VCCI tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan

Thứ Tư 10:17 03-08-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:  1783 /PTM-PC

V/v: góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính

về quyền tác giả, quyền liên quan

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2011

 

Kính gửi: BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

 

Phúc đáp Công văn số 2125/BVHTTDL-TTr của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13/05/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

1.      Về xác định giá trị hàng hóa xâm phạm: Khoản 1 Điều 1 Dự thảo Nghị định quy định, việc xác định giá trị hàng hóa làm căn cứ xác định khung tiền phạt do cơ quan xử lý xâm phạm xác định theo quy định tại Nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 sửa đổi Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là Nghị định 105). Theo quy định của Điều 28 Nghị định 105 thì việc định giá phải phối hợp với cơ quan tài chính, trong một số trường hợp phải thành lập hội đồng. Việc sửa đổi thẩm quyền định giá tại dự thảo Nghị định cũng như Nghị định 119 được lý giải ở chỗ đặc thù của hàng hoá bị vi phạm mang tính nghệ thuật, rất khó xác định giá trị hoặc nếu xác định được thì mất nhiều thời gian, không đảm bảo thời hạn xử phạt theo quy định của pháp luật ([1]). Tuy nhiên, quy định này sẽ phát sinh một số vấn đề sau đây, đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét, cân nhắc:

Những cơ quan, người có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định 47 đó là thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển. Rõ ràng là những cơ quan, người có thẩm quyền được liệt kê ở trên không có chuyên môn liên quan đến việc xác định chính xác, khách quan giá trị của hàng hoá thông thường bị xâm phạm, chưa nói đến tính đặc thù của loại hàng hoá là quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, việc định giá đòi hỏi tính chuyên môn cao và kết quả giá trị hàng hoá bị xâm phạm sau khi được định ra sẽ là căn cứ cho việc xác định có áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính hay không, áp dụng ở mức độ nào. Mặt khác, việc giao cho cơ quan xử lý xâm phạm vừa xác định giá trị hàng hoá vừa xử phạt sẽ là việc làm không khách quan, dễ gây ra tiêu cực trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính.

Do đó, đề nghị nghiên cứu lại cơ chế định giá trong Dự thảo Nghị định này và Nghị định 119 theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn trong lĩnh vực quyền tác giả và các quyền có liên quan phối hợp với các chuyên gia về giá, thẩm định giá, xác định giá trị của hàng hóa bị xâm phạm.

2.      Về việc quy định có tính nguyên tắc tại một số khoản của Điều 1 Dự thảo Nghị định, trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa xâm phạm đối với hành vi vi phạm thì đưa ra một mức phạt tiền nhất định (quy định tại các Điều được sửa đổi, bổ sung như khoản 2, Điều 20, khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 31, khoản 2 Điều 33, khoản 2 Điều 34, khoản 2, Điều 35, khoản 2, Điều 37, khoản 2 Điều 39, khoản 2 Điều 41). Quy định này thiếu minh bạch, đánh đồng chủ quan trong việc xử lý giữa hành vi vi phạm nhỏ với hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng. Hơn nữa, khung xử phạt là quá rộng (có thể lên tới 80.000.000 đồng) có thể dẫn đến sự tùy tiện trong quyết định mức phạt. Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét lại cách tính mức phạt trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa xâm phạm;

3.      Về các biện pháp khắc phục hậu quả: Dự thảo Nghị định quy định biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng cho một số hành vi là “đưa vào sử dụng nguyên liệu, vật liệu, phương tiện và thiết bị được sử dụng để sản xuất hàng hóa vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này” (quy định tại các Điều được sửa đổi, bổ sung như khoản 4, Điều 20, khoản 4 Điều 23, khoản 4 Điều 31, khoản 4 Điều 33, khoản 4 Điều 34, khoản 4, Điều 35, khoản 4, Điều 37, khoản 4 Điều 39, khoản 4 Điều 41). Biện pháp này không phải là chế tài, nên đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ vấn đề này;

4.      Về thẩm quyền xử phạt: Theo quy định của Luật Thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng mức xử phạt  cụ thể đối với hành  vi vi phạm hành chính do các chức danh trên lại chưa được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2008.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Cục trưởng, Tổng cục trưởng cũng như Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là những người giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ  quản lý nhà nước ở lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, về địa vị  pháp lý những chức danh này có thể là tương đương. Theo cách lập luận trên đây, thì thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng, Tổng cục trưởng cũng nên quy định như thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ. Đối với công chức, được giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính, thì địa vị pháp lý cũng tương đương như Thanh tra viên. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền xử phạt đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tương đương với Chánh Thanh tra Bộ; công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tương đương với Thanh tra viên chuyên ngành hoặc quy định mang tính nguyên tắc như sau: thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của 2 chức danh trên là theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính;

  1. Đề nghị Dự thảo Nghị định sử dụng chính xác một số khái niệm: “xâm phạm”, “vi phạm” để đảm bảo tính thống nhất với Nghị định 47/2009/NĐ-CP. Nghị định 47/2009/NĐ-CP sử dụng khái niệm “hàng hóa vi phạm” mà không sử dụng khái niệm “hàng hóa xâm phạm”. Tương tự, đề nghị Dự thảo Nghị định sửa “cơ quan xử lý xâm phạm” thành “cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm”.

Thực tế, việc xác định thời điểm xảy ra hành vi vi phạm trong nhiều trường hợp là rất khó vì hành vi vi phạm có thể là hành vi kéo dài. Do đó, việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm nên được xác định tại thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 1 Điều 1 như sau:

“1. Điều 3 được sửa đổi tên và bổ sung khoản 3 như sau:

Điều 3: Hình thức xử phạt và xác định giá trị hàng hóa xâm phạm

3. Xác định giá trị hàng hóa xâm phạm

a) Việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm để làm căn cứ xác định khung tiền phạt do cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm xác định tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 28 ….

  1. Về biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ: Khoản 1 Điều 216 Luật sở hữu trí tuệ quy định về Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, theo đó các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả quyền tác giả và quyền liên quan. Tuy nhiên, Nghị định số 47 chưa có quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này và trong Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng không đề cập đến. Do vậy, đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét bổ sung chế tài đối với hành vi này cho phù hợp với quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với các Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13/05/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện các Dự thảo Nghị định.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp

-         Lưu VT, PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 



[1] Trang 2 dự thảo Tờ trình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Các văn bản liên quan