đặt ý chí lên các đối tác cùng tham gia quan hệ mua bán với mình. Trên khía cạnh này, Luật đấu thầu lại có những quy định thuộc phạm vi pháp luật tư, là những quy định về điều kiện, trình tự giao kết và thực hiện hợp đồng. Do đó, pháp luật về đấu thầu liên quan đến hợp đồng sẽ là một bộ phận của pháp luật dân sự, trong đó quy định việc ký kết và thực hiện hợp đồng dân sự với đặc thù một bên tham gia quan hệ là các cơ quan nhà nước.

Do đó, có thể nói trong Luật đấu thầu có sự giao thoa giữa pháp luật công và pháp luật tư. Từ bản chất của các hành vi, chúng tôi cho rằng pháp luật công sẽ điều chỉnh mối quan hệ trong nội bộ của các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện hành vi mua sắm công trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, từ lập kế hoạch đấu thầu đến lựa chọn nhà thầu, giao kết, thực hiện hợp đồng và kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, kể từ giai đoạn phát hành hồ sơ mời thầu cho đến khi chuyển giao công trình, tài sản, kết thúc thời gian bảo hành và chấm dứt hợp đồng, mọi hành vi của cơ quan, tổ chức công cũng như của cá nhân đại diện cho các cơ quan này thực hiện trong quy trình đấu thầu có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của nhà thầu, nhà đầu tư thì đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật tư.

b) Một số hạn chế trong pháp luật hiện hành

Trong Luật đấu thầu (hiện hành), dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản có liên quan đến lựa chọn nhà thầu trong hoạt động mua sắm công, thực hiện dự án như Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BTO, BT; Quyết định 179/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung; Quyết định 256/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.., thì các quy định về lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng đều tách rời khỏi các quy định về quan hệ hợp đồng trong Bộ luật dân sự và mang nhiều dấu ấn của quản lý hành chính trong pháp luật công. Có thể lấy một số ví dụ như sau:

Ví dụ 1: Điều 68 dự thảo Luật về nguyên tắc xây dựng hợp đồng quy định “Hợp đồng phải phù hợp với quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan”. Với tư cách là một đạo luật quy định cụ thể việc ký kết, thực hiện hợp đồng với đặc thù một bên tham gia hợp đồng là cơ quan nhà nước thì những quy định của Luật đấu thầu có thể khác với quy định trong phần hợp đồng của Bộ luật dân sự, tuy nhiên không được trái với những nguyên tắc cơ bản của BLDS. Đây là nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự.

Ví dụ 2: khoản 6 Điều 60 Luật Đấu thầu (sửa đổi) hiện hành quy định trách nhiệm của người có thẩm quyền, theo đó người có thẩm quyền chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình chứ không chịu trách nhiệm đối với nhà thầu, nhà đầu tư tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng. Trong khi đó trong quan hệ dân sự thì các bên tham gia giao dịch trước hết chịu trách nhiệm với bên kia về việc thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó, nếu một bên vi phạm nội dung hợp đồng thì trước hết phải chịu trách nhiệm phát sinh từ những thỏa thuận trong hợp đồng đó. Như vậy, trong trường hợp người có thẩm quyền có quyết định vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động đấu thầu thì trước hết phải chịu trách nhiệm trước bên bị vi phạm, sau đó mới chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như hành vi vi phạm đó xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, của xã hội.

Ví dụ 3: Điều 75 Luật đấu thầu (hiện hành), Điều 121 dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) quy định về xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu còn mập mờ giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự. Tuy không nói rõ ràng nhưng với 3 hình thức xử lý là cảnh cáo, phạt tiền và biện pháp xử lý bổ sung là cấm tham gia đấu thầu trong tương lai thì dự thảo Luật đang nghiên về việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong đấu thầu. Bên cạnh đó, một số quy định tại các Điều từ 11 đến 18 Nghị định 53/2007/NĐ-CP ngày 4/4/2007 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Nghị định 62/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 sửa đổi Nghị định 53 đã áp dụng chế tài hành chính đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng giữa cơ quan nhà nước với nhà thầu, nhà đầu tư mà về thực chất đã hành chính hóa các quan hệ dân sự này.

