Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Nguyên – Hải Dương

Thứ Hai 10:01 22-11-2010

Kính thưa các đồng chí Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản đồng tình với Dự án Luật lưu trữ và các tài liệu có liên quan đã trình các đại biểu Quốc hội thảo luận và xem xét. Tôi xin tham gia vào ba vấn đề sau đây:

Vấn đề thứ nhất, xung quanh sự cần thiết phải ban hành Luật lưu trữ. Tôi nhất trí cách đặt vấn đề về sự cần thiết ban hành Luật lưu trữ và thấy rằng lưu trữ là lĩnh vực cực kỳ quan trọng của mỗi quốc gia và dân tộc, nhằm giữ gìn, bảo tồn và khai thác các tài liệu quý và cả các tài liệu đặc biệt quý, cả vật thể và phi vật thể của quốc gia dân tộc, của các cơ quan, tổ chức và của các dòng tộc và cá nhân, trên các tất cả các lĩnh vực về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, khoa học kỹ thuật v.v…. Ở một góc độ nào đó nếu lĩnh vực lưu trữ thực hiện tốt qua các phông lưu trữ sẽ toát lên cả một nền văn minh quốc gia, cả một lịch sử dân tộc, các giá trị lịch sử truyền thống của đất nước sẽ được tái hiện thông qua giá trị các tài liệu và các vật lưu trữ. Công tác lưu trữ càng tốt, càng đầy đủ thì giá trị của nền văn hiến, lịch sử dân tộc, lịch sử quốc gia càng sâu sắc hơn và sẽ có tác dụng to lớn trong giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau, phục vụ tốt hơn công cuộc xây dựng Tổ quốc trong tình hình mới. Sau hơn 9 năm thực hiện Pháp lệnh Lưu trữ, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đã rút ra được nhiều bài học quý cả về lý luận và thực tiễn của công tác lưu trữ. Song công tác lưu trữ quốc gia cũng đã và đang bộc lộ một số bất cập và hạn chế. Theo tôi đáng chú ý là văn bản pháp luật về lưu trữ của chúng ta hiện nay mới chỉ là pháp lệnh, nhiều nội dung chưa được đề cập hoặc đề cập nhưng chưa rõ, chưa đủ sức điều chỉnh tất cả các vấn đề xung quanh công tác lưu trữ trong tình hình mới. Các văn bản dưới luật thì chưa đồng bộ, chưa điều chỉnh hết các vấn đề như hệ thống tổ chức bộ máy lưu trữ ở các cấp và các ngành. Việc đăng ký bảo hộ và lưu trữ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và dòng tộc cũng xác định chưa rõ. Tổ chức bộ máy lưu trữ cụ thể ở các cấp, các ngành hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu công tác lưu trữ trong tình hình mới. Công tác lưu trữ đang còn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu các quy định và các chế tài cụ thể.

Các phát sinh mới trong công tác lưu trữ như việc sử dụng công nghệ số, điện tử, thông tin, công nghệ thông tin, công tác xã hội hóa, thủ tục tiếp cận tài liệu lưu trữ, thời gian giải mật, công tác thanh tra và một số vấn đề khác chưa được điều chỉnh rõ trong Pháp lệnh lưu trữ quốc gia 2001. Dự án Luật lưu trữ lần này đã có nhiều phát triển mới, điều chỉnh toàn diện hơn các vấn đề do yêu cầu xây dựng và phát triển công tác lưu trữ của nước ta, khắc phục được các bất cập như đã nêu trên.

