Góp ý của BAOVIET Bank đối với Dự thảo 1

Thứ Tư 15:42 20-07-2011
 
 
BAOVIET Bank Hội sở chính
Số 8, Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
ĐT: 04-3928.8989 - Fax: 04-3928.8899 - Website: www.baovietbank.vn
 
Số: 18.02/2011/CV-BPC                                                                                             Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2011 


V/v: Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn về góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng                                   


 

Kính gửi:

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
(Ban Pháp chế)


Thực hiện Công văn số 0234/PTM-PC ngày 11-2-2011 của Quý Cơ quan V/v đóng góp ý kiến đối với dự thảo Thông tư Hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, thủ tục và trình tự góp vốn, mua cổ phần của TCTD, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) có một số ý kiến như sau:
1.       Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1):
Hiện nay, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực còn Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 đương nhiên không được áp dụng. Do vậy, khoản 1, Điều 1 Thông tư nên sửa lại thành “Thông tư này quy định….của Luật Các tổ chức tín dụng”, bỏ từ năm 2010” vì không cần thiết (trong các dẫn chiếu khác của Thông tư một số thì dẫn chiếu là “Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010” (khoản 6, Điều 5,…còn một số thì dẫn chiếu là “Luật Các tổ chức tín dụng”, khoản 11, Điều 5,…). Do vậy, nên thống nhất bỏ cụm từ “năm 2010”.
2.       Về đối tượng áp dụng (khoản 1, Điều 2):
Đối tượng áp dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 2 của Dự thảo Thông tư nên sửa lại thành “1. Tổ chức tín dụng được góp vốn, mua cổ phần theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng”. Bởi vì, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì không phải tổ chức tín dụng nào cũng được thực hiện hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần. Do vậy, nên sửa lại như trên cho phù hợp với quy định của Luật.
3.       Về giải thích từ ngữ (Điều 3):
-           Việc giải thích các từ ngữ từ khoản 1 đến khoản 3, Điều 3 của Dự thảo Thông tư là không cần thiết, vừa thiếu lại vừa thừa. Bởi vì, tuy là giải thích nhưng lại dẫn chiếu đến Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong khi đó, có rất nhiều khái niệm được nhắc đến trong Dự thảo Thông tư không được giải thích nhưng được hiểu theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các quy định khác có liên quan, chẳng hạn như thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “hoạt động ngân hàng”, “quản trị”, “điều hành”,... Do vậy, chỉ nên giải thích các từ ngữ mà chỉ riêng Thông tư nhắc đến như thuật ngữ “Đầu tư danh mục vốn”,“Quản lý tài sản bảo đảm”,“Thời điểm có đề nghị”,… còn các thuật ngữ  khác thì nên quy định là “được thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng” .
-           Đề nghị sửa thuật ngữ “quản lý tài sản đảm bảo” nêu tại khoản 5, Điều 3 thành “quản lý tài sản bảo đảm” cho chính xác.
4.       Về Nguyên tắc lập hồ sơ (Điều 4)
Trong trường hợp người được uỷ quyền ký văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần thì hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần còn phải có văn bản uỷ quyền. Do đó, nên sửa câu cuối, khoản 2, Điều 4 như sau: “…Trường hợp uỷ quyền, hồ sơ phải có văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật”, sửa từ “bao gồm” thành từ “phải có”.
5.       Về điều kiện để tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con (Điều 5)
Khoản 11, Điều 5 nên bỏ hoặc sửa lại thành “Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty con mà tổ chức tín dụng đang dự định góp vốn, mua cổ phần không thuộc mộttrong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 33, Luật Các tổ chức tín dụng” cho chính xác, (sửa cụm từ“đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo” thành “không thuộc một trong các trường hợp”). Vì khoản 2, Điều 33 quy định những trường hợp không được làm các chức vụ trên chứ không phải tiêu chuẩn, điều kiện làmcác chức vụ trên.  