Như đã phân tích ở trên, các quan hệ trong hoạt động đấu thầu một số được điều chỉnh bởi (1) pháp luật công, là quan hệ nội bộ giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức nhà nước với nhau và (2) pháp luật dân sự, điều chỉnh mối quan hệ bình đẳng giữa bên mời thầu và các nhà thầu. Trong trường hợp có hành vi vi phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật công thì do đây là quan hệ nội bộ trong các cơ quan nhà nước nên chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm là các chế tài kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức chứ không áp dụng chế tài xử  phạt vi phạm hành chính. Nếu có hành vi vi phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật tư thì chế tài áp dụng chỉ có thể là các chế tài dân sự. Về bản chất, trong quá trình xét thầu, giao kết và thực hiện hợp đồng, các hành vi vi phạm của nhà thầu hay chủ đầu tư được quy định tại các điều nêu trên của Luật đấu thầu (hiện hành), dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi), Nghị định 53 (sửa đổi) đều là hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự, do đó chế tài áp dụng cũng phải là chế tài dân sự và Nhà nước không được phép can thiệp bằng biện pháp hành chính, xử phạt vi phạm hành chính đối với với hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự. Có thể so sánh việc xử phạt hành chính trong những trường hợp này cũng không khác gì việc Nhà nước xử phạt hành chính đối với người vay tiền trong trường hợp người này không trả được nợ khi đến thời điểm trả nợ (giả sử rằng không có yếu tố vi phạm pháp luật hình sự như lừa đảo hay lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).

Khi Nhà nước tham gia các quan hệ dân sự, trong trường hợp cụ thể này là tham gia với tư cách là người mua hàng hóa, người sử dụng dịch vụ thì Nhà nước (cụ thể là các cơ quan nhà nước hoặc đại diện của các cơ quan này) cũng phải tạm thời từ bỏ tư cách là cơ quan quản lý nhà nước và giữ vai trò là một pháp nhân bình thường, có quyền và nghĩa vụ bình đẳng với bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, khi xảy ra hành vi vi phạm nghĩa vụ của nhà thầu, chủ đầu tư trong quan hệ đấu thầu thì xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước khi tham gia vào giao dịch này thì Nhà nước không thể dùng quyền lực trong quản lý nhà nước để xử lý những hành vi hành chính vi phạm này vì lúc đó Nhà nước, mà cụ thể là cơ quan nhà nước trực tiếp tham gia hành vi mua sắm đang tham gia vào quan hệ dân sự thuộc sự điều chỉnh của pháp luật tư.

Tương tự như vậy, nếu bên vi phạm là cơ quan nhà nước hoặc cá nhân đại diện cho cơ quan nhà nước trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng trước hết phải chịu những chế tài dân sự như phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu của cá nhân các cán bộ, công chức có thẩm quyền trong hoạt động công vụ của mình, đại diện cho Nhà nước thực hiện hoạt động mua sắm công không xử lý theo Luật xử lý vi phạm hành chính mà được xử lý theo các hình thức được quy định trong Luật cán bộ, công chức.

Từ những nhận định nói trên, có thể thấy rằng những quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không thể được áp dụng trong quan hệ lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, ký kết và thực hiện hợp đồng trong Luật đấu thầu.

c) Hậu quả pháp lý

Từ những quy định mập mờ về phạm vi áp dụng của pháp luật công và pháp luật tư trong pháp luật về đấu thầu (hiện hành) cũng như dự thảo Luật đấu thầu đã dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật của các nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước tham gia đấu thầu và ngay cả ở trong các cơ quan nhà nước về công tác đấu thầu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể dẫn đến việc hành chính hóa quan hệ dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà thầu, nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ cụ thể , đó là trong việc giải quyết tranh chấp giữa nhà thầu, chủ đầu tư với bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc người có thẩm quyền liên quan đến quy trình đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng, hiện nay đã có ý kiến cho rằng căn cứ vào các quy định của pháp luật đấu thầu và Luật tố tụng hành chính thì các quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện trong quy trình đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng phải được coi là quyết định hành chính và việc giải quyết tranh chấp cần được giải quyết theo tố tụng hành chính. Như vậy, quan điểm này đã phủ nhận bản chất dân sự trong hành vi ra quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhà thầu, chủ đầu tư tham dự gói thầu mà chỉ chú trọng đến hình thức thể hiện của hành vi là các quyết định của các chủ thể có thẩm quyền. Tố tụng hành chính và tố tụng dân sự là hai quy trình tố tụng khác hẳn nhau về bản chất và việc áp dụng tố tụng hành chính để giải quyết tranh chấp dân sự sẽ rất khó để đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật dân sự của bên kia gây ra.