Vấn đề thứ hai, về tổ chức bộ máy lưu trữ quốc gia. Tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét mô hình cả nước chỉ có một bộ máy giúp Đảng và Chính phủ quản lý lưu trữ quốc gia thống nhất nằm trong Bộ Nội vụ, dưới đó là 2 cơ quan lưu trữ của Đảng và cơ quan lưu trữ của Nhà nước. Ở từng cấp hành chính nên làm rõ cơ quan lưu trữ và nhiệm vụ lưu trữ ở từng phông lưu chữ của Đảng và của Nhà nước ở từng cấp tương ứng. Đối với quân đội nhân dân thì do tổ chức biên chế lực lượng vũ trang mang tính đặc thù có các quân khu, quân chủng, các binh chủng, quân đoàn, sư đoàn, các bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và các lữ đoàn v.v... công tác lưu trữ đã và đang làm theo các văn bản của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, song trong luật này tôi chưa thấy có nội dung nào đề cập tới công tác lưu trữ của lực lượng đặc thù này.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên thiết kế một điều nêu về nguyên tắc thực hiện công tác lưu trữ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Vì công tác lưu trữ của 2 lực lượng này mang tính đặc thù và cực kỳ quan trọng. Các vấn đề cụ thể sẽ giao cho Chính phủ quy định và hướng dẫn ở các văn bản dưới luật.

Vấn đề thứ ba, tại Điều 6 quản lý tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ. Điều này đã làm rất rõ các danh mục tài liệu có giá trị cần lưu trữ và việc đăng ký hướng dẫn kỹ thuật việc hiến tặng, ký gửi, mua bán. Song chưa làm rõ được các tài liệu đó nằm trong phông lưu trữ nào quản lý. Và có rất nhiều tài liệu của dòng tộc, của tộc phả và cá nhân quản lý nhưng có giá trị đặc biệt quý hiếm với Quốc gia thì Nhà nước có quản lý không và đăng ký khai thác sử dụng như thế nào? Tôi đề nghị làm rõ và chặt chẽ nội dung này trong luật.

Tại Điều 8, Khoản 5 và Điều 15, Khoản 3 tôi đề nghị giao Chính phủ quy định và hướng dẫn việc thực hiện luật, không nên giao trực tiếp cho Bộ  Nội vụ như ghi trong dự thảo và một số điều khác đều giao cho Bộ Tài chính hoặc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông chẳng hạn, thì nên giao Chính phủ và đương nhiên các bộ chủ trì từng lĩnh vực thì sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Tại Điều 16, Khoản 4 và Điều 17, Khoản 4, Điểm b, đều nêu và giao cho hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ, hội đồng này do người đứng đầu cơ quan tổ chức quyết định và thành lập. Tôi đề nghị cần làm rõ tổ chức, hội đồng này gồm những thành phần nào, phải có các nhà khoa học, các chuyên gia có chuyên môn cao ở từng lĩnh vực tương ứng, tài liệu cần xác định giá trị, tham gia hội đồng. Cần làm rõ nhiệm vụ hội đồng, chức năng và trách nhiệm của hội đồng, ai làm chủ tịch hội đồng và các tài liệu, biên bản của hội đồng tư vấn này. Ban soạn thảo nên thiết kế nội dung nêu trên vào luật để xác định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ và khai thác giải mật vì đây là nội dung hết sức quan trọng.

Điều 36. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về lưu trữ. Ở Khoản 2, Điều 36, tôi đề nghị bỏ từ "có trách nhiệm" thay vào đó là từ "chủ trì" đọc lại sẽ là "Bộ Nội vụ chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về lưu trữ và tài liệu thuộc phông lưu trữ quốc gia Việt Nam". Tôi đề nghị thiết kế cụ thể hơn về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm ở từng cấp lưu trữ cho phông lưu trữ của Đảng và Nhà nước ở các cấp hành chính tương ứng, các tổ chức tương ứng, có như vậy mới rõ ràng, chặt chẽ cho công tác lưu trữ quốc gia.

Cũng tại Điều 36 nên quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước ở cấp xã về lưu trữ, nên chuyển toàn bộ Điều 14 về quản lý Nhà nước ở cấp xã về Điều 36 cho đồng bộ về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở các cấp. Viết như vậy sẽ gọn và rõ cả điều nói về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở các cấp. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan