Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Đức Mạnh – Bình Phước

Thứ Hai 10:05 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi hoàn toàn tán thành với việc ban hành luật về lưu trữ của chúng ta. Bởi vì trên thực tế chúng ta đã có Pháp lệnh ban hành năm 2001, lần này thì chúng ta nâng pháp lệnh thành luật để tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn trong hoạt động lưu trữ của chúng ta.

Vấn đề quan trong hơn nữa, theo chúng tôi quan niệm, là giá trị về lịch sử, về văn hóa, về giáo dục, về phục vụ công tác nghiên cứu của các tài liệu mà chúng ta có được. Chúng tôi quan niệm là tài liệu này thì rõ ràng nó có thể là những tài liệu bình thường của ngày hôm nay, nhưng trải qua năm tháng thì đấy sẽ là những tài liệu hết sức vô giá cho bao nhiêu thế, hệ cho con cháu chúng ta sau này. Chính vì vậy, cùng với việc chúng ta nhận thấy những bất cập trong hoạt động lưu trữ hiện nay, thì việc ban hành đạo luật này là hết sức cần thiết, hơn thế nữa đề cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác lưu trữ của chúng ta. Chúng tôi nhận thấy về cơ bản dự án luật này phần nào đã có những quy định hết sức cụ thể và đầy đủ, nhưng đây là dự án luật lần đầu tiên được thảo luận tại Quốc hội, chúng tôi xin được tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, chúng tôi cảm nhận trong dự án luật này thì phần về tài liệu lưu trữ dạng điện tử chưa được đề cập đúng mức. Hiện nay, báo cáo Quốc hội, kể cả những bài phát biểu của chúng ta ngày hôm nay thì được lưu giữ và được gửi đến các đại biểu có thể dưới dạng bằng giấy hoặc bản gỡ băng, bản điện tử. Vậy những tài liệu điện tử này thì rõ ràng phải đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ bảo quản hết sức khoa học. Đồng thời chúng ta nhận thấy tài liệu lưu trữ như thế thì không phải chỉ là có bản gốc, mà phải có sự chứng thực nào đấy thì mới trở thành bản gốc được. Nhưng nếu chúng ta không có cách giữ gìn và bảo quản những tài liệu, kể cả những phiên thảo luận tại Hội trường như ngày hôm nay thì sau này muốn tìm lại lịch sử hoạt động của Quốc hội, lịch sử lập pháp, lịch sử phát triển của vấn đề thì chúng ta sẽ hết sức khó khăn.

Cho nên ý đầu tiên chúng tôi muốn trong dự án luật này cần phải đề cập nhiều hơn nữa vấn đề bảo quản tài liệu lưu trữ dưới dạng điện tử và cùng với ý này chúng tôi đề nghị trong dự án luật này, chúng ta phải chú trọng hơn nữa vấn đề áp dụng kỹ thuật, tiến bộ khoa học trong công tác lưu trữ. Đọc dự án luật này, chúng tôi có cảm nhận rằng chúng ta vẫn làm theo cách thông thường, làm như hiện tại, tức là tổ chức lưu giữ về giao nộp tài liệu và chúng ta chưa biết ứng dụng những biện pháp khoa học kỹ thuật.

Báo cáo đại biểu Quốc hội, hiện nay ở các nước người ta đã tiến rất mạnh và việc chuyển tài liệu từ bản giấy sang bản điện tử nhất là số hóa lưu dưới dạng micrô, phim. Như vậy có thể bảo quản vĩnh viễn lâu đời. Đấy là ý kiến chúng tôi đề nghị chúng ta cần phải chú trọng hơn nữa.

Vấn đề nữa chúng tôi cũng rất quan tâm trong dự án luật này, chúng ta đã có những qui định như thế nào để đề cao trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong công tác lưu trữ và nhất là phát huy và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác lưu trữ. Rất tiếc trong dự án luật này thì chúng ta chỉ có một điều ở Điều 42 về người làm công tác lưu trữ. Ở đây rõ ràng không rõ là những người ấy, những người được giao làm công tác lưu trữ phải có tiêu chuẩn và trình độ kỹ năng nghề nghiệp như thế nào? Họ phải được đào tạo qua những trường lớp là như thế nào? cần nhất nữa quyền lợi, nhiệm vụ, trách nhiệm của những người làm công tác lưu trữ.

