Bản tổng hợp ý kiến góp ý của VCCI

Thứ Hai 15:59 11-07-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
-----------------------------
Số: 1551 /PTM-PC
V/v: góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------------------------
Hà Nội, ngày  11  tháng 07 năm 2011

 

 
Kính gửi: BỘ TÀI CHÍNH

 
Phúc đáp Công văn số 7998/BTC-UBCK của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp, chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến như sau:
1.      Về Giải thích từ ngữ (Điều 2 Dự thảo)
-         Khoản 1 Điều 2 Dự thảo quy định “Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu của chính công ty đại chúng đã phát hành và được chính công ty mua lại bằng nguồn vốn theo quy định và phải hoạch toán giảm phần vốn chủ sở hữu”. Đề nghị Dự thảo sửa đổi lại để phù hợp với bản chất của “Cổ phiếu quỹ”, (không nên đưa vào phần nguồn tài chính và phương pháp hạch toán, phần này là quy định của cơ quan quản lý và có thể được thay đổi theo từng thời kỳ) như sau: “Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu đã phát hành và được mua lại trên thị trường bởi chính tổ chức phát hành”;
-         Khoản 2 Điều 2 Dự thảo quy định: “Cổ phần lẻ là phần vốn ít hơn một cổ phần”. Quy định này có hợp lý không khi, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần (điểm a khoản 1 Điều 77 Luật Doanh nghiệp). Cổ phần là đơn vị vốn góp nhỏ nhất trong công ty cổ phần. Do đó bất kì phần vốn nào nhỏ hơn đơn vị cổ phần thì không được coi là phần vốn góp;
-         Khoản 12 Điều 12 quy định “Bảo lãnh phát hành là hợp đồng bảo lãnh phát hành cam kết với tổ chức phát hành …” . Bảo lãnh phát hành là “việc” cam kết của tổ chức bảo lãnh đối với tổ chức phát hành chứ không phải là “hợp đồng”. Hợp đồng chỉ là phương tiện giao kết và thể hiện cam kết của tổ chức bảo lãnh đối với tổ chức phát hành. Hơn nữa, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng quy định, “Bảo lãnh phát hành là việc cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán …”. Đề nghị Dự thảo sửa đổi quy định này để đảm bảo thống nhất với Luật Chứng khoán. Hơn nữa, phần phân loại bảo lãnh phát hành nên được sửa lại để phù hợp vì đây không phải là hình thức thực hiện việc bảo lãnh mà là việc phân loại dựa trên tính chất của việc bảo lãnh. Do đó, đề nghị Dự thảo sửa “Bảo lãnh phát hành được thực hiện theo các hình thức sau” thành “Bảo lãnh phát hành có những loại sau”;
-         Theo Điều 6 Luật Chứng khoán (sửa đổi) có một số loại chứng khoán được quy định trong khái niệm “chứng khoán” như “quyền chọn bán”, “quyền chọn mua”, “hợp đồng tương lai” … Đây là những loại chứng khoán rất mới tại Việt Nam và cần được hướng dẫn chi tiết hơn để có thể triển khai trên thực tế, đề nghị Dự thảo hướng dẫn thêm;
-         Khoản 4 Điều 2 Dự thảo quy định: “Hợp đồng quản lý đầu tư là bản hợp đồng được ký kết giữa công ty đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước hoặc ngoài nước với công ty quản lý quỹ để ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý và đầu tư tài sản của mình”. Theo Luật Chứng khoán (sửa đổi), các công ty chứng khoán được phép nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân. Do đó, đề nghị Dự thảo bổ sung chủ thể là công ty chứng khoán vào phần chủ thể của khái niệm Hợp đồng quản lý đầu tư bên cạnh công ty quản lý quỹ hiện tại.
2.      Về Điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ (Điều 4 Dự thảo)
Khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần chưa đại chúng như sau:
-         Có quyết định thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán của Đại hội đồng cổ đông;
-         Các điều kiện khác theo quy định của Luật chuyên ngành trong trường hợp tổ chức chào bán là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Trong khi đó, khoản 1 Điều 10a Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định: “Chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Do vậy, đề nghị Dự thảo không quy định về các điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần chưa đại chúng mà dẫn chiếu sang các quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan, để đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, tránh chồng chéo khi triển khai trên thực tế.
3.      Về Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng đối với một số trường hợp cụ thể (Điều 12 Dự thảo)
Khoản 1 Điều 12 Dự thảo Nghị định quy định, một trong các điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng là “có cam kết bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn với công ty chứng khoán được phép hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán”. Tại sao lại chỉ quy định về hình thức bảo lãnh cam kết chắc chắn? Những doanh nghiệp mới thành lập, chưa gây dựng được uy tín muốn ký các hợp đồng này thường rất khó. Các công ty chứng khoán với mục đích kinh doanh thu lợi nhuận, khó có thể chấp nhận hình thức bảo lãnh này. Điều này vô hình trung gây khó khăn cho doanh nghiệp khi huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Đề nghị Dự thảo cân nhắc quy định này.
4.      Về Nghĩa vụ của công ty chứng khoán làm đại lý thực hiện chào mua (Điều 31 Dự thảo Nghị định)
Khoản 1 Điều 31 Dự thảo Nghị định quy định công ty chứng khoán làm đại lý thực hiện chào mua phải: “Hướng dẫn và đảm bảo tổ chức, cá nhân chào mua thực hiện chào mua theo đúng quy định nêu tại Nghị định này và chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp tổ chức chào mua vi phạm quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan”.
Đề nghị Dự thảo xem xét lại quy định về nghĩa vụ “chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp tổ chức chào mua vi phạm quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan” của công ty chứng khoán làm đại lý thực hiện chào mua. Bởi vì, với tư cách là công ty chứng khoán được chỉ định làm đại lý thực hiện chào mua, công ty chứng khoán có nghĩa vụ hướng dẫn và đảm bảo tổ chức, cá nhân chào mua thực hiện chào mua theo đúng quy định nêu tại Nghị định này. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán rất khó có thể kiểm soát được trong trường hợp bên mua cố tình che giấu thông tin hoặc làm giả hồ sơ, tài liệu và/hoặc các vi phạm khác ngoài khả năng kiểm soát của công ty chứng khoán.
Do vậy, đề nghị Dự thảo quy định nội dung này theo hướng, công ty chứng khoán làm đại lý thực hiện chào mua phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp tổ chức chào mua vi phạm quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan, trừ trường hợp bên chào mua cố tình che dấu thông tin hoặc làm giả hồ sơ, tài liệu và/hoặc các vi phạm khác ngoài khả năng kiểm soát của công ty chứng khoán.
5.      Về Quy định về vốn và cổ đông đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (Điều 51 Dự thảo)
-         Điểm d khoản 5 Điều 51 Dự thảo Nghị định quy định “Công ty chứng khoán hoạt động tại Việt Nam không được góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp tại một công ty chứng khoán khác tại Việt Nam”. Đề nghị Dự thảo xem xét lại quy định này theo hướng cho phép công ty chứng khoán mua nhưng hạn chế tỷ lệ sở hữu (trừ trường hợp hợp nhất, sáp nhập). Bởi, việc cấm công ty chứng khoán không được góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp tại một công ty chứng khoán khác có thể gây ra vướng mắc cho hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán vì nếu công ty chứng khoán mua cổ phần đã niêm yết của công ty chứng khoán khác với mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong kinh doanh chứng khoán (hoạt động tự doanh) và với khối lượng chiếm tỷ lệ nhỏ (không liên quan đến quyền kiểm soát, quản trị doanh nghiệp) thì cũng không ảnh hưởng lớn tới hoạt động của công ty chứng khoán khác và cũng giống như mua các mã chứng khoán bất kỳ trên sàn giao dịch. Hiện tại theo quy định tại Quy chế tổ chức hoạt động của công ty chứng khoán ban hành kèm Quyết định 27/2007/QĐ-BTC thì công ty chứng khoán được phép cùng với người có liên quan đầu tư dưới 5% vốn điều lệ của công ty chứng khoán khác và giới hạn trên là tương đối hợp lý, góp phần gia tăng giá trị giao dịch và khuyến khích sự phát triển chung của thị trường;
-         Góp ý tương tự đối với quy định cấm công ty quản lý quỹ mua cổ phần của công ty quản lý quỹ khác tại điểm d khoản 6 Điều 51 Dự thảo.
6.      Về Hiệu lực thi hành của Nghị định (Điều 74 Dự thảo)
Đề nghị Dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 74 như sau:
Điều 74. Hiệu lực của Nghị định
1.      Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng     năm 2011.
2.      Bãi bỏ các Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định 84/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2010 về chào bán cổ phiếu riêng lẻ”
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối Dự thảo Nghị định quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
 
Nơi nhận:
-          Như trên;
-          Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp
-          Lưu VT, PC
 

T/L. CHỦ TỊCH
TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ
 
 
 
 
TRẦN HỮU HUỲNH

Các văn bản liên quan