Góp ý của Luật sư Nguyễn Xuân Hiển – Văn phòng luật sư Leadco

Thứ Năm 16:16 09-08-2012

Tôi xin được gửi một số ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu:

- Cách tiếp cận khái niệm vốn nhà nước: Điều 4.4 dự thảo luật quy định vốn nhà nước bao gồm vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, trừ vốn tín dụng thương mại của doanh nghiệp nhà nước không do Nhà nước bảo lãnh hoặc không được thế chấp bằng tài sản của doanh nghiệp nhà nước.

(1)        Khái niệm này không rõ ràng: tín dụng thương mại hiểu là như thế nào? Đây là cụm từ được sử dụng rất hạn chế trong các văn bản pháp luật từ trước đến nay và không có cách hiểu thống nhất. Tôi thử tra cứu trên các trang về tài chính thì thấy nói tín dụng thương mại là các doanh nghiệp cho nhau vay, và không bao gồm các khoản vay của ngân hàng (mà được tách riêng là tín dụng ngân hàng). Điều 4.6 (b) Pháp lệnh Ngoại hối cũng tách riêng tín dụng thương mại và tín dụng ngân hàng. Như vậy phải chăng nếu doanh nghiệp nhà nước vay vốn ngân hàng thì vẫn coi là vốn nhà nước? Tôi cho rằng luật không nên sử dụng khái niệm đa nghĩa trong khi có khái niệm khác hoàn toàn đủ khả năng giải thích, ví dụ: vốn vay thương mại.

(2)        Cách tiếp cận này không hợp lý. Vốn tín dụng được nhà nước bảo lãnh hoặc được thế chấp bằng tài sản nhà nước thì có gì khác so với vốn không được bảo lãnh, thế chấp? Cả hai loại vốn này đều hình thành tài sản của doanh nghiệp nhà nước và đều phải trả lại sau khi hết thời hạn cấp tín dụng. Vậy thì có lý do gì mà riêng vốn tín dụng không được bảo lãnh, thế chấp lại được tách riêng không xếp vào vốn nhà nước trong khi vốn tín dụng không có bảo lãnh, thế chấp thì không? Hậu quả của việc vay vốn có hoặc không có thế chấp bằng tài sản doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa trong thứ tự xử lý nợ và bảo vệ quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm chứ không hề có ý nghĩa trong việc bảo toàn tài sản nhà nước (vì dù có hay không có thế chấp thì doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ trong phạm vi tài sản của mình). Tóm lại, thiết nghĩ không nên chỉ đặt ra ngoại lệ một cách nửa vời và phân biệt giữa vốn có thế chấp và không có thế chấp.

(3)        Quy định này cũng chưa làm rõ được trường hợp vay của ngân hàng có vốn nhà nước thì có coi là vốn nhà nước không.

- Điều 1.3: Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam ra nước ngoài; dự án, chương trình trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Gần đây chúng tôi có nhận được yêu cầu tư vấn của một doanh nghiệp nhà nước về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với dự án của công ty con của họ ở nước ngoài. Quy định hiện nay của dự thảo vẫn chưa làm rõ được trường hợp này, vì dự án khi đó không còn là dự án của một doanh nghiệp nhà nước, hoặc thậm chí là của một doanh nghiệp Việt Nam nữa. Chúng tôi nghĩ dự thảo nên làm rõ vấn đề này.

Xin trân trọng cảm ơn các chị.

Các văn bản liên quan