Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Minh Hồng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 10:24 19-11-2010

Kính thưa Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Những ý kiến tôi định phát biểu cũng có nhiều đại biểu đã phát biểu trước, nhưng mà chúng tôi cũng xin thể hiện quan điểm của mình.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của Luật tố cáo, chúng tôi thấy ở Điều 1 viết, rồi Điều 3, Khoản 1, rồi thể hiện về thẩm quyền tại Điều 17, Điều 18 nó có cái gì đó thiếu nhất quán. Tại vì theo như tôi hiểu Luật tố cáo chủ yếu chúng ta giải quyết đối với những thông tin tố cáo về việc vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong khi thực hiện nhiệm vụ, hoặc của cơ quan Nhà nước khi thực hiện việc quản lý Nhà nước của mình. Nhưng mà ở Điều 3, Khoản 1, chúng ta nói tố cáo là việc công dân v.v... là tố cáo vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, thế thì cái này nó hay lẫn lộn với việc xử lý thông tin tội phạm, cho nên chúng tôi cũng đề nghị cần phải làm rõ. Bởi vì Điều 17 chúng ta xác định thẩm quyền quản lý, chúng ta cũng nói về cơ quan, tổ chức, ông thủ trưởng của cơ quan, đơn vị, hay Điều 18 chúng ta nói về thẩm quyền của cơ quan, rồi cơ quan tiến hành tố tụng, Tòa án, Viện kiểm sát, các tổ chức chính trị xã hội. Cho nên chúng tôi cho rằng chúng ta cần phải làm rõ vấn đề này, làm rõ phạm vi điều chỉnh thì người tố cáo mới biết đi đến đâu.

Điểm thứ hai, về chủ thể có quyền tố cáo, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến khác nhau, riêng tôi thấy đánh giá về một việc mà có phải là một việc vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức hay không, chúng tôi thấy việc này là nhận định của từng cá nhân. Nếu nhận định việc làm đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đơn vị mình thì chúng ta có quyền khiếu nại, khiếu nại đó là pháp nhân có quyền khiếu nại. Nhưng một cá nhân, còn có nhiều tập thể, có nhiều cá nhân trong tập thể có cùng nhận định như nhau đấy cũng không có nghĩa là một pháp nhân có quyền đó, cũng để tránh chuyện mượn danh nghĩa pháp nhân để nói ý kiến cá nhân của mình để tố cáo. Cho nên tôi cho rằng cá nhân mới có quyền tố cáo, pháp nhân không có quyền tố cáo.

Tôi xin quay lại Điều 17 và Điều 18, nói chung ta xác định đây là hành vi tố cáo đối với vi phạm pháp luật của những cán bộ, công chức. Điều 18 chúng ta lại nói đến viên chức, trong Điều 18 chúng ta lại nói đến các tổ chức chính trị xã hội. Cho nên ở đây chúng tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta đánh giá đây chủ yếu là tố cáo đối với những hành vi vi phạm có thể nói phần lớn các hoạt động của những thành viên của hệ thống chính trị của chúng ta. Cho nên, vấn đề này chúng ta cũng nên làm rõ.

Điểm thứ ba, tôi rất nhất trí với đại biểu Tiến Dũng thực ra tố cáo là gì, thực ra là chúng ta tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, của cơ quan tố tụng, của những người làm nhiệm vụ tố tụng, có thể là thành viên các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống của chúng ta. Cho nên, về bản chất đây là một thông tin, nó cũng tương tự như tin báo tội phạm, cho nên theo tôi chúng ta không cần câu lệ lắm về chuyện nặc danh hay không nặc danh, chuyện hình thức nó ý nghĩa thế nào. Chúng tôi tiếp nhận thông tin này miễn là thông tin này rõ ràng, báo cáo các đồng chí nếu thông tin rõ ràng thì có nặc danh hay không nặc danh chúng ta vẫn phải xử lý, chúng ta vẫn phải xem xét thông tin đó để giải quyết và nếu cán bộ có vi phạm thì chúng ta vẫn phải kỷ luật. Nếu có những chuyện gì cụ thể thì cơ quan Nhà nước vẫn phải xem xét để xem lại quản lý của mình. Cho nên, không tránh khỏi việc chúng ta phải xử lý thông tin, nếu thông tin đó rõ ràng, còn chỉ nói vu vơ là ông này tham nhũng, ông kia quan hệ bất chính, cái đó là vu vơ. Nhưng còn khi có những thông tin rất rõ, có địa chỉ cụ thể thì rõ ràng muốn hay không muốn chúng ta cũng phải xử lý. Cho nên, chúng tôi đề nghị cần phải quy định như vậy và ở đây thì chúng ta đừng quan tâm lắm đến chuyện nặc danh, bởi vì ai cũng muốn "đừng ném đá giấu tay", đừng đứng trong bóng tối, nhưng như nhiều đại biểu đã phân tích, thực ra rất nhiều người tố cáo là những người yếm thế, tố cáo là tố cáo cấp trên, tố cáo người này, người kia, sợ rằng mình sẽ bị hại hoặc không ảnh hưởng đến cá nhân mình thì cũng con cái mình, gia đình mình v.v... Cho nên người ta phải nặc danh, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng đơn nặc danh chúng ta cũng phải xem xét. Vấn đề là ở chỗ chúng ta phải bảo vệ người tố cáo có danh, chúng tôi cũng đồng ý với nhiều ý kiến của các đại biểu là chúng ta bảo vệ người tố cáo thế nào. Bí mật làm sao được, khi chúng ta sau khi kết luận phải gửi cơ quan thanh tra, cơ quan cấp trên và trong cơ quan mình. Có phải một mình thủ trưởng đứng ra đâu, thủ trưởng phải có bộ máy giúp việc, thủ trưởng phải phân công anh em đi xác minh và có những kết luận v.v... Tất nhiên là không phải rộng rãi, nhưng ít ra cũng phải 2, 3 người trong cơ quan được biết chuyện đó, 2, 3 người cơ quan được biết đôi khi sẽ rò rỉ thông tin, còn chưa kể các cơ quan khác. Ở đây chúng tôi nghĩ cách chúng ta làm thế nào đấy để chúng ta bảo vệ nguồn tin và xử lý thông tin về tố giác những vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và của cơ quan Nhà nước, đó mới là vấn đề quan trọng. Chúng tôi xin có một số ý kiến như vậy. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan