VCCI tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng – Dự thảo lần 2

Thứ Tư 10:23 03-08-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

-----------------------------

Số: 1784  /PTM-PC

V/v: góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (lần 2)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2011

 

Kính gửi: NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Phúc đáp Công văn số 5318/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (lần 2) (sau đây gọi tắt là Dự thảo Thông tư), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về Đối tượng áp dụng (Điều 2 Dự thảo Thông tư)

Theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 thì tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, đối với mỗi loại hình tổ chức tín dụng thì việc góp vốn, mua cổ phần sẽ có những quy định khác nhau. Cụ thể, Luật các Tổ chức tín dụng cho phép ngân hàng thương mại (Điều 103) và công ty tài chính (Điều 110) được góp vốn, mua cổ phần. Trong khi đó, công ty cho thuê tài chính lại không được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức (Điều 115), đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô thì không có quy định. Như vậy, không phải tổ chức tín dụng nào cũng được phép góp vốn, mua cổ phần. Do đó, đề nghị Dự thảo Thông tư quy định rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 2;

  1. Về Giải thích từ ngữ (Điều 3 Dự thảo Thông tư)

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư giải thích rõ những trường hợp góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước để thống nhất trong cách hiểu và thực hiện;

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư bổ sung giải thích thuật ngữ “thoái vốn”

  1. Về Điều kiện để tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con tại Việt Nam (Điều 8 Dự thảo Thông tư)

Về điều kiện vốn pháp định, khoản 11 Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định: “Tổ chức tín dụng phải đảm bảo duy trì mức vốn pháp định, sau khi đã trừ khỏi vốn điều lệ phần vốn góp/vốn cổ phần tại công ty con, công ty liên kết (bao gồm cả phần góp vốn, mua cổ phần đang đề nghị được chấp thuận), cụ thể:

Vốn pháp định <= Vốn điều lệ - S vốn góp/vốn cổ phần tại công ty con và công ty liên kết”.

Theo quy định tại Điều 103 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, ngân hàng thương mại được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Thông tư bổ sung vào công thức trên cả phần quỹ dự trữ. Ngoài ra, trong trường hợp các tổ chức tín dụng đã thực hiện việc góp vốn mua cổ phần trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Thông tư này (đặc biệt là điều kiện về vốn pháp định) thì giải quyết như thế nào, đề nghị Dự thảo Thông tư quy định rõ.

  1. Về Điều kiện để tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con tại nước ngoài (Điều 9 Dự thảo Thông tư)

-         Một trong những điều kiện để tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con tại nước ngoài là “có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực dự định góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con tối thiểu trong ba (03) năm liền kề trước năm có đề nghị”. Đề nghị Dự thảo Thông tư quy định rõ hơn điều kiện này. Trường hợp tổ chức tín dụng lần đầu thành lập công ty con tại nước ngoài, chưa có hoạt động ở nước ngoài thì thu nhập từ hoạt động quốc tế được tính trên cơ sở nào?;

-         Khoản 4 Điều 9 Dự thảo Thông tư quy định những trường hợp không được làm Tổng Giám đốc/Giám đốc công ty con mà tổ chức tín dụng dự định góp vốn, mua cổ phần mà chưa quy định điều kiện về bằng cấp, nơi cư trú … đối với chức danh này (như điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật các Tổ chức tín dụng). Do đó, đề nghị Dự thảo Thông tư cân nhắc vấn đề này.

  1. Về Hồ sơ đề nghị chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con tại Việt Nam (Điều 10)

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư bổ sung trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10, tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần của các công ty con đang hoạt động, thì Đề án cần có nội dung về việc bổ sung thông tin liên quan đến tình hình hoạt động và tài chính của công ty con mà tổ chức tín dụng dự định mua cổ phần;

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư bổ sung trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10, tổ chức tín dụng góp vốn thành lập công ty con, Đề án cũng cần quy định phải nêu vai trò trong quản trị điều hành của tổ chức tín dụng trong công ty con như thế nào;

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư xem xét sự cần thiết phải có “Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm kế tiếp kể từ thời điểm bắt đầu góp vốn” trong Đề án góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con. Bởi vì thực tế triển khai có thể không đúng với phương án dự kiến. Góp ý tương tự tại Điều 11, 15 và 16 Dự thảo Thông tư;

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư sửa lại cụm từ “Bảng cân đối tài sản” (khoản 3) thành “Bảng cân đối kế toán” để thống nhất với quy định của Luật Kế toán năm 2003. Góp ý tương tự là tại điểm 2.6, khoản 2, Điều 11.

  1. Về điều kiện để tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết tại Việt Nam (Điều 13 Dự thảo Thông tư)

Một trong những điều kiện để tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết tại Việt Nam là “trong thời hạn một năm trở về trước, tính từ thời điểm có đề nghị, không bị thanh tra Ngân hàng Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và phạt bổ sung”. Quy định này có thể hiểu việc tổ chức tín dụng bị xử phạt vi phạm hành chính về bất kỳ hành vi nào cũng đều ảnh hưởng đến việc được cấp phép trong khi những vi phạm này có thể không liên quan hoặc tác động đến việc cấp phép, góp vốn mua cổ phẩn. Do đó, đề nghị Dự thảo Thông tư quy định có giới hạn về lĩnh vực bị xử phạt vi phạm hành chính. Góp ý tương tự đối với khoản 15 Điều 8 Dự thảo Thông tư.

  1. Về Hồ sơ đề nghị chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết tại Việt Nam (Điều 15 Dự thảo Thông tư)

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư bổ sung tại khoản 3 Điều 15 trường hợp tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần của các công ty liên kết đang hoạt động, thì Đề án cần có nội dung về việc bổ sung thông tin liên quan đến tình hình hoạt động và tài chính của công ty liên kết mà tổ chức tín dụng dự định mua cổ phần;

-         Đề nghị Dự thảo Thông bổ sung trường hợp tổ chức tín dụng góp vốn thành lập công ty liên kết, Đề án cũng cần quy định phải nêu vai trò trong quản trị điều hành của tổ chức tín dụng trong công ty liên kết như thế nào.

  1. Những góp ý khác

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư sửa cụm từ “người đại diện pháp luật” quy định tại Điều 4 thành “người đại diện theo pháp luật” để thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự;

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 1 Điều 20 thành “Tổ chức tín dụng … đầu tư danh mục vốn theo quy định tại Thông tư này” để phù hợp với quy định tại Điều 19 Dự thảo Thông tư;

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư sửa lại một số từ ngữ như:

+ Sửa từ “thời gian” thành “thời hạn” tại một số Điều (như Điều 5.4, 13.5, 13.6, 13.7, 20.2);

+ Sửa các điểm 1.1, 1.2, 1.3, Điều 5 thành các khoản a, b, c; sửa khoản 2.1, 2.2 Điều 5 thành khoản a, b cho phù hợp với kết cấu của điều luật;

      + Sửa “một (01) năm” thành “(01) một năm”;

+ Sửa từ “đảm bảo” thành “bảo đảm” (như Điều 6.4, 6.5, 8.6, 8.7, 13.11…);

+ Bỏ bớt từ “tối đa” trong đoạn “trong thời hạn tối đa” (như Điều 12.2, 12.3, 12.4, 12.5, 12.6, 17.3, 17.4, 17.5, 17.6, 20.2) vì trong thời hạn đã bao gồm nghĩa tối đa;

      + Sửa  “ngày” thành “ngày làm việc” (khoản 6, Điều 17);

+ Sửa ký hiệu “/” hay “và/hoặc” thành “hoặc” hay “và” hay dấu phẩy tại một số điều trong Thông tư.

-         Về Điều khoản thi hành: khoản 2 Điều 30 quy định “Các khoản góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng phát sinh sau thời điểm Luật các Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực được thực hiện theo quy định tại Thông tư này”. Đề nghị Dự thảo Thông tư xem xét lại quy định này, bởi vì, đối với những khoản vốn, mua cổ phần được thực hiện sau khi Luật các Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực (01/01/2011) nhưng lại trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, nếu áp dụng theo Thông tư này thì sẽ là hiệu lực hồi tố, như vậy sẽ không phù hợp với Điều 79 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

-         Đề nghị Dự thảo Thông tư bổ sung quy định để điều chỉnh hoặc loại trừ đối với trường hợp repo chứng khoán (mua lại chứng khoán có kỳ hạn) vì sau thời hạn thỏa thuận mà khách hàng repo không mua lại chứng khoán đã bán thì tổ chức tín dụng có quyền bán chứng khoán để xử lý hoặc giữ lại dưới hình thức đầu tư. Khi giữ lại dưới hình thức đầu tư thì xem như tổ chức tín dụng đang góp vốn mua cổ phần của tổ chức phát hành.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (lần 2). Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo Thông tư.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Lưu VT, PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

Các văn bản liên quan