Góp ý của Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Bình – Yên Bái

Thứ Hai 10:01 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự án Luật Lưu trữ như sau:

Trước hết, tôi nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lưu trữ như phân tích trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật. Thực tế công tác lưu trữ trông thời gian qua còn nhiều bất cập, mặc dù Nhà nước ta có nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về lưu trữ nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế, nhận thức của người dân kể cả cán bộ công chức hầu như chưa quan tâm đến công tác lưu trữ. Do vậy, số lượng tài liệu lưu trữ trong các lưu trữ lịch sử có rất ít so với bề dày lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhiều vấn đề lịch sử chưa có cơ sở làm sáng tỏ. Những bất cập này đã làm hạn chế việc am hiểu truyền thống lịch sử cũng như công tác nghiên cứu khoa học của chúng ta.

Qua nghiên cứu báo cáo đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh lưu trữ trong 9 năm qua, chúng ta còn một số bất cập như việc quản lý chưa tập trung, chưa thống nhất, từ đó việc quản lý khai thác hồ sơ, tài liệu có nhiều hạn chế, ví dụ tài liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam, tài liệu về lịch sử văn hóa, an ninh quốc phòng v.v... Hệ thống quản lý còn phân tán, chưa tập trung, trong quản lý tài liệu của Bộ, ngành, cơ quan nào do Bộ, ngành, cơ quan đó lưu trữ. Khi cần có một tài liệu mang tính tổng hợp, có hệ thống hoặc cần những tài liệu cần so sánh với các năm trước thì rất khó khăn, thậm chí không thể tìm được nên việc khai thác các tài liệu lưu trữ chưa được phát huy hiệu quả cao. Về các vấn đề cụ thể, tôi xin tham gia một số điều theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp như sau.

Một là về quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Chúng ta thấy rằng trong thời gian qua công tác lưu trữ còn phân tán, theo tôi nên chỉ có một phông lưu trữ chung là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, trong đó có cả phông lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam, lưu trữ của Nhà nước Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác. Trong dịp xây dựng luật lần này chúng ta nên thống nhất về cơ chế quản lý để khắc phục những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo nghiệp vụ, đồng thời tạo ra một chính sách và quy trình khai thác nguồn tài liệu quý giá của quốc gia.

Hai là về tổ chức lưu trữ lịch sử, tôi thống nhất như dự thảo chỉ có tổ chức lưu trữ lịch sử ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Vì lưu trữ ở cấp Trung ương và cấp tỉnh liên quan đến con người, vật chất, trang thiết bị, lưu trữ lịch sử là rất quan trọng, là căn cứ để chúng ta biết được lịch sử phát triển của đất nước ta, sự biến động của lịch sử, giá trị văn hóa lịch sử nước ta như thế nào. Đồng thời ở cấp Trung ương và cấp tỉnh có điều kiện về kho lưu trữ hơn, khi lưu trữ lịch sử bị mất đi cũng là mất đi một giá trị văn hóa vô cùng quan trọng, thực tế thời gian qua đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên ở cấp huyện lâu nay vẫn thực hiện nhiệm vụ khai thác, bảo quản, sử dụng tài liệu, trong dự thảo luật không quy định tổ chức lưu trữ lịch sử ở cấp huyện. Điểm này tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm, nếu không tổ chức lưu trữ ở cấp huyện chuyển lên cấp tỉnh thì như thế nào. Cần có phương án xử lý nếu không chúng ta sẽ mất đi một nguồn tài liệu rất lớn và rất quan trọng.

Ba là ở Khoản 4, Điều 16 quy định về Hội đồng xác định giá trị tài liệu, với tầm quan trọng của các tài liệu lưu trữ nếu chúng ta không có một hội đồng để xác định giá trị tài liệu thì sẽ dẫn đến lưu trữ một cách tràn lan, có thể có những tài liệu rất có giá trị nhưng chúng ta không hiểu hết giá trị của nó. Theo tôi nên có một hội đồng từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện như dự thảo luật để xác định từng loại tài liệu cần lưu trữ, những tài liệu nào cần lưu trữ vĩnh viễn, không phải hủy bỏ và những tài liệu nào lưu trữ có thời hạn. Ví dụ những tài liệu liên quan đến giá trị văn hóa chúng ta phải lưu trữ vĩnh viễn như những văn bản hay những di chỉ được lưu trữ từ xa xưa và rất cần lưu trữ cho hôm nay và mai sau. Những tài liệu này chỉ có những nhà khoa học nghiên cứu sâu về lĩnh vực này mới hiểu được giá trị đích thực của nó.

Tôi nhất trí cần có một hội đồng để xác định giá trị tài liệu, tuy nhiên tùy từng cấp mà chúng ta quy định thành viên Hội đồng sao cho hợp lý, như trong dự thảo tôi thấy còn chung chung, chưa được rõ ràng, quy định thành phần trong Hội đồng còn quá cứng, như thế sẽ rất khó để thực hiện. Theo tôi luật cần quy định chế tài đối với hành vi vi phạm như việc làm mất tài liệu lưu trữ, đặc biệt là những tài liệu lưu trữ quý hiếm.

Bốn là về xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ, tôi nhất trí với dự thảo về vấn đề xã hội hóa, hiện nay những cơ quan lưu trữ tài liệu Nhà nước có những tài liệu mang tính phổ biến cần được công khai với công chúng thì sẽ tạo điều kiện cho mọi người có nhu cầu khai thác, nghiên cứu. Khi mọi người đều được khai thác thì nó phải được xã hội hóa, tuy nhiên đọc dự thảo tôi thấy còn chưa cụ thể, cần quy định rõ và chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về các điều kiện đối với người muốn tham gia vào công tác lưu trữ.

Năm, tại Điều 42 qui định về người làm công tác lưu trữ. Một trong những yếu tố góp phần tạo cho tài liệu lưu trữ phát huy hiệu quả cao thì chính là những người trực tiếp làm công tác lưu trữ, nhưng trong dự thảo luật chỉ có một điều qui định rất chung chung về người làm công tác lưu trữ. Hiện nay mỗi cơ quan đều bố trí người làm công tác lưu trữ và làm khá tốt. Một số cơ quan do khó khăn về cơ sở vật chất mà không bố trí được kho lưu trữ tài liệu riêng, nên những cán bộ làm công tác lưu trữ trong những cơ quan này thì không được hưởng phụ cấp nghề theo qui định. Tôi thấy trong dự thảo qui định phụ cấp nghề cho những công chức này tôi rất đồng tình. Bên cạnh đó tôi đề nghị luật cần qui định thêm về trách nhiệm, quyền hạn của những người làm công tác lưu trữ.

Ý kiến cuối cùng, tôi đề nghị cần bổ sung các qui định về tu bổ, phục chế tài liệu vào dự thảo luật. Như chúng ta biết tài liệu lưu trữ, đặc biệt là những tài liệu lưu trữ lịch sử thường được bảo quản trong một thời gian dài, nên việc hư hỏng do thời tiết, do thời gian và cách bảo quản là việc rất thường xuyên xảy ra, cho nên cần bổ sung vấn đề này vào trong luật để lưu giữ được giá trị lịch sử và khuyến khích các chuyên gia trong lĩnh vực này. Đây là một số ý kiến tôi xin tham gia vào dự án Luật lưu trữ, tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan