Góp ý của ông Nguyễn Đức Nghĩa – Tổng Giám Đốc CTCP Tư vấn Thương Mại Độc Lập

Thứ Hai 09:11 14-03-2011

Người tham luận: Nguyễn Đức Nghĩa – Cao học Luật Kinh Tế

Tổng Giám Đốc CTCP Tư vấn Thương Mại Độc Lập

Trưởng Đại lý Thuế Độc Lập

Địa chỉ: G.06- số 12 Mạc Đĩnh Chi- Q.1- HCMC

ĐT: (08) 38272845/ 38272846- DĐ: 0913782722

E-mail: taxvietnam9@gmail.com; Website: taxvietnam.com



Vấn đề 1: Thuế TNDN- Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Căn cứ:

Luật thuế TNDN của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3, số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008

Nghị định số: 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thông tư của Bộ Tài chính số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Qui định:

1. Ngoại trừ các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1.1. Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

1.2. Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các điều kiện trên nghe có vẻ rất hay về mặt chữ nghĩa, logic trong lập luận và chặt chẽ về mặt pháp luật nhưng trên thực tế áp dụng là cả một vấn đề khó khăn.

Thứ nhất, việc xác định khoản chi đó có thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hay không là tùy thuộc vào sự đánh giá của kế tóan. Trong khi chúng ta chưa xây dựng một bộ tiêu chuẩn định mức hòan chỉnh về chi phí cho các ngành kinh tế, các khu vực kinh tế, các vùng địa lý thì việc phân chia một chi phí có nằm trong chi phí hợp pháp hay không lại tùy thuộc vào sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp và các cán bộ quản lý của nhà nước. Điều này, vô hình chung trở thành nguyên nhân gây nên sự nhũng nhiễu, thông đồng, tham nhũng.

Thứ hai, để có đủ hóa đơn chứng từ đáp ứng yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để sưu tầm hóa đơn. Có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp khuyến khích nhân viên mua hàng cho gia đình lấy hóa đơn cho công ty, đi liên hoan xin hóa đơn về hợp pháp hóa khỏan chi không có chứng từ, mua hóa đơn trả thêm 10% của doanh nghiệp khác... Đây là một sự xuống cấp về đạo đức kinh doanh mà luật pháp có một phần trách nhiệm. Trong khi đó, người nhận hỗ trợ cũng phải khấu trừ 10% thuế VAT để mua hóa đơn- báo TN ngày 8/3.

Một thực tế nữa là, rất nhiều doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi cung cấp hàng hóa dịch vụ. Ví dụ, các nhà hàng thường hỏi khách có lấy hóa đơn hay không? Nếu lấy hóa đơn thì phải trả thêm 10% thuế. Như vậy cho thấy các doanh nghiệp này thường xuyên che dấu doanh thu và trốn thuế.

Điều quan trọng là các cơ quan chức năng nhà nước có biết việc này không? Họ biết và quá rành những thủ thuật gian dối này, nhưng một số nhân viên quản lý đã cố tình làm ngơ để trao đổi những lợi ích nhất định.

Giải pháp:

Cần qui định thêm điều kiện để khoản chi được xem là hợp lệ nếu được thanh tóan qua ngân hàng với giá trị trên 20 triệu đồng như qui định về khấu trừ thhuế GTGT.

Việc thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp cơ quan thuế dễ dàng tiếp cận chi phí thực của doanh nghiệp. Đồng thời là công cụ tốt để phòng chống tham nhũng trong điều kiện hiện nay.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.1 Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Thực tế, có rất nhiều xe phục vụ cá nhân lãnh đạo và người nhà lãnh đạo, có trường hợp chỉ chuyên phục vụ vợ con lãnh đạo đi chợ, đi học. Kế toán có dám cho là xe đó không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị ?

2.2 Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Đối với các công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty liên doanh nước ngoài, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên họ vẫn phải họp hành, nghiên cứu tài liệu, vẫn phải chịu những nghĩa vụ nhất định đối với vị trí của họ, do đó, họ phải được hưởng những khoản phụ cấp cho công việc đó. Việc loại bỏ các khoản chi phí này dường như chưa thuyết phục và có ý nghĩa ngăn ngừa gian lận một cách quá mức cần thiết.

2.3 Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hoá đơn; phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động vượt quá 1.500.000 đồng/người/năm; phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 1.000.000 đồng/người/năm; Chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; Trích, lập và sử dụng quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm và chi trợ cấp thôi việc cho người lao động không theo đúng chế độ hiện hành.

Trong điều kiện lạm phát tăng cao, giá cả biến đổi không ngừng như hiện nay thì việc qui định mức chi tiêu cố định như trong luật là thiếu khả thi. Nên chăng qui định chung một mức chi trang phục bằng 2 lần mức lương tối thiểu, không phân biệt bằng tiền hay hiện vật, để luật phù hợp thực tế, không cần phải điều chỉnh sau này.

Một vấn đề nữa là khi nguyên tắc của Bộ luật dân sự là ưu tiên những qui định có lợi cho người lao động thì việc hạn chế doanh nghiệp cung cấp thêm những lợi ích cho nhân viên theo luật thuế lại mang ý nghĩa ngược lại. Điều này cản trở các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính dồi dào mạnh dạn chia sẻ lợi ích với người lao động.

2.4 Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

Vừa qua, khi mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố chỉ là 12% thì các doanh nghiệp phải vay ngân hàng thương mại trên mức 18%, thậm chí còn không thể vay được tiền tại thời điểm cuối năm.

Ngòai lãi vay, doanh nghiệp phải chi thêm hàng lọat phí bổ sung, như: phí kiểm đếm, phí hòan chỉnh hồ sơ, phí tư vấn vay... mà thực tế mọi người đều hiểu rằng đó là sự biến tướng về mặt chữ nghĩa của lãi vay. Như vậy, pháp luật không phù hợp thực tế đã góp phần pháp sinh việc gian dối có hệ thống.

Hiện nay, ngòai ngân hàng còn có rất nhiều tổ chức tài chính, các quĩ đâu tư cũng cho vay. Ngòai cho vay nội tệ còn cho vay ngọai tệ và với giá cả đồng thuận với thị trường quốc tế. Qui định 150% mức lãi suất cơ bản có còn phù hợp không nếu mức lãi suất cơ bản có lúc không phù hợp như thời gian qua?

Như vậy cho thấy, thực tế tình trạng thị trường tiền tệ như vừa qua cho thấy qui định này là khó khả thi.

2.5 Chi tài trợ cho giáo dục, tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai, tài trợ làm nhà tình nghĩa cho người nghèo không đúng đối tượng quy định của luật thuế TNDN hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại văn bản luật.

a) Đối tượng nhận tài trợ là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hình thức tài trợ: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo bằng cách trực tiếp hoặc thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.

b) Hồ sơ xác định khoản tài trợ làm nhà tình nghĩa cho người nghèo gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, người được hưởng tài trợ (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là bên nhận tài trợ (theo mẫu số 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này); văn bản xác nhận hộ nghèo của chính quyền địa phương; kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).

Vịệc qui định tiêu chuẩn quá chặt chẽ như trên dường như khó khuyến khích các doanh nghiệp hưởng ứng việc tài trợ, ủng hộ. Bởi vì, bản thân việc tài trợ là hành vi hòan tòan tự nguyện, vô tư. Các doanh nghiệp tài trợ thường là chỉ quan tâm nhiều đến việc tài trợ cho ai? Bao nhiêu tiền? Mà ít quan tâm đến hồ sơ. Mặt khác, đối tượng nhận tài trợ thường ở vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ về quản lý hành chính còn thấp, việc yêu cầu về một bộ hồ sơ nhận tài trợ như luật yêu cầu trở nên khó khăn, ngọai trừ các địa phương có truyền thống thường xuyên nhận tài trợ, ủng hộ vì họ quá quen với việc này.

Thực tế, có không ít doanh nghiệp mượn danh nghĩa tài trợ phục vụ mục đích quảng cáo thương hiệu và các mục địch khác. Tuy nhiên, số lượng đó không nhiều, không phản ánh hết truyền thống “ lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Do đó, pháp luật không nên vì thiểu số đó mà tạo qui định cản trở doanh nghệip thực hiện hành vi tốt đẹp của họ là chia sẻ với mọi ngừơi.

Vấn đề 2: Qui định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Căn cứ:

Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Thông tư số : 153/2010/TT-BTC ngày 28 tháng 9 năm 2010 Hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

2.1 Về việc tạo hóa đơn tự in

Nội dung bắt buộc trên hóa đơn: a) Tên loại hoá đơn; b) Ký hiệu mẫu số hóa đơn và ký hiệu hoá đơn; c) Tên liên hóa đơn; d) Số thứ tự hoá đơn; đ) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; e) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; g) Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ; h) Người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hoá đơn; i) Tên tổ chức nhận in hoá đơn

Đồng ý rằng hóa đơn theo các chỉ tiêu bắt buộc phải có, nhưng điều đó không có nghĩa là phải hòan tòan theo mẫu của Bộ Tài chính. Vừa qua, một số doanh nghiệp gửi hóa đơn mẫu lên xin ý kiến Cục thuế thì không được chấp nhận đổi một số vị trí hóa đơn mẫu. Điều này dường như không phù hợp, vì mỗi doanh nghiệp có đặc thù về hàng hóa, sản phẩm, cách quản lý, phần mềm riêng, do đó, họ có nhu cầu thiết kế hóa đơn cũng khác nhau cần phải được tôn trọng. Điều đó cũng thể hiện quan điểm tự do kinh doanh của pháp luật.

Nội dung không bắt buộc trên hóa đơn đã lập: “ Cỡ chữ của các thông tin tạo thêm phải nhỏ hơn cỡ chữ nhỏ nhất của các nội dung bắt buộc”. Tại sao không phải là “ không lớn hơn” , điều này sẽ làm cho hình thức hóa đơn được đồng đều và đẹp hơn?

2.2 Về việc bán hóa đơn:

Cơ quan thuế bán hoá đơn cho tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh; hộ, cá nhân kinh doanh; doanh nghiệp siêu nhỏ; doanh nghiệp ở tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn không thuộc đối tượng tạo hoá đơn tự in.

Doanh nghiệp siêu nhỏ theo hướng dẫn tại khoản này là cơ sở kinh doanh có từ mười (10) lao động trở xuống theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Qui định này dường như khá khắt khe trong điều kiện các doanh nghiệp chưa chuẩn bị đầy đủ. Điều đó thể hiện rõ ở sự quá tải cuả các doanh nghiệp in hóa đơn, họ không tiếp tục nhận đăng ký in, giao hàng sau tháng 5/2011.

Trước đây, việc tạo hóa đơn khó, cần phải xin ý kiến Bộ tài chính mà chỉ áp dụng với doanh nghiệp siêu lớn hoặc với DNCVĐTNN nay lại áp dụng đại trà, bắt buộc tất cả phải tự tạo hóa đơn. Thể hiện việc làm thiếu lộ trình, “lúc thì quá tả, lúc thì quá hữu”, tạo xáo động môi trường kinh doanh, tạo cơ hội làm giá không đáng có cho các doanh nghiệp in hóa đơn.

Thời hạn sử dụng hóa đơn từ 31/12/2010 chuyển sang 31/3/2011 cũng là một sự bất cập. Lẽ ra, nên xây dựng lộ trình. Ví dụ: doanh nghiệp xuất khâu, doanh nghiệp có doanh thu cao, vốn điều lệ lớn làm trước, sau đó tổng hợp, rút kinh nghiệm và áp dụng cho các doanh nghiệp còn lại. Điều đó sẽ giảm khá lớn chi phí xã hội ( cục thuế, doanh nhiệp dư hóa đơn, giá in hóa đon cao) không cần thiết.

Vấn đề 3: Vấn đề đồng bộ giữa các luật:

- Với luật lao động- nguyên tắc có lợi cho người lao động: đã phân tích trên

- Với luật thuế TNCN:

Thuế TNDN có giảm trừ chi phí, trong khi việc giảm trừ chi phí của thuế TNCN khá khó khăn nên có xu hướng chuyển chi phí từ thuế TNCN sang thuế TNDN bằng cách công ty chịu chi phí.

Ví dụ: mua xe, máy tính, tủ lạnh... mang tên công ty

Điều đó tạo nên hệ quả: người giàu ngày càng giàu hơn vì chi phí được khấu trừ thuế trong khi người nghèo thì phải chịu toàn bộ chi phí vì không có công ty để gánh chịu.

Do đó, các luật cần đồng bộ, góp phần cho xã hội bình đẳng và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

- Riêng với qui định về thuế TNCN trong lĩnh vực chứng khoán: Công văn số 12501/BTC-CST ngày 20 tháng 09 năm 2010 hướng dẫn: “Đối với cá nhân cư trú, thu nhập từ chuyển nhượng vốn áp dụng thuế suất là 20% trên thu nhập tính thuế của mỗi lần chuyển nhượng (bằng giá bán trừ giá mua và các chi phí liên quan); Đối với cá nhân không cư trú: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán áp dụng thuế suất thuế TNCN 0,1% trên tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn, chuyển nhượng chứng khoán tại tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Điều này dường như là không công bằng giữa hai đối tượng này. Cá nhân tôi nghĩ rằng nên áp dụng chung một cách tính thuế 0,1% trên tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại công ty cổ phần.

Kết luận: Tổng kết một số kiến nghị, giải pháp

- Không nên khống chế số tuyệt đối trong văn bản pháp luật vì ảnh hưởng của lạm phát. Nên điều chỉnh theo mức lương tối thiểu.

- Cần có sự thống nhất, công bằng giữa các luật để hạn chế việc trốn tránh thuế, gây thất thoá́t thuế nhà nước.

- Kiểm tra việc thi hành pháp lệnh về giá của các doanh nghiệp in hóa đơn.

- Triệt để thực hiện qui định về thanh toán qua ngân hàng với các khoản chi lớn hơn 20 triệu đồng.

- Luật hóa các văn bản qui định về đại lý thuế theo luật quản lý thuế. Qui địng rõ quyền hạn, trách nhiệm và mối liên hệ giữa các đại lý thuế với cơ quan thuế địa phương, với tổng cục thuế. Tạo điều kiện để đại chúng hóa công tác kê khai, quyết tóan thuế và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Các văn bản liên quan