Nên bỏ vì rõ ràng đây là quy định cấm của Luật Các Tổ chức tín dụng nên việc Tổng Giám đốc/Giám đốc công ty con mà tổ chức tín dụng đang dự định góp vốn, mua cổ phần nếu thuộc các trường hợp này thì phải được xử lý theo quy định hiện hành chứ không nên là một điều kiện để hạn chế quyền góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
6.       Về hồ sơ đề nghị chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con, công ty liên kết (Điều 6, Điều 9):
-           Đề nghị bỏ quy định về “thời gian hoạt động” trong Đề án góp vốn quy định tại khoản 3, vì thời gian hoạt động này đối với một công ty là khó xác định;
-           Đề nghị bổ sung tác động và hiệu quả dự kiến đối với công ty con, công ty liên kết khi TCTD góp vốn, mua cổ phần; và tình hình tài chính của công ty con, công ty liên kết trước khi TCTD góp vốn, mua cổ phần.
-           Về cam kết của Tổng Giám đốc/Giám đốc công ty con, công ty liên kết mà TCTD đang dự định góp vốn, mua cổ phần (khoản 5): Đề nghị bỏ quy định này trong trường hợp TCTD góp vốn để thành lập công ty con, công ty liên kết mới, vì địa vị pháp lý của chức danh này chưa được xác định theo quy định của pháp luật.
7.       Về những thay đổi phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước (Điều 14):
Dự thảo Thông tư quy định thời hạn tối thiểu trong vòng 15 ngày làm việc, tổ chức tín dụng phải báo trước với cơ quan có thẩm quyền liên quan đến một số thay đổi là chưa hợp lý. Cụ thể là:
-           Việc thay đổi liên quan đến công ty con mà tổ chức tín dụng sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn cổ phần có quyền biểu quyết thì mới chủ động và đảm bảo thời hạn báo trước nói trên.
-           Công ty con, công ty liên kết mà tổ chức tín dụng sở hữu từ 11% đến dưới 100% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết thì còn phụ thuộc vào Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị,… quyết định về sự thay đổi (kể cả thời hạn thay đổi). Do đó, sẽ không đảm bảo 15 ngày làm việc như yêu cầu.
Đề nghị quy định lại thời hạn báo trước theo từng loại công ty để việc thực hiện không gặp vướng mắc. 
8.       Về  hồ sơ đề nghị NHNN chấp thuận những thay đổi quy định tại Điều 15 Thông tư  (Điều 17):
Việc chuyển đổi việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết thành công ty con chỉ phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm f, khoản 1, Điều 14. Nhưng khoản 2, Điều 17 Thông tư lại quy định việc lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận với trường hợp chuyển đổi việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết thành công ty con. Như vậy vừa mâu thuẫn vừa không đúng với các trường hợp nêu tại Điều 15. Do vậy cần chỉnh sửa lại các trường hợp này cho thống nhất và chính xác.
9.       Về thủ tục và trình tự chấp thuận những thay đổi quy định tại Điều 15 Thông tư (Điều 18):
Tương tự như đề nghị tại điểm 8 trên đây, việc chuyển đổi việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết thành công ty con không thuộc các trường hợp phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại Điều 15 của Thông tư, nhưng tại khoản 2, Điều 18 của Thông tư lại quy định về thủ tục và trình tự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đối với trường hợp chuyển đổi công ty liên kết thành công ty con. Điều này không phù hợp với quy định tại Điều 15 của Thông tư. Do vậy, cần sửa lại cho chính xác và thống nhất.
10.  Về trách nhiệm của TCTD (Điều 19):
 ..... Đề nghị sửa “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” tại khoản 2 thành “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” để phù hợp với quy định của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp .
Trên đây là một số ý kiến góp ý của Ban PC BAOVIET Bank, xin kính gửi Quý Cơ quan nghiên cứu, xem xét!


 
Nơi nhận:
-    Như trên;
-   Lưu BPC.

 

PHỤ TRÁCH BAN PHÁP CHẾ
 
(Đã ký)
 
PHÙNG BÍCH VÂN


 
 

Các văn bản liên quan