Góp ý của ông Trương Hồng Dương – Văn phòng Chính phủ

Thứ Tư 10:11 03-08-2011

GÓP Ý

Về Dự Thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan

Qua nghiên cứu Dự thảo Nghị định này, tôi cho rằng, đa số nội dung trong Dự thảo Nghị định này không phù hợp với quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ việc trình Chính phủ Dự thảo Nghị định này.

Theo tôi, để Dự thảo Nghị định này trình Chính phủ có sức thuyết phục, trước hết cần làm rõ một số vấn đề sau đây:

1. Việc căn cứ vào giá trị hàng hóa vi phạm để quy định nhiều khung xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm là không phù hợp với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là hành vi vi phạm. Đối với một hành vi vi phạm thì chỉ quy định một khung xử phạt. Căn cứ vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (số lượng, giá trị hàng hóa vi phạm, số lượng người vi phạm, …) thì người có thẩm quyền có thể ra quyết định mức độ xử phạt khác nhau nhưng không được vượt quá khung xử phạt. Vì vậy, đề nghị cân nhắc quy định tại các Khoản 2 (Điều 20), khoản 3(Điều 23), khoản 4 (Điều 31), khoản 5(Điều 33), khoản 6 (Điều 34), khoản 7 (Điều 35), khoản 8 (Điều 37), khoản 9 ( Điều 39), khoản 10 ( Điều 41).

2. Việc quy định có tính nguyên tắc tại một số khoản của Điều 1 Dự thảo Nghị định, trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hoá của hành vi vi phạm thì đưa ra một mức phạt tiền nhất định.

Quy định này thiếu minh bạch, thể hiện tư tưởng chủ quan, duy ý chí và cào bằng trong việc xử lý giữa hành vi vi phạm nhỏ với hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng. Mặt khác, quy định này còn thể hiện sự bất lực, hạn chế của pháp luật và năng lực chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền trước các hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan

. Vì vậy, đề nghị giải trình và nêu rõ lý do về quy định trên.

3. Về các biện pháp khắc phục hậu quả

Việc quy định biện pháp khắc phục hậu quả tại một số khoản của Điều 1 Dự thảo Nghị định với nội dung: đưa vào sử dụng nguyên liệu, vật liệu, phương tiện và thiết bị được sử dụng để sản xuất hàng hoá vi phạm không phải là chế tài. Vì vậy, đề nghị làm rõ vấn đề trên.

II. Về thẩm quyền xử phạt

Theo quy định của Luật Thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng mức xử phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính do các chức danh trên lại chưa được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2008.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Cục trưởng, Tổng cục trưởng cũng như Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là những người giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, về vị trí pháp lý những chức danh này có thể là tương đương. Theo cách lập luận trên đây, thì thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng, Tổng cục trưởng cũng nên quy định như thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ. Đối với công chức, được giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính, thì vị trí pháp lý cũng tương đương như Thanh tra viên. Vì vậy, đề nghị khi quy định thẩm quyền xử phạt đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tương đương với Chánh Thanh tra Bộ; công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tương đương với Thanh tra viên chuyên ngành hoặc quy định mang tính nguyên tắc như sau: thẩm xử phạt vi phạm hành chính của 2 chức danh trên là theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là một số góp ý về Dự thảo Nghị định.

Kính,

Chuyên gia pháp lý

Trương Hồng Dương

Các văn bản liên quan