TS. Nguyễn Thị Lan Hương – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Một số ý kiến về sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Thuế TNDN và Luật Thuế GTGT

Thứ Năm 10:36 10-03-2011

Các qui định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) tỏ ra nghiêm khắc trong qui định nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp. Trên thực tế xảy ra không ít các hiện tượng doanh nghiệp tránh thuế, trốn thuế. Hiện trạng này phát sinh do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật thuế làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Tựu chung lại, đối với doanh nghiệp, nộp thuế còn bị coi là gánh nặng và đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ[1]. Vậy làm thế nào để cân đối lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, tạo ra niềm tin về sự bảo đảm công bằng và bình đẳng của pháp luật để tác động vào ý thức tuân thủ các pháp luật thuế của các doanh nghiệp?

1. ĐIỀU CHỈNH CHO PHÉP DOANH NGHIỆP LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN NỘP THUẾ GTGT

Việc qui định của pháp luật tạo lợi ích cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng khuyến khích doanh nghiệp triệt để tuân thủ các luật thuế, chấp hành chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo pháp luật. 

Có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật bản: Nhật bản tiến hành cải cách phương pháp kê khai nộp thuế tiêu dùng (thuế GTGT) cho doanh nghiệp trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục và tạo lợi ích cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ở Nhật bản chỉ có nghĩa vụ nộp thuế tiêu dùng khi doanh thu trên 10 triệu Yên. Đối với doanh thu trên  10 triệu đến 50 triệu Yên, thì doanh nghiệp được lựa chọn hai cách thức nộp thuế.  Một là phương pháp tính thuế khấu trừ và hai là phương pháp tính thuế giản lược. Phương pháp tính thuế giản lược là phương pháp trong đó tính doanh thu đầu vào bằng một tỉ lệ nhất định đối với doanh thu đầu ra, trên cơ sở đó xác định khoản thuế tiêu dùng mà doanh nghiệp phải nộp ở khâu cuối cùng. Các doanh nghiệp có doanh thu từ 10 triệu đến 50 triệu Yên có thể lựa chọn phương thức này nhưng phải kê khai trong 2 năm liên tiếp. Thực chất, phương pháp này được công nhận là để giảm thiểu tính phức tạp của việc tính thuế đầu vào.  Ngoài ra, thông qua lựa chọn phương pháp xác định nghĩa vụ nộp thuế, doanh nghiệp có thể đạt được lợi ích vật chất nhất định bằng việc lựa chọn phương pháp nộp thuế có lợi hơn.

Nếu so sánh phương pháp tính thuế giản lược ở Nhật bản so với phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT theo Điều 11 của Luật thuế GTGT thì thấy có những điểm tương đồng nhất định, tuy nhiên, pháp luật thuế GTGT ở Việt nam mới áp dụng phương pháp đánh thuế trực tiếp trên GTGT đối với các đối tượng chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo qui định của pháp luật là các cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh cũng như đối với doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú và doanh nghiệp không có cơ sở thường trú ở Việt nam (NĐ 123/2008/NĐ-CP Điều 2 khoản c và d).  Để đảm bảo công bằng trong việc áp dụng phương pháp đánh thuế, nên qui định thêm đối tượng được áp dụng phương thức này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung. Việc lựa chọn phương pháp này có thể tạo lợi ích cho doanh nghiệp từ việc kê khai nộp thuế giảm bớt chi phí cho quản lý thuế đầu vào trong khi vẫn phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo qui định của Pháp luật. Việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ là nghĩa vụ bắt buộc của các tổ chức kinh doanh, đây không chỉ là cơ sở để kiểm tra, thanh tra về thuế mà còn là công cụ bảo đảm minh bạch hóa hoạt động tài chính của doanh nghiệp để xác định và phân chia lợi nhuận cho người góp vốn hoặc cổ đông.

Cần quan niệm rằng tất cả mọi doanh nghiệp tham gia kinh doanh phải có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, pháp luật thuế cũng cần hướng đến khuyến khích doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh chế độ này thông qua tạo lợi ích cho doanh nghiệp cũng như bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua việc các doanh nghiệp tuân thủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ có thể hạn chế tình trạng lạm dụng chức vụ quyền hạn của người có liên quan trong xác định nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp.

2. SỬA ĐỔI CÁC QUI ĐỊNH VỀ ƯU ĐÃI CHO DOANH NGHIỆP TRONG NỘP THUẾ GTGT VÀ THUẾ TNDN

Trong Nghị định 124/2008/NĐ-CP, Chính phủ đã qui định thời hạn miễn thuế 1 năm đối với trường hợp thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới được miễn thuế 1 năm (Điều 4). Thời hạn miễn qui định ở điều khoản này do Chính phủ qui định không có sự ủy quyền của Luật. Cần xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật thuế và Nghị định trong trường hợp qui định về thời hạn miễn thuế. Khi Luật thuế TNDN sửa đổi thì thời hạn miễn này cũng cần qui định dài hơn khoảng 2-3 năm để khuyến khích đối doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm mới và khuyến khích tiêu dùng bằng việc doanh nghiệp đưa ra mức giá bán hợp lý.

Nghị định 124/2008/NĐ-CP qui định chi tiết về thuế TNDN đã cụ thể hóa về ưu đãi thuế, tuy nhiên Nghị định mới tập trung ưu đãi đối với những dự án, doanh nghiệp có liên quan đến ngành lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư trong khi đó chưa chú trọng đến qui mô vốn, doanh thu  của doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp hiện nay ở qui mô vừa và nhỏ, nếu chấp hành nghiêm chỉnh Luật thuế thì chi phí tuân thủ của loại doanh nghiệp này ở mức cao. Ngoài ra, cũng do chưa nhận được ưu đãi thuế theo pháp luật, gánh nặng về thuế khiến cho doanh nghiệp thường kê khai không trung thực doanh thu và thu nhập khiến cho việc quản lý thuế đối với khu vực này còn gặp nhiều khó khăn.
 Trên thực tế, gần đây, loại doanh nghiệp này đã được giảm thuế và gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 30/2008 NQCP về giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế duy trì kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Nghị định Chính phủ cần có qui định cụ thể hơn về miễn giảm thường xuyên đối với loại hình doanh nghiệp này. Việc miễn giảm có ý nghĩa quan trọng giúp các doanh nghiệp này tập trung nhiều hơn trong đầu tư, mở rộng sản xuất. 

Ngoài ra, có thể xem xét cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ lựa chọn được miễn thuế GTGT khi đạt tới một doanh thu nhất định hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định. Nếu áp dụng một trong hai biện pháp ưu đãi này, có thể khuyến khích được doanh nghiệp tuân thủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ để được hưởng các lợi ích về thuế. Trong trường Nhà nước không đánh thuế GTGT đối với hàng hóa do doanh nghiệp bán ra hoặc dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp tới một mức doanh thu nhất định có thể tạo lợi ích cho doanh nghiệp trong xác định giá hàng hóa ở khâu cuối cùng không có thuế nhưng bù lại khi doanh nghiệp có lợi nhuận thì Nhà nước vẫn có thể được thuế TNDN, và để được hưởng lợi ích này, doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ để kê khai nộp thuế hoặc miễn thuế.
Thuế là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp nộp vào NSNN, ưu đãi cần phải song hành thực hiện nhằm hướng doanh nghiệp chuyển biến về ý thức chấp hành chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ và nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.        

3. GIẢM BỚT NHỮNG THỦ TỤC PHIỀN HÀ CHO DOANH NGHIỆP VÀ XỬ LÝ NGHIÊM KHẮC HÀNH VI PHẠM CỦA CÁN BỘ THUẾ

Nộp thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhưng cần để họ nhận thức nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền của doanh nghiệp. Quyền của doanh nghiệp cần được bảo đảm trên thực tế:

- Quyền được tạo thuận lợi trong cung cấp các thông tin về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

- Được giải quyết thuận lợi và nhanh chóng quyền yêu cầu miễn giảm thuế và hoàn thuế.

Thủ tục hành chính thuế đã được cải cách nhưng vướng mắc trong quá trình kê khai nộp thuế vẫn là một thách thức đối với ngành thuế. Khi cơ quan thuế và cán bộ thuế là người được Nhà nước ủy quyền quyết định mức thuế phải nộp của doanh nghiệp thì việc ban hành quyết định này phải trên tinh thần chí công, vô tư, không thể mắc sai lầm dẫn đến mất niềm tin đối với người nộp thuế và nhân dân nói chung. Bên cạnh việc trao quyền cho cơ quan thuế và cán bộ thuế, cần thiết lập cơ quan độc lập trong kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của cán bộ thuế, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm của người có thẩm quyền và công khai hóa nội dung xử lý. Một trong những giải pháp để giám sát tuân thủ có hiệu quả thì các Nghị định về Thuế của Chính phủ phải được qui định chi tiết có thể áp dụng được. Thông tư của Bộ tài chỉnh chỉ nên dừng lại là văn bản giải thích thủ tục có liên quan đến xác định cách tính thuế đối với các trường hợp. 

_____________________

[1] Năm 2010, cả nước có 496.101 doanh nghiệp vừa và nhỏ, với số vốn điều lệ là 2.313.857 tỷ đồng. DNVVN chiếm 97% tổng số lượng doanh nghiệp, sử dụng 50% lực lượng lao động và đóng góp 40% vào GDP.

 

 

Các văn bản liên quan