Tôi thiết nghĩ rằng mỗi cơ quan của chúng ta đều có bộ phận làm công tác lưu trữ, nhưng mà không phải ai cũng có thể làm được công tác lưu trữ, vì có thể sắp xếp, bố trí lại biên chế, rồi những người có thể thành thạo những công việc khác thì làm công tác lưu trữ để lưu gữu hồ sơ tài liệu. Đây không phải là những đội ngũ được đào tạo cơ bản, chính quy và chúng ta đang càng ngày càng nâng cao chất lượng của đội ngũ công tác này. Chúng tôi đề nghị phần này phải viết bổ sung thêm có những điều khoản quy định về trách nhiệm, quyền hạn của người làm công tác lưu trữ.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng quản lý công tác lưu trữ không thể chỉ theo cấp hành chính, chúng ta có phân cấp là cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Vì có rất nhiều tài liệu lưu trữ có giá trị, có thể nói xuất phát điểm là từ những phong trào, từ những sáng kiến, từ cơ sở, từ địa phương, có thể nói là từ cấp xã. Chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu sự kiện xảy ra trong đời sống chính trị của nước ta như trong các cuộc khởi nghĩa ở cấp xã, từ các phong trào khoán ở cấp xã, nếu chúng ta chỉ quy định lưu trữ lịch sử đến cấp huyện mà chúng ta bỏ qua cấp xã, chúng tôi cho rằng đó là một sự không công bằng và chúng ta chưa nhìn nhận được hết những giá trị của những tài liệu lưu trữ xuất phát từ cơ sở, từ địa bàn. Ở đây chúng tôi muốn chúng ta nên quy định lưu trữ lịch sử ở cả cấp xã còn khả năng chúng ta triển khai trên thực tế đến đâu, đó là điều chúng ta cần cố gắng để làm. Nếu không đưa cấp xã vào đây thì vô hình chung chúng ta đã bỏ qua một cấp rất quan trọng trong tổ chức hệ thống chính trị của chúng ta và không được nhìn nhận một cách đúng mức.

Cuối cùng, chúng tôi thấy trong dự án luật này có rất nhiều điều khoản được quy định chi tiết nhưng bên cạnh đó cũng có những điều khoản chưa được quy định một cách cụ thể. Tôi lấy ví dụ những điều khoản như Điều 43 về hiệu lực thi hành, trước đây có đại biểu đã nói là không rõ ngày tháng có hiệu lực thi hành của dự án luật này. Tôi cũng không thấy rõ trong dự án luật này hành vi vi phạm pháp luật về lưu trữ là những hành vi cụ thể nào. Ở đây rõ ràng chúng ta phải xác định rõ hành vi vi phạm, không chỉ để xử phạt hành chính mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi lấy ví dụ trường hợp chúng ta sử dụng, bảo quản tài liệu lưu trữ quốc gia không đúng hoặc cá biệt có trường hợp mang tài liệu ra nước ngoài sử dụng và giải mật không đúng quy trình, rõ ràng đây là những hành vi chúng ta cần phải quy định rõ trong dự án luật này.

Một vấn đề liên quan nữa là về việc sử dụng tài liệu lưu trữ tại cơ quan ở Điều 30. Chúng ta đã có bộ phận cán bộ làm lưu trữ, cho nên ở đây rõ ràng là phải đề cao trách nhiệm của cán bộ làm công tác lưu trữ. Điều 30 hiện nay quy định việc sử dụng tài liệu lưu trữ là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tôi nghĩ không phải lúc nào, trong bất cứ trường hợp nào cũng phải xin phép người đứng đầu cơ quan Nhà nước mà chính là phải phát huy vai trò của cán bộ làm công tác lưu trữ. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan