Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy – Bạc Liêu

Thứ Hai 10:07 22-11-2010

Kính thưa Đoàn Chủ toạ.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin đóng góp với Dự thảo Luật lưu trữ 4 ý như sau.

Trước hết, tôi hiểu lưu trữ ngoài chức năng bảo quản, thu thập thì lưu trữ còn phải hướng đến một chức năng mà tôi cho rằng cũng hết sức quan trọng đó là chia sẻ, khai thác và sử dụng các tài liệu đã được lưu trữ, tất nhiên ở đây phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định. Tôi nghĩ nếu ta làm không tốt công đoạn sau tức là phần chia sẻ khai thác, sử dụng tôi nghĩ rằng ý nghĩa của việc lưu trữ cũng sẽ rất hạn chế. Ngoài ra tôi suy nghĩ rằng lưu trữ cũng phải đóng góp để làm sao hạn chế việc thất thoát các tư liệu, đặc biệt là các tư liệu quý hiếm. Góc nhìn của tôi thì việc thất thoát không phải theo nghĩa thất thoát về mặt vật lý mà thất thoát ở đây theo nghĩa là: mặc dù về mặt vật lý thì các tài liệu, các tư liệu đó vẫn được lưu giữ, vẫn được hiện hữu đâu đó nhưng do công tác quản lý của ta chưa tốt, cụ thể là có thể chúng ta không giao nộp, vẫn tiếp tục bó gói, chất đống như tình trạng hiện nay, không mô tả, không xác định giá trị, không tổ chức lưu trữ theo những chuẩn nhất định thì tôi nghĩ rằng việc lưu trữ của chúng ta có thể rất nhiều tư liệu nhưng thông tin cần thiết thì đi tìm rất vất vả, không thấy. Hay nói một cách khác là có thực trạng không biết hiện nay ta đang có những thông tin gì trong lưu trữ. Tôi cho đây là 2 nguyên tắc theo tôi trong dự án luật cũng cố gắng bám theo.

Ý thứ hai. Với suy nghĩ như trên, tôi góp ý cho việc quản lý phông lưu trữ của cơ quan Đảng và phông lưu trữ của Nhà nước. Quan điểm của tôi là không nhất thiết phải hợp nhất hai hệ thống lưu trữ này. Lý do tôi đưa ra là do: thứ nhất là tính đặc thù trong hệ thống của chúng ta cộng với kết quả thực hiện Pháp lệnh lưu trữ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra từ năm 2001 đã qua 9 năm thực hiện. Gần đây, vào đầu năm 2009 thì Ban Bí thư đã ban hành quy định về phông lưu trữ của cơ quan Đảng trong đó có mô tả phông lưu trữ cũng như tổ chức các cơ quan lưu trữ của cơ quan Đảng từ Trung ương cho đến cấp tỉnh và cấp huyện. Ngoài ra lý do quan trọng hơn theo tôi, như Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật mà tôi rất tâm đắc là: việc hợp nhất ở đây không thuần túy là việc sáp nhập một cách cơ học mà ở đây chính là phải xây dựng một cơ chế quản lý thống nhất, bao gồm từ quy chế lập hồ sơ, nộp hồ sơ, chỉnh lý, xác định giá trị, giải mật, bảo quản, thống kê. Đặc biệt đó là xây dựng và ban hành những chuẩn chung và được chia sẻ. Như thế, theo tôi hiểu tức là các đơn vị, các tổ chức khác nhau trong đó có bên Nhà nước, có bên cơ quan là hoàn toàn có thể sử dụng những chuẩn chung này, có thể mở rộng, có thể nối dài những đặc thù hệ thống riêng của mình. Như vậy, vừa đảm bảo được phần chung cũng như tôn trọng phần riêng của mỗi một hệ thống, đặc biệt là tạo thuận lợi cho công tác quản lý, thống kê, chia sẻ, khai thác, sử dụng và kể cả trong hệ thống thư viện hoặc hệ thống bảo tàng nếu ta sử dụng những chuẩn chung này thì ta hoàn toàn có thể chia sẻ được những thông tin đó.

Như thế mặc dù có sự khác biệt, có sự phân tán về mặt vật lý nhưng tôi cho rằng ngày nay với tiến bộ của khoa học, công nghệ và đặc biệt như nhiều đại biểu cũng đã phát biểu đó là các ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống mạng internet thì chúng ta hoàn toàn có thể quản lý tốt được hệ thống. Như vậy, tôi nghĩ rằng các điều, khoản ở đây tôi không nói cụ thể nhưng trong Chương II, Chương III, Chương IV và đặc biệt đó là Chương II, Chương III thì các vấn đề liên quan đến thu thập, lưu trữ trong đó bao gồm lập hồ sơ, nộp hồ sơ, phân loại, chỉnh lý v.v...thì cần phải được cụ thể hóa và tránh bỏ ngỏ mức khung như ở trong dự thảo luật và giao cho Chính phủ quá nhiều.

Vấn đề thứ ba, về chính sách của Nhà nước lưu trữ ở Điều 5 thì tôi không biết được chính sách của Ban soạn thảo nêu ở trong luật có khuyến khích các cá nhân, các dòng họ giao nộp, rồi cung tiến, rồi công đức cho lưu trữ các tài liệu có giá trị đối với quốc gia và xác định vấn đề quyền sở hữu đối với các giá trị, các tài liệu có giá trị đó không. Tôi đọc và thấy ở Điều 41 có khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho công việc, công tác lưu trữ, vậy thì từ Điều 41 liệu ta có đưa vào trong này coi đó như là một chính sách của Nhà nước hay không. Đây là những ý tôi cho rằng Ban soạn thảo có thể cân nhắc thêm.

Bên cạnh đó, tôi hoàn toàn nhất trí với việc Nhà nước bảo đảm ngân sách và nguồn lực và các điều kiện khác cho công tác lưu trữ. Ở Khoản 3, Điều 41, trong dự thảo luật cũng đã xác định kinh phí cho công tác lưu trữ tôi hoàn toàn nhất trí ở ý này. Tuy nhiên, góc độ tôi muốn góp ý ở đây là tôi có thể chưa hiểu đúng ý của Ban soạn thảo liệu chỉ có đầu tư nguồn lực cho công đoạn bảo vệ, bảo quản an toàn và sử dụng, tôi trích nguyên ở trong dự thảo luật hay không? Bởi vì tôi đọc dự thảo và tôi hiểu bảo vệ và bảo quản các tài liệu này có lẽ nó vẫn hơi tập trung vào góc nhìn vật lý của tài liệu lưu trữ. Bảo vệ, bảo quản ở đây, tôi nghĩ rằng không bao gồm việc thu thập, trong đó có rất nhiều công đoạn quan trọng như phân loại, chỉnh lý, xác định giá trị v.v... Và những công đoạn, chúng tôi nghĩ có tính chất ngữ nghĩa như thế này thực ra nó cũng đòi hỏi một nguồn lực cũng không kém, thậm chí có khi hơn cả phần vật lý và nếu đúng như vậy thì tôi cho rằng Ban Soạn thảo có thể lưu ý và viết lại theo ý này theo hướng là các công đoạn này cũng cần phải đảm bảo kinh phí và vai trò ứng dụng khoa học công nghệ như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu.

Ý thứ tư, tôi góp ý về xã hội hóa dịch vụ lưu trữ ở Điều 40, tôi nhất trí với việc xã hội hóa dịch vụ lưu trữ, khía cạnh tôi muốn đóng góp ở đây đó là Điểm d ở trong Khoản 1 khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ thì tôi băn khoăn chữ "các" ở đây. Tôi đọc Điều 40 này thì tôi thấy Khoản 2 Ban Soạn thảo cũng đã có một ràng buộc để chất lượng dịch vụ, nhưng tôi cho rằng có lẽ ta cũng không nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tất cả các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, vì tôi cho rằng có những công đoạn nghiệp vụ lưu trữ cũng hết sức quan trọng. Ví dụ, xác định giá trị, thời hạn bảo quản, ví dụ giải mật, công bố v.v... Có ý nghĩa quan trọng như vậy thì có lẽ chúng ta cũng cần thận trọng hơn về Khoản d này. Theo tôi có lẽ nên lựa chọn một số các dịch vụ lưu trữ có thể xã hội hóa và đặc biệt xác định lộ trình sao cho nó phù hợp với trình độ quản lý cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan