Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Hai 10:06 22-11-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Liên quan đến Luật lưu trữ tôi xin tham gia một số ý sau đây:

Thứ nhất, là một số vấn đề cụ thể, trong luật này chúng ta xác định có nhiều quy định giao cho Chính phủ như trong Báo cáo của Uỷ ban Pháp luật đã nêu, tôi đề nghị chúng ta nên chỉnh lý điều này để chúng ta quy định cụ thể vào trong luật, thì sẽ tốt hơn. Trong đó có những quy định về xã hội hóa, công tác xã hội hóa về lưu trữ tôi cũng đề nghị chúng ta cân nhắc xem thử loại hình nào, dịch vụ nào, công việc nào nên xã hội hóa để cho  nhân dân cộng đồng chúng ta làm, các tổ chức khác làm tốt hơn, thì tôi đề nghị chúng ta phải cân nhắc như trong ý kiến của Ủy ban pháp luật, chúng tôi đã tham gia vấn đề này.

Vấn đề quan trọng nữa là để cho tài liệu lưu trữ vừa bảo quản tốt, giữ gìn tốt và khi được giải mật rồi giữ gìn giá trị của nó thì Hội đồng xác định giá trị tài liệu, tôi đề nghị chúng ta không lộ rõ ra như trong quy định của dự thảo thì tôi thấy đã nêu được một số ý tưởng. Nhưng theo tôi cần phải xác định rõ tài liệu nào là lưu giữ thì thành phần cũng có thể gọn nhẹ mà trong chức danh của cơ quan. Tôi đề nghị không ghi là Chánh văn phòng, phó văn phòng hoặc Trưởng phòng hành chính tổ chức gì trong đấy là nó cụ thể quá mà chúng ta ghi là người đứng đầu những cơ quan, tổ chức đó người ta xác định tài liệu lưu giữ. Đặc biệt là Hội đồng xác định tài liệu lưu trữ, tôi đề nghị phải thành lập một Hội đồng cẩn thận, hết sức thận trọng với những lãnh đạo của cơ quan, đơn vị đấy và có những chuyên gia đầu ngành hiểu sâu về lĩnh vực đấy để chúng ta xác định tài liệu cho nó chính xác, nhất là sau khi xác định mà đem tiêu hủy, vấn đề này rất hệ trọng. Đây là quy định bắt buộc phải quy định rõ trong luật, sau đó nếu có vấn đề gì cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn để đảm bảo giá trị của tài liệu, nhất là sau khi hội đồng thẩm định và phải tiêu hủy.

Vấn đề nữa, để góp phần cải cách hành chính, Khoản 4, Điều 32 việc chứng thực lưu trữ, bản sao, bản gốc, tôi dề nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, tôi nghĩ không cần thao tác như vậy, Luật Công chứng có rồi, chỉ cần Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định việc chứng thực này là được.

Tiếp nữa, từ nãy đến giờ đại biểu Quốc hội tham gia, nhất là đại biểu Vũ Hồng Anh, tôi tán thành với nhiều quan điểm, chúng ta quy định lưu trữ quốc gia chia ra lưu trữ Nhà nước và lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm quốc gia và Nhà nước khác nhau chỗ nào. Chúng ta muốn chia lưu trữ Nhà nước với lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam cho nên chúng ta mới có lưu trữ quốc gia? Xét về tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp như thế nào, Nhà nước cũng theo tiếng đó dịch ra như thế nào, hay xét về mặt địa lý, chính trị, dân tộc thực thể quốc gia là một chủ thể, chủ quyền có dân cư, có ngôn ngữ, có văn hóa. Còn Nhà nước theo tôi hiểu thì là một thiết kế bộ máy Nhà nước. Như vậy liệu quốc gia có tài liệu lưu trữ không? Từ đó chúng ta mới giải quyết được bài toán bất cập ở chỗ Pháp lệnh lưu trữ đã qua nhiều năm rồi có quy định này để nhập lại lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam và lưu trữ nhà nước làm thành một, nhưng không làm được bởi vì nó vướng. Cho nên tôi đề nghị trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp này cần làm rõ khái niệm đó để chúng ta quy định cụ thể.

Thực tế lưu trữ của Đảng đang tồn tại ổn định và phát triển theo chỉ thị và quy định của Ban bí thư. Chúng ta tiếp tục mô hình này bên cạnh lưu trữ của nhà nước. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì vướng tại Điều 4 dự thảo luật, đó là nhà nước thống nhất quản lý nhà nước về công tác lưu trữ; Thống nhất quản lý ở đây có cả thanh tra, kiểm tra. Nếu như tồn tại lưu trữ của Trung ương hiện nay là Cục lưu trữ Trung ương thì nhà nước có vào thanh tra, kiểm tra ở đây được không? Lưu trữ Trung ương còn có việc quản lý nhà nước nữa là có trách nhiệm báo cáo, thống kê tài liệu với cơ quan quản lý nhà nước. Mô hình này giống như ở Trung Quốc người ta quy định. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này thì rất khó trong luật tới đây.

Tôi đề nghị nếu chúng ta xác định tồn tại 2 hệ thống này thì tiếp đến phải tính luôn đến việc các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các đoàn thể chính trị theo hệ thống của Đảng và cũng phải quy định tài liệu lưu trữ của các ngành như kiểm sát, tòa án, ngoại giao v.v... cần phải lưu trữ, quy định cụ thể hơn, không thể chúng ta quét một câu như thế là cũng chưa đảm bảo lắm về việc thực thi, tính khả thi của luật trong thời gian tới mà những ngành như Toà án, kiểm sát lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản án, giấy tờ rất quan trọng và nó ảnh hưởng tới cả sinh mạng con người trong bao nhiêu năm.

Vấn đề cuối cùng, việc giải quyết độ mật. Tôi đề nghị chúng ta cũng nên tham khảo ý kiến của các nước, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, đồng thời cũng phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam. Bởi vì trên thế giới cũng không có mô hình nào chuẩn hết, có nước là 20 năm, có nước 50 năm, có nước 30-40 năm. Tôi đề nghị chúng ta cân nhắc vấn đề này để quy định cụ thể trong luật của chúng ta đảm bảo tính khả thi và đảm bảo việc khai thác, sử dụng, tiếp cận thông tin của công chúng khi tài liệu được giải mật. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan