Góp ý của Luật gia Vũ Xuân Tiền – Công ty tư vấn VFAM

Thứ Tư 17:17 29-06-2011


 
VÀI Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO
NGHỊ ĐỊNH
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP
ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm
 
                                                                  Luật gia Vũ Xuân Tiền
                                                                     Chủ tịch Hội đồng thành viên
                                                                        Công ty tư vấn VFAM Việt Nam


Bộ Tư pháp đã hoàn thành Dự thảo Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/ NĐ- CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
Nghiên cứu Báo cáo tóm tắt về những vướng mắc phát sinh trong thực hiện giao dịch bảo đảm, Tờ trình Chính phủ của Bộ Tư pháp và toàn văn dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, (Sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định sửa đổi) xin được nêu một số góp ý sau đây:

  1. Hoàn toàn nhất trí với phân tích, đề xuất về việc cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ- CP của Bộ Tư pháp trên cơ sở phát hiện và báo cáo về những vướng mắc phát sinh trong thực tế về giao dịch bảo đảm.
  2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi là hợp lý, cần thiết nhằm đảm bảo sự minh bạch, chặt chẽ trong các quan hệ của giao dịch bảo đảm.
  3. Một số vấn đề đề nghị nghiên cứu thêm như sau:


3.1- Nội dung sửa đổi khoản 1 Điều 3 như sau:
“1. Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người thứ ba đối với bên nhận bảo đảm, bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp.”
Để dễ hiểu hơn, đề nghị sửa lại đoạn trên như sau:
“1. Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người thứ ba đối với bên nhận bảo đảm.
Bên bảo đảm gồm: bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp.”
3.2-            Nội dung sửa đổi khoản 9 Điều 3 như sau:
“9. Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch.”
Trong định nghĩa trên, cần làm rõ nội dung của cụm từ " Được phép giao dịch" nêu không sẽ phát sinh những cách hiểu khác nhau trong thực tế. Chẳng hạn, thế nào là cổ phiếu được phép giao  dịch? Cổ phiếu trên sàn OTC, sàn UPCOM có được coi là " được phép giao dịch không"?
3.3- Về nội dung bổ sung đoạn thứ hai của khoản 2 Điều 4:
3. Bổ sung đoạn thứ hai của khoản 2 Điều 4 như sau:
“Nhà ở hình thành trong tương lai cũng được dùng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nhà ở hình thành trong tương lai gồm:
a) Nhà ở của tổ chức, cá nhân mua của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản;
b) Nhà ở của cá nhân đang được xây dựng, tạo lập hợp pháp;
c) Nhà ở của tổ chức, cá nhân mua của tổ chức, cá nhân khác, mà hợp đồng mua bán nhà ở đã được công chứng theo quy định của pháp luật.”
Đề nghị:
- Bỏ từ " cũng" trong đoạn "Nhà ở hình thành trong tương lai cũng được dùng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự".
- Nghiên cứu, bổ sung thêm quy định xử lý giao dịch bảo đảm trong trường hợp: Thời hạn của giao dịch bảo đảm đã hết nhưng tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai vẫn chưa được hình thành". Chẳng hạn, một cá nhân thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai vay vốn ngân hàng để mua chính căn nhà đó trong thời hạn 05 năm và đã nhận 50% tiền vay chuyển cho DN kinh doanh bất động sản. Song, đã hết thời hạn 05 năm, DN kinh doanh bất động sản vẫn chưa có nhà để bàn giao.
3.4- Về Nội dung sửa đổi, bổ sung điều 16:
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 16 tại khoản 3 như sau:
3. Trong trường hợp bên nhận bảo đảm giữ Giấy chứng nhận đăng ký đối với tài sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản nội địa thì chủ sở hữu được dùng bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để lưu hành phương tiện trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.
Đề nghị sửa lại như sau:
3. Trong trường hợp bên nhận bảo đảm giữ Giấy chứng nhận đăng ký đối với tài sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản nội địa thì chủ sở hữu được dùng bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để lưu hành phương tiện.
Bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải ghi rõ thời hạn sử dụng trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.
Cần quy định cụ thể như trên là để tránh tình trạng bản sao có chứng thực chỉ có thời hạn ngắn( ba đến sáu tháng như một số trường hợp hiện nay), gây khó khăn cho chủ phương tiện trong sử dụng.
3.5- Về giá trị tài sản sử dụng để thực hiện giao dịch bảo đảm.
Nghị định 163 và dự thảo Nghị định sửa đổi không có quy định nào về việc xác định giá trị của tài sản được sử dụng để thực hiện các giao dịch bảo đảm. Thực tế hiện nay đã và đang xẩy ra trường hợp, bên nhận bảo đảm đồng thời là bên quyết định giá trị của tài sản bảo đảm dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", bên có tài sản bảo đảm luôn bị thiệt. Chẳng hạn, một căn nhà bao gồm cả diện tích đất có căn nhà đó có giá thị trường là 10 tỷ đồng nhưng khi đem thế chấp để vay vốn từ ngân hàng, bản thân ngân hàng cho vay lại có quyền định giá. Khi đó, căn nhà chỉ được đánh giá ở mức 7 đến 8 tỷ. Hạn mức vay chỉ bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, gây thiệt hại cho người có nhu cầu vay. Người vay không có quyền thỏa thuận vì nếu không chấp nhận thì không được vay. Thực tế này đã được các DN phản ánh khá nhiều.
Đề nghị có một hoặc một số điều khoản về vấn đề này theo hướng: Giá trị tài sản được sử dụng trong giao dịch bảo đảm ( thế chấp, cầm cố) phải là giá thị trường, giá do hai bên thỏa thuận hoặc giá do tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp xác định.
4.       Về hình thức văn bản
Xin kiến nghị: Ban hành một Nghị định mới thay cho Nghị định 163 bởi lẽ, hầu hết các điều, khoản của Nghị định 163 đã được bổ sung, sửa đổi. Nếu ban hành một Nghị định bổ sung, sửa đổi sẽ dẫn đến tình trạng chắp vá quá nhiều, gây khó khăn cho việc thực hiện.
                                         --------------------------------------------
 
 

Các văn bản liên quan