VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 57/2015/TT-BCA về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác nhận thiên tai, dịch bệnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Kính gửi: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 110/KTHT-CN của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác nhận thiên tai, dịch bệnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 4 Dự thảo thì xác nhận bệnh động vật, dịch hại thực vật khi chưa đủ điều kiện công bố dịch, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại phải thông báo tới cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp bảo hiểm.
Việc Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại thông báo cho “doanh nghiệp bảo hiểm” là không cần thiết, bởi vì:
- Mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp bảo hiểm là quan hệ dân sự, được xác lập trên cơ sở hợp đồng. Khi có sự kiện bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm (tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp) sẽ thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy trình quy định tại hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, Dự thảo không cần thiết phải quy định về vấn đề thông báo tới doanh nghiệp bảo hiểm;
- Điều 4 Dự thảo hướng dẫn về việc xác nhận dịch bệnh động vật, dịch hại thực vật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi chưa đủ điều kiện công bố dịch. Văn bản xác nhận này sẽ là căn cứ xác định sự kiện bảo hiểm đã xảy ra và là cơ sở để tổ chức, cá nhân yêu cầu quyền lợi bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy, quy định tại Điều 4 có tính chất hành chính, vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm không có nhiều trong quy trình này, do đó không cần thiết phải quy định về vấn đề thông báo tới doanh nghiệp bảo hiểm
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 4 Dự thảo; góp ý tương tự đề nghị bỏ quy định này tại điểm b khoản 1 Điều 3 Dự thảo.
- Về nội dung của hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 4 Điều 4 Dự thảo thì các văn bản xác nhận thiên tai, dịch bệnh động vật, dịch hại thực vật là căn cứ xác định sự kiện bảo hiểm đã xảy ra quy định tại Điều 3, Điều 4 “phải được thỏa thuận chi tiết, cụ thể trong hợp đồng thuộc sản phẩm bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP”.
Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Điều 6 Nghị định 58/2018/NĐ-CP không quy định cụ thể nội dung của hợp đồng bảo hiểm về “xác định sự kiện bảo hiểm” (trong đó có nội dung về việc các văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể như quy định tại Dự thảo là căn cứ để xác định sự kiện bảo hiểm). Quy định này dường như chưa thực sự phù hợp với Nghị định 58/2018/NĐ-CP;
- Dự thảo không quy định nếu trong hợp đồng bảo hiểm không thỏa thuận chi tiết theo quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 4 Điều 4 Dự thảo thì dẫn tới hậu quả gì?
- Dự thảo không có quy định giải quyết cho trường hợp những hợp đồng bảo hiểm ký trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực mà không có các thỏa thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 4 Điều 4 Dự thảo thì giải quyết như thế nào?
Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất của quy định, đề nghị Ban soạn thảo giải trình những vấn đề trên.
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác nhận thiên tai, dịch bệnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.