Góp ý của Ths.Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam

Thứ Hai 09:18 14-03-2011

GÓP Ý SỬA ĐỔI BỔ SUNG

Văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật thuế GTGT và TNDN

----------------------

Ths.Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Trưởng Văn phòng Đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp Bộ Tư pháp tại TPHCM

 

Hai năm một chặng đường nhìn lại sự tác động của Nghị định 123/2008/NĐ-CP và 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành cuối năm 2008 có hiệu lực ngày 01/01/2009 để thực hiện Luật thuế GTGT và TNDN, hai văn bản này cùng với hai Thông tư 129/2008/TT-BTC và 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính đã góp phần không nhỏ đưa Luật thuế GTGT và TNDN vào thực tiễn đời sống pháp luật tài chính của doanh nghiệp. Song song với mặt được các văn bản này cũng đã bộc lộ không ít một số vấn đề cần xem xét sửa đổi bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn hoạt động hạch toán tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp.

Trong quá trình nghiên cứu những tồn tại vướng mắc, chúng tôi có tiếp cận bản tổng hợp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 124/2008/NĐ-CP và Nghị định 123/2008/NĐ-CP của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam gửi cho Bộ Tài chính ngày 31/12/2010 về cơ bản chúng tôi hoàn toàn đồng tình với 11 nội dung trong đó có 05 nội dung về thuế GTGT và và 06 nội dung về thuế TNDN như sau:

(1) Về tỷ lệ khấu trừ thuế GTGT đầu vào : đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về tổng doanh số hàng hóa dịch vụ bán ra để tính tỷ lệ thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, và không tính doanh thu từ hoạt động tài chính, sử dụng vốn như tự doanh chứng khoán, lãi tiền gửi ngân hàng, repo chứng khoán của các công ty chứng khoán vào tổng doanh số bán hàng hóa dịch vụ khi thực hiện tính tỷ lệ thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

(2) Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra: không đưa các hoạt động kinh doanh chứng khoán vào danh mục đối tượng điều chỉnh và chịu thuế giá trị gia tăng 10% căn cứ trên nội dung bản chất của nghiệp vụ và đề nghị có hướng dẫn cụ thể các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán cụ thể là những hoạt động gì?

(3) Không thu thuế giá trị gia tăng đối với bảo hiểm phi nhân thọ;

(4)Thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp chế xuất (khu phi thuế quan): Đề nghị q uy định rõ việc không áp dụng thuế suất 0% đối với một số sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp nội địa cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất.

 

(5)Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng : xem xét cho hoàn thuế GTGT khi số thuế đầu vào, đầu ra đã được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước mà không chờ doanh thu của hóa đơn đầu ra thu được tiền đầy đủ.

(6) Đề nghị quy định rõ một số khoản chi phí được trừ hay không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế ( Phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng đối với xe ô tô chở người từ 9 người trở xuống ; Chi phí về tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại; tiền ăn giữa ca và một số nội dung khác )

(7) Thu nhập từ thanh lý tài sản cố định, bán phế liệu và lãi tiền gửi: Đề xuất các khoản thu nhập do thanh lý tài sản cố định, bán phế liệu, lãi tiền gửi được hưởng các ưu đãi thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

 (8) Thu nhập từ hoàn nhập dự phòng: cho phép doanh nghiệp áp dụng thuế suất ưu đãi đối với các khoản thu từ hoàn nhập dự phòng tại năm tài chính nếu còn được hưởng thuế suất ưu đãi.

(9) Về tỷ giá: bù trừ với khoản lỗ lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính và thống nhất chung tỷ giá áp dụng của Liên ngân hàng hay ngân hàng thương mại

(10) Về chuyển số dư: cho phép để lại số dư quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm từ các năm trướcđược chuyển số dư quỹ tiền lương của các năm trước

(11) Về việc tính thu nhập chịu thuế: không trừ chênh lệch tỷ giá để tính thu nhập chịu thuế của việc đánh giá lại dư nợ ngoại tệ vay dài hạn mà đơn vị đã hạch toán vào chi phí

Song song đó còn một số nội dung khác chúng tôi xin góp ý như sau:

1)-Cần thay đổi một số định lượng chi phí được khấu trừ do sự mất giá của đồng tiền:

            Về tiền ăn giữa ca: Theo quy định tại Thông tư 22/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong các công ty nhà nước là không quá 450.000 đồng/tháng và được áp dụng tương tự chung cho các doanh nghiệp thuộc các nhóm sở hữu vốn khác nhau đã đến lúc cần điều chỉnh nhưng điều chỉnh bằng phương thức nào mới là vấn đề các doanh nghiệp và người lao động đang quan tâm, vì tốc độ điều chỉnh bằng con số sẽ không theo kịp sự mất giá của đồng tiền hiện nay.

Thời điểm

Xăng A.92

/ lít/đồng

Vàng/Lượng/đồng

USD/đồng

Mức lương tối thiều/đồng

01/01/2009

12.000

17.800.000

16.975

800.000

09/03/2011

19.300

37.500.000

20.890

1.350.000

Tỷ lệ tăng

161%

211%

123%

169%

Theo chúng tôi nên áp dụng bằng phương thức lấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi để tính toán hoặc định từ đơn giá mức lương tối thiểu do nhà nước ban hành nhằm tạo ra một công thức tính áp dụng lâu dài phù hợp với sự biến động kinh tế hiện nay.

            Song song đó, cần cân nhắc sửa đổi quy định các buổi ăn giữa ca bằng hiện vật thực tế vẫn được chấp nhận và có khống chế bằng một mức cụ thể tỷ lệ % với công thức tính theo một trong hai cách nêu trên.     

Về chi phí trang phục: Theo quy định tại Thông tư 130/2008/TT-BTC thì

phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn; phần chi trang phục bằnghiện vật cho người lao động vượt quá 1.500.000 đồng/người/năm; phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 1.000.000 đồng/người/năm. Định lượng này cũng cần phải thay đổi, ngoài việc thay đổi theo cách tính như đề nghị nêu trên, theo chúng tôi cần xem xét thêm một yếu tố khác đó là quy định biên độ mức sàn và mức trần, doanh nghiệp muốn chi trang phục ở mức cao nhất thì phải thuộc loại doanh nghiệp có lợi nhuận trong năm tài chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, lợi nhuận cao được phép trang phục đẹp, lịch sự cho người lao động làm việc

 

2)-Cần quy định một cách cụ thể rõ ràng một số khoản chi còn bỏ ngõ:

Các khoản chi phí đi công tác trong nước và nước ngoài như: ăn ở, đi lại, phụ cấp tiêu vặt; các khoản chi trả bổ sung cho người lao động như tiền nhà, tiền học cho con, tiền nghỉ phép, tiền trợ cấp khác được quy định trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể cần quy định các định mức chi tiết được chi và các nội dung chi trên cần được quy định cho phép hạch toán chi phí hợp lý trước thuế.

 

3)-Các khoản chi hợp lệ khác cần công nhận được hạch toán chi phí:

            Chi phí hoa hồng cho hoạt động môi giới hợp đồng: hiện nay khoản chi phí này được hạch toán chung trong khoản 15% trên tổng số chi được trừ đối với doanh nghiệp mới thành lập và 10% trên tổng số chi được trừ đối với doanh nghiệp thành lập sau 03 năm. Đây là điều bất hợp lý vì hiện nay các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, mua bán hàng hóa đang cạnh tranh nhau bằng chính nguồn chi phí này để có thể giữ được các mối hợp đồng và phát triển các hợp đồng mới. Theo chúng tôi cần tách riêng khoản chi phí này ra và có ấn định một tỷ lệ nhất định trên tổng doanh thu hàng năm để các doanh nghiệp thực hiện. Dĩ nhiên, thủ tục chi hoa hồng và việp trích nộp thuế TNCN của những người nhận hoa hồng được hạch toán đầy đủ.

Chi phí về tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại : Trong quy định về các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, không có quy định các khoản bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế nên được hiểu là chi phí được phép hạch toán nhưng chứng từ để được hạch toán bao gồm những loại giấy tờ gì thì chưa được quy định, các bên có thể tự bồi thường do hành vi vi phạm hợp đồng thương mại hay phải có phán quyết của Trọng tài hoặc Bản án của cơ quan Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc phải có quyết định thi hành án dân sự. Do đó, theo chúng tôi cần quy định rõ ràng để các doanh nghiệp dễ áp dụng hạch toán chi phí.

 

4)-Cần xem lại các quy định cứng nhắc về tài trợ cho giáo dục, tài trợ cho hoạt động từ thiện xã hội

            Đối với tài trợ cho giáo dục: Tài trợ cho giáo dục gồm: tài trợ cho các trường học công lập, dân lập và tư thục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của pháp luật về giáo dục; tài trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và hoạt động của trường học; Tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của trường; Tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở sở giáo dục đại học được quy định tại Luật Giáo dục trực tiếp cho học sinh, sinh viên hoặc thông qua cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật; Tài trợ cho các cuộc thi về các môn học được giảng dạy trong trường học mà đối tượng tham gia dự thi là người học; tài trợ để thành lập các Quỹ khuyến học giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục đào tạo thế thì việc các doanh nghiệp muốn tài trợ cho các lớp học tình thương không thuộc trường học công lập, dân lập và tư thục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì sẽ không được hạch toán chi phí.

Đối với tài trợ xây nhà cho các đối tượng xã hội: Đối tượng nhận tài trợ phải là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hình thức tài trợ: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo bằng cách trực tiếp hoặc thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật. Do đó, Doanh nghiệp muốn làm từ thiện xây dựng nhà cho một đối tượng nào? Cho dù họ có khổ đến đâu đi nữa mà họ không có giấy tờ chứng nhận là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì không được hạch toán chi phí.

            Về khái niệm “nhà tình nghĩa” trong văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật cũng cần xem lại, vì khái niệm nhà tình nghĩa theo chúng tôi được hiểu là các căn nhà đó được xây dựng nên và được tặng cho các gia đình chính sách, có công với nước mà số đối tượng này thì đã có nhà nước và là trách nhiệm của nhà nước lo rồi, theo chúng tôi cần sửa đổi khái niệm là các “nhà tình thương” thì phù hợp hơn cho các người nghèo trong cộng đồng, nếu khái niệm này không sửa đổi thì rất khó cho các doanh nghiệp vì luật chỉ quy định hạch toán chi phí đối với việc xây nhà tình nghĩa thôi, còn các loại nhà khác thì không.

 

5)-Cần loại ra khỏi chi phí các khoản tiền lương và tiền thưởng cao đối với các doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất là các doanh nghiệp nhà nước:

            Đây là vấn đề lớn trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước, Ở một Tổng công ty nhà nước, tiền lương hàng tháng cán bộ nhân viên mấy chục triệu, tiền thưởng cuối năm trên dưới một trăm triệu mỗi người nhưng báo cáo tài chính cuối năm của doanh nghiệp đó lại lỗ hàng trăm tỷ đồng? có phải đây là một nghịch lý không? Theo chúng tôi cần phải điều chỉnh xử lý những thu nhập bất hợp lý và xử lý những số liệu quyết toán bất hợp lý này ngay trong các văn bản hướng dẫn thuế.

 

6)-Cần xem lại văn bản pháp luật quyết toán thuế hàng năm của Bộ Tài chính

            Hàng năm Bộ Tài chính đều ban hành một công văn hướng dẫn quyết toán thuế cho các doanh nghiệp và văn bản này được áp dụng trong thực tiễn hướng dẫn quyết toán các loại thuế trong năm cho các doanh nghiệp nhưng hình thức văn bản được thực hiện bằng một công văn thì theo chúng tôi là chưa chính xác, vì vi phạm cam kết của Việt Nam khi tham gia tổ chức thương mại thế giới là điều hành hoạt động nhà nước với hình thức là công văn và nên điều chỉnh lại bằng một Quyết định của Bộ Tài chính về nội dung quyết toán thuế trong năm là phù hợp với chức năng, quyền hạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Nguồn: “Hội thảo về những vướng mắc về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị định 123/2008/NĐ-CP và Nghị định 124/2008/NĐ-CP” ngày 11/3/2011 tại Tp.HCM do Bộ Tài Chính và VCCI phối hợp tổ chức.

Các văn bản liên quan