Góp ý của ông Ninh Viết Định – Trưởng Ban Quản lý đấu thầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thứ Ba 11:10 07-08-2012

BÁO CÁO THAM LUẬN

VỀ BẢN DỰ THẢO LẦN 1 LUẬT ĐẤU THẦU SỬA ĐỔI

Ninh Viết Định

Trưởng Ban Quản lý đấu thầu

Tập đoàn Điện lực Việt Nam

1.         Nhận xét chung

Cùng với những biến động của quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, việc rà soát, biên soạn để trình Quốc hội sớm thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) cho phù hợp với thực tiễn là chủ trương kịp thời, đúng đắn, được đồng tình và đánh giá cao.  

Về tổng thể Luật sửa đổi đã thể hiện chủ trương kế thừa Luật đấu thầu hiện hành, đồng thời phải đạt các mục tiêu chính được thể hiện rõ là:

-           Thống nhất quy định về đấu thầu có sử dụng vốn và tài sản của nhà nước với phạm vi điều chỉnh bao phủ toàn diện hơn.

-           Khắc phục những nhược điểm của các quy định hiện hành về đấu thầu.

-           Cập nhật và tiếp thu các phương pháp quản lý đấu thầu tiên tiến qua kinh nghiệm của các nước và tận dụng lợi thế tối đa của công nghệ thông tin hiện đại.

Phạm vi điều chỉnh của Luật như trong dự thảo đã không bao gồm quy định về quản lý đầu tư công  như dự kiến ban đầu là phù hợp, nội dung luật sẽ mang tính chuyên ngành sâu hơn, dễ dàng trong áp dụng thực tiễn.

Tuy vậy bản dự thảo còn thể hiện một số bất cập chính sau:

-           Việc soạn thảo còn bị phụ thuộc nhiều vào các quy định cũ, tổng hợp nội dung còn mang tính cộng gộp cơ học, đơn giản.

-           Một số nội dung bất cập của Luật cũ đã được thể chế hoá và rút kinh nghiệm qua thực tiễn và thể hiện qua các văn bản dưới luật nhưng chưa thấy cập nhật, pháp điển hoá trong bản dự thảo.

-           Kết cấu của Luật chưa thật sự khoa học, đọc khó hiểu, khó nối kết logic giữa các phần và nội dung.

2.         Kiến nghị một số nội dung chính với bản dự thảo

-           Trước tiên kiến nghị tổ soạn thảo nghiên cứu các nhận xét và kiến nghị nêu trong báo cáo rà soát các luật kinh doanh do VCCI chủ trì và công bố chính thức tháng 11/2011. Qua kiểm tra và rà soát cho thấy các nội dung kiến nghị trong báo cáo nêu trên hiện vẫn còn nguyên giá trị.

-           Việc soạn thảo Luật Đấu thầu hiệu chỉnh cần xem xét tổng thể và đồng bộ với các Luật khác có liên quan, nhất là Luật Đầu tư, Luật Xây dựng.

-           Cần pháp điển hoá những nội dung chưa rõ và bất cập trong công tác quản lý đấu thầu đã được rút kinh nghiệm, xử lý trong các văn bản dưới luật trong thời gian qua. Ví dụ nội dung về hợp đồng và quản lý đã có những nghị định mới ban hành tương đối hoàn chỉnh (NĐ48); về quản lý nhà thầu; Xử lý thuật ngữ liên qua đến các khái niệm “tham gia đấu thầu”, “Hồ sơ mời thầu” khác “Hồ sơ yêu cầu”,v.v...

-           Nội dung quan trọng và hiện nay có nhiều bất cập nhất cần lưu ý đó quy định liên quan đến xác định Giá đánh giá thầu và quy định về hợp đồng.

-           Một vài nội dung cụ thể.

Về nội dung chung và cấu trúc của Luật. Để đạo luật đạt được mục tiêu đề ra, đề nghị xem xét các yếu tố sau:

1) Luật khi ban hành phải là công cụ định hướng chung, là cơ sở để tất cả các đối tượng của xã hội xem xét chọn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nội dung. Vì vậy bố cục nội dung của Luật cần có phần quy định mang tính kỹ thuật chung về đấu thầu để bất kể đối tượng nào trong xã hội cũng có thể tham chiếu áp dụng và phần quy định về hệ thống chế tài phục vụ cho việc kiểm soát đấu thầu sử dụng nguồn lực của nhà nước, mua sắm công.

2) Thống nhất quy trình đấu thầu chung, đơn giản, không có quy trình đặc biệt để Luật Đấu thầu dễ hiểu, phổ cập, tạo sự ổn định và có tuổi thọ (hiệu lực thi hành) lâu dài.

3) Không đưa những điều khoản mang tính áp đặt các mệnh lệnh hành chính cứng nhắc trong luật đối với những nội dung mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo tính khoa học, chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan. Các quy định mang tính nghiệp vụ chuyên ngành, kỹ thuật tính toán không đưa vào luật để luật được gọn nhẹ. Ban hành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và mẫu để những cán bộ làm trực tiếp vận dụng hiệu quả..

Nội dung của Bản dự thảo chưa thể hiện được tư tưởng, mục tiêu nêu trên.

