Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hồ Quốc Dũng – Bình Định

Thứ Sáu 10:23 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia mấy ý kiến vào dự thảo luật. Thứ nhất, tôi thấy dự thảo luật này chúng ta làm còn nhiều điều rất chung chung, cho nên việc vận dụng thực hiện trong thực tiễn còn rất khó. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng có thể rõ hơn để các địa phương thực hiện cho nó tốt. Ở đây tôi xin tham gia vào mấy ý.

Một, tôi đề nghị phải làm rõ một việc đó là cơ chế phối hợp liên thông trong việc giải quyết tố cáo giữa cơ quan Nhà nước và cơ quan Đảng. Bởi vì nước ta là Đảng cầm quyền, cho nên hầu hết các tố cáo là do các cơ quan Đảng thụ lý. Tôi lấy ví dụ tố cáo liên quan đến các chức danh do Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý, hầu hết là Ủy ban chúng ta làm, Nhà nước cử người tham gia, sau đó đưa ra Ban Thường vụ tỉnh ủy có kết luận. Căn cứ vào kết luận đó thì Đảng mà cách chức thì chính quyền cách chức, mà Đảng cảnh cáo thì chính quyền cảnh cáo. Thực tế báo cáo với các đồng chí cho rõ là như vậy. Cho nên bây giờ nếu các đồng chí quy định là cứ 10 ngày tố cáo thì đồng chí chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh phải thụ lý, trong khi đó Ủy ban kiểm tra người ta thụ lý, người ta làm thì mình nhảy vào làm sao được. Cho nên chúng ta phải làm rõ cơ chế này cho rõ ràng, chứ không thì sau này mình lại cho là anh em cố tình không giải quyết, không xử lý thì rất kẹt cho anh em. Tôi thấy mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết này là cần phải nói rõ. Nếu trường hợp đã có cơ quan của Đảng thụ lý giải quyết thì Nhà nước không giải quyết nữa mà chờ kết quả, chứ bây giờ làm sao mình nhảy vào được.

Vấn đề thứ hai, tôi xin tham gia là kết quả của việc giải quyết là có quyết định hay không có quyết định. Đọc hết luật này thì vấn đề cuối cùng là kết luận. Kết luận này thì không phải người có thẩm quyền kết luận mà người được giao xác minh kết luận thì kết luận đó có giá trị hay không. Kết luận có giá trị với điều kiện là được người có thẩm quyền công nhận. Ở đây chẳng hạn như Điều 29 quy định là căn cứ vào kết luận đã được xác minh thì người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp, nếu không đúng sự thật thì mình thông báo, nếu đúng sự thật thì mình áp dụng các biện pháp xử lý, theo tôi là không được. Kết quả của việc xác minh, kết luận đó là phải được người có thẩm quyền có quyết định xử lý. Người ta tố cáo 6 việc thì mình sẽ có quyết định xử lý 6 việc đó: một là đúng thì quyết định mình nói đúng. Hai là sai thì quyết định mình nói rõ là sai, kết luận này không đúng để người ta có quyền khiếu kiện lên trên hay là thế nào đó thì thẩm quyền của người tố cáo chứ chung chung căn cứ vào kết luận đó mình áp dụng các biện pháp như chỉ đạo làm thế này, thế kia giá trị pháp lý không cao. Tôi đề nghị trong Điều 28, Điều 29 quy định rõ kết quả giải quyết tố cáo phải bằng quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Vấn đề thứ ba, về bảo vệ người tố cáo, tôi thấy bảo vệ bí mật là không có cách nào bảo vệ được, không biết các địa phương khác làm sao, còn Bình Định không có trường hợp nào bảo vệ được. Một đồng chí cán bộ tố cáo Giám đốc thì phải mời người ta lên làm việc, thấy giấy mời là thấy lộ rồi. Cho nên đã tố cáo là phải chấp nhận chỉ có điều là ta có cơ chế nào đó để chúng ta bù đắp lại những thiệt thòi cho người tố cáo. Tôi thấy hầu hết những người tố cáo rất thiệt thòi.

Thứ hai, tôi thấy các biện pháp bảo vệ rất chung chung, áp dụng các biện pháp cần thiết, "biện pháp cần thiết" là biện pháp nào? Ở Bình Định chúng tôi cách đây 2 năm xảy ra một việc người tố cáo sau khi tố cáo xong không sống được, cứ 12 giờ đêm họ đem phân ném vào nhà, cuối cùng phải bỏ đi, khi bỏ đi là họ tới dỡ nhà luôn, dân khóc báo công an, công an cũng chịu vì biết ai dỡ, đến giờ phút này cũng không có cách nào giải quyết, bàn phối hợp làm sao bù đắp lại cho người ta thì các cơ quan nói không có luật nào quy định việc này cả, cho nên rất khó. Muốn trích ra một khoản nào đó để khen thưởng thì cũng không có quy định nào.

Tôi đề nghị trong việc bảo vệ quyền lợi của người tố cáo chúng ta phải hình thành một quỹ khen thưởng, để từ việc người ta tố cáo tham nhũng những khoản thu được chúng ta thành lập quỹ. Đơn cử là vừa rồi cả nước tổ chức lễ tuyên dương 88 người có công trong việc tố cáo tham nhũng, các đồng chí Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nói vừa rồi cũng làm liều thôi, thưởng mỗi người 2 triệu, bởi vì không có quy định nào cả, hôm nay luật lại càng chung chung nữa. Theo tôi phải khen thưởng xứng đáng và phải bù đắp lại những cái người ta đã bị thiệt hại trong việc người ta mạnh dạn tố cáo tham nhũng, phanh phui những vụ việc, khi làm rõ những vụ việc đó thì chúng ta phải có một cơ chế khen thưởng cho nó xứng đáng. Chứ bây giờ nếu mà chúng ta cứ nói những người có công được khen thưởng theo qui định của pháp luật, khi mà về địa phương chúng tôi áp dụng ra, hỏi biết bây giờ một bằng khen là bao nhiêu? Đồng chí có nói, dạ báo cáo anh là 200, thì 200 đâu, còn cách nào khác. Tôi suy nghĩ phải nói rõ một số ý, để địa phương thực hiện cho nó tốt, xin hết.

Các văn bản liên quan