d) Một số đề xuất

Từ những nhận định ở trên, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị đối với dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) như sau :

Một là, bổ sung quy định về việc áp dụng Bộ luật dân sự kể từ khâu thông báo mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng, đồng thời đưa ra những nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật đấu thầu và Bộ luật dân sự.

Hai là, rà soát để loại bỏ những quy định mang tính hành chính, áp đặt trong việc lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng trái với những nguyên tắc cơ bản về giao kết hợp đồng trong Bộ luật dân sự.

Ba là, bãi bỏ Điều 75 Luật đấu thầu (hiện hành) Điều 121 dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu được quy định tại các Nghị định 53/2007/NĐ-CP ngày 4/4/2007 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Nghị định 62/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 sửa đổi Nghị định 53

2. Về áp dụng Luật đấu thầu trong hoạt động mua sắm của các doanh nghiệp nhà nước

Khoản 3 Điều 1 Luật đấu thầu hiện hành quy định: "Dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm phục vụ việc cải tạo, sửa chữa lớn các thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước". Điểm d khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật đấu thầu mở rộng phạm vi áp dụng Luật đấu thầu trong hoạt động mua sắm của các doanh nghiệp nhà nước theo hướng: "Hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước trừ trường hợp mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp". Chúng tôi cho rằng cần cân nhắc lại các quy định nói trên vì một số lý do như sau:

Có thể nói kinh doanh là một nghề đòi hỏi những phẩm chất và trình độ nhất định. Bất kỳ ai có tiền đều có thể bỏ ra để kinh doanh, nhưng đa số không thể tự mình quản lý kinh doanh số tiền đó vì không đủ trình độ, kinh nghiệm, thời gian tham gia thị trường… mà phải nhờ đến đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp, thông qua cơ chế mua cổ phiếu của các công ty, chứng chỉ quỹ đầu tư hoặc trái phiếu… Tương tự như vậy đối với việc quản lý vốn nhà nước đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù nhà nước là người đầu tư vốn, tuy nhiên không nhất thiết các cơ quan của nhà nước phải trực tiếp tham gia hoặc can thiệp bằng pháp luật công vào quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Hoạt động mua sắm của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước có đặc điểm khác hẳn với hoạt động mua sắm của các cơ quan hành chính nhà nước. Bởi vì các quyết định mua sắm trong doanh nghiệp nói chung mang tính kinh doanh, có thể đem lại lợi nhuận nhưng cũng có tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên đòi hỏi người đưa ra các quyết định đó phải có tính chuyên nghiệp cao và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định kinh doanh của mình. Nếu như áp dụng quy trình đấu thầu với những thủ tục phức tạp trong Luật đấu thầu thì một mặt sẽ làm mất đi tính chủ động, phát huy năng lực quản lý kinh doanh của đội ngũ quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, mất đi cơ hội kinh doanh và quan hệ bạn hàng với những tiềm năng mà chỉ có những người "trong nghề" mới có thể cảm nhận được. Mặt khác, quy định này sẽ tạo ra sự ỷ lại trong việc chịu trách nhiệm nếu như việc kết quả kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp không tốt.

Do vậy, rất cần có sự thay đổi cơ bản trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách  trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Theo đó, cần có  sự phân cấp triệt để hơn nữa cho cấp cuối cùng trong bốn cấp thực hiện quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đó là Hội đồng thành viên (hoặc chủ tịch công ty) có toàn quyền ra các quyết định kinh doanh và đi đôi với đó, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, bổ sung và làm rõ các quy định về trách nhiệm bồi thường của những người tham gia vào quá trình quyết định kinh doanh của doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp, nếu như đó là những quyết định kinh doanh tồi gây thiệt hại cho doanh nghiệp do lỗi của những người này đã không cẩn trọng, không trung thực khi đưa ra quyết định (giả thiết rằng không có yếu tố tham nhũng xuất hiện). Ở các nước phát triển, việc các cá nhân những người lãnh đạo doanh nghiệp phải dùng tiền túi để bồi thương toàn bộ thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp diễn ra phổ biến. Việc bổ sung thêm quy định này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty cũng như những nhân sự cao cấp khác của công ty trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp nói chung và việc lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nói riêng.

3. Về quy định khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

Điều 14 Dự thảo Luật đấu thầu quy định những trường hợp được phép tổ chức đấu thầu quốc tế và các trường hợp chỉ tổ chức đấu thầu trong nước. Chúng tôi cho rằng quy định này chưa thật sự phù hợp với các nguyên tắc về đãi ngộ quốc gia (NT) trong WTO được quy định tại Điều III Hiệp định Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), Điều 17 Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và Điều 3 Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ TRIPS. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài phải được đối xử không kém thuận lợi hơn so với hàng hoá cùng loại trong nước. Do đó, về nguyên tắc Việt Nam không thể hạn chế đấu thầu quốc tế trong phạm vi những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật đấu thầu.

Tuy nhiên, WTO có đưa ra một trường hợp ngoại lệ trong việc áp dụng NT tại khoản 8 Điều 3 GATT, theo đó quy định nguyên tắc NT sẽ không áp dụng với việc các cơ quan chính phủ mua sắm nhằm mục đích cho tiêu dùng của chính phủ. Có thể thấy, ngoại lệ của WTO không áp dụng theo nguồn vốn mà được phân biệt theo chủ thể và mục đích của việc mua sắm hàng hoá. Đối tượng áp dụng của ngoại lệ chỉ là các cơ quan chính phủ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước và mục đích của việc mua sắm bị hạn chế trong phạm vi tiêu dùng của chính phủ chứ không mởi rộng cho mọi chủ thể sử dụng nguồn vốn nhà nước để mua sắm hàng hoá cho tất cả các dự án đầu tư. Cũng tại khoản 8 Điều 3 GATT có quy định rõ nếu như các cơ quan chính phủ mua sắm hàng hoá để bán lại nhằm mục đích thương mại hay đưa vào sản xuất nhằm mục đích thương mại thì cũng không được hưởng ngoại lệ của nguyên tắc NT, có nghĩa là không được có sự phân biệt đối xử giữa hàng hoá trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật còn bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, là các doanh nghiệp do trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (khoản 22 Điều 4 Luật doanh nghiệp). Trong khi đó, theo cam kết của Việt Nam gia nhập WTO thì các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam sẽ hoàn toàn hoạt động theo tiêu chí thương mại thông thường, Nhà nước không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và Việt Nam không coi mua sắm của doanh nghiệp nhà nước là mua sắm chính phủ. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng ngoại lệ nguyên tắc NT trong WTO của dự thảo Luật có thể dẫn đến những rủi ro pháp lý đối với Việt Nam trong  tương lai. Mặt khác, hiện nay Việt Nam đang cân nhắc việc gia nhập Hiệp định mua sắm chính phủ, mà nội dung chính của Hiệp định này chủ yếu tập trung vào việc xác định rõ nguyên tắc không phân biệt đối xử và công khai minh bạch, trong đó chú ý vào lợi ích tổng thể của việc tự do hóa mua sắm chính phủ. Do đó, chúng tôi đề nghị cân nhắc một cách kỹ lưỡng quy định tại Điều 14 dự thảo Luật./.



[1] Bài viết cho Hội thảo của VCCI ngày 31/7/2012. Những quan điểm nêu trong bài viết chỉ là những quan điểm cá nhân của tác giả.

Các văn bản liên quan