Góp ý của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)

Thứ Tư 16:59 29-06-2011

NGÂN HÀNG TMCP CÔNG TH ƯƠNG                                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VIỆT NAM                                                                                           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 4231/CV-NHCT35                                                                                                                                           

V/v tham gia ý kiến đối với dự thảo                                                                            Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2011

sửa đổi nghị định 163/2006/NĐ-CP                                                                                                                                   

 

                                                                                       

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 1324/PTM-PC ngày 14/06/2011 v/v góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam có một số ý kiến trao đổi và đề xuất các nội dung sửa đổi như sau:

1. Mục 1, Điều 1 - Sửa đổi Điều 3

- Khoản 1: Định nghĩa Bên bảo đảm được sửa đổi cần xem xét lại cho phù hợp hơn. Theo nội dung dự thảo, "Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình…". Như vậy chưa phù hợp với trường hợp bên bảo đảm là bên bảo lãnh, và tổ chức chính trị - xã hội.

- Khoản 8: Nội dung dự thảo nên xem xét lại, không nên loại trừ nội dung nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào khỏi hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì trong thực tế, quá trình chuyển đổi từ nguyên vật liệu trở thành hàng hóa diễn ra rất nhanh, và rất khó cho TCTD trong quá trình nhận TSBĐ.

- Khoản 9: Dự thảo cần bổ sung tín phiếu vào định nghĩa Giấy tờ có giá.

2. Mục 3, Điều 1- Bổ sung đoạn thứ 2 của Khoản 2 ĐIều 4

- Dự thảo nên bỏ 2 nội dung b và c vì 2 trường hợp nhà ở này nằm ngoài nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính Phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

Việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai sẽ gặp trở ngại do Luật Nhà ở và Luật Đất đai có một số quy định như giao dịch thế chấp phải có GCN quyền sở hữu đối với nhà ở, tài sản thế chấp phải có GCN quyền sở hữu và GCN quyền sử dụng đất; Bên thế chấp phải là "chủ sở hữu nhà ở:…vì vậy, những loại nhà ở của tổ chức, cá nhân mua của tổ chức, cá nhân khác, mà hợp đồng mua bán nhà ở đã được công chứng theo quy định của pháp luật thì không được phép nhận thế chấp vì chưa có GCN quyền sở hữu nhà ở.

3. Mục 4, Điều 1 - Bổ sung khoản 5 Điều 4

- Nội dung bổ sung này sẽ bảo đmả được quyền lợi cho bên nhận bảo đảm, tuy nhiên dự thảo cần mang tính bắt buộc hơn, yêu cầu bắt buộc Bên nhận bảo đảm phải gửi bản sao văn bản chứng nhận kết quả đăng ký GDBĐ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký phương tiện giao thông cơ giới, và quy định Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký lưu hành phương tiện giao thông cơ giới không được phép cấp lại, cấp đổi GCN đăng ký xe khi chưa có Văn bản chứng nhận kết quả xóa đăng ký giao dịch bảo đảm.

- Nội dung dự thảo cũng nên làm rõ phương tiện giao thông cơ giới trong trường hợp này là phương tiện đường bộ, đường thủy hay đường sắt?

- Dự thảo cần làm rõ "bản sao" ở đây có phải chứng thực hay không?

4. Mục 6, Điều 1- Bổ sung đoạn thứ 2 Điều 8

- Dự thảo nên làm rõ "trường hợp tài sản hình thành trong tương lai đang trong quá trình hình thành mà bị xử lý theo quy định" là xử lý theo quy định gì?

- Dự thảo cần có quy định rõ hơn về quyền của bên nhận bảo đảm nếu tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mà tài sản chưa hình hình và khi nghĩa vụ của bên bảo đảm phát sinh mà quyền sơ hữu chưa được xác lập.

5. Mục 8, Điều 1 - Sửa đổi khoản 1 Điều 11

- Dự thảo quy định rằng "Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký". Như vậy trường hợp bên bảo lãnh cầm cố/thế chấp tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ của bên được bảo lãnh thì có được coi là giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý với người thứ ba không? Đề nghị Tổ soạn thảo làm rõ hơn nội dung này.

6. Mục 15, Điều 1 - Bổ sung Điều 47b

- Nội dung dự thảo nên làm rõ trong trường hợp tài sản của bên bảo lãnh đang cầm cố, thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác không phải nghĩa vụ bảo lãnh, thì khi phải xử lý TSBĐ của bên bảo lãnh, khoản vay được bảo đảm bằng tài sản cầm cố thế chấp chưa đến hạn có được coi là đến hạn và tài sản cầm cố thế chấp được xử lý để thu hồi nợ.

- Dự thảo nên quy định rõ "Trường hợp hợp đòng cầm cố, hợp đồng thế chấp không đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật" được hiểu là trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm tự nguyện hay các trường hợp bắt buộc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật?

- Nội dung Điều 47b cũng quy định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo lãnh và bên nhận cầm cố/thế chấp được xác định theo thứ tự thời gian xác lập giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, trong thực tế phát sinh một số trường hợp như giao dịch bảo lãnh được xác lập trước nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký giao dịch bảo đảm, giao dịch cầm cố/thế chấp xác lập giao dịch sau. Nhưng khi phải xử lý, Bên nhận cầm cố/thế chấp lập tức thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm thì vẫn được ưu tiên thanh toán trước. Vì vậy, Nghị định nên quy định nếu tài sản đã được cầm cố/thế chấp rồi thì không được dùng xử lý để thu hồi nợ cho khoản bảo lãnh.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam về nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 163/2006/NĐ-CP, kính chuyển Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam xem xét lại.


Nơi nhận:

- Như đề gửi;

- Lưu VP, P.CĐTD

KT.TỔNG GIÁM ĐỐC

PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC

Nguyễn Viết Mạnh


 

Các văn bản liên quan