4) Giá đánh giá thầu.

Trong thời gian qua, một số chuyên gia kinh tế vẫn thường chỉ trích nhược điểm của Luật đấu thầu hiện hành, nhất là phản đối phương pháp đánh giá quy định chọn nhà thầu chỉ dựa vào giá chào thầu thấp. Bản chất nội dung các quy định trong Luật Đấu thầu không phải như vậy, nhưng với những cách diễn giải và vận dụng khác nhau đã làm méo mó trong nhìn nhận về đấu thầu và công tác quản lý đấu thầu. Cần phải có định nghĩa lại về Giá đánh giá thầu cho chuẩn xác hơn, phản ánh được đúng bản chất của công tác đánh giá thầu, để tránh diễn giải một cách tuỳ tiện.

“ Giá đánh giá thầu là đại lượng (chỉ tiêu) được xác định trên cơ sở định lượng hoá (để minh bạch thì không thể là định tính) các nội dung của bản chào thầu nhằm đưa các bản chào về cùng một mặt bằng so sánh và nhằm mục tiêu chọn ra được bản chào thầu tối ưu nhất.”

Giá đánh giá thầu không phải là giá dự thầu, cũng không phải là giá mở thầu sau khi trừ giảm giá, hiệu chỉnh lỗi số học, hiệu chỉnh sai lệch,... tuy trong trường hợp nào đó các con số này là trùng nhau, nhưng không phải đồng nhất là một.

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Cái Giá phải trả cho con bạc là tan của nát nhà, vợ chồng li tán” vì vậy thuật ngữ Giá đánh giá thầu cũng nên hiểu theo đúng định nghĩa riêng cho đấu thầu.

Quản lý đấu thầu nói chung và Đánh giá thầu là một công việc chuyên môn đòi hỏi phải có hiểu biết cả về Luật pháp và chuyên môn nghiệp vụ từng mảng công việc cụ thể. Để loại trừ tối đa những khó khăn trong đánh giá thầu và phổ cập công tác quản lý đấu thầu rộng rãi đến các đối tượng trong cơ chế phân cấp giao quyền tự chủ cho các đoanh nghiệp và địa phương, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, trong luật cần tháo gỡ những vướng mắc thông qua các cơ chế, quy định sau:

+ Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, như Tổng cục thống kê, Viện kinh tế xây dựng, Các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác nghiên cứu và ban hành cập nhật thường xuyên các tài liệu và số liệu, bao gồm:

+ Số liệu thống kê chuẩn xác, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cụ thể cho từng lĩnh vực;

+ Định lượng hoá các yếu tố, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tổng hợp mà nếu giao cho các cán bộ đánh giá thầu không thể tính toán được, để ban hành thành hệ thống các chỉ số phục vụ cho đánh giá.

+ Ban hành các sách hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể phục vụ cho đánh giá thầu từng lĩnh vực chuyên môn. Tăng cường mẫu hoá, tiêu chuẩn hoá trong đấu thầu

+ Ban hành các chính sách của nhà nước về quản lý công nghệ, tránh việc cào bằng, sử dụng công nghệ lạc hậu,  tốn năng lượng hay chính sách ưu tiên nội địa, sử dụng tối đa nguồn lực trong nước,... sẽ đạt được hiệu quả và mang tính thực tiễn cao khi chúng ta có hệ thống các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật định hướng hỗ trợ nêu trên ngày càng hoàn thiện.

5) Quy định về hợp đồng.

Phần này trong Luật cần có nghiên cứu để viết lại với một số nguyên tắc chính phải đạt được, đó là:

+ Khẳng định rõ vị trí, chức năng của hợp đồng trong quy trình đấu thầu. Hợp đồng là sản phẩm và là kểt quả duy nhất cần đạt được trong quy trình lựa chọn nhà thầu. Không phân biệt hình thức đấu thầu, phương thức đấu thầu nào đã được áp dụng, kết quả phải đạt được là hai bên ký kết được với nhau bản hợp đồng để làm cơ sở thực hiện tiếp theo.

+ Quy định rõ những yêu cầu phải được quy định trong hợp đồng và nguyên tắc quản lý các rủi ro trong quản lý hợp đồng. Đối với việc quản lý vốn nhà nước cần phải đặc biệt lưu ý phân biệt rõ quy định về quản lý chi phí và các biến động trong quá trình thực hiện. Tuyệt đối tránh cơ chế xin cho, làm trước duyệt sau. Muốn như thế phải phân biệt rành mạch khái niệm duyệt dự tóan với duyệt giá hợp đồng, giữa nghiệm thu công việc hòan thành và thủ tục thanh tóan, giữa hiệu chỉnh thanh tóan đã quy định trong hợp đồng và hiệu chỉnh, bổ sung thông qua ký kết bổ sung, hiệu chỉnh hợp đồng .

+ Đồng thời với việc tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ, phát hành sách hướng dẫn, cẩm nang đấu thầu, cần phải xác lập hệ thống tiêu chuẩn, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và trách nhiệm ban hành, quản lý; giá trị pháp lý sử dụng để đảm bảo tính minh bạch và nâng cao hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước.

Các văn bản liên quan