Góp ý của Luật sư Trương Thanh Đức

Thứ Tư 17:15 29-06-2011


Luật sư Trương Thanh Đức (Maritime Bank):
 
 GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 163/2006/NĐ-CP NGÀY 29-12-2006 VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
 
Theo đề nghị của Ban Pháp chế VCCI, tôi xin tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm như sau:
1.       Vềviệc sửa đổi khoản 8, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”:
Đề nghị xem xét giữ nguyên như Nghị định 163, không nên “trừ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh.” ra khỏi tài sản bảo đảm là “Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, vì nhiên liệu, vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh này cũng chính là hàng hoá của quá trình sản xuất, kinh doanh khác, và đây là đối tượng nhận cầm cố, thế chấp rất phổ biến của các Tổ chức tín dụng. Nếu bỏ đi, thì sẽ không bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động này trên thực tế.
2.       Vềviệc sửa đổi khoản 9, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”:
Đề nghị bổ sung Giấy tờ có giá bao gồm cả “tín phiếu”, vì theo quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Quy chế Phát hành giấy tờ có giá trong nước của tổ chức tín dụng, ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24-3-2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì tín phiếu đã được xác định rõ là một loại giấy tờ có giá.
3.       Vềviệc sửa đổi khoản 11, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”:
a)       Đề nghị xem lại nội dung của khoản này, vì thực chất đề cập đến giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm thì đúng hơn, vì đăng ký giao dịch bảo đảm thì mới là việc công khai hóa thông tin về giao dịch bảo đảm thông qua hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm, chứ bản thân giao dịch bảo đảm không phải là để công khai hóa thông tin về giao dịch nhằm phát sinh quyền được ưu tiên thanh toán.
b)      Đồng thời, đây là quy định “giải thích từ ngữ”, nhưng cụm từ được giải thích “Giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm đối với người thứ ba” đã không được sử dụng lần nào trong cả Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng như trong bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung.
4.       Về việc bổ sung đoạn thứ 2, khoản 2, Điều 4 về “Tài sản bảo đảm”:
a)       Về việc quy định nhà ở hình thành trong tương lai: Đề nghị bổ sung vào điểm c nội dung trường hợp nhà ở của tổ chức, cá nhân mua của tổ chức, cá nhân khác mà hợp đồng mua bán nhà ở đã được chứng thực theo quy định của pháp luật cũng thuộc trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai, vì theo quy định tại khoản 3, Điều 93 Luật nhà ở năm 2005, thì hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hay chứng thực là điều kiện để đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng.
b)      Đề nghị xem xét bổ sung Quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai cũng   được dùng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự vì thực tế các bên vẫn được phép nhận thế chấp là quyền sử dụng đất khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quy định cụ thể như vậy để tránh vướng mắc với quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một trong những điều kiện để thế chấp quyền sử dụng đất (điểm a, khoản 1, Điều 106 về “Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” của Luật Đất đai năm 2003, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
5.       Về việc bổ sung đoạn thứ 2, Điều 8 về “Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai”:
Việc bổ sung quy định “Trường hợp tài sản hình thành trong tương lai đang trong quá trình hình thành mà bị xử lý theo quy định, thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ kết quả xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng cho người mua, người nhận tài sản đó sau khi tài sản đã hình thành.” là rất cần thiết. Tuy nhiên đề nghị cần xem xét quy định rộng hơn, để tránh tình trạng vướng mắc trong trường hợp tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai vẫn có thể bị xử lý khi còn đang xây dở dang, không thể hoàn thành được, thì cũng cần được công nhận để xử lý tài sản bảo đảm này.
6.       Về việc sửa đổi khoản 2, Điều 10 về “Hiệu lực của giao dịch bảo đảm”:
Dự thảo quy định “việc mô tả chung về tài sản bảo đảm theo chủng loại, hình thức hoặc theo chủng loại và địa điểm lưu giữ, bảo quản tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm, trừ trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới có số khung”. Như vậy, có thể hiểu là đối với trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới có số khung thì việc mô tả chung sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ việc ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm ở đây là như thế nào: Giao dịch bảo đảm không có hiệu lực hay làm chấm dứt hiệu lực. Vì theo quy định tại Điều 12 về “Các trường hợp đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký”, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23-7-2010 của Chính phủ về Đăng ký giao dịch bảo đảm, thì trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới, nếu khi đăng ký giao dịch bảo đảm không ghi số khung thì khi tài sản hình thành phải đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm. Như vậy, đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm không có nghĩa là giao dịch bảo đảm trước đó không có giá trị hiệu lực.
7.       Về Sửa đổi, bổ sung tên điều và Điều 16 về “Giữ tài sản cầm cố và giấy tờ của tài sản cầm cố, thế chấp”:
a)       Đề nghị xem lại việc khôi phục quy định trước đây tại Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29-12-1999 của Chính phủ về Bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng về việc bên thế chấp được giữ bản chính “Giấy chứng nhận đăng ký đối với tài sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản nội địa” vì sẽ vi phạm các quy định sau đây:
-          Quy định tại khoản 2, Điều 58 về “Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông” của Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo” một trong các các giấy tờ là “Đăng ký xe”;
-          Quy định tại khoản 7, Điều 34 về “Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam” của Bộ luật Hàng hải năm 2005: “Người nhận thế chấp chỉ giữ bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển của tàu biển thế chấp.”;
-          Quy định tại khoản 1, Điều 32 về “Thế chấp tàu bay” của Luật Hàng không dân dụng Việt năm 2006: “Người thế chấp tàu bay giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay của tàu bay thế chấp.”
-          Quy định tại khoản 1, Điều 24 về “Điều kiện hoạt động của phương tiện” của Luật giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004: ‘Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm” một trong các điều kiện là “Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa”.
b)      Nếu như vẫn cho phép bên nhận thế chấp giữ “Giấy chứng nhận đăng ký đối với tài sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tàu thuyền” đối với một số trường hợp, thì đề nghị quy định rõ thủ tục và thẩm quyền xác nhận bản chính đang do bên nhận thế chấp giữ.
8.       Về việc sửa đổi Điều 47 về “Xử lý tài sản của bên bảo lãnh”:
Đề nghị bỏ đoạn “Việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh theo quy định tại Điều 369 Bộ luật Dân sự được thực hiện như sau:” vì không thuộc nội dung của điểm, khoản nào, dẫn đến kết cấu của điều không hợp lý.
9.       Về việc bổ sung Điều 47b về “Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo lãnh với nhau và giữa bên nhận bảo lãnh với bên nhận cầm cố, bên nhận thế thế chấp tài sản”:
Đề nghị xem lại quy định tại điểm b, khoản 2: “Trong trường hợp hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp không đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp và bên nhận bảo lãnh được xác định theo thứ tự thời gian xác lập giao dịch bảo đảm”. Không thể đơn giản ưu tiên thanh toán theo thứ tự thời gian xác lập giao dịch bào đảm, mà cần phải ưu tiên thanh toán theo hợp đồng cầm cố phải được xem xét trước tiên, rồi đến hợp đồng thế chấp, sau đó mới đến hợp đồng bảo lãnh, đặc biệt là trong trường hợp không bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Chỉ trong trường hợp cùng cầm cố, thế chấp hay bảo lãnh thì mới ưu tiên theo thứ tự xác lập giao dịch trong từng loại giao dịch đó.
10.  Về việc bổ sung Điều 71a về “Các trường hợp giao dịch bảo đảm có yếu tố nước ngoài”:
Đề nghị xem xét bổ sung trường hợp, tuy các bên tham gia giao dịch bảo đảm không phải “là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài” nhưng cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ở nước ngoài thì cũng cần coi là giao dịch bảo đảm có yếu tố nước ngoài.
11.  Về việc bổ sung Điều 71b về “Áp dụng pháp luật đối với trường hợp giao dịch bảo đảm có yếu tố nước ngoài”:
Theo quy định của Bộ luật Hàng hải năm 2005, thì nguyên tắc đăng ký tàu biển là đăng ký mang cờ quốc tịch và đăng ký quyền sở hữu tàu biển. Do đó, liên quan đến trường hợp tài sản bảo đảm là tàu biển: Đề nghị xem lại quy định giao dịch bảo đảm thực hiện theo pháp luật của nước nơi tàu biển đó mang “cờ quốc tịch”, thay vì thực hiện theo pháp luật của nước nơi tàu biển đó “đăng ký quốc tịch”.
12.  Về Điều khoản thi hành:
Đề nghị quy định rõ hơn nội dung tại điểm d, khoản 2, về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc “Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.” Chỉ để áp dụng đối với việc nhận thế chấp của các tổ chức tín dụng hay áp dụng chung cho mọi trường hợp. Nếu áp dụng chung cho mọi trường hợp thì không nên đưa Ngân hàng Nhà nước vào đây.
Vậy, kính đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu, xem xét.
                                                                                     Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2011
                                                                                          truongthanhduc@yahoo.com
                                                                                                       090.345.9070

Các văn bản liên quan